Chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ:
- Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết gồm: Học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; tiền ăn trong thời gian thực tế học; chi phí đi lại (1 lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với người lao động cư trú hợp pháp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và đồ dùng cá nhân thiết yếu.
- Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
- Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-9-2015.
Những điểm mới về đăng ký doanh nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP, ngày 14-9-2015 về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, có những điểm mới đáng chú ý sau:
- Quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp.
- Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc.
- Việc thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện được quy định theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh của nước ta theo đánh giá của tổ chức quốc tế.
- Việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử góp phần giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh. Toàn bộ quy trình tiếp nhận, xử lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện qua mạng điện tử, đưa dịch vụ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt cấp độ 4 về ứng dụng công nghệ thông tin.
- Bổ sung một số nội dung nhằm hoàn thiện công tác đăng ký hộ kinh doanh như quy định về nguyên tắc áp dụng trong đăng ký hộ kinh doanh, số lượng hồ sơ đăng ký, việc cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; rút ngắn thời gian xử lý cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc nhằm đáp ứng chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký hộ kinh doanh.
- Bổ sung quy định nhằm đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư áp dụng đối với các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2015 và thay thế Nghị định 43/2010/NĐ-CP, Nghị định 05/2013/NĐ-CP.
Mức chi cho công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 148/2015/TT-BTC ngày 15-9-2015, quy định về nội dung và mức chi thực hiện đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo đó, mức chi cho công tác này được thực hiện như sau:
- Bồi dưỡng người đi xác minh thông tin ngoài chế độ công tác phí theo quy định: 100.000 đồng/người/ngày.
- Bồi dưỡng cho người cung cấp thông tin: 2.000.000 đồng đối với một thông tin được xác minh chính xác về hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, không phụ thuộc số lượng hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
- Hỗ trợ tối đa 1.750.000 đồng/mộ (đã bao gồm xây tạm vỏ mộ sau khi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ giám định gen) để hoàn thiện mộ (cả bia) sau khi kết thúc việc xác định thông tin về hài cốt liệt sĩ trong trường hợp lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-11-2015. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ niên độ ngân sách năm 2015.
Thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đến cấp xã, phường
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 9-9-2015 về “Thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”.
Thời gian thực hiện thí điểm là một năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Theo quy định, ở cấp quận giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho công chức, viên chức thuộc biên chế của các phòng: y tế, kinh tế, nông nghiệp - phát triển nông thôn; trung tâm y tế, đội quản lý thị trường. Ở cấp phường giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho viên chức thuộc biên chế của trạm y tế; công chức cấp phường phụ trách nông nghiệp, kinh tế.
Chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường sẽ ra quyết định thanh tra, thanh tra đột xuất và thành lập đoàn thanh tra. Cuộc thanh tra chuyên ngành do chủ tịch UBND cấp quận quyết định tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày. Thanh tra chuyên ngành do chủ tịch UBND cấp phường quyết định tiến hành không quá 20 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 30 ngày.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, TP.HCM lựa chọn tại mỗi Thành phố 5 đơn vị hành chính cấp quận; 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc các đơn vị hành chính cấp quận được lựa chọn để triển khai thí điểm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2015.
Không thu bảo hiểm y tế tập trung vào đầu năm học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4660/BGDĐT-CTHSSV ngày 10-9-2015 về thực hiện bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên.
Theo đó, thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên 6 tháng một lần và tránh thu tập trung vào thời điểm đầu năm học.
Đồng thời các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ bảo hiểm y tế cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và các quy định về quản lý tài chính, phần kinh phí trên được chi vào các nội dung sau:
- Mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu khi bị tai nạn thương tích và các bệnh thông thường trong thời gian học tập, làm việc tại cơ sở giáo dục;
- Mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở giáo dục;
- Mua văn phòng phẩm, tủ tài liệu phục vụ việc quản lý hồ sơ sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên…
Quy định về thời gian hoạt động của đại lý Internet và điểm truy cập internet công cộng
Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định 46/2015/QĐ-UBND, ngày 14-9-2015, quy định về thời gian hoạt động của đại lý Internet và điểm truy cập Internet công cộng trên địa bàn TP.HCM. Theo đó:
- Đại lý Internet và điểm truy cập Internet công cộng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập Internet được phép hoạt động hàng ngày từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm hàng ngày.
- Thời gian hoạt động của điểm truy cập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và điểm công cộng khác không cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tuân theo giờ mở, đóng cửa của địa điểm kinh doanh.
- Tất cả các đại lý Internet và điểm truy cập Internet công cộng phải niêm yết công khai thời gian mở, đóng cửa hoạt động hàng ngày tại địa điểm kinh doanh.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24-9-2015.