Khách tham quan Triển lãm “Mỹ thuật Ứng dụng sản phẩm Gốm Nam Bộ”.(Thanhuytphcm.vn) - Triển lãm “Mỹ thuật Ứng dụng sản phẩm Gốm Nam Bộ” do CLB Gốm Lái Thiêu phối hợp với Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội và các nhà sưu tập tổ chức, đang diễn ra tại Nhà Trưng bày Triển lãm TPHCM (92 Lê Thánh Tôn, Quận 1) thu hút sự chú ý của nhiều công chúng yêu thích mỹ thuật và sản phẩm gốm.
Triển lãm trưng bày khoảng 500 hiện vật của hơn 90 nhà sưu tập tư nhân đến từ 14 tỉnh thành (TPHCM, Bình Dương, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vũng Tàu).
Gốm Nam Bộ là loại gốm sản xuất ở vùng Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa, cùng các sản phẩm từ các lò gốm ở Biên Hòa - Đồng Nai và Lái Thiêu - Bình Dương sản xuất từ giữa thế kỷ 19 cho đến nay. Hiện nay, Gốm Nam Bộ được tạm phân chia thành 4 dòng: Cây Mai, Sài Gòn, Lái Thiêu và Biên Hòa. Trong đó, gốm Cây Mai – theo chân người Hoa đến vùng Chợ Lớn từ giữa thế kỷ 19 – được xem là xưa nhất với kỹ thuật chế tác vô cùng tỉ mỉ, độc đáo.
Một đặc điểm nổi bật của Triển lãm là yếu tố “minh văn trên gốm Nam Bộ” – chữ viết trên gốm, tức những câu chữ được họa sĩ vẽ gốm viết, khắc lên (có thể là niên đại, tên lò hay tên người chế tác, người đặt hàng hay tên địa danh, chức năng hay công dụng của sản phẩm, câu chúc hay một bài thơ cổ…). Chữ viết trên gốm là dạng văn tự độc đáo, dựa vào đó có thể hiểu được đời sống kinh tế, văn hóa cũng như nhu cầu thực tế xã hội đương thời nên “minh văn” là chi tiết hết sức quan trọng trong việc giám định đồ gốm đối với các nhà nghiên cứu.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 13/8.