Bác Hồ với các cháu mẫu giáo xã Nghĩa Dân, Kim Động (ngày 16/9/1961). (Ảnh tư liệu) Những ngày trước Cách mạng Tháng Tám 1945, trong hoàn cảnh "vận nước gian nan", Người đã đau lòng trước cảnh:
“Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng
Học hành, giáo dục đã không
Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa
Sức còn yếu, tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già
Có khi lìa mẹ, lìa cha
Đi ăn ở với người ta bên ngoài...”
Và mong muốn lớn của Người lúc bấy giờ là:
“Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây
Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.
Bác Hồ với đại biểu thiếu nhi và phụ nữ các dân tộc Lào Cai (tháng 9/1958). (Ảnh tư liệu) Rồi ngay sau khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên cương vị Chủ tịch nước, dẫu công việc đất nước có bận bịu, Bác Hồ vẫn thường viết thư gửi các cháu thiếu nhi mỗi dịp khai trường, Tết Trung thu, Tết thiếu nhi… Mỗi bài thơ Bác viết, mỗi bức thư Bác căn dặn đều chứa đựng trong đó những tình cảm giản dị mà chân thành, gần gũi mà sâu sắc gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước.
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”...
Hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, Bác Hồ rất tin tưởng, xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước. Trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, tháng 9/1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Và năm 1946, vào Tết trung thu đầu tiên của đất nước, Người nhắn nhủ thế hệ măng non của đất nước:
“Bác mong các cháu chăm ngoan
Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”.
Bác Hồ chụp hình lưu niệm với thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch nhân dịp Tết trung thu năm 1961. (Ảnh tư liệu) Tình yêu thương thiếu niên nhi đồng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện bằng tất cả tấm lòng với tầm nhìn của một vị lãnh tụ thiên tài chăm lo cho thế hệ tương lai của nước nhà. Trong hoàn cảnh nào và ở đâu, Người cũng luôn nghĩ về các cháu, hướng các cháu vào những hoạt động vui chơi bổ ích và nề nếp kỷ luật. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền Phong, tháng 5/1961, Bác gửi đến thiếu nhi cả nước 5 lời dạy thiêng liêng:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”
Không chỉ yêu thương thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi đối với tương lai của đất nước và luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, tháng 8/1950, Người viết: "Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả''.
Tháng 9/1952, khi quân ta đang thắng lớn trên các chiến trường Tây Bắc và ở đồng bằng Bắc Bộ, Bác rất phấn khởi, gửi tới các cháu thư chúc mừng. Trong đó có một đoạn thơ rất giàu nhạc điệu, đã được nhạc sĩ Phong Nhã phổ thành bài hát:
“Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh ….
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình …
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh!”
Vào những ngày đầu tháng 6/1969, trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” in trên báo Nhân Dân, Bác viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.
Cho đến ngày Bác phải đi xa, nỗi thương nhớ của Người đối với các cháu thiếu nhi cũng không bao giờ vơi cạn. Trong Di chúc của mình, Người cũng hai lần nhắc đến các cháu và gửi gắm “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Ngoài những lời nhắn nhủ, lời dặn dò đối với thiếu niên nhi đồng thì những câu chuyện về Bác Hồ với thế hệ măng non của đất nước cũng để lại niềm xúc động sâu sắc. Trong đó, không thể không nhắc tới những câu chuyện giữa Bác Hồ với thiếu nhi miền Nam - nơi mà cả cuộc đời Người day dứt vì chưa một lần trở lại thăm. Khi đến thăm trường thiếu nhi miền Nam, Bác đã đề nghị dẫn đến nhà bếp và phòng ngủ xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không... Hay khi nhớ đồng bào miền Nam, vào những ngày cuối tháng Chạp năm 1968, Bác đã đón những thiếu niên dũng sĩ miền Nam đang học ở Tả Ngạn vào Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác Hồ và Bác Tôn (Chủ tịch Tôn Đức Thắng) cùng ăn, cùng trò chuyện với các cháu: “Hai Bác nhớ các cháu cho nên gọi các cháu về để hai Bác gặp hỏi chuyện… Vừa ăn, Bác cháu vừa nói chuyện rất vui. Ăn xong, hai Bác cho mỗi cháu một bông hồng, một quả táo, một quả lê và ba quyển sách “Người tốt việc tốt”...”[1].
Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan điểm về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em đã sớm trở thành một bộ phận của tư tưởng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội văn minh. Người dạy, ngày Tết Thiếu nhi 1/6 nhắn nhủ người lớn trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng và người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”. Thực hiện lời dạy của Người, hàng năm, cứ vào tháng 6 cả nước lại hân hoan chào đón ngày Quốc tế thiếu nhi, thực hiện “Tháng hành động vì trẻ em”.
Để đáp lại tình yêu thương bao la của Bác Hồ, các thế hệ thiếu niên, nhi đồng vẫn luôn siêng năng học tập, rèn luyện, là con ngoan trò giỏi, trở thành niềm tin tươi sáng về một thế hệ tương lai xây dựng đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Tấm lòng yêu thương của Bác đối với các em thiếu niên, nhi đồng bao la như trời biển, Người không con mà có triệu con (Quê hương Việt Bắc - Nguyễn Đình Thi) và lúc nào Người cũng dành Sữa để em thơ, lụa tặng già (Bác ơi! - Tố Hữu). Dẫu Bác Hồ đã đi xa nhưng Người vẫn sống mãi trong trái tim mỗi thiếu nhi Việt Nam qua lời ru của mẹ, lời kể của bà, lời dạy dỗ của thầy cô giáo, vẫn nối dài theo năm tháng một tình yêu vô hạn dành cho Bác Hồ kính yêu.
“Hồ Chí Minh kính yêu chúng em kính yêu Bác Hồ Chí Minh trọn một đời
Hồ Chí Minh kính yêu chúng em ước sao Bác Hồ Chí Minh sống muôn đời”.
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
-----------------------------
[1] Bác nhớ các cháu thiếu niên dũng sĩ miền Nam