Thứ Bảy, ngày 12 tháng 7 năm 2025

5 năm tới TPHCM dự kiến thu ngân sách nhà nước gần 2 triệu tỷ đồng

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp sáng 9/12

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 9/12, kỳ họp thứ 23, HĐND TPHCM Khóa IX thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của TP. Theo đó, TP phấn đấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.983.779 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 420.717 tỷ đồng; tổng chi đầu tư phát triển khoảng 162.297 tỷ đồng.

Khoảng 162.297 tỷ đồng chi đầu tư phát triển

Theo nội dung Nghị quyết được thông qua, TP phấn đấu thu NSNN giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.983.779 tỷ đồng; tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt khoảng 69% tổng thu NSNN. Tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 377.326 tỷ đồng; trong đó thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 351.814 tỷ đồng (với dự kiến tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương là 18% cho giai đoạn 2021 - 2025).

Quang cảnh kỳ họp thứ 23, HĐND TPHCM, Khóa IX sáng 9/12 Quang cảnh kỳ họp thứ 23, HĐND TPHCM, Khóa IX sáng 9/12

Về tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 420.717 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi đầu tư phát triển khoảng 162.297 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng bình quân 40,01% trong tổng chi ngân sách TP. Trong đó, chi đầu tư phát triển từ nguồn thu ngân sách TP được phân cấp khoảng 118.906 tỷ đồng. Căn cứ tình hình thực tế, số bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được HĐND TP xem xét, quyết định trong dự toán NSNN hàng năm. Tổng chi thường xuyên khoảng 227.992 tỷ đồng, nếu không tính chi thu nhập tăng thêm Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND là 212.962 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng bình quân 52,49% trong tổng chi ngân sách TP.

Nuôi dưỡng và bồi dưỡng nguồn thu theo hướng đảm bảo tính bền vững

Để tập trung hoàn thành kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025, TP đã đề ra một số giải pháp như: Tăng cường các biện pháp để quản lý, nuôi dưỡng và bồi dưỡng nguồn thu theo hướng đảm bảo tính bền vững của nguồn thu NSNN. Trong đó, tập trung theo hướng hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế đẩy mạnh và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thuế. Tăng cường rà soát, quản lý, đôn đốc, xử lý thu hồi các khoản nợ đọng. Tích cực hỗ trợ tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) có ý thức chấp hành tốt pháp luật có liên quan.

Đồng thời, triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi để phát triển các DN thuộc các thành phần kinh tế để thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài NSNN nhằm tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về huy động vốn theo Luật Ngân sách nhà nước... Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chỉ tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm, thực sự có hiệu quả, đảm bảo khả năng cân đối nguồn trả nợ.

Doanh nghiệp, người dân làm hồ sơ tại Cục Thuế TPHCM Doanh nghiệp, người dân làm hồ sơ tại Cục Thuế TPHCM

Mặt khác, thực hiện khai thác nguồn thu từ nhà, đất, công sản khác như: Rà soát các trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để nộp tiền vào NSNN theo quy định. Tăng cường quản lý, sử dụng đất đai đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tiết kiệm; xử lý thu hồi các khu đất sử dụng sai mục đích, không đúng công năng, lãng phí, kém hiệu quả để đưa ra bán đấu giá thu tiền nộp ngân sách TP. Khai thác nguồn thu 50% khoản thu tiền sử dụng đất ngân sách TP được hưởng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nhiệm vụ đầu tư công của TP theo Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14; nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước qua xử lý, sắp xếp theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tập trung rà soát lại toàn bộ quỹ nhà tái định cư trên địa bàn, có phương án điều chuyển hoặc bán đấu giá quỹ nhà tái định cư đến nay chưa bố trí được để thu hồi vốn ngân sách tạm ứng, tránh xuống cấp, gây lãng phí.

Cùng với đó, tăng cường quản lý tài chính DN, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để khai thác nguồn thu từ cổ phần hóa theo Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14; thực hiện thu nộp kịp thời, đầy đủ vào NSNN số thu cổ tức, lợi nhuận được chia lại cho phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần, Công ty TNHH Hai thành viên trở lên, phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của DNNN theo đúng quy định của pháp luật.

Cạnh đó, sắp xếp, tổ chức lại, tăng tự chủ tài chính của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo tinh gọn, cơ cấu hợp lý, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ công đáp ứng nhu cầu hưởng thụ dịch vụ sự nghiệp công ngày càng cao của xã hội. Đẩy mạnh mở rộng xã hội hóa và tăng sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, góp phần giảm chi ngân sách, gia tăng nguồn thu cho NSNN. Điều hành dự toán chi ngân sách chặt chẽ theo đúng dự toán được duyệt, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Đồng thời, triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm thực hiện tiết kiệm chi ngân sách.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, tập trung vào các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; tập trung bố trí vốn đầu tư từ NSNN của TP để thực hiện 4 chương trình phát triển TP được thông qua tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI; nâng cao hiệu quả vai trò dẫn dắt, vốn mồi thúc đẩy mạnh các hình thức đầu tư ngoài NSNN để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Theo dõi, đôn đốc và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các cơ quan, đơn vị; thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, tăng cường quản lý nợ chính quyền địa phương, chỉ đề xuất vay để bù đắp bội chi khi thực sự cần thiết và cấp bách, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay góp phần bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính của TP.

Tại kỳ họp, HĐND TP thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2021 từ nguồn vốn Trung ương bố trí cho TP là 3.827,683 tỷ đồng. Thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn NSNN của TP là 31.976,535 tỷ đồng; trong đó, đối với dự án sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ 4 dự án với tổng số vốn bố trí là 8.934,535 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ngân sách TP là 23.042 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết phê duyệt kế hoạch trả nợ chính quyền địa phương năm 2021 với tổng mức vay là 16.026,200 tỷ đồng. Nguồn vay là vay từ nguồn Chính phủ về cho vay lại là 16.026,200 tỷ đồng. Tổng số trả nợ gốc, lãi, phí các khoản vay của TP năm 2021 là 2.577,300 tỷ đồng.

Đình Lý - Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo