Hai cực phát triển xuyên suốt lịch sử Việt Nam
Hà Nội – trái tim của Tổ quốc, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước vốn đã được tạo lập qua hàng ngàn năm lịch sử. So với Hà Nội và một số đô thị khác ở nước ta, Sài Gòn – Gia Định được hình thành muộn hơn. Sài Gòn được hình thành là mốc son khẳng định sự hoàn thành công cuộc mở mang bờ cõi – sự nghiệp lớn nhất của một quốc gia – dân tộc.
Trên cơ sở những thành quả của khai hoang lập ấp gian khổ nhọc nhằn của hàng vạn con người có khí phách dũng cảm mở đường, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược, đã lập ra dinh Phiên Trấn, đặt cơ sở hành chính đầu tiên vùng Sài Gòn – Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, vùng đất này thu hút nhiều tầng lớp cư dân mọi miền đất nước và nhanh chóng trở thành trung tâm của cả vùng đất phương Nam đất Việt. Sài Gòn trở thành trung tâm thương mại, đặc biệt là thị trường lúa gạo của quốc tế.
Mốc thời gian mở đầu lịch sử qui hoạch và phát triển đô thị Sài Gòn là năm 1772 bằng chủ trương thực hiện các công trình đô thị như kinh Ruột Ngựa, kinh An Thông, đắp Lũy Bán Bích rồi xây thành Gia Định theo hình bát quái (Thành Qui). Đặc biệt sau khi xâm lược Sài Gòn, năm 1862 bản đồ qui hoạch Sài Gòn – Chợ Lớn đầu tiên được ấn định bởi đại tá công binh người Pháp Coffyn. Theo đó, các công trình theo mô hình đô thị phương Tây dần dần xuất hiện như đường sắt, tàu điện, thư viện, Tòa Đô chính, dinh Nôrôđôm, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà Hát, Dinh Gia Long, chợ Bến Thành, các trường học Marie Curie, S.Laubat, các bến xe liên vùng…, tiệm ăn, rạp xi nê, khu vui chơi giải trí với đường sá rộng rãi nhiều cây xanh mang tên Tây như Charner, Bonard, Catinat,… Sài Gòn – Chợ Lớn thực sự trở thành một đô thị hiện đại nhất bấy giờ và được gọi là “hòn ngọc viễn đông”.
Như vậy, dù ra đời chậm hơn, song do những điều kiện về địa lý và lịch sử, Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định đã được đô thị hóa nhanh chóng. Xưa kia, Sài Gòn được tôn danh là “hòn ngọc viễn đông”, ngày nay Thành phố Hồ Chí Minh cùng Hà Nội là “đô thị đặc biệt” của Việt Nam, có quy mô phát triển lớn nhất nước, có vị trí chính trị quan trọng, là trung tâm lớn vì kinh tế, văn hóa, đầu mối giao lưu quốc tế, cửa ngõ thông nối Việt Nam với Đông – Nam – Tây – Bắc thế giới trong thời kì toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
TPHCM đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhanh và bền vững, hiện đại đất nước. Trong ảnh: Một góc TPHCM ngày nay. (Ảnh: Nguyễn Hoàng)Mối quan hệ, tương tác giữa hai cực phát triển
Thăng Long – Hà Nội, “nơi trung tâm của trời đất…, kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Người Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, con cháu của những lưu dân người Việt vào khai phá vùng đất phương Nam qua bao đời vẫn trọn lòng nhớ về cội nguồn đất tổ, nơi “hồn thiêng núi sông” thuở mở nước của con cháu Lạc Hồng. Sự hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền máu thịt với lịch sử và vận mệnh của cả nước. Từ những nhát cuốc đầu tiên đến những năm tháng hào hùng chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc và thống nhất, xây dựng cuộc sống ngày nay, bao giờ thành phố cũng là nơi hội tụ công sức, tài năng và tâm huyết của cả nước mà Hà Nội là trái tim, là trung tâm đầu não.
Ý nghĩa sâu xa của sự kiện kết nghĩa 3 thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn là sự khẳng định đanh thép chân lý ngời sáng “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, Bắc – Nam chung một nhà, mọi người gần xa trên dải đất Việt Nam cùng chung nhịp đập. Sự gắn bó 3 thành phố anh em đại diện cho ngôi nhà chung Nam – Bắc ngày càng sâu đậm đến nỗi mỗi sự kiện dù nhỏ hay lớn diễn ra ở Hà Nội, ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa đều thâm nhập rất nhanh vào nhân dân miền Nam với hai trung tâm Huế, Sài Gòn và ngược lại.
Không chỉ gắn liền máu thịt với lịch sử và vận mệnh của dân tộc, mối quan hệ máu thịt giữa Bắc – Nam, Hà Nội – Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc bởi hình ảnh Bác Hồ - Vị lãnh tụ tiêu biểu cho tình cảm ruột thịt Bắc – Nam với chân lý ngời sáng “Nước Việt Nam là một; Dân tộc Việt Nam là một”, “Nhân dân Nam – Bắc là con một nhà”… Sài Gòn tiễn Người ra đi tìm đường cứu nước khi giang sơn đất nước đang chìm đắm trong vòng nô lệ thực dân; Hà Nội đón Bác về tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hà Nội có Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, có Lăng Bác Hồ, tượng đài vĩnh cửu. Sài Gòn – Gia Định được cả nước phong tặng huân danh “Thành phố Hồ Chí Minh” – Thành phố mang tên người Anh hùng của một dân tộc anh hùng, đỉnh cao văn hóa của một nước văn hiến, độc lập thống nhất.
Trong quá trình phát triển, Thăng Long – Hà Nội và Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh có những nét tương đồng, đã làm nên ý chí, sức mạnh dân tộc, phong phú về tâm hồn, văn hóa của Việt Nam. Thăng Long – Hà Nội cũng như Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là công lao của cả nước, của đông đảo nhân dân “bốn phương”, “tứ xứ”. Thăng Long – Hà Nội và Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đều là nơi hội nhập và lan tỏa, là trung tâm nhiều mặt của đất nước. Thăng Long có 36 phố phường, Sài Gòn là “hòn ngọc viễn đông”, “phố phường đông đúc”. Ngày nay, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai “đô thị đặc biệt”, mối quan hệ giữa hai trung tâm, hai cực phát triển của đất nước ngày càng gắn bó, tương tác, tương tùy mạnh mẽ hơn.
TPHCM đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhanh và bền vững, hiện đại đất nước. Trong ảnh: TPHCM ngày nay. (Nguồn: Sở Du lịch TPHCM)“Cùng cả nước, vì cả nước”
Qua hơn 3 thập kỷ thực hiện đường lối Đổi mới, đặc biệt là qua 10 năm thực hiện “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020” với chủ trương “Phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”, hai trung tâm lớn nhất của cả nước đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước. Hà Nội là Thủ đô Anh hùng, trái tim của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, có vị trí đặc biệt quan trọng và có trách nhiệm cao cả với vai trò “đầu tàu”, “chia sẻ lợi ích” với cả nước, cần có trình độ phát triển mang tầm khu vực và quốc tế… Thành phố Hồ Chí Minh cùng Hà Nội là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là “đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn, có vai trò đi đầu trong sự nghiệp hóa, hiện đại hóa…, từng bước trở thành trung tâm lớn của khu vực”. Rõ ràng, với vị trí, vai trò trên đây, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhanh và bền vững, hiện đại đất nước.
Trên cơ sở đó, từ nay đến năm 2030, 2045, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai cực phát triển ở hai đầu đất nước phải “chung lưng đấu cật” tìm ra những giải pháp đột phá mạnh hơn nữa để phát huy những vốn liếng, hành trang, thành tựu đã có, đồng thời giải quyết những bất cập, hạn chế, yếu kém. Diện mạo Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng thay đổi không ngừng, qua mỗi thời gian lại thêm nhiều mảng sáng, mảng xanh, sạch đẹp, tôn thêm dáng vẻ đô thị hiện đại…
Song một loạt vấn đề về phát triển và quản lý phát triển đô thị còn là những thách thức gay gắt đối với hai thành phố. Chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, quản lý xử lý ô nhiễm môi trường và ngập úng, ùn tắc giao thông đều là những bất cập, hạn chế, yếu kém kéo dài, rất chậm được khắc phục, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống và niềm tin của nhân dân. Thành phố Hà Nội là một trung tâm văn hóa tiêu biểu cho Việt Nam, là nơi đỉnh cao văn minh của văn hiến Việt Nam, nơi người Tràng An hào hoa, thanh lịch. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm, nơi hội tụ, giao lưu của đất nước và hội nhập về đây, nâng cao hơn, tôn tạo nên một tụ điểm văn minh, rồi từ đó lan tỏa đến các nơi gần xa…, và luôn có đời sống văn hóa hết sức sôi động. Song, những giá trị ấy, không phải là bất biến và thực tế hiện nay cũng có nhiều bất cập, yếu kém, những tâm tư, trắc ẩn, lo lắng, bất an trong cuộc sống của người dân. Các chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS), hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) ở cả hai thành phố chưa cao, tình trạng khiếu kiện đông người, thậm chí gây mất trật tự ổn định xã hội không ít…
Kỷ niệm 60 năm kết nghĩa “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” và 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, nhìn lại mối quan hệ tự nhiên và những chủ trương chính sách, những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, những hành trang vốn liếng quý báu cũng như những vấp ngã, hạn chế, yếu kém của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử, ai cũng có thể tự hào và đặt niềm tin, khát vọng về sự phát triển nhanh, bền vững của hai cực phát triển, hai đô thị đặc biệt trong tương lai, góp phần quyết định đưa đất nước ta trở thành “nước phát triển, hiện đại”.
Trong 5 năm (2015 – 2020), Hà Nội đã thi hành kỷ luật 4.143 đảng viên và 59 tổ chức Đảng, trong đó cách chức 72 đảng viên, khai trừ 361 và cảnh cáo 16 tổ chức Đảng. Cùng thời, Thành phố Hồ Chí Minh cũng kỷ luật 2.081 đảng viên (trong đó có 5 Thành ủy viên), 40 tổ chức đảng… Đặc biệt có những lãnh đạo chủ chốt của 2 Thành phố bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Đây là kết quả mới trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đồng thời là những tổn thất lớn về cán bộ và uy tín của tổ chức Đảng trong thời kỳ hiện nay, tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm trạng của nhân dân, xã hội. Đó là “điều đau lòng” nhưng “không thể không làm”, bởi đó là sự tối cần thiết của sự phát triển toàn diện, bền vững…