(Thanhuytphcm.vn) - Khu di tích lịch sử Côn Đảo là một trong những di tích lớn nhất, lâu đời nhất và đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Trong suốt 113 năm thống trị (1862 - 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ, biến Côn Đảo trở thành “Địa ngục trần gian” khét tiếng. Nhưng cũng chính ở nơi đây, các chiến sĩ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người Cộng sản.
Giờ đây, Côn Đảo đã vươn mình đứng dậy, được gìn giữ và dựng xây từng ngày và và xứng đáng được bình chọn “top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á” năm 2016 -2017, là đại diện duy nhất của Châu Á nằm trong danh sách “những nơi có nước trong xanh nhất thế giới” năm 2020 và là một trong hai đại diện của Đông Nam Á có mặt trong danh sách 52 điểm đến năm 2021.
Dưới đây là một số hình ảnh Phóng viên Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM ghi nhận tại Khu di tích lịch sử Côn Đảo trong những ngày tháng 7 lịch sử, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022).
Trại tù Phú Hải được xây dựng vào năm 1896. Nơi đây bao gồm 2 dãy phòng giam, mỗi dãy có 5 phòng. Trong trại tù Phú Hải có hầm xay lúa, dùng cho tù nhân vừa phải lao động khổ sai bằng việc xay lúa, vừa phải chịu những đánh đập, đày đọa khủng khiếp.
Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng, là điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà cả nhiều du khách nước ngoài.
Nhiều người tìm về nơi đây để tìm về cội nguồn, nhớ về truyền thống cách mạng thế hệ cha anh, mãi mãi biết ơn những hy sinh xương máu của một thời dân tộc bị xiềng xích.
Ở đây, dường như mỗi góc phố, ngôi nhà đến nhành cây, ngọn cỏ đều mang những câu chuyện về lịch sử và vẻ đẹp của hòn đảo từng là “địa ngục trần gian” đang vươn mình đổi mới trở thành “thiên đường du lịch”.
Di tích trại Phú Hải dưới tán lá của những cây bàng hùng vĩ và trầm mặc cùng chiều dài lịch sử và những cung đường xanh tươi, thanh bình cùng những làn gió mát từ biển khơi.
Nghĩa trang Hàng Dương có diện tích 190.000m2, gồm 3 khu là khu A, khu B và khu C. Theo số liệu, có khoảng 20.000 tù nhân đã ngã xuống ở Côn Đảo. Tuy nhiên, không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương. Nghĩa địa tù được lập ở khu vực Chuồng Bò, sau dời lên Hàng Keo. Đến lúc nghĩa địa Hàng Keo hầu như hết chỗ, thực dân Pháp mở nghĩa địa Hàng Dương để chôn các tù nhân.
Đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
Côn Đảo đã trở thành “trường học đấu tranh cách mạng”, “tôi luyện” nhiều thế hệ lãnh đạo và chiến sĩ cách mạng kiên trung; là vùng đất thiêng liêng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng nồng nàn yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa bày tỏ, đây là những người từng chiến đấu và cùng trang lứa với bà, cũng một thời tuổi trẻ cùng chiến đấu từng hy sinh trong tù và các bạn ấy cũng có những mơ ước, những khát vọng đóng góp cho đất nước và khát vọng về sự đoàn tụ, về tình yêu lứa đôi, về cuộc sống gia đình hạnh phúc, nhưng các bạn ấy đã hy sinh và nằm lại đất Côn Đảo này khi còn chưa kịp thực hiện ước mơ.
Côn Đảo ngày nay.