Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Báo cáo của Ban chấp hành Đảng bộ tại đại hội đại biểu lần thứ III (đợt 2)

Đảng cộng sản Việt Nam

Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh

*

Quận ủy Tân Bình

Tân Bình, ngày...tháng... năm 1983

Phần thứ nhất:

KIỂM ĐIỂM TÌNH HÌNH TỪ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU

LẦN THỨ II ĐẾN NAY

Từ Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ II đến nay, tình hình Quận ta gắn với tình hình chung của Thành phố – diễn ra cuộc đấu tranh sôi động trên tất cả các lĩnh vực – nhất là trên mặt trận kinh tế-xã hội. Tính chất gay go, phức tạp thể hiện rõ nét cuộc đấu tranh hơn 3 năm qua giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đang ở vào giai đoạn gay go quyết liệt. Chính trong cuộc đấu tranh đó, Đảng bộ chúng ta và từng đ/c đảng viên, có mặt hàng ngày, hàng giờ ở cơ sở, đã tiếp tục phát huy những thành tích trong kháng chiến cũng như những năm đầu mới giải phóng, đứng vững ở tư thế cách mạng tiến công, lăn mình vào công việc, kiên trì và liên tục phấn đấu vượt qua khó khăn trở ngại, giành được những thắng lợi hết sức có ý nghĩa. Chúng ta có thể tự hào rằng, mặc dù còn nhiều mặt non yếu, nhưng với thành quả đạt được do công sức của đồng bào, Đảng bộ và chiến sĩ Quận nhà làm nên, đã đảm bảo cho mỗi Phường và toàn Quận, đứng vững trước mọi thử thách, góp phần cùng các Quận, Huyện bạn trong Thành phố thu nhiều thắng lợi quan trọng trong cuộc đấu tranh gian khổ ở chặng đường đầu tiên của thờikỳ quá độ, trên một địa bàn trọng điểm của cả nước, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng thànhh công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam XHCN.

Suốt hơn 3 năm qua, Đảng bộ đã gắn việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ II với việc thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, gắn với sự chỉ đạo nhạy bén và sát sao của Thành ủy. Có thể nói đó là quá trình của Đảng bộ, thể nghiệm cung cách chỉ đạo mới trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo các nghị quyết của Đảng, trong đó chủ yếu là sự chuyển hướng kinh tế dưới ánh sáng các Nghị quyết 6 của Trung ương, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết tiếp theo của Thành ủy và gần đây là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ban Chấp Hành Trung ương lần thứ 3 (khóa V). Trong bước đi ban đầu, biết bao công việc đầy mới mẻ, bề bộn, phức tạp, chúng ta lao vào công việc với nhiệt tình của mình, song nhiều khi không khỏi lúng túng, thậm chí vấp váp. Trong quá trình đó, mỗi nghị quyết của Đảng thực sự là cái mốc quan trọng mở cho chúng ta phương hướng tiến lên, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bồi đáp lòng tin, tiếp thêm sức mạnh, giúp chúng ta vượt qua thử thách và vững bước đi lên.

Có thể nói rằng, từ sau đợt sinh hoạt chính trị quan trọng học nghị quyết Đại hội V đến nay, đã tạo nên 1 chuyển biến mới về nhiều mặt trong toàn Đảng bộ, nhất là đã đánh giá được tình hình kinh tế-xã hội một cách sâu sắc hơn, thấy được cái mạnh, cái yếu của mình rõ hơn, từthực tiễn đó, chúng ta càng thêm thấm thía về tính chất gay go phức tạp và lâu dài của cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay.

Nhìn lại chặng đường hơn 3 năm; chúng ta có thể khẳng định: Đảng bộ đã trưởng thành lên một bước mới, nhất là về năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

I. NHỮNG KẾT QUẢ TRÊN MẶT TRẬN KINH TẾ :

Trên lĩnh vực kinh tế, một lĩnh vực trung tâm mà Đảng bộ tập trung chỉ đạo trong 3 năm qua, đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Nét nổi bật nhất là Đảng bộ đã bắt đầu thực hiện sự chuyển hướng chính sách kinh tế, trong đó vấn đề cốt lõi là xóa bỏ dần lối hành chính bao cấp trên tất cả các mặt hoạt động, chuyển mạnh sang chế độ hạch toán kinh doanh XHCN. Chính từ sự chuyển hướng này đã đem lại luồng sinh khí mới trong các hoạt động kinh tế, khơi dậy các khả năng tiềm tàng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi cán bộ, mỗi ngành và ở cơ sở. Đảng bộ đã sớm nhạy cảm tiếp thu sự chỉ đạo chuyển hướng chính sách kinh tế của Đảng, tích cực tổ chức thực hiện, tạo ra bước phát triển mới trong các ngành kinh tế ở Quận ta, nảy sinh những nhân tố mới rất có ý nghĩa.

A. Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp :

Sau đại hội Đảng bộ lần thứ II, mặc dù các khó khăn đối với sản xuất vẫn ngày càng trầm trọng hơn, nhưng hướng mới đã giúp chúng ta phát huy tính chủ động sáng tạo, tích cực tháo gỡ khó khăn, sản xuất bung ra mạnh mẽ, nâng giá trị sản lượng mỗi năm một tăng nhanh.

Thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ II, chỉ trừ năm 1980 giá trị sản lượng không đạt kế hoạch (105/120 triệu) còn các năm sau đều vượt chỉ tiêu: 1981 vượt 31%, năm 1982 vượt 13%. Như vậy nhịp độ phát triển sản xuất từ năm 1980 đến năm 1982 bình quân là 128% trong khi đó năm 1976-1979 bình quân là 127,5%. Năm 1980 giá trị sản lượng giảm và không đạt kế hoạch vì sản lượng vải tụt xuống từ 13 triệu mét năm 1979 xuống còn 5 triệu mét, trong khi chúng ta chưa đẩy lên được sự phát triển của các ngành khác.

Trước những khó khăn đối với sản xuất mà gay gắt nhất là nguyên liệu, vật tư ngày càng khó khăn, máy móc thiếu phụ tùng thay thế, cơ chế quản lý còn nhiều chỗ gò bó, các chính sách và chế độ như vấn đề giá gia công, chính sách thưởng, chế độ lương v.v… còn bất hợp lý, Đảng bộ đã vận dụng tinh thầnNghị quyết 6, Nghị quyết 26, bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ II, tạo quyền chủ động cho các cơ sở, xác định trách nhiệm và giao cho Phường quyền hạn rộng hơn trong việc tổ chức, quản lý phát triển sản xuất. Do đó, đã từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh sản xuất đi lên.

Chúng ta đã xác định, đưa ngành cơ khí thành ngành chủ lực, đầu tư chỉ đạo, tổ chức qui hoạch lại 1 bước, tạo nên bước phát triển mới, tác động tích cực đến các ngành khác. Đến nay, đã hình thành được nhóm sản phẩm xe đạp, làm được máy dập 200 tấn, tiếp tục sản xuất hàng loạt các loại sản phẩm có giá trị như quạt, tông đơ, dao, kéo, cối xay thịt, nồi nấu rượu bia, xe đạp và sản xuất các loại phụ tùng thay thế, nhất là cho ngành dệt và nông nghiệp. Vì vậy ngành cơ khí đến năm 1982 đã đạt giá trị sản lượng 43,2 triệu đồng, gấp 2,5 lần năm 1978.

Nhìn toàn ngành tiểu thủ công nghiệp, có thể nói, hơn 3 năm qua, Đảng bộ đã khai thác khá tốt tiềm năng sản xuất trong Quận, tạo nên sự phát triển phong phú hơn, đa dạng hơn so với các năm trước.

Bằng việc huy động vốn trong nhân dân, và qua con đường xuất để nhập chúng ta đã giải quyết được vấn đề nguyên liệu cho ngành dệt, do vậy sản lượng vải năm 1982 đạt được trên 18 triệu mét, gầnbằng năm 1978: 19,85 triệu mét (là năm có mức sản lượng cao nhất) và gấp 3 lần so với năm 1980. Chúng ta cũng đã từng bước tổ chức và phát triển mạnh ngành thủy tinh, đưa ngành này từ chỗ chỉ nấu lại nay đã nấu được thủy tinh từ cát, sản xuất được các loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao vànâng giá trị sản lượng từ 7,9 triệu năm 1979 lên 34,6 triệu năm 1982. Ngành hóa chất cao su cũng có bước phát triển vượt bậc, từ con số 4,6 triệu năm 1979, năm 1982 đã vượt lên 35,5 triệu đã làm được vỏ xe du lịch đạt chất lượng cao. Chế biến lương thực thực phẩm là ngành trực tiếp phục vụ 2 bữa ăn cho nhân dân lao động cũng được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ II, do đó tốc độ phát triển cũng khá nhanh. Từ giá trị sản lượng 6,3 triệu năm 1979 đã lên đến 27 triệu năm 1982. Một số sản phẩm đã đạt giải thưởng cao tại khu triển lãm ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp toàn quốc: đồ chơi trẻ em Đức Minh đạt huy chương vàng; tông đơ, dao, kéo của HTX Lý Thường Kiệt được huy chương bạc.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở khu vực quốc doanh và tập thể hàng năm có tăng lên. So với năm 1980, năm 1982 khu vực quốc doanh đã tăng 27%, khu vực tập thể tăng 144% và tỷ trọng 2 ngành này từ 52% năm 1980 đã tăng lên 61% vào năm 1982.

Về xuất nhập khẩu: Đảng bộ đã thấy được tầm quan trọng của công tác này nên rất quan tâm chỉ đạo, chúng ta đã khắc phục nhiều khó khăn để duy trì việc khai thác khả năng sản xuất hàng xuất khẩu ở trong Quận, thành lập công ty cung ứng xuất nhập khẩu vào cuối năm 1981 và từ đó đến nay Công ty đã tích cực hoạt động, đã đem lại những kết quả thiết thực.Qua gần 8 tháng hoạt động của năm 1982, Công ty đã đạt tới tổng doanh số mua vào, bán ra là 249 triệu đồng, vượt 106,5% kế hoạch. Công ty đã chú ý xuất để nhập một số lớn nguyên liệu, chiếm tỷ lệ 97% trong tổng số hàng nhập để phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp trong Quận.

Công tác cải tạo và tổ chức lại sản xuất: cũng được chú ý. Đến nay, toàn Quận đã xây dựng được 24 HTX (tăng 33% so với năm 1979), 163 tổ sản xuất tập thể (tăng 11% so với năm 1979). Ta đã đề ra những biện pháp tích cực nhằm củng cố quan hệ sản xuất mới, từng thời gian có sơ kết đánh giá phân loại các cơ sở, chỉ ra mặt mạnh, mặt yếu, hướng phấn đấu v.v… Do đó, chúng ta đã xây dựng được 1 số mô hình tốt như: mô hình Phường 24, Phường 3, mô hình HTX Lý Thường Kiệt. Chúng ta đã bước đầu qui hoạch, tổ chức lại các cơ sở theo ngành, nhóm sản xuất ( như dệt, đan len, mây tre lá, phụ tùng xe đạp…) và qui hoạch lại sản xuất theo địa bàn (Phường 1: dệt; Phường 20: chế biến lương thực thực phẩm; Phừơng 24: thủy tinh,da; Phường 21: giày dép, cao su; Phường 23: phụ tùng xe đạp).

Chúng ta còn thường xuyên tiến hành việc giáo dục, động viên cổ vũ tinh thần hăng say lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, kịp thời khen thưởng những cơ sở và cá nhân có thành tích tốt trong sản xuất. Vì vậy, cùng với động lực mới do các Nghị quyết đúng đắn của Đảng, một phong trào thi đua sản xuất, tìm tòi sáng tạo, khắc phục khó khăn đã diễn ra khá sôi nổi, ngoài việc đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất, chỉ riêng năm 1982 đã có 200 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước trên 2 triệu đồng. Năng suất lao động bình quân của riêng ngành cơ khí đã tăng 67% so với năm 1979 (1388/939) thu nhập bình quân một tháng của 1 lao động ngành này tăng gần 200% so với năm 1979 (392/132).

Tuy nhiên, chúng ta chưa gắn được công tác cải tạo với sản xuất một cách chặt chẽ. Việc tổ chức các hình thức làm ăn tập thể chưa đạt chất lượng cao. Chúng ta chưa xây dựng được những cơ sở quốc doanh tiêu biểu cho thế mạnh của ngành tiểu thủ công nghiệp. Trong khi đó cơ sở cá thể phát triển nhiều và ta chưa quản lý chặt được. Năm 1982 số cơ sở cá thể tăng 418% so với năm 1979 (1808/349).

Công tác quản lý nói chung là yếu, những mặt tiêu cực như làm hàng giả, trốn thuế, lậu thuế, sản phẩm làm ra của nhiều cơ sở ta chưa quản lý được, đặc biệt chất lượng sản phẩm nói chung kém. Tình trạng cạnh tranh nhau nhiều khi gây rối loạn và tác động xấu đến việc ổn định sản xuất. Màng lưới dịch vụ sửa chữa ta gần như buông lỏng. Sự phối hợp giữa ngành và phường, giữa các ngành chức năng trong Quận chưa gắn bó.

Các mặt hàng xuất khẩu chưa được phát triển mạnh. Một số ngành như may, đan thêu giá gia công quá thấp, gần như mai một, ngành mây tre lá cũng hoạt động cầm chừng. Chúng ta cũng chưa tạo ra được mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị kinh tế lớn. Nói chung, Quận ta có khả năng về sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, song do bị động về nguyên liệu, giá gia công và các chế độ chính sách còn nhiều chỗ bất hợp lý nên sự phát triển chưa tương xứng.

B. Sản xuất nông nghiệp:

1/ Trên lĩnh vực nông nghiệp, Đảng bộ đã sớm bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ II và tích cực chuyển từ lúa sang rau, tập trung xây dựng được những vùng rau chuyên canh cả 2 mùa, đến nay đã chiếm 30% diện tích canh tác toàn Quận.

Chúng ta đã hình thành được những vùng chuyên trồng rau xuất khẩu cao cấp với năng suất khá cao, mở ra triển vọng tốt cho việc trồng rau xuất khẩu, đến nay ta đã chuyển được 113ha rau năm 1978 lên 400ha năm 1982, trong đó có 50 ha chuyên trồng rau xuất khẩu. Việc áp dụng khóan sản phẩm đã tiến hành đại trà và có tác dụng lớn. Từ thực tế sản xuất nông nghiệp mấy năm qua, giúp cho Đảngbộ thấy rõ hơn chủ trương đúng đắn của Đảng biến vùng đất nông nghiệp ngoại thành thành vành đai thực phẩm cung cấp rau và thịt cho Thành phố. Đó là chủ trương đem lại lợi ích kinh tế cao, phá bỏ được lối độc canh đi vào thâm canh tăng vụ, phát triển chăn nuôi, đưa sản xuất nông nghiệp Quận nhà đi lên đúng hướng.

Với cách làm ăn mới, quan tâm đầu tư, giải quyết tốt vấn đề thủy lợi, đưa điện vào nội đồng, bước đầu qui hoạch, xác định đúng cây trồng cho từng thời vụ, cộng với việc cải tiến công tác quản lý đã đưa sản lượng nông nghiệp chủ yếu là rau mỗi năm tăng nhanh. Năm 1982 sản lượng rau đạt 26.400 tấn, tăng 53% so với năm 1981 và gấp 1,4 lần so với năm 1979. Đặc biệt năng suất khu vực trồng rau xuất khẩu tăng lên 30 tấn/ha, gấp 1,5 lần khu vực trồng rau thường. Điều đáng chú ý là thu nhập của xã viên, tập đoàn viên sau khi thực hiện việc khoán sản phẩm đã tăng lên khá cao. Điểm nổi bật là Đảng bộ đã vận dụng tốt chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng được 4 công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ, phục vụ tưới tiêu cho 450 ha chuyên canh rau. Kinh phí để xây dựng 4 công trình lên đến 1,5 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 400 ngàn đồng, chưa kể đến hàng ngàn công lao động. Chúng ta còn tranh thủ được sự hỗ trợ của Cục hậu cần Quân khu 7 đưa lực lượng và phương tiện cơ giới đến giúp ta xây dựng công trình thủy lợi Phường 14.

Về chăn nuôi: Từ năm 1980 trở lại đây, chúng ta thực hiện đều vượt chỉ tiêu do Đại hội lần thứ II đề ra. Năm 1980 đàn heo vượt 16% (23.200 con/20.000 con), năm 1981 vượt 0,2%, năm 1982 vượt 8%. Mặc dù năm 1982 đàn heo tụt xuống do nguồn thực phẩm vừa đắt, vừa kém chất lượng, heo giống lên giá và thoái hóa, nhưng Quận chúng ta vẫn là quận có tổng đàn heo hơn 20.000 con. Hai trại heo và gà quốc doanh những năm trước đều làm ăn thua lỗ, năm 1982 do chúng ta tập trung củng cố và xác định phương hướng hoạt động đúng nên làm ăn đã có sự chuyển biến đi lên, nộp được vào ngân sách trên 14 ngàn đồng và nộp khấu hao cơ bản gần 40 ngàn đồng.

Về cải tạo nông nghiệp: đến nay, diện tích đất đưa vào hợp tác xã và tập đoàn mới chiếm 28% tổng diện tích đất canh tác, so với năm 1978là 75%. Hơn 3 năm nay, quán triệt phương châm “khẩn trương nhưng vững chắc” trong việc đưa nông dân vào làm ăn tập thể, Quận ủy đã liên tục chỉ đạo củng cố, xây dựng lại các tập đoàn và hợt tác xã điểm Tân Thắng, qui mô phù hợp với trình độ và khả năng quản lý, vì vậy ta đã giữ vững được phong trào làm ăn tập thể và năm 1982 đã có một bước phát triển mới. Trong phong trào đã xuất hiện một số điển hình tốt như: Tập đoàn 1 phường 20, Quyết Tiến phường 22, tập đoàn 3 phường 19, tập đoàn 4 phường 15, tập đoàn 1 phường 14, chia HTX Tân Thắng làm 2 HTX (Tân Thắng 1 và 2).

2/ Những chỗ yếu trong chỉ đạo nông nghiệp hiện nay là chưa tiến hành công tác qui hoạch cụ thể, hiệu quả của màng lưới thủy lợi còn thấp, nhiều giếng công nghiệp và giếng bán công nghiệp chỉ sử dụng được 1 vụ, bị hư hỏng nhiều, nước tưới vẫn không đáp ứng được, việc đầu tư cho khu vực nông nghiệp không đồng bộ, vốn bỏ ra lớn mà kết quả không cao. Lao động nông nghiệp rất thiếu trong khi lao động ở các phường tiểu thủ công nghiệp vẫn còn thừa, và một số lao động nông nghiệp lại bỏ đi làm nghề khác. Hoạt động của Ban nông nghiệp, Ban cải tạo nông nghiệp và Hội nông dân tập thể chưa đồng bộ. Vấn đề phân bón và vật tư phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được. Công tác quản lý, ăn chia ở các tập đoàn còn yếu và chưa hợp lý, chưa kích thích được người sản xuất. Bộ máy quản lý ở nhiều tập đoàn kém chất lượng. Năng lực lãnh đạo về nông nghiệp của một số cấp ủy, ủy ban Phường còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ trong khu vực nông nghiệp nói chung phát huy khả năng của mình còn yếu. Chỉ đạo của Quận ủy về giành tỷ lệ đất thích hợp trồng cây thực phẩm gia súc không được thực hiện. Tác động của tiểu thủ công nghiệp vào nông nghiệp còn ít.

Nhà đất và công trình công cộng:

Đã điều tra qui hoạch một bước nhà vắng chủ và tiến hành cải tạo nhà đất. Từ khi có chỉ thị 216 của Hội đồng Chính Phủ, Quận lấy Phường 11 làm điểm điều tra nắm chắc toàn bộ nhà vắng chủ và các loại nhà thuộc diện phải cải tạo, tiến hành qui hoạch và lên kế hoạch sử dụng hợp lý. Mấy năm qua, chúng ta đã tăng cường đáng kể nhà cho các yêu cầu phục vụ công cộng, làm nhà trẻ, lớp học, nhà mẫu giáo, làm cửa hàng, kho tàng, cơ quan, giải quyết nhà ở cho CBCNV và xây dựng cơ bản. Đảng bộ đã chỉ đạo ưu tiên sửa chữa và tu bổ, xây dựng mới cho khu vực trường học, phòng khám bịnh và các công trình phục vụ sản xuất, văn hóa và đời sống cho nhân dân.

Tuy nhiên, việc phân phối và sử dụng nhà vắng chủ còn chưa được công bằng, hợp lý, công tác cải tạo nhà chưa triệt để. Việc đầu tư xây dựng cơ bản chưa đem lại hiệu quả cao, chất lượng công trình kém, vật tư bị thất thoát nhiều.

Giao thông vận tải: Những năm qua, chủ yếu Quận ta quản lý các phương tiện vận tải nhẹ, bảo dưỡng và duy tu đường sá. Toàn bộ lực lượng vận tải do chúng ta quản lý đã đưa vào hợp tác xã, thành lập Liên hiệp xã ngành giao thông vận tải. Mỗi năm đều tăng thêm được năng lực vận tải và riêng 1982, về giao thông đã vượt 108% kế hoạch, về vận tải đạt 101% kế hoạch.

II. VỀ PHÂN PHỐI LƯU THÔNG :

1/ Trên mặt trận phân phối lưu thông, mặc dù tình hình biến động theo chiều hướng xấu, nhưng chúng ta đã góp một bước chuyển mình quan trọng. Từ phương thức hoạt động theo lối hành chính bao cấp, chủ yếu là tiếp nhận và phân phối hàng nhà nước theo chế độ cung cấp nay chuyển mạnh sang chế độ hạch toán kinh doanh XHCN. Với cơ chế hoạt động mới, chúng ta đã huy động một lực lượng mới, tổng hợp, từ cơ sở trở lên, tham gia nắm, quản lý nguồn hàng, đấu tranh thị trường, đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Mạng lưới thương nghiệp XHCN, đặc biệt là HTX/TT đã vươn rộng xuống cơ sở, đã có những cố gắng lớn hạn chế biến động giá cả, đáp ứng một phần việc phục vụ 2 bữa ăn cho nhân dân lao động.

Nếu như trước Đại hội Đảng bộ lần thứ II, việc chỉ đạo công tác phân phối lưu thông còn giản đơn, chiếm vị trí thứ yếu so với nhiều công tác khác thì những năm gần đây, nhất là từ sau Đại hội lần thứ V của Đảng, phân phối lưu thông đã trở thành một công tác quan trọng, gắn chặt với nhiệm vụ sản xuất, và trong thời điểm này đã trở thành một lĩnh vực nóng bỏng, chiếm vị trí hàng đầu trong các mặt công tác ở địa phương.

Thương nghiệp quốc doanh mấy năm qua có bước phát triển khá nhanh. Năm 1979 toàn quận mới có trên 80 cửa hàng và điểmbán hàng với doanh số bán ra là 32.423.000 đồng, đến năm 1982 chúng ta đã xây dựng được 272 cửa hàng và điểm bán hàng (gần hơn 3 lần năm 1979) với doanh số bán ra là 364.170.000 đồng (gấp hơn 10 lần năm 1979) trong đó tỷ trọng bán lẻ là hơn 60%. Rõ ràng việc chuyển hướng từ chế độ hành chính bao cấp sang chế độ hạch toán kinh doanh XHCN đã có tác dụng làm cho doanh số hoạt động tăng nhanh, nguồn hàng khai thác rộng hơn, tăng tích lũy cho ngân sách và tăng thu nhập cho CBCNV, góp phần đấu tranh thị trường, thiết thực giải quyết phần nào khó khăn về đời sống cho đồng bào lao động và những người ăn lương nhà nước, Quận đã lấy phường 24 chỉ đạo điểm thu mua nắm nguồn hàng, tổ chức sắp xếp lại các chợ, sắp xếp ổn định một bước lực lượng tiểu thương.

- Việc chăm lo đời sống quần chúng và CBCNV, lực lượng vũ trang được Đảng bộ rất quan tâm. Từ năm 1980 lại đây, chúng ta đã giải quyết được 26.816 lao động có việc làm, trong đó số lao động bố trí vào khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong Quận chiếm 30%. Số bà con kinh tế mới chạy về gần 2000, phần lớn cũng được giải quyết lao động vào khu vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

- Trong tình hình đời sống khó khăn, thương nghiệp quốc doanh đã tích cực tạo ra quỹ hàng hóa, cố gắng đảm bảo 9mặt hàng cung cấp cho CBCNV. Chúng ta còn tích cực thực hiện việc chống bao cấp trong chế độ phân phối lương thực, xét duyệt bán lương thực theo giá cung cấp đúng đối tượng có tác dụng lớn trong việc động viên, kích thích người lao động, khu vực ăn lương nhà nước, điều tiết thu nhập. Nhờ vậy hàng tháng toàn Quận giảm được 200 tấn gạo so với trước. Trong 3 năm chúng ta còn cấp 450 tấn xi măng, 15.000 tấm tole phibrô xi măng cho 2.300 gia đình nghèo chống dột và tu bổ sữa chữa nhà trong mùa mưa.

Từ những năm 1982 lại đây, Quận ủy, ủy ban đã bằng mọi cách điều tiết thu nhập, điều tiết phúc lợi từ các ngành sản xuất, kinh doanh để giải quyết bữa ăn trưa mỗi tháng từ 60đ lên 100đ cho toàn thể CBCNV khu vực hành chính sự nghiệp, giáo viên, lực lượng vũ trang. Nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức các hình thức sản xuất, cải thiện tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ.

2/ Mặc dù chúng ta có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả như trên, song thương nghiệp quốc doanh và các HTX ở các chợ mới chiếm tỷ trọng từ 20-30% doanh số bán ra của thị trường. Mặt khác, tuy doanh số mua vào, bán ra của thị trường có tổ chức có tăng nhanh hơn nhưng hiệu quả phục vụ cho CBCNV, nhân dân lao động chưa cao, do chạy theo lợi nhuận, kinh doanh đơn thuần và phương thức phân phối chậm được cải tiến, một số lớn hàng chưa trực tiếp đến tay người tiêu dùng, chưa kể những mặt phát sinh như tham ô, ăn cắp, làm hư hỏng, thất thoát hàng hóa (gây thiệt hại trên 3,2 triệu đồng).

Một khuyết điểm lớn là sau đợt cải tạo thương nghiệp năm 1978, chúng ta gần như buông lỏng trận địa, để cho tư sản thương nghiệp ngóc đầu dậy, tiểu thương phát triển nhiều hơn hồi trước năm 1978. Đến năm 1982, lực lượng tiểu thương đã lên đến con số gần 8.000, gấp 1,6 lần so với năm 1978. Giai cấp tư sản thương nghiệp, bọn đầu cơ tích trữ cùng với sự phá hoại của kẻ địch, đã thao túng thị trường, gây biến động giá cả liên tục, làm cho giá cả các mặt hàng đều tăng vọt, gấp 2,3 lần năm 1978. Chính vì vậy, đời sống nhân dân lao động và CBCNV ngày càng khó khăn, tác động xấu đến tâm tư, tình cảm, ảnh hưởng phần nào đến lòng tin vào CNXH. Nhìn lại những thiếu sót và những diễn biến tai hại trên mặt trận phân phối lưu thông vừa qua, chúng ta rất thấm thía với nhận định của Bộ Chính trị là Thành phố có phần buông lơi chuyên chính vô sản ở lĩnh vực này.

Về công tác tiền tệ và ngân sách Quận: Những năm 1976-1979, tài chính Quận là cấp quản lý thu chi ngân sách, mang tính chất trung gian, quyết toán trên cơ sở thực chi và lệ thuộc hoàn toàn vào ngân sách chung của Thành phố. Nằm trong ảnh hưởng chung của chế độ hành chính bao cấp, ỷ lại, chờ đợi cấp trên thiếu chủ động tính toán, vì vậy luôn dẫn đến tình trạng bội chi ngân sách, đặc biệt là tiền mặt, việc đầu tư cho vay dài hạn và ngắn hạn rất hạn chế và kém hiệu quả.

Từ sau đại hội Đảng bộ lần thứ 2 đến nay, Quận trở thành cấp ngân sách có kế hoạch và chuyển theo hướng mới, đã tạo ra sự chủ động, nhất là việc tính toán cân đối ngân sách, tăng nguồn thu, tiết kiệm chi so với những năm trước, từ năm 1980 lại đây chúng ta đều vượt kế hoạch và nói chung là thu đủ chi. Ngân sách Quận cùng với hoạt động của ngân hàng đã đáp ứng được phần lớn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế phục vụ đời sống, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, giáo dục, y tế.

Tuy nhiên, nguồn thu của chúng ta vẫn chưa khai thác hết, còn thất thu lớn, nhất là thu thuế công thương nghiệp, việc tiết kiệm chi tiêu chưa thành ý thức ở tất cả các cơ quan, đơn vị. Ngân hàng đã có nhiều cố gắng, có cải tiến cách làm việc, tạo được nhiều nguồn thu như thu ở trạm hải quan sân bay, nhưng vẫn chưa thỏa mãn được yêu cầu, có lúc tiền mặt rất căng thẳng. Công tác vận động gởi tiết kiệm còn hạn chế. Việc đầu tư tín dụng chưa nắm được hiệu quả và thiếu đầu tư đúng mức cho các trọng điểm. Nhiều qui chế ngân hàng còn ràng buộc sự phát triển của sản xuất, kinh doanh.

III. VỀ VĂN HÓA- XÃ HỘI:

Trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, cũng có những bước tiến mới. Kết quả nổi bật của công tác tuyên truyền giáo dục là chúng ta đã làm cho đại đa số đồng bào tán thành đường lối, chủ trương của Đảng, tổ chức và hướng dẫn quần chúng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Quận nhà. Đó là vấn đề cơ bản nhất. Trên một số mặt như xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, hoạt động của nhàvăn hóa, của ngành giáo dục, y tế đạt được thành tích khá tốt. Hơn 3 năm qua, dần dần chúng ta mới thấy tính chất phức tạp và tinh vi trong cuộc đấu tranh giữa 2 con đường trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Ở trận địa này, chúng ta đã tăng cường được lực lượng và cơ sở vật chất kỹ thuật đáng kể, tuy rằng hiệu quả của nó chưa cao.

Ở tất cả các mặt hoạt động: văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, hoạt động xã hội chúng ta đều hướng vào việc cổ vũ, khuyến khích các nhân tố mới xây dựng nếp sống mới, con người mới XHCN.

1/ Hoạt động văn hóa thông tin: đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng. Chúng ta tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục trong điều kiện cuộc đấu tranh tư tưởng ở vào thời kỳ gay go quyết liệt nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa CNXH và CNTB trên địa bàn Quận ta, với đặc điểm lịch sử và cơ cấu dân cư phức tạp, Đảng bộ đã kiên trì và liên tục tiến hành cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đem lại kết quả thiết thực.

Thể hiện rõ nhất là phong trào thi đua lao động sản xuất được giai cấp công nhân, nông dân, thợ thủ công, mọi ngành mọi giới hưởng ứng sôi nổi. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn gay gắt, nhưng chúng ta đã động viên được sức sáng tạo của quần chúng, mỗi năm giá trị sản lượng đều tăng nhanh. Nhiều điển hình tốt, những mô hình tiên tiến đã xuất hiện. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc vừa có bước phát triển chiều rộng, vừa đi vào chiều sâu và các phong trào hành động cách mạng khác đã chứng tỏ kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục.

Bộ mặt văn hóa ở Quận ta đã có những thay đổi, tàn tích cũ dần dần được hạn chế. Có lúc chúng ta mất cảnh giác để cho văn hóa văn nghệ phản động đồi trụy ngóc đầu dậy, nhưng chúng ta đã kịp thời đấu tranh ngăn chặn. Chỉ trong đợt bài trừ văn hóa văn nghệ phản động đồi trụy từ 22/4/81-1/6/81, chúng ta đã tiến hành kiểm tra 86 hộ vi phạm, trong đó có 37 quán cà phê nhạc thu giữ nhiều tang vật phương tiện và hàng trăm băng nhạc, phim ảnh mang nội dung phản động, đồi trụy.

Nhiều phường, cấp ủy, chính quyền đã có quan tâm chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ. Những điển hình tốt như ở phường 13, phường 1, phường 19 v.v… đã chứng minh khả năng to lớn của phường nếu biết khai thác sức mạnh và tinh thần cách mạng của quần chúng. Hầu hết các phường đều có hệ thống loa phóng thanh và phát động được phong trào xây dựng con người mới, nếp sống mới ở các khu phố, đường phố.

Tuy vậy trên lĩnh vực này, chúng ta thấy rõ cònnhiều phức tạp. Hoạt động văn hóa văn nghệ mới có bề nổi, chưa đi vào chiều sâu. Phong trào văn nghệ quần chúng chưa phát triển đều khắp. Các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng của văn hóa, văn nghệ phản động, đồi trụy của lối sống thực dụng ích kỷ, bản vị, chỉ biết mình, không biết người, của thói quen hưởng thụ, còn ảnh hưởng nặng nề. Một bộ phận quần chúng lạc hậu dễ bị kẻ địch tác động tâm lý hoài nghi, bi quan, không tin vào chế độ mới. Tình hình đó đã chi phối một phầnkhông nhỏ tư tưởng tình cảm của quần chúng, nhất là số đồng bào tôn giáo, người Hoa, hạn chế sự đóng góp của quần chúng trong việc xây dựng chế độ mới.

2/ Về giáo dục: toàn Quận đã thực hiện chương trình cải cách giáo dục theo nghị quyết của Bộ chính trị, tạo ra một chất lượng mới trong nhà trường. Ở các lớp phổ thông cơ sở, đến năm 1982 đã có 97% trẻ em đến tuổi đi học được đến trường. Đội ngũ giáo viên và học sinh mỗi năm một đông thêm, năm học 1981-1982 đã có trên 3200 giáo viên và 70.000 học sinh phổ thông, 10.000 học sinh mẫu giáo, 3.000 trẻ em nghèo học ban đêm và gần 2.000 cháu đang được nuôi dạy trong 40 nhà trẻ. Ngoài giáo dục phổ thông, Đảng bộ còn rất quan tâm đến công tác bổ túc văn hóa, 158 học viên là cán bộ chủ chốt được cử đi học ở lớp tập trung và bán tập trung tại Quận, 678 học viên đang học ở trường dân chính cấp 3 ban đêm và gần 700 học viên học cấp 3, kể cả ở các lực lượng vũ trang, các nhà máy xí nghiệp Trung ương, Thành phố đóng trong Quận.

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” chúng ta đã huy động được 300.000 đồng do nhân dân, phụ huynh học sinh đóng góp để sửa chữa, tu bổ trường lớp, giải tán 56 lớp học ca trưa.

Bên cạnh những kết quả trên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh có phần sút giảm, tỷ lệ lên lớp chỉ đạt 90,6%, trong khi nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ II đề ra là 95%. Số trường tiên tiến mới đạt 40%, so với nghị quyết đề ra là 50%. Số giáo viên bỏ nhiệm vụ mỗi năm từ 100-120 người, một số trốn đi nước ngoài. Nhiều giáo viên chỉ biết truyền đạt kiến thức chuyên môn mà không thiết tha với chức năng cao qúy là giáo dục tư tưởng, đạo đức, tình cảm tốt đẹp cho học sinh. Thậm chí có giáo viên còn công khai tuyên truyền tư tưởng chống đối, nói xấu chế độ. Đây là vấn đề chúng ta phải rất quan tâm vì đội ngũ giáo viên không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các em học sinh.

3/ Về y tế : Phong trào 5 dứt điểm đạt chất lượng khá, từ 10 phường đạt 5 dứt điểm năm 1981, đến năm 1982 đã có 18 phường, vượt 30% chỉ tiêu. Mạng lưới khám và trị bịnh được mở rộng xuống cơ sở, phong trào vệ sinh phòng bịnh, phòng dịch phát triển. Mấy năm qua chúng ta không để xảy ra một vụ dịch bịnh nào, khi có hiện tượng phát sinh là kịp thời khoanh lại, dập tắt ngay. Đặc biệt phong trào trồng và sử dụng thuốc Nam đã đạt dứt điểm trên qui mô toàn Quận, trong đó nổi lên các phường khá nhất như phường 9, phường 17. Ban Y tế còn qui tụ 150 lương y hoạt động trong Hội y học dân tộc. Công tác cải tạo y dược, xây dựng màng lưới bán lẻ thuốc cho nhân dân, cải tạo thị trường thuốc tây ta làm nhanh và có kết quả. Đến nay, mỗi phường đều có 1 tủ thuốc dân lập, mở được 4 điểm bán lẻ thuốc tây, kể cả thuốc ngoại nhập.

Tuy nhiên, lượng thuốc phục vụ bệnh nhân còn rất hạn chế, vấn đề thực hiện 3 lợi ích còn có những mặt tiêu cực, nhất là chưa kết hợp tốt giữa khám trị bịnh trong giờ và ngoài giờ, thái độ đối với bịnh nhân còn 1 số chưa tốt, việc chăm sóc thiếu chu đáo.

4/ Về thương binh xã hội: mấy năm qua việc thực hiện chế độ chính sách đã có những tiến bộ và đưa vào nề nếp. Mỗi phường đều chú ý chăm sóc, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh, cán bộ về hưu, quân nhân phục viên, gia đình có công với cách mạng, chính sách hậu phương quân đội cũng được quan tâm thực hiện, số anh chị em bộ đội hết hạn nghĩa vụ quân sự trở về được giúp đỡ giải quyết công ăn việc làm. Chúng ta đã vận động nhân dân đóng góp trị giá trên

............... đồng cho tuyến đầu tổ quốc, gần 200 ngàn đồng để xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà truyền thống của quận, cục hậu cần quân khu 7 đã giúp đỡ xây dựng 82 mộ liệt sĩ hy sinh trong dịp tết Mậu Thân. Nhân dịp tết nguyên đán năm nay, chúng ta xây dựng, sửa chữa 15 nhà cho gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trị giá 450 ngàn đồng và cử 1 đoàn đại biểu đi thăm bộ đội mặt trận 779 ở Campuchia, mang theo trên 200.000đ quà tặng. Đó là chưa kể nhiều phường đã xây dựng được những bia truyền thống, nơi lưu niệm, thường xuyên trợ giúp cho các gia đình thuộc diện chính sách gặp khó khăn.

Khuyết điểm trong công tác này là chúng ta thực hiện chính sách đôi khi còn gò bó, thiếu linh hoạt, kịp thời, 1 số gia đình thuộc diện chính sách thật sự khó khăn, chưa được giúp đỡ đúng lúc. Phong trào vận động quần chúng đền ơn đáp nghĩa thương binh liệt sĩ chưa liên tục, việc tạo điều kiện giúp anh chị em thương binh liệt sĩ, cán bộ về hưu lao động sản xuất để có thu nhập thêm chưa được quan tâm đầy đủ. Mặt khác việc động viên giáo dục cho các đối tượng trên chưa được chú ý đúng mức.

Nạn ăn xin, cùi hủi, giải quyết không dứt điểm.

IV. VỀ AN NINH CHÍNH TRỊ-TRẬT TỰ XÃ HỘI

Cuộc đấu tranh trên mặt trận này thể hiện sự vững vàng của Đảng bộ, giữa vững an ninh trật tự trên một địa bàn trọng điểm, trong đó có kẻ địch tập trung sự phản kích, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt rất tinh vi, xảo quyệt. Dưới ánh sáng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, nghị quyết 11 của Thành ủy, chúng ta đãkhông lơi lỏng, cảnh giác, huy động được 1 lực lượng tổng hợp và phối hợp hoạt động tương đối chặt chẽ trong việc giữ gìn an ninh trật tự, đặc biệt là trong công tác đánh địch. Chúng ta đã xác định những địa bàn trọng điểm, tập trung chỉ đạo làm chuyển hóa tình hình địa bàn phường 2, lấy đó rút kinh nghiệm chỉ đạo ra diện và nét nổi bật là ta đã phát động được phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, kể cả quần chúng tôn giáo và đồng bào Việt gốc Hoa.

Kẻ địch đã không thực hiện được âm mưu chống phá, gây bạo loạn về mặt quân sự, trong hơn3 năm qua, chúng tiến hành một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, trong đó nổi rõ là hoạt động chiến tranh tâm lý, phá hoại về mặt kinh tế, văn hóa, tư tưởng, tranh thủ lôi kéo quần chúng, nhất là số đồng bào tôn giáo, Việt gốc Hoa. Bằng cách đó chúng đã gây cho ta những khó khăn không nhỏ.

Về trật tự xã hội cũng tiếp tục phức tạp, số vụ phạm pháp hình sự có chiều hướng gia tăng. Năm 1982 có 713 vụ tăng 13% so với năm 1981. Mỗi năm xảy ra trên dưới 50 vụ trọng án, nhiều vụ giết người rất tàn bạo (như vụ giết 4 cháu nhỏ ở Phường 6, vụ giết người cướp của ở Phường 3 v.v...)

Tình hình vi phạm pháp luật Nhà nước cũng xảy ra liên tục, tập trung ở ngành kinh tế và ngành trực tiếp với dân. Riêng ngành kinh tế, tình hình xâm phạm tài sản XHCN, tính chung trên địa bàn Quận (kể cả xí nghiệp, cơ quan Trung ương và Thành phố) năm 1982, tăng 1,5 lần so với năm 1981 (158/104 vụ), nhưng giá trị thiệt hại tăng gấp 8 lần (27,5/3,5 triệu).

Khu vực tôn giáo, tuy số vụ chống đối xảy ra ít, nhưng cũng gây 1 số vụ phức tạp và hướng hoạt động của địch đi vào chiều sâu.

Trước diễn biến của tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội như trên, hơn 3 năm qua Đảng bộ đã liên tục phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, phát triển đội ngũ nòng cốt ở cơ sở. Qua cuộc vận động đóng góp xây dựng ngành công an theo tinh thần chỉ thị 92 của Ban Bí thư Trung ương đã có gần 3.000 ý kiến trong nội bộ và ngoài quần chúng đóng góp rất chân tình, xây dựng chẳng những cho lực lượng công an nhân dân mà cả cho công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Qua đó ngành công an đã kiểm điểm sâu sắc ưu khuyết điểm, thanh lọc những phần tử xấu, đưa ra kiểm điểm trước dân những người có hành vi ức hiếp quần chúng. Đồng thời ngành đã phát động một phong trào thi đua xây dựng lực lượng công an trong sạch vững mạnh, đặc biệt là đội ngũ lực lượng cảnh sát khu vực. Từ đó đã tác động rất lớn vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, thúc đẩy lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ.

Cho đến nay chúng ta xây dựng mới khu phố có một ban bảo vệ và toàn Quận có 127 đội dân phòng với lực lượng 14.900 đội viên. Có Phường như phường 2, phường 4 xây dựng lực lượng dân phòng khá đông: trên 600 người. Trung bình mỗi phường có từ 4-500 đội viên. Gắn chặt với việc xây dựng cơ chế phường, Quận đã chỉ đạo xây dựng tổ dân phố, khu phố an toàn vững mạnh. Quận ủy đã chọn phường 2 làm điểm chỉ đạo chuyển hóa tình hình mọi mặt. Chính vì vậy, đến năm 1982 trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc đã có 2 phường (phường 1 và phường 11) giữ vững là đơn vị lá cờ đầu, phường 17 phường khá, tăng 41% so với năm 1980 và xóa hẳn phường yếu (năm 1980 có 3 phường yếu). Từ phong trào quần chúng, lực lượng dân phòng đã cung cấp cho ta nhiều nguồn tin có giá trị, phát hiện và truy bắt kịp thời bọn tội phạm. Nhờ quần chúng, chúng ta đã khám phá 4 nhen nhóm phản cách mạng, bắt 14 tên, bắt gọn 1 tổ chức làm bạc giả, phá 20 tổ chức móc nối đưa người đi vượt biên, bắt giữ 19 tên xâm nhập từ ngoài vào. Quần chứng cũng phát hiện và tham gia bắt 682 vụ phạm pháp hình sự gồm 681 tên, khám phá 82 vụ xâm phạm tài sản XHCN thu hồi được gần 18 triệu đồng.

Hoạt động của Viện kiểm sát, Tòa án, Pháp chế xã phối hợp tốt với ngành công an, giải quyết khá kịp thời các vụ án kể cả các vụ án khó và phức tạp. Trình độ nghiệp vụ được nâng lên rõ.

Việc xét khiếu tố, khiếu nại, kiểm tra, thanh tra đã bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân và thực hiện nghiêm chỉnh pháp chế XHCN cũng có nhiều tiến bộ. Mạng lưới thanh tra nhân dân được hình thành ở đều khắp các phường mà điển hình về hoạt động tốt là phường 24, đã góp phần hòa giải, giải quyết những va chạm trong nhân dân, tăng cường được tình đoàn kết bà con khu phố.

- Côngtác quân sự địa phương mấy năm qua cũng từng bước nâng lên về mặt chất lượng thông qua cuộc vận động “phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân”. Chúng ta liên tục phát động các phong trào 3 tốt: 3 dứt điểm, 3 sẵn sáng, kết hợp với cuộc vận động thực hiện 5 mục tiêu, đã tăng thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ Quận, làm xuất hiện nhiều mô hình mới tốt từ xuất sắc một mặt đến nhiều mặt.

Việc xây dựng lực lượng tự vệ phường cũng được nhiều cấp ủy quan tâm. Ban chỉ huy quân sự Quận và Phường có nhiều phương án tác chiến khá tỉ mỉ, phối kết hợp với lực lượng công an, lực lượng dân phòng thường xuyên canh gác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn các khu vực trọng điểm và toàn địa bàn. Trình độ kỹ chiến thuật được nâng lên, qua những đợt tổng kiểm tra hàng năm, trên 90% các đơn vị đạt yêu cầu về xây dựng toàn diện, trong đó 47% đạt loại khá giỏi.

Mấy năm nay, Đảng bộ rất chú ý đến việc chăm lo đời sống cho bộ đội, lực lượng tự vệ và thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Mỗi phường bằng nhiều cách tổ chức cho anh chị em sản xuất cải thiện, bù thêm vào bữa ăn mỗi ngày từ 2đ-3đ. Các dịp lễ, tết cấp ủy chính quyền, các đoàn thể đều đến chăm nom, tặng quà cho anh chị em tự vệ khá chu đáo. Những gia đình quân nhân gặp khó khăn được phát hiện kịp thời và giúp đỡ thiết thực. Quận đã giải quyết cho con em của trên 200 gia đình NVQS có khó khăn vào làm việc ở các HTX, xí nghiệp, tổ sản xuất, trợ cấp cho 160 gia đình và đỡ đầu 200 cháu con em gia đình bộ đội, thương binh neo đơn, giải quyết việc làm cho 160 quân nhân hoàn thành NVQS trở về. Hiện nay, đời sống của lực lượng tự vệ vẫn còn khó khăn nhiều.

Công tác tuyển quân từ năm 1980 lại đây, Quận liên tục hoàn thành và vuợt chỉ tiêu. Số anh em đào ngũ cũng được vận động trở lại đơn vị đạt tỷ lệ 93,3%. Nhờ có quyết tâm và tích lũy kinh nghiệm những cuộc vận động NVQS về sau này đạt chất lượng cao hơn số đào ngũ giảm hẳn.

Mặt yếu của công tác quân sự địa phương là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có phần coi nhẹ, việc quản lý lực lượng còn lỏng giữa công an, quân sự và các đoàn thể quần chúng phối hợp chưa thật sự chặt chẽ. Những hiện tượng tiêu cực, nhất là về tác phong sinh hoạt, rượu chè, lơ là công tác, ăn hối lộ trong việc gọi thanh niên nhập ngũ v.v... còn xảy ra ở 1 một số nơi.

Về giữ gìn an ninh trật tự, khuyết điểm là còn nặng mặt trấn áp mà nhẹ mặt giáo dục,việc quản lý đối tượng còn mang tính hành chính đơn thuần. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc phát động không đều và thiếu. Pháp chế XHCN chưa được tôn trọng trên nhiều mặt còn lỏng lẻo và vi phạm nghiêm trọng. Trật tự xã hội còn nhiều phức tạp. Tệ nạn xã hội lúc tăng, lúc giảm, bọn gây án chưa được phát hiện sớm và trừng trị kịp thời. Lực lượng công an tuy có nhiều cố gắng và được chú ý xây dựng, củng cố nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhiệm vụ, có số biểu hiện suy thoái làm giảm lòng tin của nhân dân.

Trong 3 năm qua, đã có 194 cán bộ chiến sĩ lực lượng công an vi phạm kỷ luật, trong đó có 45 người phạm tội ăn hối lộ.

V. VỀ XÂY DỰNG BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN, ĐOÀN THỂ PHÁT HUY

QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG :

a) Về việc xây dựng chính quyền, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động:

Trong việc thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phát huy hiệu lực của bộ máy chính quyền, Đảng bộ đã có bước chuyển biến quan trọng về nhận thức cũng như trong chỉ đạo thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, được phát huy thông qua các hoạt động có bước tiến bộ mới của bộ máy chính quyền và các đoàn thể quần chúng, và thông qua các đợt sinh hoạt chính trị. Mặc dù tư tưởng XHCN chưa chiếm ưu tế trong quần chúng, tính chất đấu tranh gay gắt giữa hai con đường XHCN và TBCN tác động sâu sắc đến tư tưởng tình cảm và tâm lý của quần chúng song ngày càng thấy rõ bản chất tốt đẹp của chế độ mới thấy rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là thông qua việc thực hiện các đường lối chủ trương của Đảng phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của quần chúng đã có tác dụng thuyết phục quần chúng tin theo chế độ mới. Một bộ phận quần chúng tiên tiến đã xuất hiện, nảy sinh từ trong phong trào lao động sản xuất khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoàn thành kế hoạch nhà nước, trong hoạt động chăm lo đời sống trong phong trào giữ gìn an ninh trật tự, trong hoạt động văn hóa xã hội và các phong trào hành động cách mạng khác.

Từ đại hội lần thứ II đến nay, Đảng bộ đã chú trọng chỉ đạo phong trào thi đua kết hợp chặt với việc bồi dưỡng, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến. Cuối năm 1981, Quận chúng ta đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào 5 năm 1977-1981, bước đầu rút ra được những mô hình tiên tiến từ từng mặt đến toàn diện trong tất cả các ngành, có tác dụng giáo dục sâu sắc, khẳng định những cái mới tốt đẹp, cổ vũ động viên cái mới tốt đẹp, tạo sinh khí phấn khởi hành động cách mạng. Có thể nói đây là bước phát triển về chất, tạo tiền đề rất có ý nghĩa cho phong trào thi đua XHCN phát triển mạnh mẽ ở những năm sau.

Hơn 3 năm qua, Đảng bộ cũng đã tập trung nhiều công sức, trí tuệ xây dựng bộ máy chính quyền từ Quận xuống Phường ngày càng vững mạnh, đảm đương được nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn mới. Các đợt bầu cử Hội đồng nhân dân đều đạt được thắng lợi trên cơ sở bảo đảm dân chủ thực sự và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác chính quyền được chọn lọc, tăng cường những đồng chí có năng lực, bố trí hợp lý với khả năng và trình độ. Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta đã tích cực thực hiện việc xây dựng cơ chế tổ chức Phường, tạo ra sức mạnh mới vững chắc ở cơ sở. Đến nay tất cả các Phường đã bố trí tương đối hoàn chỉnh cơ chế bộ máy ở cơ sở với 1501 tổ dân phố, 127 khu phố. Hầu hết các khu phố đã có tổ Đảng hoặc chi bộ, chi đoàn thanh niên, liên tổ phụ nữ, tổ lao động hợp tác. Ban cán sự Hội nông dân tập thể (ở 11 Phường nông nghiệp), tổ Hội đồng nhân dân và đội dân phòng.

Việc phát huy hiệu lực của chính quyền trong mấy năm qua dần dần đã đi vào cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ. Bộ máy chính quyền từ Phường lên đến Quận được thường xuyên chú ý củng cố tăng cường cán bộ có chất lượng nhất là cán bộ biết quản lý kinh tế, đã từng bước nâng được hiệu lực hoạt động, khắc phục dần lối bao biện làm thay của các cấp ủy.

Trình độ lãnh đạo, chỉ huy của bộ máy chính quyền có bước tiến bộ rõ thể hiện tập trung ở chỗ đã từng bước đi vào quản lý kinh tế, quản lý xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng thông qua công tác kế hoạch hóa và có bám sát thực hiện theo kế hoạch đó. Nói chung đã hình thành một lối làm việc có kế hoạch. Trong chỉ đạo kinh tế đã biết tính toán có hiệu quả, suy nghĩ tìm tòi những phương án tốt. Sau đợt xây dựng cơ chế Phường, tổ chức từ Phường đến tổ dân phố hình thành và đi vào hoạt động, đã củng cố và tăng cường được hiệu lực và sức mạnh của chính quyền cơ sở.

b) Công tác xây dựng các đoàn thể

Hơn 3 năm qua công tác vận động quần chứng có những bước phát triển mới, đã coi trọng việc phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên quần chúng khai thác những khả năng tiềm tàng, tạo nên khí thế thi đua lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội.

Công tác vận động quần chúng đã bước đầu đi sâu vào từng đối tượng như công nhân, nông dân, lao động hợp tác, tôn giáo, lứa tuổi thanh niên, hội phụ nữ v.v...

Nội dung hoạt động của các đoàn thể đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước trên cơ sở đó mà tăng cường khối đoàn kết trong nhân dân.

- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã thể hiện được vai trò xung kích trên nhiều lĩnh vực công tác. Tuổi trẻ luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên lĩnh vực sản xuất, lực lượng thanh niên đã góp phần đắc lực vào việc hoàn thành kế hoạch nhà nước, nồng cốt trong các phong trào văn hóa, văn nghệ vui chơi khỏe và bảo vệ quốc phòng, an ninh trật tự. Chỉ riêng năm1982 thanh niên đã có hàng trăm sáng kiến có giá trị làm lợi cho nhà nước gần 2 triệu đồng.

Ở những đơn vị cơ sở, tổ chức đoàn đã phát huy tác dụng tổ chức, tập hợp thanh niên tham gia nhiều mặt công tác làm xuất hiện nhiều điển hình tốt. Đoàn Phường 3, Phường 6, liên tục mấy năm nay là đơn vị dẫn đầu trong phong trào vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, đoàn thanh niên P.24 Phường 20 là những điển hình trên mặt trận sản xuất.

Trong 3 năm qua, đoàn đã kết nạp được 2072 đoàn viên mới, trong đó có 14% ở khối sản xuất và phân phối lưu thông.

Đến nay toàn quận có 3.449 đoàn viên (tăng 15% so với năm 1979) trong đó đoàn viên trong khu vực sản xuất chiếm 14,8%, trong khu vực phân phối lưu thông chiếm 4%, trong khu vực trường học chiếm 31%. Nói chung việc xây dựng tổ chức Đoàn có nhiều tiến bộ so với trước năm 1980. 19/24 HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 3 tổ hợp sản xuất đã có chi đoàn. Ở 777/1398 tổ dân phố xây dựng được tổ thanh niên và 100% khu phố có chi đoàn thanh niên. Công tác phát thẻ đoàn được chỉ đạo chặt chẽ và có tác dụng tốt. Đoàn còn tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng. Đoàn viên đăng ký phấn đấu trở thành đảng viên, bồi dưỡng, giáo dục, giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng. Ba năm qua, đoàn đã giới thiệu 341 đoàn viên ưu tú và 247 đ/c được xét kết nạp vào Đảng.

Công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng cũng có bước chuyển biến mới, đoàn đã tập hợp tổ chức được trên 42.000 em vào đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Trong đó ½ số em đạt là cháu ngoan Bác Hồ và đã phối hợp vận động được 80% số trẻ em nghèo thất học đến lớp ban đêm.

Từ sau khi có pháp lệnh của Hội đồng nhà nước về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, trở thành là trách nhiệm của toàn dân, của các cấp, các ngành. Đặc biệt thiếu niên nhi đồng quận ta ngày càng được chú ý chăm lo tốt hơn, cả tinh thần lẫn vật chất.

Những chỗ yếu của đoàn thanh niên là công tác tập họp giáo dục thanh thiếu niên. Thanh niên trong các tôn giáo và gốc Hoa chưa quản lý được bao nhiêu.

Công tác giáo dục thanh niên chưa đi sâu từng đối tượng hình thức còn nghèo thiếu hấp dẫn. Việc giáo dục số thanh niên chậm tiến chưa chú ý đúng mức, công tác thiếu niên nhi đồng ở một số nơi chưa được quan tâm, nhất là ở những vùng tôn giáo. Công tác phát triển đoàn còn chậm. Tổ chức đoàn trong các cơ sở sản xuất, phân phối lưu thông còn yếu và mỏng.

Công đoàn trong những năm qua đã phát huy được tác dụng trong việc giáo dục chính trị, giác ngộ lý tưởng cộng sản cho đội ngũ công nhân, cán bộ nhân viên, thợ thủ công, góp phần kiểm tra xây dựng bộ máy chính quyền, động viên tinh thần tích cực, sản xuất và đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực.

Cho đến nay ở hầu hết các cơ quan, đơn vị xí nghiệp, tổ sản xuất đã xây dựng được tổ chức công đoàn, hội lao động hợp tác với 80 Ban chấp hành công đoàn cơ sở, qui tụ 8.000 đoàn viên, chiếm tỉ lệ 98% so với tổng số công nhân viên chức nhà nước và 37 Hội lao động hợp tác với trên 13.000 lao động tiểu thủ công nghiệp chiếm 72% so với tổng số lao động. Tổ chức công đoàn và Hội lao động hợp tác đã góp phần lớn trong việc phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua, làm nảy sinh nhiều đơn vị và cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Trong 3 năm qua, toàn Quận đã có 140 chiến sĩ thi đua (trong đó có 29 chiến sĩ thi đua cấp Thành phố), gần 10.000 lao động tiên tiến. Ba đơn vị được công nhận là tổ XHCN, 243 đơn vị được công nhận là đơn vị lao động tiên tiến, công đoàn cũng đóng góp vai trò tích cực trong việc chăm lo đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, tham gia xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng khá tốt.

Tuy nhiên hoạt động của công đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị, việc giáo dục về vai trò, tính chất giai cấp công nhân trong công đoàn còn yếu do đó chưa xác lập được vị trí xứng đáng với chức năng nhiệm vụ của mình. Cán bộ làm công tác công đoàn nói chung còn yếu về nghiệp vụ, chưa được các cấp ủy quan tâm tạo điều kiện đầy đủ, hoạt động lúng túng chất lượng chưa cao, một số thiếu an tâm chưa tha thiết với công tác. Công đoàn chưa bảo đảm cho việc thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ, nhất là việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hộ lao động.

Hội liên hiệp phụ nữ: với lực lượng 24.000 hội viên chiếm tỉ lệ 85% phụ nữ toàn Quận, các chị đã là những nòng cốt tích cực trong công tác hội và tham gia các công tác cách mạng khác. Những năm qua Hội phụ nữ góp phần có hiệu quả vào việc chăm lo đời sống, đấu tranh thị trường, tham gia quản lý các chợ vào tổ ngành hàng, giáo dục chị em bán đúng giá quy định, đóng thuế đầy đủ. Hội còn nhận phân phối hàng trăm tấn gạo cho đồng bào góp phần đấu tranh giữ giá trị thị trường ở mặt hàng chiến lược này. Để giúp cho chị em phụ nữ có việc làm, Hội đã vận động mở 3 lớp dạy nghề cho 155 chị, Hội đã tích cực thực hiện chính sách hậu phưong quân đội, đã vận động các chi hội chăn nuôi heo, gà và đóng góp tiền trị giá trên 100 ngàn đồng để thăm viếng, tặng quà các đơn vị bộ đội kết nghĩa và đỡ đầu lớp 10A thuộc trường con em liệt sĩ Lý Tự Trọng. Phong trào vận động sinh đẻ có kế hoạch, nuôi con khoẻ dạy con ngoan, thực hiện nếp sống mới cũng có nhiều tiến bộ, từ 20 điển hình tiên tiến năm 1979 nay đã tăng lên 66 điển hình, đã có tác động tốt đến việc giải phóng người phụ nữ, từng bước thực hiện quyền nam nữ bình đẳng. Trong việc giữ gìn an ninh trật tự, phụ nữ cũng có những đóng góp quan trọng, chị em đã thành lập 48 đội tự vệ với gần 600 chị em tham gia tuần tra canh gác, phụ nữ còn góp phần vào việc hòa giải các vụ va chạm, giữ yên khu phố. Từ kết quả trên, từ năm 1979 đến năm 1982, phong trào phụ nữ đã 4 năm liền đạt tiêu chuẩn tiên tiến toàn diện dành được cờ của Thành phố và Quận tặng.

Tuy vậy, phong trào lao động sản xuất và phân phối lưu thông trong phụ nữ chưa đều, lực lượng phi sản xuất trong phụ nữ nhất là số tiểu thương còn quá đông, ý thức giác ngộ, tinh thần tự giác tham gia các công tác cách mạng còn hạn chế. Việc phát triển hội chưa rộng, nhất là trong chị em tôn giáo và người Việt gốc Hoa.

Hội nông dân tập thể, mấy năm qua đã bám sát nhiệm vụ sản xuất và hợp tác hóa nông nghiệp, đi sâu xây dựng các tập thể, vận động được 75%nông dân cá thể vào tổ đoàn kết sản xuất. 11 phường nông nghiệp đều đã có tổ chức hội nông dân tập thể, qui tụ được 60% xã viên HTX nông nghiệp, tập đoàn viên và hội viên vào hội. Hội đã góp phần hòa giải ở nông thôn, tham gia giải quyết ổn thỏa một số vụ tranh chấp ruộng đất.

Tuy nhiên, sinh hoạt của Hội còn lỏng lẻo, chưa đi sâu giáo dục cho hội viên và nông dân về cuộc đấu tranh giữa hai con đường, đội ngũ cán bộ hội còn yếu, vì vậy mà hội phát huy tác dụng còn hạn chế.

Công tác mặt trận mấy năm qua có bước tiến mới trên nhiều mặt hoạt động, khối đoàn kết toàn dân được mở rộng, xác lập được mối quan hệ gắn bó giữa mặt trận với mọi thành viên.

Mặt trận đã triển khai có hiệu quả các cuộc vận động chính trị lớn như bầu cử HĐND, học tập hiến pháp mới, luật nghĩa vụ quân sự, lấy chữ ký bảo vệ hòa bình, quyên góp vì tuyến đấu của tổ quốc, cứu giúp đồng bào Nghệ Tĩnh, xây dựng thủy điện Trị An v.v... Thông qua các hoạt động thiết thực nói trên đã có tác dụng giáo dục, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể cho quần chúng và các thành viên.

Nổi nhất mấy năm qua là phong trào 3 giỏi của các cụ phụ lão. Hoạt động của các cụ không chỉ đậm đà tình người, chăm sóc nhau lúc đau yếu, khó khăn, khi qua đời, mà còn góp phần rất có hiệu quả vào nhiều công tác cách mạng ở địa phương. Với uy tín và hành động gương mẫu của mình, các cụ phụ lão đã đóng góp tiếng nói có sức thuyết phục lôi cuốn thân nhân, bà con khu phố nhất là lớp con cháu tham gia giữ gìn an ninh trật tự, chăm sóc thiếu niên nhi đồng, thi hànhnghĩa vụ quân sự, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chống văn hóa phản động đồi trụy, xây dựng nếp sống mới, con người mới. Ở các trường hướng nghiệp, các cụ là nòng cốt trong phong trào trồng cây, chăn nuôi gia đình, ao cá Bác Hồ v.v... Đến nay số hội viên vào sinh hoạt trong các tổ phụ lão đã chiếm tỷ lệ 88% trong tổng số 20.000 phụ lão toàn Quận, nhiều phường đã đạt tỷ lệ từ 90-100%.

Đối với công tác tôn giáo, chúng ta đã thu được một số kinh nghiệm. Ở khu vực này còn có nhiều phức tạp, bọn phản động lợi dụng tôn giáo ra sức hoạt động chống đối cách mạng khá tinh vi, đi vào chiều sâu, thích nghi thời đại, nhằm lôi kéo quần chúng tín đồ lập các ca đoàn, thiếu nhi thánh thế, tăng thêm các lớp giáo lý để tập hợp thanh thiếu niên, hạn chế ảnh hưởng của cách mạng. Tuy nhiên do hiểu biết vận dụng chính sách linh hoạt, nhất là nghị định 297/CP của Hội đồng Chính phủ chúng ta đã có thâm nhập vào quần chúng lao động, tranh thủ được một số giáo phẩm tiến bộ, cô lập bọn xấu, giải quyết một số vụ rắc rối một cách kiên quyết và khéo léo, gây được sự ủng hộ của đông đảo đồng bào tín đồ.

Trong công tác dân tộc, chủ yếu là đối với đồng bào Việt gốc Hoa, thực hiện đường lối chính nghĩa và đúng đắn của Đảng, chúng ta cũng từng bước tạo được sự tin cậy, qui tụ đông đảo hơn đồng bào Hoa tiến bộ đứng về phía cách mạng. Nhìn chung bà con dần dần đã ổn định về mặt tâm lý, tư tưởng sau vụ nạn kiều ngày càng an tâm sản xuất, xây dựng cuộc sống. Nhiều người thực sự lo làm ăn, sinh sống, không còn dao động nửa đi, nửa ở như trước. Qua đợt sinh hoạt chính trị cho đồng bào Hoa theo chủ trương của Thành ủy trên 5000 người dự trao đổi, thảo luận đã củng cố được lòng tin, phần đông vững tâm bộc bạch những tâm trạng, đề bạt những nguyện vọng thể hiện lòng mong muốn chính quyền cách mạng bảo vệ cho bà con được sống yên ổn dưới chế độ mới, không để kẻ địch và bọn xấu gây thêm chohọ những đau khổ.

Bên cạnh, kết quả trên, công tác mặt trận cũng còn nhiều mặt hạn chế, nhất là trong công tác vận động và tập hợp quần chúng, lực lượng nòng cốt nói chung mỏng và chưa phát huy tác dụng cao. Việc thâm nhập vào quần chúng tôn giáo, người Hoa chưa có nhiều kết quả, kẻ địch và bọn xấu còn có thể lợi dụng khu vực này gây rối cho ta nhất là việc tác động tâm lý, kích động quần chúng. Các thành viên của mặt trận chưa phối hợp tốt, chưa bám sát và phục vụ có hiệu quả cao cho nhiệm vụ chính trị của Quận, đặc biệt là trên lĩnh vực phân phối lưu thông, cải tạo, quản lý thị trường, trong phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, trong việc tổ chức và sắp xếp lại sản xuất, đi vào quĩ đạo của CNXH và trên lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh chống văn hóa văn nghệ phản động đồi trụy.

V. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG :

Đảng bộ Quận ta đến nay có 1635 đảng viên, tăng 589 đ/c so với năm 1979, trong đó có 340 đảng viên mới được kết nạp, sinh hoạt ở 89 đơn vị cơ sở.

Hơn 3 năm qua Đảng bộ đã có một bước trưởng thành cả về chính trị tư tưởng và tổ chức, nhất là ý chí vươn lên không ngừng để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng.

a) Về mặt chính trị tư tưởng Thời gian qua là thời gian cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra một cách gay go phức tạp và quyết liệt, đó cũng chính là thời gian tôi luyện thử thách đối với toàn Đảng bộ, đối với từng cơ sở Đảng và từng đảng viên chúng ta.

Qua quá trình học tập, quán triệt đường lối, chủ trương nghị quyết của Đảng, trải qua công tác thực tế, có thể nói mỗi đảng viên trong Đảng bộ chúng ta đã thực sự trưởng thành, nhất là gần đây qua đợt sinh hoạt chính trị học nghị quyết Đại hội V,nghị quyết 01 của Bộ Chính trị và đợt tổng kết công tác phát thẻ đảng, đại bộ phận đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn về tính chất, nhiệm vụ của thời kỳ mới, về cuộc đấu tranh giữa 2 con đường, về ta, bạn, thù và đối tượng cách mạng XHCN.

Từ đó tạo sự chuyển biến mới trong rèn luyện về phẩm chất và năng lực, nhiều đồng chí đã thực sự ân hận, ray rứt về những điều không trọn vẹn về vai trò vị trí người đảng viên. Đại đa số đã thấy được hướng đi đúng, củng cố được lòng tin vào Đảng và vào chính mình, mặc dù trình độ hiểu biết có khác nhau, nhưng nét tập trung là đảng viên đã có thể xem xét, đánh giá những chuyển biến phức tạp của tình hình một cách có cơ sở khoa học hơn, toàn diện và xuất sắc hơn. Các đồng chí đãnhìn vào tương lai phát triển của đất nước với con mắt sáng sủa hơn. Chính từ sự chuyển biến vềtư tưởng đã đem lại kết quả to lớn trong công tác. Hầu hết các cấp ủy, chi bộ, cơ quan ban ngành đoàn thể đã lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Trước những khó khăn, nhiều cán bộ đảng viên chẳng những không chịu bó tay mà còn phát huy tính năng động sáng tạo cùng với tập thể đưa ngành mình, cơ quan mình trở thành những đơn vị tiên tiến. Điển hình như Phường 24 năm 1981 đã được nhận huân chương lao động hạng ba của Hội đồng Bộ trưởng tặng. Ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành y tế, HTX tiêu thụ đều là những ngành có thành tích xuất sắc được trên khen thưởng. Số chi bộ vững mạnh trong sạch năm 1982 đã tăng gấp 2 lần năm 1981 (32/16), đơn vị khá tăng hơn 66% (53/38) và hoàn toàn xóa đơn vị yếu ở khối phường.

Tình hình đảng viên ở Quận ta đến năm 1982 được phân bổ như sau:

- Ở các cơ quan ban ngành đoàn thể Quận có 309 đảng viên. Số này chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, mấy năm qua đã được bố trí điều chỉnh một bước hợp lý, phát huy được năng lực, sở trường, nhiều đồng chí tỏ ra có khả năng, tháo vát, qui tụ được quần chúng, đưa đơn vị và ngành mình tiến lên khá.

- Khối sản xuất có 100 đảng viên, trong đó có 78 đảng viên thuộc các xí nghiệp Trung ương và thành phố trực thuộc. Cũng chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, đảng viên trực tiếp sản xuất tỷ lệ không đáng kể. Tuy vậy, các đồng chí đã là nòng cốt lãnh đạo quần chúng trong phong trào thi đua sản xuất, phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước, nhiều đồng chí tỏ ra năng động sáng tạo, một số mô hình tốt xuất hiện.

Khối phân phối lưu thông có 102 đ/c, chiếm tỷ lệ 7,4% so với tổng số cán bộ đảng viên, phần lớn đảng viên tập trung ở các nhiệm vụ chủ chốt, bước đầu đang có sự chuyển biến về quan điểm và phương thức hoạt động kinh doanh XHCN, tạo ra một sinh khí mới trong hoạt động của ngành.

- Khối giáo dục, y tế có 102 đ/c, đã lãnh đạo và quản lý đội ngũ giáo viên và y bác sĩ, y tá khá đông, 2 ngành này đều có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tích khá lớn.

- Khối cơ sở phường gồm có 863 đ/c (có 556 đảng viên hưu trí). Lực lượng đảng viên này mấy năm qua trải qua công tác thực tế có mức trưởng thành rõ nhất. Chúng ta đã nâng 7 trong số 26 chi bộ phường lên Đảng bộ cơ sở. Qua các lần củng cố, nhất là kỳ đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở lần 3, đảng bộ đã chọn lọc và tăng cường cán bộ cho phường, bảo đảm cấp ủy có đủ 5 chức danh chủ chốt (gồm bí thư, chủ tịch, công an, phường đội, dân vận, mặt trận), tăng cường cán bộ trẻ, có năng lực, có sức bật, xông xáo và có trình độ văn hóa khá hơn. Tuổi đời bình quân của cấp ủy phường có giảm so với năm 1979, 6/35 đ/c Quận ủy viên (khóa 2) trực tiếp làm bí thư phường.

Việc quy hoạch cán bộ đang tiến hành khẩn trương sau khi đã thí điểm ở Phường 19. Chúng ta đã tính toán những bước đầu công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt, đội ngũ kế thừa và nghiên cứu bố trí sao cho hợp lý hơn đội ngũ cán bộ hiện có.

Thực hiện chỉ thị 38 của Trung ương, Đảng bộ tiến hành 6 đợt phát thẻ Đảng và đến đợt 19/5/1981 đã kết thúc. Tổng số đảng viên được phát thể Đảng là 1322 đ/c, chiếm tỷ lệ 87,22% trong tổng số đảng viên. Vừa qua trong đợt tổng kết phát thẻ Đảng, kiểm điểm tư cách đảng viên, toàn Đảng bộ có 1407 đảng viên đủ tư cách trong tổng số 1456 đảng viên dự kiểm điểm. 41 đ/c để lại xem xét, 8 đ/c đưa ngay ra khỏi Đảng. Thông qua công tác phát thẻ Đảng, chất lượng đảng viên được nâng lên rõ rệt, những mặt tiêu cực được phân tích phê phán ngăn chặn và đẩy lùi một bước. Những người không đủ tư cách-phẩm chất được mạnh dạn sàng lọc, đưa ra, tăng thêm lòng tin trong nội bộ và ngoài quần chúng.

Điều đáng phấn khởi là qua học nghị quyết Đại hội V, nghị quyết 01 của Bộ Chính trị và qua đợt tổng kết công tác phát thẻ Đảng, kiểm điểm tư cách đảng viên, toàn Đảng bộ đã chuyển biến rõ không chỉ ở nhận thức tư tưởng mà đang tạo nên sự chuyển biến trong hành động. Các cấp ủy và đặc biệt là các đồng chí cán bộ lãnh đạo đã sốt sắng vạch kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay một số công tác trước mắt theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, gây được phấn khởi, tin tưởng trong quần chúng.

Công tác phát triển Đảng cũng được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo. Từ năm 1980 đến nay đã kết nạp được 340 đảng viên mới, mở 9 lớp bồi dưỡng cho 983 đối tượng Đảng. Ban Thường vụ Quận ủy đã thành lập 1 Ban chỉ đạo công tác phát triển Đảng. Nói chung, công tác phát triển Đảng ngày càng được quan tâm hơn, đặc biệt chú trọng đến chất lượng phát triển và tập trung phát triển ở các khu vực yếu và phát động phong trào toàn đoàn tham gia xây dựng Đảng.

Công tác kiểm tra đã cố gắng phát hiện xử lý những vụ đảng viên vi phạm, tiến hành kiểm điểm ở chi bộ và nhiều vụ đã có kết luận rõ. Hơn 3 năm qua đã có 186 đảng viên bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, trong đó có 150 đảng viên bị khai trừ ra khỏi đảng. Phải nói rằng, chúng ta thực hiện công tác kiểm tra Đảng khá công phu tỉ mỉ, vì đây là 1 công việc phức tạp, khó khăn. Kết quả của công tác này đã góp phần rất lớn trong việc chống tiêu cực, bảo vệ sự trong sáng của Đảng.

Ở tất cả các chi bộ, Đảng bộ cơ sở đều đã cử 1 cấp ủy viên phụ trách công tác kiểm tra và bước đầu đã đi vào thực hiện giữ gìn nề nếp, kỷ luật của Đảng.

Bên cạnh những việc đã làm được như trên chúng ta cũng còn những thiếu sót nhược điểm trong công tác xây dựng Đảng. Thiếu sót lớn nhất là chưa quan tâm đầy đủ đến việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nội bộ. Việc giác ngộ lý tưởng, rèn luyện lập trường giai cấp công nhân, nâng cao năng lực phẩm chất cách mạng làm chưa thường xuyên liên tục. Nhiều chi bộ, cơ quan, đơn vị có phần nặng tổ chức thực hiện công tác chuyên môn, ít chú ý theo dõi diễn biến tư tưởng, sinh hoạt, làm ăn của cán bộ, nhân viên để kịp thời giáo dục bồi dưỡng, nội dung và phương pháp giáo dục có phần khô khan, nghèo nàn, ít có sức thuyết phục. Ngay sinh hoạt chi bộ, có nơi cũng họp chiếu lệ, thậm chí đến 3, 4 thángkhông sinh hoạt và chưa bảo đảm 3 tính chất, nhất là tính giáo dục và tính chiến đấu. Việc đánh giá đảng viên ở 1 số nơi còn có biểu hiện hoặc là thiên về hoàn thành công việc được giao, mà nhẹ việc kiểm tra, xây dựng quan điểm, nhận thức, về đạo đức, phẩm chất hoặc là đánh giá ngược lại. Chính vì vậy khi tư tưởng tiêu cực phát sinh những nơi đó không kịp thời phát hiện uốn nắn, giúp sửa chữa. Chúng ta cũng chưa thật sự làm cho nhận thức của đảng viên theo kịp với tình hình nhiệm vụ. Tuyệt đại đa số đảng viên rất nhiệt tình và có trách nhiệm cao trong công tác, lao xốc đeo bám nhiệm vụ, song do trình độ năng lực hạn chế, biểu hiện còn đơn giản về cuộc đấu tranh ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ, nhất là cuộc đấu tranh giữa 2 con đường diễn ra khá sâu sắc nên nhiều khi lúng túng, bị động trong công tác. Không ít đảng viên ngán ngại học tập. Do đó trình độ không nâng lên kịp với yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến cách nhìn, cách đánh giá tình hình chưa được khách quan, khoa học. Một ít đảng viên có biểu hiện dao động, giảm sút lòng tin vào khả năng có thể chuyển biến được tình hình. Đây là mặt yếu về công tác tư tưởng mà Đảng bộ chúng ta cần đặc biệt chú ý. Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, một nhược điểm lớn là khi triển khai công tác, chúng ta chưa xuyên suốt từ đầu đến cuối, có khi tập trung lúc đầu, sau đó lơi dần nghĩa là có tình trạng “Đầu voi đuôi chuột”. Hoặc chúng ta tập trung vào công tác này thì lại có phần nhẹ công tác kia. Bên cạnh đó lại thiếu kiểm tra chặt chẽ, đôn đốc thực hiện nên hiệu quả không cao. Lề lối làm việc cũng còn sự vụ, hội họp nhiều, chế độ đi cơ sở chưa thường xuyên nghiêm túc. Cơ chế đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ thực sự chưa đồng bộ, tình trạng xuê xoa nể nang không thật mạnh dạn phê bình và tự phê bình còn xảy ra ở một số chi bộ. Có nơi cán bộ lãnh đạo còn quan liêu gia trưởng, quần chúng không dám góp ý phê bình dẫn đến có những việc làm sai trái.

Việc bố trí, sắp xếp cán bộ do nhiều yếu tố khách quan tác động, nên vẫn còn bị động, chấp vá. Một số đồng chí chủ chốt còn yếu, có ngành cán bộ đông nhưng hiệu suất công tác thấp, công việc không chạy, có nơi đảng viên thiếu gương mẫu, nên không có tác dụng lãnh đạo.

Công tác phát triển đảng tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ đảng viên mới được phát triển trong khu vực sản xuất, phân phối lưu thông, trong giai cấp công nhân, nông dân thấp, chỉ đạt 16% so với tổng số, số đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật là 12% so với tổng số đảng viên. Cũng có hiện tượng đảng viên bị chi phối tư tưởng do đời sống khó khăn, ít tập trung công tác xảy ra ở những nơi chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị và chăm lo đời sống. Tình hình chấp hành kỷ luật của Đảng và pháp chế Nhà nước chưa nghiêm. Tình hình mất đoàn kết nội bộ lâm râm xảy ra ở một số chi bộ. Có nơi để kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến công tác.

Công tác kiểm tra Đảng có phần nặng mặt xử lý, chưa chú ý đầy đủ mặt giáo dục. Việc xử lý cũng còn có những vụ để dây dưa, kéo dài.

KẾTLUẬN

Hơn 3 năm qua là thời điểm đấu tranh gay go, gian khổ ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Đảng bộ chúng ta lại chốt giữ trên 1 địa bàn trọng điểm hết sức phức tạp, nhưng toàn Đảng bộ đã đoàn kết nhất trí, dũng cảm vượt qua khó khăn, dành được những thắng lợi rất có ý nghĩa.

Những thắng lợi ấy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là do đường lối sáng suốt của Đảng. Trong đó những chủ trương và chính sách về chuyển hướng kinh tế đã mở bước phát triển mới. Những thành tích mà chúng ta đã đạt được bắt nguồn từ sự chỉ đạo kịp thời, năng động và sáng tạo của Thành ủy, giúp cho đảng bộ ta vươn lên và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Thành quả hơn 3 năm qua còn bắt nguồn từ nguyên nhân trực tiếp là sự vận dụng sáng tạo của Đảng bộ, sự chỉ đạo khẩn trương, sâu sát và tổ chức thực hiện với tinh thần tích cực và trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền và toàn thể cán bộ đảng viên. Trên cơ sở quán triệt nghị quyết của Đảng, chúng ta đã phân tích, đánh giá tình hình thực tế khá nhạy bén và chủ động sáng tạo trong việc khai tác tiềm năng và sức sáng tạo to lớn của phong trào quần chúng. Chúng ta đã có những chủ trương linh hoạt trong việc vận động, huy động nhân tài, vật lực trong nhân dân, tạo được sự tin cậy hưởng ứng tích cực của các giới quần chúng, đặc biệt là trong khu vực của các giới quần chúng, khu vực sản xuất và cả trong phân phối lưu thông.

Nhìn lại sự phát triển kinh tế trong mấy năm qua, chúng ta thấy rõ xu thế đi lên theo chiều hướng từng bước được tổ chức lại theo quĩ đạo của CNXH. Chúng ta đã quan tâm đến công tác kế hoạch hóa, bước đầu đã hình thành sự chỉ đạo quản lý các hoạt động kinh tế trên cơ sở lấy kế hoạch hóa làm trung tâm, khắc phục dần tình trạng mạnh ai nấy làm. Trên cơ sở công tác kế hoạch hóa Đảng bộ nắm được khá vững tiềm năng của mình, từ đó chỉ đạo phát triển kinh tế một cách có sơ sở khoa học hơn. Đảng bộ đã chỉ đạo thực hiện khá thành công phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xây dựng nên nhiều công trình đem lại lợi ích thiết thực về mặt kinh tế, văn hóa cũng như phục vụ đời sống. Đảng bộ biết xác định trọng điểm chỉ đạo, thường xuyên bồi dưỡng phát huy xây dựng được những điển hình, những mô hình tốt, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ ở Quận nhà và góp phần thúc đẩy phong trào chung. Thành quả đã đạt được hơn 3 năm qua phần lớn còn nhờ tinh thần công tác tận tụy của đội ngũ cán bộ đảng viên đang có mặt trên tất cả các lĩnh vực công tác. Trong tình hình đời sống khó khăn, nhiều đ/c thực sự vất vả, chật vật, song các đ/c vẫn tìm mọi cách khắc phục, cố gắng phấn đấu cho công tác, phát huy được bản chất tiên phong gương mẫu của người đảng viên, lôi cuốn được quần chúng làm theo. Chúng ta khẳng định thành quả vừa qua chính là công sức của tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong Quận đã tạo nên dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta phấn khởi trước tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của giai cấp công nhân, nông dân, thợ thủ công và bà con lao động nói chung. Chính trong lao động mà tình cảm cách mạng của bà con được vun đắp. Đồng bào Việt cũng như người Hoa, bà con đạo Phật cũng như đạo thiên chúa đã đoàn kết với nhau. Trong lao động xây dựng quê hương, xây dựng chế độ mới nhiều người đã đem cả tài sản, vốn liếng, sự am hiểu nghề nghiệp của mình để đóng góp vào thành quả chung, Đại hội chúng ta nhiệt liệt biểu dương tinh thần lao động dũng cảm và sáng tạo của đồng bào các giới đã liên tục phấn đấu vượt khó khăn, trở ngại lập nên những thành tích rất đáng tự hào.

Kính thưa Đại hội:

Hơn 3 năm qua, bên cạnh những việc mà chứng ta làm được, bên cạnh những nhân tố mới, những mặt tích cực đang được nảy sinh và ngày càng phát huy tác dụng, chúng ta cũng còn làmđược hoặc chưa làm đến nơi đến chốn, nhiều tiêu cực còn tồn tại, có mặt nghiêm trọng tác động xấu đến tình hình chung,

Nguyên nhân chủ yếu của những khuyết nhược điểm vừa qua là ở chỗ chúng ta quán triệt đường lối chủ trương của Đảng chưa sâu sắc, nắm bắt và chuyển hướng theo cái mới chưa thật nhạy bén và có phần lúng túng. Đảng bộ chỉ đạo công tác cải tạo chưa gắn liền với xây dựng, chúng ta có phần nặng việc cho bung ra và nhẹ phần cải tạo, quản lý. Vì vậy, cả trong sản xuất, phân phối lưu thông, văn hóa văn nghệ đều có hiện tượng phát triển “bung ra” chưa đúng hướng. Ở đây rõ ràng là chúng ta có phần buông lơi chuyên chính vô sản, ý thức cảnh giác cách mạng chưa cao. Trình độ năng lực của cán bộ đảng viên còn hạn chế chưa vươn lên kịp với tình hình, sản xuất có phát triển mà đời sống của nhân dân lao động, cán bộ nhân viên tiếp tục gặp khó khăn. Đó cũng là một nguyên nhân chi phối không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên làm ảnh hưởng và hạn chế nhiều đến công tác. Trong khi ngoài xã hội diễn biến phức tạp thì công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chúng ta làm thiếu thường xuyên, chưa sắc bén.

Chúng ta chưa đi sâu tìm hiểu tâm tư tình cảm của quần chúng, chưa lắng nghe và cảm thông với những nỗi băn khoăn của quần chúng, chưa kịp thời giải đáp những vấn đề mà quần chúng chưa thông hiểu. Quan điểm giai cấp trong công tác quần chúng chưa nhuầnnhuyễn,thể hiện qua việc chăm lo đời sống vật chất, nhất là văn hóa cho giai cấp công nhân, nông dân, thợ thủ công còn đơn giản, kém chất lượng. Lực lượng nòng cốt để giáo dục, giác ngộ quần chúng tôn giáo và đồng bào người Hoa còn mỏng, do đó việc tranh thủ, tập hợp lôi cuốn quần chúng vào các tổ chức cách mạng còn hạn chế hoặc mới chỉ có về hình thức, kẻ địch và bọn xấu còn lợi dụng, kích động số quần chúng lạc hậu khu vực này gây cho ta những khó khăn. Bộ máy các đoàn thể còn yếu nhất là Hộinông dân tập thể, công đoàn, Hội lao động hợp tác. Các tổ chức chưa thật gắn với đối tượng mình vận động. Việc kiểm tra và giúp đỡ cán bộ đảng viên phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm ở 1 số nơi chưa kịp thời. Phương pháp lãnh đạo còn có phần đơn giản, nặng mặt sử dụng mà nhẹ việc động viên khích lệ, ít đi sâu tìm hiểu cán bộ để sử dụng, bố trí cán bộ cho đúng. Vì vậy, công tác cán bộ và xây dựng nội bộ chưa tốt đang là nguyên nhân làm giảm sự đoàn kết nhất trí, giảm sức chiến đấu và khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở một số chi bộ, Đảng bộ cơ sở.

PHẦNTHỨ HAI

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 1983-1985

Tân Bình trước đây là một quận ven nay được xác định là quận nội thành. Về kinh tế, thế mạnh của quận là sản xuất tiểu thủ công nghiệp với tiềm năng lớn và ngành nghề đa dạng; có một phần đất nông nghiệp đang được qui hoạch trở thành vùng chuyên canh rau. Ngoài ra còn có 90 xí nghiệp lớn nhỏ và nhiều cơ quan kinh tế, kỹ thuật của Trung ương và Thành phố.

Quận nằm ở vị trí cửa ngõ vào Sài Gòn, có cơ cấu dân cư phức tạp, là một trong những địa bàn trọng điểm tập trung sự phá hoại của kẻ địch và là tụ điểm của nhiều tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại.

Đồng bào ở đây có truyền thống cách mạng kiên cường, cần cù lao động, phần đông có tay nghề giỏi, rất năng động sáng tạo.

Với những đặc điểm ấy, dưới ánh sáng nghị quyết đại hội lần thứ V của Đảng, nghị quyết 01 của Bộ Chính trị, nghị quyết 03 của Ban chấp hành Trung ương (khóa V) trong 3 năm 1983-1985 đại hội xác định 4 nhiệm vụ và mục tiêu lớn như sau:

1/ Đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tổ chức và sắp xếp lại sản xuất theo quĩ đạo của chủ nghĩa xã hội một cách tích cực và triệt để hơn, vận dụng linh hoạt 5 thành phần kinh tế phù hợp với đường lối của Đảng và tình hình thực tế, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp với nhịp độ tăng hàng năm từ 20-25%. Phấn đấu đến năm 1985 đạt 400 triệu đồng. Trong đó hết sức chú trọng xây dựng, củng cố và phát triển thành phần kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, đưa tỉ trọng giá trị sản lượng quốc doanh lên 10% trong tổng giá trị sản lượng năm 1983 và hơn 30% vào năm 1985. Nhiệm vụ chủ yếu của ngành tiểu thủ công nghiệp là sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng có chất lượng, phát triển và khai thác các ngành nghề sản xuất hàng xuất khẩu và phục vụ nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp đến năm 1985 chuyển cho được từ 500 đến 600 ha đất chuyên canh rau, hoàn thành cơ bản việc đưa nông dân vào làm ăn tập thể vào cuối năm 1984 với hình thức chủ yếu là tập đoàn sản xuất. Xây dựng thêm 3 hợp tác xã. Phát triển chăn nuôi, nâng tổng số đàn heo lên 25-27.000 con, thí điểm nuôi thỏ nuôi bò sữa, tích cực xây dựng các vùng kinh tế mới Tam Tân, Đaknong, Duyên Hải và đỡ đầu xã An Thới Đông (Duyên Hải).

2/ Tạo một sự chuyển biến quan trọng trên mặt trận phân phối lưu thông, lập lại trật tự mới trên lĩnh vực này.

Tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư nhân một cách kiên quyết và đồng bộ, xóa hẳn tư sản thương nghiệp, giảm mạnh số tiểu thương, ngăn chặn chiều hướng tự phát tư bản chủ nghĩa. Đồng thời mở rộng mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, nắm lại đại bộ phận nguồn hàng vào tay Nhà nước, đấu tranh quản lý thị trường, ổn định giá cả, thiết thực phục vụ 2 bữa ăn của nhân dân lao động và cán bộ công nhân viên Nhà nước. Phấn đấu đến năm 1985 xây dựng thêm 25 cửa hàng thương nghiệp quốc doanh với 155 quầy hàng và 15 cửa hàng hợp tác xã tiêu thụ với 114 quày hàng, phát triển mạng luới bán lẻ xuống từng khu phố và tổ dân phố. Đảm bảo cung cấp ổn định các mặt hàng tiêu chuẩn cho cán bộ công nhân viên, hợp tác xã tiêu thụ phấn đấu bán cho mỗi đầu người bình quân 188 đồng/tháng.

3/ Nắm vững chuyên chính vô sản, tăng cường vai trò quản lý của bộ máy Nhà nước, bảo đảm cho pháp chế xã hội chủ nghĩa được nghiêm chỉnh thực hiện, hạn chế và đi đến đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Đề cao cảnh giác và kiên quyết đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, giữ vững an ninh chính trị trật tự và an toàn xã hội, xây dựnglực lượng vũ trang nhân dân, quốc phòng toàn dân, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự hàng năm, phấn đấu đến năm 1985 xây dựng được 50% khu phố và 1/3 số phường đạt tiêu chuẩn an toàn vững mạnh, quản lý chặt chẽ các đối tượng chính trị hình sự, không để xảy ra trọng án.

4/ Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tăng cường việc tập hợp giáo dục quần chúng, phát triển lực lượng cách mạng trong phong trào quần chúng, phát huy tốt hơn nữa quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, đẩy lên một phong trào hành động cách mạng sôi nổi hướng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ cải tạo xây dựng và bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hết sức chăm lo công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể, kết hợp chặt chẽ 3 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động thực tiễn. Chú trọng một cách thường xuyên công tác phát triển Đảng, công tác đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, tăng cường xây dựng cơ sở Đảng, đặc biệt là các phường và ở các khâu yếu hiện nay là khu vực sản xuất xí nghiệp, trường học, lưu thông phân phối...

Phấn đấu đến năm 1985 đưa lên ½ số chi bộ đạt tiêu chuẩn vững mạnh trong sạch, phát triển thêm 750 đảng viên mới. Trong đó có 180 đảng viên trong các cơ sở sản xuất và 2.100 đoàn viên thanh niên cộng sản.

I/ NHỮNG CÔNG TÁC CỤ THỂ :

1/ Về cải tạo và phát triển sản xuất

a) Sản xuất tiểu thủ công nghiệp:

Quyết tâm thực hiện sự chuyển hướng kinh tế theo các nghị quyết của Đảng, trong đó phải đẩy nhanh hơn tốc độ cải tạo và tổ chức lại sản xuất theo quĩ đạo của chủ nghĩa xã hội. Xác định ngành dệt là mũi nhọn, cơ khí là chủ lực, tập trung qui hoạch, tổ chức sản xuất 2 ngành này phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc sản xuất các sản phẩm đa dạng nhằm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cần tập trung tạo ra một số sản phẩm chủ lực có giá trị cao. Khai thác triệt để khả năng sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng truyền thống và những mặt hàng có giá trị cao, có thị trường ổn định như dép đi biển, quạt, đồ chơi xuất khẩu. Khẩn trương xây dựng các xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp hợp tác, đẩy nhanh tốc độ tổ chức vào các hình thức tập thể, hạn chế việc phát triển sản xuất-cá thể. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong Quận phải thực sự tác động phục vụ cho phát triển nông nghiệp chuyên canh rau của Quận, đồng thời thực hiện sự liên kết sản xuất trên địa bàn, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của thành phố là trung tâm công nghiệp lớn, phải phục vụ cho mặt trận hàng đầu nông nghiệp ở khu vực đồng bằng Nam Bộ và cả nước.

Đối với thành phần kinh tế quốc doanh, từ đây đến năm 1985, xây dựng 3 cơ sở quốc doanh mới thuộc ngành dệt và cơ khí, từ 10 đến 15 xí nghiệp hợp doanh (có phương án cụ thể riêng), các cơ sở quốc doanh, xí nghiệp hợp doanh phải được ưu tiên đầu tư, giúp đỡ mọi mặt để hoạt động tốt. Nâng tỷ trọng giá trị sản lượng ở khu vực này lên 30% vào năm 1985 và trước mắt năm 1983 là 10%.

- Đối với thành phần kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ sản xuất) cần phải củng cố nâng chất lượng và tiếp tục xây dựng thêm từ 7-10 hợp tác xã mới ở các ngành cơ khí, thủy tinh, hóa chất, cao su. Nói chung đến năm 1985 các hình thức tổ chức tập thể (gồm hợp tác xã, tổ hợp sản xuất) phải chiếm 80% trong toàn ngành tiểu thủ công nghiệp và giá trị sản lượng ở khu vực này phải chiếm 55% tổng giá trị toàn ngành. Chọn điểm xây dựng 1 số đơn vị đầu đàn có tác dụng hướng dẫn, lôi kéo toàn ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệptrong Quận đi lên.

- Đối với thành phần kinh tế tư nhân, cá thể phải thực hiện đầy đủ thể lệ đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng sản phẩm, thực hiện chặt chẽ các chế độ quản lý, chính sách thuế và bán sản phẩm cho Nhà nước. Cần phải sắp xếp qui hoạch theo ngành và tổ chức cho họ gia công cho các xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã, tổ sản xuất tập thể, coi đó là những vệ tinh của các đơn vị trên. Các cơ sở cá thể, tư nhân chỉ được sản xuất các loại sản phẩm đã đăng ký, không được sản xuất các loại sản phẩm mà ta không cho phép.

- Hoàn chỉnh bước đầu công tác quy hoạch ngành, nhóm sản phẩm, tập trung quy hoạch sớm một số ngành trọng điểm: cơ khí, dệt, thủy tinh, chế biến luơng thực, thực phẩm. Cần tạo ra những cụm sản xuất chuyên ngành, hình thành thế mạnh đặc trưng của từng khu vực, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, chất lượng tốt. Nghiên cứu sản xuất thử một hoặc hai mặt hàng chủ lực có giá trị kinh tế cao, thiết thực phục vụ cho nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

- Tiếp tục củng cố và xây dựng ngành dệt theo hướng vừa gia công cho Nhà nước, vừa huy động vốn để mua sợi nhập. Sớm hòan chỉnh phương án xây dựng và quản lý ngành dệt, trong đó quan trọng là vấn đề quản lý sợi và quản lý sản phẩm. Đến năm 1984 Quận phải tổ chức được các khâu quan trọng của sản xuất dệt vào quốc doanh: mắc, hồ, nhuộm và hoàn tất sản phẩm. Mở rộng việc sản xuất bao bố, bao nilon.

Khai thác triệt để mọi khả năng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Chú ý khôi phục các ngành nghề truyền thống. Đưa sản xuất dép xốp lên qui mô lớn hơn. Đến năm 1985 đưa tỉ trọng giá trị sản luợng hàng xuất khẩu lên từ 7-10% trong giá trị sản lượng toàn ngành tiểu thủ công nghiệp (năm 1982 tỉ trọng là 5%): các hoạt động xuất nhập khẩu phải xác định lấy phục vụ sản xuất làm chính và phải chú trọng đầu tư cho sản xuất,nhất là đầu tư chiều sâu.

Một số chỉ tiêu lớn:

Đơn vị tính

1983

1984

1985

Giá trị sản lượng

Giá trị hàng hóa giao nộp

Giá trị xuất khẩu

Ngành chủ yếu

- Cơ khí

- Dệt da may

Sản phẩm chủ yếu

- Vải

- Thủy tinh

- May xuất khẩu

- Da thuộc

1000đ

1000m

tấn

1000 sp

1000

250.000

220.000

18.000

50.000

83.000

18.000

3.000

60

400

320.000

256.000

24.000

67.500

106.000

22.000

3.700

70

500

400.000

320.000

32.000

85.000

132.000

26.000

4.000

80

600

Những biện pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chỉ tiêu trên :

Nỗ lực đáp ứng yêu cầu về vật tư, nguyên liệu. Đây là vấn đề quan trọng nhất phải tập trung giải quyết theo các hướng: gia-công, hiệp tác sản xuất kinh doanh, thực hiện sự liên kết kinh tế trên địa bàn, trao đổi hàng hóa, mở rộng mối quan hệ các tỉnh, các xí nghiệp đơn vị trung ương và thành phố, các đơn vị quân đội, các công ty xuất nhập khẩu, các đơn vị sản xuất và kinh doanh để tạo nguồn nguyên liệu phong phú lâu dài và ổn định. Năm 1983 phải đáp ứng được 70% yêu cầu về vật tự nguyên liệu cho sản xuất và đến năm 1985 phải đáp ứng được 85%. Công ty cung ứng xuất nhập khẩu, xí nghiệp cung ứng Vật tư, cửa hàng ký gởi Liên Hiệp xã phải xác định hướng hoạt động vào việc chủ yếu chạy nguyên liệu vật tư cho sản xuất, thông qua đó thúc đẩy sản xuất và quản lý cho được sản phẩm. Riêng ngành dệt phải xác định chủ yếu gia công cho Nhà nước, phần còn lại công ty Cung ứng xuất nhập khẩu phải đảm nhiệm cung cấp nguồn sợi nhập. Ngành thủy tinh phải hết sức tranh thủ Công ty cung ứng Tàu biển, các tỉnh phía Bắc để mua dầu, đối với ngành da cần kiến nghị với Thành phố cho quan hệ mua nguyên liệu ở Camphuchia và với các tỉnh thuộc Tây Nguyên và khu 5 cũ.

Trên cơ sở Trung ương và Thành phố đã có qui định phân công, phân cấp cho phường cần nhanh chóng tổ chức, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện giúp phường thực hiện, tăng cường quyền hạn và khả năng chủ động cho phường. Trước hết phải giúp phường nắm rất chắc tiềm năng và năng lực tại chỗ, hướng phát triển của nó, khai thác mọi khả năng để đẩy mạnh sản xuất theo hướng qui hoạch chung của Quận. Các ngành chức năng ở Quận và phường phải gắn bó mật thiết, thực hiện sự phân cấp quản lý rõ ràng cụ thể nhưng phải thống nhất. Mỗi Phường phải phải căn cứ vào chỉ tiêu pháp lệnh mà hoàn thành cho được kế hoạch Nhà nước đã giao.

Cần đặc biệt chú ý thực hiện đúng đắn 3 lợi ích. Chú trọng chăm lo đời sống cho nhân dân, xã viên, tổ viên, nâng mức thu nhập bình quân lên gấp 1,5 lần như hiện nay. Thực hiện chặt chẽ chế độ bảo hiểm lao động, kiên quyết không để xảy ra tai nạn lao động gây chết người.

- Áp dụng rộng rãi chế độ khoán, khen thưởng kịp thời, đúng mức những cá nhân và tập thể có sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Có chính sách thỏa đáng để qui tụ thợ giỏi, người có nhiều phát minh sáng kiến. Tổ chức Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật và tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các Trường Đại học để đưa tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Phải phát động tinh thần tiết kiệm triệt để trong sản xuất, nhất là vấn đề tiết kiệm điện, vật tư, nhiên liệu.

Đi sâu củng cố, xây dựng các hợp tác xã và tổ sản xuất tập thể. Đến năm 1985 nâng được số hợp tác xã loại A lên 50%, xóa loại yếu, nâng tổ sản xuất tập thể đạt loại quản lý giỏi lên 40%, loại khá lên 55%.

b) Sản xuất nông nghiệp:

Trong 3 năm tới, chúng ta tiếp tục chuyển mạnh hướng sản xuất nông nghiệp sang chuyên canh rau. Năm 1983 đạt 450ha, năm 1985 là 500-600ha. Xác định vùng trồng rau xuất khẩu tập trung ở 3 khu vực: phường 15-16, phường 19-20 và phường 22. Trên một số diện tích còn trồng lúa, nghiên cứu thay loại giống mới có năng suất cao, chống được sâu bệnh, đẩy mạnh thâm canh, luân canh, xen canh gối vụ các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày thuộc loại họ đậu như: đậu nành, đậu phộng và các loại cây thực phẩm gia súc như khoai, bắp v.v.. kết hợp với việc trồng các loại cây dược liệu. Trên các bờ thừa cần tích cực trồng cây chắn gió, cây ăn quả, phấn đấu đến năm 1985 đạt chỉ tiêu 34.300 tấn rau các loại, trong đó có 300 tấn rau xuất khẩu và giao nộp cho nhà nước đạt 30%.

Xóa bỏ dần tình trạng da beo trên cơ sở điều tra, qui hoạch hoán đổi đất đai, điều chỉnh sở hữu ruộng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các qui trình sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Phát triển rộng rãi đàn heo, gà ở cả 3 khu vực (quốc doanh, tập thể và gia đình). Về heo đến năm 1985 đưa tổng đàn lên 27.000 con và bảo đảm đạt 120 tấn thịt và 850 ngàn trứng. Tổ chức nuôi thí điểm thỏ, bò sữa ở phường 20, tích cực nạo vét, cải tạo tận dụng các ao hồ sẵn có để nuôi cá. Giữ vững đàn trâu, bò hiện có (270 con), củng cố và đẩy mạnh hoạt động của các nông trường, trạm trại. Xác định nông trường Tam Tân trồng mía, nông trường Duyên Hải trồng cây đước và nuôi tôm cá, thí điểm trồng lúa ngắn ngày, nuôi vịt và nuôi ong.

Tích cực xây dựng vùng kinh tế mới Daknong theo phương án đã được duyệt, ở đây phải xác định rõ cây con, phương hướng khai thác, chế biến lâm sản, thực hiện lấy ngắn nuôi dài. Ngoài ra chúng ta phải thực sự đỡ đầu cho xã An

ThớiĐông (Duyên Hải), phải coi đây là một phường của Quận.

Hoàn thành cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp với hình thức chủ yếu là tập đoàn sản xuất, từ 22 tập đoàn năm 1982 lên 47 tập đoàn năm 1984, xây dựng thêm 3 hợp tác xã nông nghiệp ở Phường 14, phuờng 20 và phường 22. Trong năm 1983, phải hoàn thành công tác điều chỉnh ruộng đất trong tất cả các phường nông nghiệp.

Những chỉ tiêu chủ yếu:

Đơn vị tính

1983

1984

1985

- Rau

- Diện tích

- Sản lượng

Trong đó rau XK

- Diện tích

- Sản lượng

- Sản lượng rau giao nộp

- Tổng đàn heo

Ha

Tấn

Ha

Tấn

Tấn

Con

1.365

25.000

100

1.500

6.000(24%)

24.600

1.550

29.700

150

2.200

8.000 (27%)

25.000

1.700

34.300

200

3.000

10.000 (29%)

27.000

Biện pháp thực hiện

- Tập trung đảm bảo khâu tưới, tiêu cho trồng trọt, trong đó đến năm 1984, phải đáp ứng cơ bản khâu tưới cho vùng rau chuyên canh. Hoàn chỉnh hệ thống điện nội đồng, cần phải coi trọng cả ba biện pháp: thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích, trong đó thâm canh là biện pháp hàng đầu.

- Đưa cơ khí vào phục vụ sản xuất nông nghiệp trong một số khâu như: làm đất, thủy lợi, vận chuyển, qua đó tạo mối quan hệ mật thiết giữa tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp, tác động phục vụ thiết thực cho nông nghiệp.

Lập qui hoạch cụ thể cho từng vùng mà trọng điểm là phường 14 để bố trí hợp lý, ổn định và linh hoạt các loại cây trồng từng thời vụ, giải quyết kịp thời các yêu cầu về phân, giống, thuốc trừ sâu.

Nghiêm chỉnh chấp hành lịch thời vụ, kết hợp với tăng cường mạng lưới bảo vệ thực vật và màng lưới thú y khắp 26 phường. Thành lập 1 trạm bảo vệ thực vật, đào tạo cán bộ gieo tinh nhân tạo heo, bò, tích cực ngăn chặn dịch bệnh. Kiên quyết thải loại các loại giống xấu, tổ chức các trại chăn nuôi quốc doanh và cơ sở chế biến thực phẩm gia súc theo hướng liên kết sản xuất chăn nuôi, chế biến, cung cấp và tiêu thụ thịt nhằm kích thích phát triển chăn nuôi. Đến năm 1985 phấn đấu Quận cung cấp được phần lớn thức ăn gia súc.

Có kế hoạch hợp tác với các cơ quan khoa học kỹ thuật nông nghiệp để hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản qui hoạch đất đai làm cơ sở cho việc vận dụng các thành tựu và tiến bộ kỹ thuật của cuộc cách mạng sinh học nhưmạnh dạn áp dụng giống mới cho 3 vùng trọng điểm, đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo heo. Tiến hành khẩn trương việc qui hoạch cụ thể cho từng cánh đồng, từng tập đoàn sản xuất để xác định rõ cây con và phương án đầu tư cụ thể, trước mắt tập trung cho các hợp tác xã.

Nhanh chóng đào tạo xây dựng bộ máy quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, mở lớp đào tạo tại chỗ ngắn ngày và đưa đi học dài hạn do Thành phố mở để bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất, công tác quản lý và điều hành công việc. Kịp thời phổ biến các kinh nghiệm và điển hình tốt để phát triển rộng ra, tiếp tục mở rộng công tác khoán nâng lên mức khoán cao hơn nhưng phải chống xu hướng khoán trắng. Cần chú ý hơn việc đầu tư cán bộ cho khu vực nông nghiệp, tập trung xây dựng một mô hình tốt làm đầu đàn lôi cuốn toàn ngành.

Việc đưa nông dân vào làm ăn tập thể phải thực hiện phương châm “khẩn trương-vững chắc” và phải đảm bảo 3 nguyên tắc, hình thức đi từ thấp lên cao và phải tập trung đầu tư vốn cho khu vực tập thể để xây dựng cơ sở vật chất, máy móc, sức kéo, tạo các điều kiện vững chắc cho phong trào làm ăn tập thể.

c) Nhà đất và công trình công cộng:

Từ đây đến năm 1985, chúng ta phải hoàn chỉnh cơ bản công tác qui hoạch nhà theo tinh thần chỉ thị 216. Điều tra nắm chắc toàn bộ nhà thuộc diện vắng chủ và diện cải tạo để đưa vào xử lý hợp lý, đúng tính chất, đúng chính sách. Tiến hành thu tiền nhà, bến bãi theo giá cao nhằm thúc đẩy việc sử dụng hợp lý và tăng thu cho ngân sách quận.

Tiến hành thi công những công trình đã có thủ tục pháp lý và luận chứng kinh tế-kỹ thuật vừa với khả năng của Quận. Tập trung vốn cho các ngành giáo dục, y tế, kho tàng, cửa hàng, các chợ và thủy lợi phục vụ nông nghiệp. Đến năm 1985, tỷ trọng đầu tư xây dựng cơ bản cho giáo dục là 25%, nông nghiệp là 06,3%, nhà ở là 16,5%, y tế là 3,4% công nghiệp là 20%. Trong nông nghiệp chú ý đầu tư khai thác chiều sâu, phục vụ tuới tiêu và hoàn chỉnh mạng lưới điện.

Phải thật tiết kiệm trong xây dựng, cân nhắc hiệu quả kinh tế trước khi đầu tư xây dựng.

Trong xây dựng cơ bản cần thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy vai trò chủ động của phường để sửa chữa tu bổ trường học, phòng khám, cống rãnh, đường sá, nhà vệ sinh, công trình công cộng, đèn đường v.v... vận động các xí nghiệp Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn quận dùng quỹ phúc lợi xây dựng nhà ở cho công nhân.

d) Giao thông vận tải

Trong những năm tới, ngành vận tải phấn đấu bảo đảm tốc độ tăng bình quân mỗi năm 23%. Ngành giao thông cố gắng bảo dưỡng và duy tu thật tốt đường sá, chú ý làm lại và mở rộng đường vào các vùng nông thôn, nhất là khu vực chuyên canh rau.

Tăng cường khả năng vận tại, thông qua việc kết hợp vận chuyển cơ giới, bán cơ giới và thô sơ, kết hợp tốt việc vận chuyển 2 chiều, phát triển vận tải đường sông từ miền Tây về tận dụng phương tiện vận tải của những đơn vị Trung ương, Thành phố đóng trên địa bàn quận.

Qui hoạch mạng lưới giao thông vận tải hợp lý, có đề án sắp xếp lại toàn bộ các bến bãi,mở rộng các bến xe, đặt lại các tụ điểm giao thông quan trọng.

d) Về giải quyết lao động:

Đến năm 1985, giải quyết cơ bản lao động thất nghiệp, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lao động. Trong 3 năm, số người lao động phải giải quyết việc làm là 20.259 người. Hướng chủ yếu là thu hút vào các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (hàng năm giải quyết bình quân 3.500 lao động), giải quyết cho khu vực nông nghiệp (mỗi ha rau bố trí 8 lao động). Số còn lại đưa đi lao động ở các công trình trọng điểm của Thành phố (Trị An, Hà Tiên...), vận động bà con đi xây dựng ở Duyên Hải, Tam Tân, Thái Mỹ, Daknong. Tổ chức chu đáo công tác hướng nghiệp cho học sinh và mở lớp dạy nghề cho các em học sinh thi rớt Đại học.

Tập trung cải tạo lao động đối với số làm ăn phi pháp, số trốn tránh hoặc thuộc diện phải đưa đi cải tạo lao động.

II/ VỀ PHÂN PHỐI LƯU THÔNG

Phân phối lưu thông hiện nay được đặt thành nhiệm vụ cấp bách số một, vì vậy toàn đảng bộ, các cấp ủy, tất cả các ngành-đoàn thể phải tập trung sức lực, phối hợp nhịp nhàng, hành động kiên quyết để bảo đảm lập lại được trật tự mới trên lĩnh vực này.

Cuối năm 1982, UBND Quận xây dựng kế hoạch và được Quận ủy duyệt, đã cụ thể hóa nghị quyết số 16 của Thành ủy, có giá trị chỉ đạo xuyên suốt trong 3 năm 1983-1985. Trong thực hiện kế hoạch này, vấn đề cốt lõi cần nắm vững là phải xây dựng cho được một mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, đủ sức nắm và quản lý đại bộ phận hàng hóa vào tay nhà nước, tổ chức phân phối lưu thông hợp lý và đến tay người tiêu dùng. Giảm mạnh đội ngũ tiểu thương, và phải tổ chức sắp xếp, quản lý chặt họ. Cần phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn chiều hướng tự phát tư bản chủ nghĩa trên lĩnh vực này, đấu tranh giữ giá và kéo giá xuống. Hoạt động của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải gắn bó rất chặt và tác động tích cực trở lại sản xuất, cải thiện và nâng được đời sống của nhân dân lao động nhất là khu vực ăn lương nhà nước.

Trước hết tổ chức nắm đại bộ phận hàng hóa trong quận vào tay thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã. Vấn đề này giải quyết từ gốc nghĩa là phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, khối sản xuất trên cơ sở có sự lãnh đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của cấp ủy và chính quyền phường. Trên địa bàn phường phải nắm được thật chắc lực lượng, hàng hóa do các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp sản xuất (ngoài phần gia công cho nhà nước) để có thể quản lý từ 60-70 vào năm 1983, 1984 và 75-80% vào năm 1985. Trên cơ sở đó tiến hành việc thu mua nguồn hàng tại địa phương và phải thống nhất vào một đầu mối, do công ty cấp 3 đảm nhiệm phần chủ yếu, còn lại do hợp tác xã tiêu thụ mua. Tất cả các đơn vị sản xuất không được phép kinh doanh thương nghiệp. Công ty cấp 3 phải vươn lên đảm bảo cân đối quĩ hàng hóa trong quận, trong đó có quĩ hàng hóa cung cấp cho cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang, đảm bảo đủ 9 mặt hàng, đúng định lượng, chất lượngđúng thời gian như Thành phố qui định.

Hợp tác xã tiêu thụ đảm bảo quĩ hàng hóa tiêu dùng hàng ngày cho nhân dân... Phấn đấu đạt mức bình quân 188đ/người/tháng, giá thấp hơn thị trường tự do từ 10-15%.

Để đảm bảo hiệu quả phục vụ, thương nghiệp quốc doanh phải đảm bảo tổ chức bán lẻ chiếm từ 70-80% tổng doanh số bán ra, hợp tác xã tiêu thụ phải chiếm từ 80-90%.

Ngành ăn uống dịch vụ phải chiếm lĩnh các khu vực trung tâm để xây dựng mạng lưới ăn uống và dịch vụ phục vụ cho nhân dân lao động và khách vãng lai, đưa được các điểm bán vào phục vụ thiết thực cho công nhân, nông dân ở các nhà máy, xí nghiệp, khu vực nông nghiệp và khu đồng bào lao động.

Công ty cung ứng xuất nhập khẩu ngoài việc trực tiếp phục vụ sản xuất còn phải tham gia cân đối quĩ hàng hòa tiêu dùng trong Quận.

Việc cải tạo thương nghiệp tư nhân trong những năm tới phải tiến hành kiên quyết, triệt để. Cần phải điều tra nắm chắc toàn bộ số hộ sản xuất kinh doanh công thương nghiệp lớn trong Quận để phục vụ cho công tác cải tạo, phải xóa bỏ tận gốc tư sản thương nghiệp và gian thương, số đầu cơ buôn lậu. Hiện nay, toàn Quận có gần 8.000 tiểu thương, từ đây đến năm 1985 phải cải tạo, sắp xếp họ lại, chủ yếu là gom vào các chợ và cho buôn bán hợp lý ở đường phố mà họ đã có cửa hàng từ trước năm 1978. Đến năm 1985 phải chuyển cho được những hộ buôn bán lớn sang sản xuất: giảm 1/3 số tiểu thương trên, có chọn lọc một số biến thành đại lý cho thương nghiệp quốc doanh hoặc hợp tác xã.

Biện pháp thực hiện

-Tiến hành củng cố và khẩn trương xây dựng mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã đủ sức đảm nhiệm nhiệm vụ. Đến năm 1985 phải có 40 cửa hàng (trong đó có 25 cửa hàng quốc doanh) và 269 quầy hàng (có 114 quầy của hợp tác xã tiêu thụ). Cần phải mở rộng mạng lưới đại lý, xây dựng ở mỗi khu phố có 1 điểm bán hàng, mỗi tổ dân phố có 1 đại lý. Ở tất cả các nhà máy, xí nghiệp kể cả của Trung ương và Thành phố đều có cửa hàng bách hóa và ăn uống phục vụ.

Xóa bỏ hẳn chế độ hành chính bao cấp, chuyển mạnh sang chế độ hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Thương nghiệp quốc doanh được phân công chạy đường dài mở rộng quan hệ với các tỉnh trong khuôn khổ cho phép để trao đổi hàng hóa, tìm nguồn tiêu thụ và đưa hàng về Quận. Hợp tác xã tiêu thụ nắm trực tiếp các mặt hàng phục vụ 2 bữa ăn cho nhân dân lao động (quan trọng là mặt hàng thực phẩm tươi sống) và phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân. Các phường được giao trách nhiệm lãnh đạo, quản lý các hợp tác xã tiêu thụ phường, quản lý màng lưới ăn uống tư nhân và dịch vụ.

Mở rộng và củng cố màng lưới thu mua và bán lẻ, nghiên cứu sử dụng tư nhân giỏi kinh doanh, được chọn lọc kỹ để giúp việc thu mua nắm hàng và làm đại lý, áp dụng dụng mô hình hiệp tác “Nhà nước-tập thể-tư nhân” trong khai thác nguồn hàng, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thịt heo, chất đốt.

- Ổn định sắp xếp lại các chợ, ưu tiên bố trí nơi thuận tiện cho cửa hàng quốc doanh và hợp tác xã tiêu thụ, đại lý. Thành lập tổ bạn hàng để sinh hoạt giáo dục lẫn nhau, phát huy vai trò của phụ nữ để vận động giác ngộ chị em tiểu thương bán đúng giá qui định, chấp hành các chế độ thể lệ và nộp thuế đầy đủ.

- Tu bổ sửa chữa và mở rộng kho tàng, sử dụng theo hướng chuyên dùng và ổn định. Tăng cường thêm phương tiện vận chuyển, thiết bị bảo quản hàng hóa mà ta có khả năng chủ động được. Huy động khả năng vận chuyển của tư nhân bằng thực hiện hình thức hiệp tác.

- Giải tỏa thỏa đáng các vấn đề vốn, tiền mặt cho các hoạt động thu mua nắm nguồn hàng.Chúng ta chống tọa chi tùy tiện, song phải vận dụng linh hoạt các qui chế của ngân hàng và các hình thức thích hợp khác như huy động vốn trong nhân dân, trong cán bộ công nhân viên để đảm bảo yêu cầu này.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và quan điểm phục vụ cho cán bộ công nhân viên, thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra cửa hàng, kho tàng, tài chính, bảo đảm thực hiện đúng các chế độ quản lý, chống tham ô, lãng phí, làm hư hỏng, thất thoát hàng hóa, phải thực hiện chặt chẽ 4 chế độ trách nhiệm. Áp dụng rộng rãi phương pháp khoán theo sản phẩm, theo doanh số, các chế độ khen thưởng thích đáng, kỷ luật nghiêm minh, hạn chế và ngăn chặn kịp thời các mặt tiêu cực phát sinh.

Công tác tiền tệ và ngân sách:

Nhiệm vụ trong 3 năm 1983-1985 là phải bằng mọi cách động viên cao độ các nguồn thu vào ngân sách, trong đó triệt để khai thác nguồn thu thuế công thương nghiệp, điều chỉnh lại sổ bộ thuế cho hợp lý, truy thu những nguồn còn tồn đọng (tài sản vắng chủ, kho, bãi...) vận dụng các hình thức hợp doanh, liên doanh, hợp tác xã tín dụng, vốn dân đóng góp... nhằm góp phần cân đối thu chi ngân sách.

Về chi phải có dự toán kế hoạch và được xét duyệt chặt chẽ, hạn chế chi tiêu đột xuất, hết sức tiết kiệm trong chi tiêu. Đối với các đơn vị quốc doanh, xét thấy không có hiệu quả kinh tế, mạnh dạn cắt giảm.

Tăng cường chế độ hạch toán kinh tế trong các đơn vị, cơ quan, qua đó mở rộng công tác thanh toán, bảo đảm vốn cho khu vực kinh tế quốc doanh, mở rộng cho vay đối với khu vực tập thể. Đẩy mạnh tốc độ chu chuyển đồng vốn, đặc biệt trong khu vực kinh tế quốc doanh bằng cách mạnh dạn chuyển từ cấp phát sang tín dụng. Quản lý chặt chẽ tiền mặt, áp dụng nhiều biện pháp thu vốn nhàn rỗi trong Quận. Việc đầu tư tín dụng của ngân hàng phải ưu tiên cho các đơn vị trọng điểm, nhất là khu vực quốc doanh, tập thể.

Một số chỉ tiêu lớn:

Đơn vị tính

Chỉ tiêu năm 1983

Tổng thu ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Quận

Trong đó thu thuế công thương nghiệp

Tổng chi ngân sách Quận

1000đ

1000đ

-

202,800

127,700

150,000

127,700

Về công tác cải tạo công thương nghiệp và nông nghiệp

Ngoài những việc nêu ở các phần trên, về công tác cải tạo công thương nghiệp, nông nghiệp, toàn Đảng phải quán triệt nhuần nhuyễn tinh thần các nghị quyết của Đảng. Đẩy mạnh công tác cải tạo, kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo và xây dựng. Trong năm 1983, chúng ta phải thực hiện thật tốt chỉ thị 18,19 của Thành ủy về công tác cải tạo công thương nghiệp và đề án của Thành ủy về công tác cải tạo nông nghiệp. Từ đó, tạo đà cho những năm sau, tiến hành công tác cải tạo có hiệu quả với bước đi nhanh và vững chắc hơn. Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ đã có kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện các chỉ thị về công tác cải tạo nêu trên, các cấp ủy, chi bộ, Đảng bộ cần nghiên cứu kỹ, đề ra kế hoạch chi tiết cho ngành, cơ quan, đơn vị mình thực hiện triệt để và khẩn trương. Có tính toán, vận dụng sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trong tiến hành công tác cải tạo phải gắn chặt giữa cải tạo công thương nghiệp với nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, tạo ra mối liên kết kinh tế gắn bó trên địa bàn, phát huy được sức mạnh tổng hợp để đẩy mạnh sản xuất và phục vụ nhiệm vụ chính trị ở Quận nhà.

III/ VỀ VĂN HÓA-XÃ HỘI

1/ Về văn hóa tư tưởng: tuyên truyền phổ biến rộng rãi nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng, làm cho mọi giới đồng bào đồng tình tán thành và dấy lên phong trào hành động cách mạng, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải nhạy bén và bám sát nhiệm vụ chính trị, vận dụngnhiều hình thức linh hoạt phù hợp với trình độ của quần chúng để làm cho các chủ trương, nghị quyết của Đảng thấm được vào quần chúng, biến thành hành động cách mạng. Cần phải hiểu biết sâu sắc nội dung đấu tranh giai cấp hiện nay, nhất là cuộc đấu tranh giữa hai con đường để tiến hành công tác tư tưởng giáo dục, bảo đảm cho tư tưởng XHCN phải chiếm ưu thế. Từ đây đến năm 1985 phải xây dựng mỗi phường có một trạm truyền thanh hoàn chỉnh, mỗi gia đình ở khu vực nông thôn có 01 loa phóng thanh, khôi phục tổ đọc báo ở tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp. Ở quận phải tiến hành cải tạo tờ tin, mỗi tuần ra 01 bản và phải tổ chức phát hành đến các tổ dân phố. Triệt để cải tạo ngành in, không cho tư nhân hành nghề này.

Đến năm 1985, mỗi phường phải xây dựng 01 phòng đọc sách, 01 đội văn nghệ quần chúng. Phải hết sức khai thác, khơi dậy phong trào văn hóa văn nghệ, phải làm cho phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trở thành một nhu cầu không thể thiếu được của nhân dân lao động và các giới đồng bào. Quận xây dựng 02 thư viện, 04 đội chiếu phim, 20 câu lạc bộ văn hóa, củng cố phát triển đội văn nghệ tuyên truyền xung kích nhằm làm nòng cốt cho phong trào, đưa tiếng hát đi vào lao động. Nghiên cứu nhiều nội dung phong phú trong hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm tăng cường được chất lượng và mở rộng về chuyên môn. Cần phải liên tục mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ các hạt nhân cho phong trào văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền. Sớm ổn định bộ máy các cơ quan văn hóa thông tin từ quận xuống phường, vạch ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động rõ ràng cho các bộ phận chức năng như: nhà văn hóa, nhà sang băng, đài phát thanh, nhà in, công ty dịch vụ văn hóa v.v... Kiên quyết bài trừ tận gốc văn hóa văn nghệ phản động, đồi trụy, lai căng, phi dân tộc, phi XHCN.

Nội dung tuyên truyền, giáo dục trong những năm tới đây, tập trung vào những vấn đề chính sau đây:

- Làm cho các tầng lớp quần chúng hiểu rõ tình hình đất nước, tình hình thành phố, cuộc đấu tranh giữa hai con đường XHCN và TBCN, hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, nhiệm vụ chung của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào trong quận cũng như nhiệm vụ cụ thể của quần chúng. Qua đó, động viên lòng yêu nước, yêu cuộc sống mới, gắn bó với chế độ mới, thấy rõ CNXH là con đường tốt đẹp nhất.

- Giáo dục đồng bào nhận rõ âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của địch, phân biệt ta, bạn, thù không để kẻ thù lợi dụng kích động, hết sức cảnh giác trước đòn chiến tranh tâm lý, phá hoại kinh tế, đầu độc tư tưởng văn hóa của quần chúng.

- Động viên tinh thần lao động, coi trọng lao động, phân biệt giữa lao động và bóc lột. Chống lối sống lười biếng chỉ biết hưởng thụ, chỉ đòi hỏi quyền lợi mà không chịu làm nghĩa vụ lao động xây dựng đất nước.

- Giáo dục lòng tự hào dân tộc, thiết tha với Tổ quốc, thực hiện nếp sống có văn hóa, văn minh lịch sự. Cần chống lối sống tùy tiện, vô trách nhiệm, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, xây dựng ý thức tôn trọng nếp sống tập thể “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Ở các nơi công cộng phải xây dựng nếp sống trật tự, vệ sinh, tôn trọng và tự giác chấp hành nội quy và các quy định.

- Giáo dục tình đoàn kết dân tộc, tình đoàn kết giai cấp, đoàn kết bà con khu phố, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Tránh lối sống “đèn nhà ai nấy rạng”. Xây dựng tinh thần quốc tế vô sản, có tình cảm thân thiết với Liên Xô, phe XHCN, Lào và CamPuChia.

- Tích cực chống các tập tục hủ bại trong ma chay, cưới xin, bài trừ tận gốc mê tín dị đoan, bói toán, cờ bạc rượu chè.

Toám lại là phải đảm bảo cho tư tưởng và lối sống XHCN thắng lợi một bước xóa dần ảnh hưởng tư tưởng và lối sống do chế độ cũ để lại của giai cấp tư sản và của kẻ thù đầu độc.

2/ Về giáo dục: Nhiệm vụ đầu tiên là phải nâng cao chất lượng dạy và học ở nhà trường, trước hết là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chọn trường Ngô Sĩ Liên làm điểm thực hiện chương trình cải cách giáo dục theo nghị quyết của Bộ Chính trị sang năm 1984, triển khai đồng loạt ra các trường khác. Đến năm 1985, đảm bảo đủ trường lớp cho cả 3 hệ phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ và bổ túc văn hóa, chấm dứt tình trạng học ca trưa. Thu hút 100% các cháu độ tuổi đi học được đến trường kể cả lớp học ban đêm cho trẻ em nghèo. Nâng mức học sinh lên lớp từ 90,6% năm 1982 lên 97% năm 1985, hạ tỷ lệ lưu ban xuống còn 3%.

Phối hợp chặt chẽ giữa “nhà trường- gia đình và xã hội” trong việc giáo dục dạy dỗ học sinh. Mở rộng và tăng cường thêm cơ sở vật chất trang thiết bị cho trung tâm thí nghiệm thực hành và giáo dục hướng nghiệp.

Quan tâm hơn đến việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu ở nhà trẻ, mẫu giáo. Đảm bảo thực hiện đúng Chỉ thị 15 của UBND Thành phố về công tác bổ túc văn hóa.

Chú ý giải quyết vấn đề đời sống cho lực lượng giáo viên, chủ yếu bằng tổ chức sản xuất tự túc, tùy khả năng và điều kiện của môi trường.

3/ Về y tế: Phấn đấu đến năm 1984 toàn quận đạt 5 dứt điểm, hạ tỷ lệ sinh đẻ xuống còn 1,6% vào năm 1983 và 1,4% vào năm 1985.

Tiêu chuẩn hóa nơi khám bệnh, bổ sung thêm và sử dụng có hiệu quả các thiết bị cơ sở vật chất đã có, xây dựng thái độ phục vụ bệnh nhân đúng đắn, củng cố các phòng khám khu vực, mở thêm 01 phòng khám đa khoa ở phường nông nghiệp. Kiên quyết không để dịch bệnh phát sinh, nếu có phải dập tắt ngay.

Thực hiện tốt hơn phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phát động rộng rãi trong phong trào vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, giải quyết triệt để vấn đề nước sinh hoạt và các bãi rác, khu sình lầy, cống rãnh, vệ sinh ở các chợ và nơi công cộng.

Phấn đấu tự lực được 1/3 nhu cầu thuốc trị bệnh cho nhân dân. Tăng cường trồng và chế biến thuốc nam, sản xuất nhiều loại thuốc thông thường cho các tủ thuốc gia đình, nhất là thuốc phòng và trị bệnh cho trẻ em.

Sớm hình thành trung tâm tuyên truyền y học, xây dựng tốt hội y dược học dân tộc, tăng cường màng lưới chữ thập đỏ, phát triển đều khắp xuống tổ dân phố.

4/ Về thể dục thể thao: Phải đi sâu phát động phong trào thể dục thể thao toàn dân kết hợp với thể thao quốc phòng, nhất là trong thanh thiếu niên, trường học, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, tu bổ sửa chữa 02 hồ bơi. Đến năm 1985 phát triển 40 đội bóng bàn, mở rộng 05 sân vận động. Phấn đấu xây dựng ở tất cả các bộ môn đều có 01 đội đại biểu có trình độ thi đấu khá để làm nòng cốt cho phong trào và đi thi đấu ở thành phố và các quận, huyện bạn.

5/ Về thương binh xã hội: Đưa vào nề nếp việc thực hiện chính sách đối với gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, với các đ/c thương binh, cán bộ hưu trí, phục viên.

Thành lập câu lạc bộ hưu trí và tổ chức định kỳ các buổi nói chuyện thời sự, chính sách và gặp mặt thân mật giữa Quận ủy- Ủy ban và cán bộ hưu trí, phục viên. Hoàn chỉnh khu đài tưởng niệm liệt sĩ, tiếp tục xây thêm các bia kỷ niệm, bia truyền thống. Mỗi phường nên có 01 phòng truyền thống để trưng bày truyền thống đấu tranh cách mạng và thành tích của phường.

Chăm sóc đúng mức đối với các gia đình thuộc diện chính sách, nhất là gia đình nghèo, neo đơn. Phải đảm bảo giải quyết hết việc làm cho con em gia đình thuộc diện chính sách.

Đối với các tệ nạn như ăn xin, cùi hủi, xì ke, gái mãi dâm... từ đây đến năm 1985 các ngành chức năng phối hợp với phường phải giải quyết một bước cơ bản.

IV/ BẢO VỆ AN NINH CHÍNH TRỊ VÀ TRẬT TỰ XÃ HỘI:

1/ Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải quán triệt nhuần nhuyễn tinh thần Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị để tăng cường cảnh giác và quyết tâm đánh bại âm mưu của kẻ địch tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt hòng chống phá cách mạng Việt Nam mà thành phố Hồ Chí Minh là trọng điểm số một. Công an được phân công là lực lượng thường trực nòng cốt trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11 của Thành ủy và Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ về công tác giữ gìn an ninh chính trị trật tự trong tình hình mới. Phát động sâu rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đưa công tác này đi vào chiều sâu, thật sự làm thay đổi tương quan, chuyển hóa được những địa bàn trọng điểm. Phát huy vai trò nòng cốt tham mưu của lực lượng công an, các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, thiết thực tham gia giải quyết các vấn đề an ninh trật tự. Ban quân sự hợp đồng chiến đấu gắn bó với lực lượng công an. Các ngành nội chính phải hoạt động ăn ý với nhau, thường xuyên có bàn bạc kiểm điểm giải quyết các công việc. Các đảng bộ, chi bộ phường định kỳ hàng năm từng 6 tháng phải xây dựng triển khai và có sơ kết nghị quyết công tác an ninh địa phương các cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo công tác an ninh trật tự. Đối với các cơ quan kinh tế phải có kế hoạch bảo vệ kèm theo kế hoạch kinh doanh sản xuất của mình. Ban chấp hành Đảng bộ quận chủ động lãnh đạo trực tiếp và toàn diện công tác an ninh trong địa bàn quận, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những việc như sau:

- Rút kinh nghiệm từ công tác củng cố chuyển hóa trọng điểm Phường 2, trên cơ sở thực hiện cơ chế mới cấp phường, tiếp tục củng cố Đảng, chính quyền và các ngành đoàn thể phường vững mạnh, phát huy vai trò lãnh đạo trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng ở từng khu phố. Trong từng khu phố, từng tổ dân phố, tổ chức được việc quần chúng giải quyết tại chỗ những vấn đề an ninh trật tự phức tạp nảy sinh, đến năm 1985 xây dựng 50% khu phố, tổ dân phố an toàn vững mạnh, 50% phường an toàn vững mạnh. Phát động quần chúng mạnh dạn tố giác phát hiện và đấu tranh trấn áp các âm mưu hành động chống phá cách mạng, nhất là hoạt động chiến tranh tâm lý, phá hoại kinh tế, cô lập phân hóa bọn phản động tại chỗ. Nắm và quản lý được các đối tượng chính trị, hình sự, kịp thời phát hiện bọn xâm nhập. Tập trung công tác thu đổi hộ khẩu, giải quyết căn bản số tạm trú, nhất là số cư trú bất hợp pháp theo đúng tinh thần Chỉ thị 01 của UBND thành phố. Lực lượng cảnh sát khu vực phải nắm được thật chắc di biến động hộ khẩu.

- Tập trung giải quyết phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, tiến hành các biện pháp hành chánh gom giữ, truy quét bọn tội phạm nguy hiểm và ngoan cố, phát huy được sức mạnh của quần chúng phát hiện, trấn áp và quản lý theo dõi chặt chẽ các loại tội phạm. Cấp ủy và Đảng bộ, Chi bộ từng phường xác định những trọng điểm thuộc phường mình, đề ra kế hoạch tiến công, giải quyết làm chuyển hóa tình hình trật tự xã hội ở những nơi đó. Đối với các trọng điểm phức tạp của quận, Quận ủy, Ủy ban có kế hoạch huy động sức mạnh tổng hợp để giải quyết.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị 119 và gần đây là Nghị quyết 128 của Hội đồng Bộ trưởng. Tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản XHCN, đấu tranh quản lý thị trường. Cấp ủy, chi bộ từng cơ quan, xí nghiệp phải nâng cao trách nhiệm lãnh chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc công tác bảo vệ. Thủ trưởng, giám đốc cơ quan, xí nghiệp nghiêm chỉnh thực hiện 4 chế độ trách nhiệm. Phải thường xuyên duy trì, củng cố việc chấp hành nội quy bảo vệ, chấp hành các nguyên tắc quản lý kinh tế, hạn chế thấp nhất việc mất mát, thất thoát, lãng phí tài sản XHCN. Chú trọng củng cố lực lượng bảo vệ, thường xuyên rà soát, thanh lọc nhân sự ở các bộ phận quản lý vật tư hàng hóa, tiền mặt và các khâu gia công hợp đồng. Tăng cường công tác đấu tranh phát hiện ngăn chặn, trấn áp bọn làm ăn phi pháp, nhất là bọn đầu cơ buôn lậu hàng quốc cấm, hàng nhà nước quản lý, bọn làm hàng giả.

- Viện kiểm sát, toà án, cơ quan thanh tra, pháp chế, tư pháp phối hợp hoạt động chặt chẽ với công an, quân sự trong khối nội chính để tăng cường giáo dục việc thực hiện và bảo vệ pháp chế XHCN, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, chống tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội. Cần tập trung củng cố việc chấp hành pháp luật trong khâu bắt, giam giữ, xử lý người phạm pháp, đảm bảo bắt đúng người, đúng tội, tăng cường công tác cải tạo tại chỗ. Thường xuyên kiểm tra việc bắt giam giữ, xử lý, chấm dứt việc bắt oan, ức hiếp quấn chúng. Kịp thời giải quyết mọi khiếu tố, khiếu nại của nhân dân. Chú trọng việc giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng trật tự công cộng cho cán bộ công nhân viên và quần chúng.

Cấp ủy các phường chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức và thực hiện công tác cải tạo tại chỗ, quản chế, giáo dục những đối tượng cải tạo về, tù tha về và số phạm pháp không nghiêm trọng, không cần phải bắt giam giữ. Phải tập trung giải quyết việc làm giúp cho những người này ổn định đời sống bằng tình thương và trách nhiệm, thật sự chuyển hóa họ thành người tốt.

- Đảng bộ tăng cường hơn nữa việc chăm lo xây dựng lực lượng công an, quân sự, các ngành nội chính trong sạch vững mạnh. Thường xuyên và định kỳ tổ chức cho quần chúng phê bình góp ý cho công an, thông qua các đoàn thể của mình. Phải xây dựng lực lượng công an thực sự là con em yêu quý của nhân dân.

Nhiệm vụ của công tác quân sự địa phương là phải tiếp tục cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân”, trong đó phải đặc biệt chú ý đến lực lượng tự vệ. Các cấp ủy phải hết sức quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, vận động sự chăm sóc, đùm bọc của mọi giới đồng bào, thể hiện sự yêu thương thực sự của toàn Đảng, toàn dân đối với lực lượng vũ trang.

- Củng cố lại Ban chỉ huy quân sự thống nhất, kiện toàn Ban chỉ huy quân sự, Ban tham mưu quy hoạch lực lượng kế thừa, bảo đảm 100% phường có phường đội trưởng và phải là đảng viên. Nhanh chóng nâng được chất lượng công tác chỉ đạo, chỉ huy, từ khâu vạch kế hoạch đến tổ chức thực hiện. Nắm chắc lực lượng, bổ sung đủ quân số, quản lý chắc lực lượng quân dự bị khi cần là huy động được ngay.

Triệt để chấp hành tốt Chỉ thị 01 của liên bộ quốc phòng- nội vụ để đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch. Chủ động hợp đồng cùng lực lượng công an và lực lượng quần chúng bảo vệ an toàn trong địa bàn quận. Đảm bảo đoàn kết hợp đồng chiến đấu chặt chẽ. Xây dựng lập trường kiên định, vững vàng, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ bất cứ ở cương vị nào, ở chiến trường nào và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ với chất lượng cao.

- Thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội, nhanh chóng khắc phục những mặt còn thiếu sót. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu NVQS thành phố giao, đưa công tác NVQS đi vào nề nếp theo luật định. Bảo đảm tốt nề nếp 4 công khai, 3 bình nghị trong nhân dân, giải quyết đúng chủ trương, chính sách, hạn chế đi đến chấm dứt việc sai sót trong công tác gọi thanh niên nhập ngũ. Số thanh niên chống lệnh giải quyết theo đúng luật pháp. Trong những tháng đầu năm 1983 giải quyết kịp thời số quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, tích cực giải quyết công ăn việc làm ổn định được đời sống cho những đ/c đã hoàn thành NVQS trở về.

Tổ chức tốt việc sản xuất, cải thiện đời sống, chăm lo phong trào văn nghệ, luyện tập thể thao thể dục ở mỗi đơn vị để bảo đảm sức khỏe.

V/ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐOÀN THỂ:

1/ Về xây dựng chính quyền:

Trong chế độ XHCN, chính quyền chuyên chính vô sản là thể hiện tập trung nhất quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Quan điểm ấy của Đảng đặc biệt có ý nghĩa trong cách mạng hiện nay ở thành phố chúng ta. Vì vậy xây dựng chính quyền vững mạnh, nhất là ở cơ sở là một yêu cầu bức bách, gắn rất chặt với nhiệm vụ xây dựng Đảng và khả năng hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương.

Việc xây dựng chính quyền phường, trước hết phải chú ý đến đội ngũ cán bộ chủ chốt nhất là các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng công an, phường đội trưởng, ủy viên văn xã. Các đ/c này phải đảm bảo độ tin cậy cao, đã được thử thách, có uy tín với quần chúng và có hiểu biết về công tác chính quyền, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đội ngũ làm công tác chính quyền phường phải gắn bó với dân, với cơ sở, có quan điểm lập trường vững, được bồi dưỡng về trình độ kinh tế, xã hội luôn được đấu tranh để tránh lối làm việc tùy tiện, cửa quyền, hách dịch, nhất là không được xa rời quần chúng. Cán bộ chủ chốt phường phải được quy hoạch theo hướng trẻ hóa, có nhiệt tình, có sức khỏe, năng nổ, xông xáo, có văn hóa và bản lĩnh chỉ huy, chỉ đạo sâu sát. Yêu cầu đến hết năm 1985 hầu hết các đ/c này phải được phổ cập cấp II, ¾ có trình độ văn hóa hết cấp III. Lần lượt phải đưa 100% chức danh chủ chốt ở các phườngđi học các lớp về quản lý kinh tế, xã hội, quản lý chính quyền, lực lượng cán bộ công nhân viên cũng được bồi dưỡng tại chức 100%. Tiếp tục hoàn chỉnh xây dựng cơ chế phường đi vào hoạt động ổn định, nề nếp, gắn bó. Đến năm 1985 phải đạt 50% khu phố an toàn vững mạnh, 50% phường an toàn vững mạnh.

Kiện toàn bộ máy chính quyền quận là một yêu cầu khẩn trương. Song song với việc nângcao trình độ, năng lực, đảm bảo cho các đ/c lãnh đạo chủ chốt phải tinh thông nghiệp vụ vừa có khả năng khái quát, đi sâu vào công việc mình phụ trách, phải quy hoạch đào tạo, bố trí cán bộ, tạo ra sự đồng bộ đều tay, đảm bảo hoạt động ăn ý hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Những khâu yếu hiện nay phải kiện toàn trước là các cơ quan tài chánh, thuế, ngân hàng, thương nghiệp quốc doanh, nhà đất- công trình công cộng, thanh tra và ban nông nghiệp thủy lợi, hết sức chống lề lối làm việc hành chánh, quan liêu, không sát cơ sở, lối làm việc phân tán, kém hiệu lực, thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần hợp tác XHCN. Tăng cường cán bộ cho những khâu trung tâm như ban kế hoạch, ngành phân phối lưu thông, khối sản xuất, chú ý đưa đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn để giúp các đ/c đủ kiến thức chuyên môn phục vụ công tác.

Một yêu cầu quan trọng nữa là phải đảm bảo cho hội đồng nhân dân từ quận đến phường hoạt động có hiệu lực, đúng với hiến pháp đã quy định. Sinh hoạt và hoạt động của hội đồng nhân dân phải có thực chất, tránh hình thức, phát huy được quyền lực của hội đồng nhân dân và của từng thành viên. Phải bảo đảm cho mỗi thành viên thường xuyên có điều kiện tiếp xúc với cử tri từ đó đề đạt giải quyết kịp thời các vấn đề mà cử tri yêu cầu.

B/ XÂY DỰNG CÁC ĐOÀN THỂ QUẦN CHÚNG:

Cần làm quán triệt công tác dân vận mặt trận trong tất cả các ngành cơ quan, đơn vị, làm cho mỗi đảng viên nhận thức rằng công tác vận động quần chúng là một vấn đề gốc của công tác vận động cách mạng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy, chi bộ và của từng đảng viên. Hoạt động của các đoàn thể phải tập trung phát huy vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, nông dân tập thể trong giai đoạn cách mạng mới, vai trò xung kích của lực lượng thanh niên và của đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh. Tăng cường khối liên minh công nông, mở rộng việc tập hợp quần chúng vào đội ngũ, nhất là đồng bào tôn giáo, người Hoa. Bên cạnh việc xây dựng củng cố các ban chấp hành đoàn thể, phải khẩn trương bồi dưỡng, phát triển lực lượng nòng cốt, bồi dưỡng và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn vào Đảng, vào Đoàn, nhất là nhằm vào khu vực sản xuất, kinh doanh, khu vực trường học, bệnh viện.

Nội dung tuyên truyền giáo dục phải xoay quanh việc bồi dưỡng giác ngộ lòng yêu nước, tư tưởng XHCN, hướng vào con đường làm ăn tập thể, cổ vũ và động viên những nhân tố mới, điển hình mới. Việc đánh giá quần chúng và tiến hành công tác dân vận mặt trận phải thực hiện đúng đắn theo chính sách quan điểm giai cấp của Đảng, nhất là quận chúng ta có đông đồng bào tôn giáo và Việt gốc Hoa. Hàng tháng, cấp ủy phải có kiểm điểm về công tác dân vận, mặt trận, trực tiếp nghe các đ/c phụ trách các đoàn thể báo cáo tình hình để từ đó chỉ đạo cho hướng hoạt động tới.

+ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh:

Cần sớm vươn lên mạnh mẽ đáp ứng được nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn cách mạng mới, xứng đáng là đội xung kích của cách mạng, là đội hậu bị tin cậy của Đảng.

Đoàn viên thanh niên phải là đối tượng đầu tiên mà Đảng bộ quan tâm giáo dục về lý tưởng cộng sản, bồi dưỡng những tư tưởng và tình cảm cách mạng, sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Tăng cường việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, toàn Đảng, toàn dân ra sức chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Chúng ta phải làm cho tư tưởng XHCN chiếm ưu thế trong thanh niên, không để cho kẻ địch đầu độc, lôi kéo thanh niên. Động viên thanh niên thực hiện tốt nghĩa vụ lao động, học tập bảo vệ Tổ quốc, đồng thời phải quan tâm đến lợi ích chính đáng của thanh niên.

Ban Tuyên huấn cùng với Ban chấp hành Quận Đoàn vạch kế hoạch thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên, nội dung nhẹ nhàng, hấp dẫn, phù hợp với từng loại đối tượng. Đảng bộ xác định không một chút lơi lỏng trong trận địa tư tưởng đối với thanhthiếu niên và phải tiến hành công tác giáo dục có kết quả ngay từ lứa tuổi nhi đồng.

Cần đi sâu nghiên cứu, am hiểu sâu sắc tâm sinh lý của tuổi trẻ để có nhiều hình thức sinh động tập hợp thanh thiếu niên vào tổ chức, qua đó giáo dục lý tưởng, xây dựng một quan niệm sống đúng đắn, lành mạnh, phát triển tinh thần và thể chất một cách toàn diện.

Trong khu vực sản xuất, giáo dục thanh niên đi vào con đường làm ăn tập thể, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đi đầu trong công cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và phải đạt tới mục tiêu là năng suất lao động ngày càng cao. Thường xuyên tổ chức những đợt thi thợ giỏi, hàng năm mở hội liên hoan gặp gỡ những thợ trẻ xuất sắc và phải có những phần thưởng xứng đáng.

Trong khu vực phân phối lưu thông, thanh niên phải phấn đấu trở thành người nội trợ giỏi của nhân dân, nắm vững nghiệp vụ, có đầu óc kinh doanh XHCN, đoàn viên phải đi đầu trong nhiệm vụ chống tiêu cực, bảo vệ tài sản XHCN, chống móc ngoặc, lập lại trật tự mới trên mặt trận nóng bỏng này.

Trong khu vực giáo dục, y tế, đoàn viên cần phải rèn luyện là người sống có lý tưởng, hết lòng vì người bệnh, vì đàn em thân yêu. Đoàn phải nòng cốt thực hiện nhiệm vụ cải cách giáo dục trong nhà trường, đẩy mạnh việc giáo dục hướng nghiệp, đưa lao động vào nhà trường, giúp học sinh hình thành năng khiếu nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, bồi dưỡng lòng say mê lao động sáng tạo, để khi ra trường thực hiện ước mơ hoài bão là chọn được một nghề phát huy được đầy đủ tài năng của mình, phụng sự tốt nhất cho Tổ quốc.

Trong lĩnh vực lực lượng vũ trang đoàn viên phải là những người chiến sĩ trung thành vô hạn với Tổ Quốc, chiến đấu và sản xuất giỏi, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần, dũng cảm đánh địch, có tinh thần quyết chiến quyết thắng cao. Đoàn viên phải tích cực chống hành vi hối lộ, ức hiếp quần chúng bao che cho phần tử xấu, và phải gương mẫu chấp hành tổ chức kỷ luật, điều lệnh, pháp luật nhà nước.

Trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp đoàn viên phải lấy việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, có lối sống lành mạnh làm thước đo phẩm chất, đạo đức. Xây dựng tốt tinh thần đoàn kết, chăm lo đời sống, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, phấn đấu kết nạp 100% thanh niên vào Đoàn.

Đoàn cơ sở ở phường phải bám sát nhiệm vụ chính trị ở địa phươngđể luôn đi đầu, làm nòng cốt trong mọi công tác. Phải bằng nhiều hình thức tập hợp cho được từ 90 – 100% thanh niên vào tổ chức Đoàn. Đến năm 1985 đảm bảo 100% khu phố có chi đoàn, 100% tổ dân phố có từ 1 đến 2 đoàn viên.

Toàn quận phấn đấu 3 năm 1983- 1985 kết nạp 2100 đoàn viên mới, đưa 90% thiếu nhi vào Đội, riêng ở nhà trường phải tập hợp 100%, đưa được từ 85%- 95% thanh niên vào tổ chức.

+ Đoàn thể công đoàn:

Trong những năm tới cần tập trung nâng cao giác ngộ cho giai cấp công nhân về vai trò và sứ mạng lịch sử của mình trong sự nghiệp cách mạng XHCN, phát huy cao tinh thần làm chủ tập thể, lao động giỏi có năng suất cao, tạo ra được những sản phẩm có chất lượng. Tổ chức học tập rộng rãi Nghị định 182/CP và Nghị định 217/CP của Hội đồng Chính phủ ban hành trước đây. Đồng thời tổ chức cho công nhân, thợ thủ công học tập Nghị quyết Đại hội V của Đảng, Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị và tinh thần các nghị quyết quan trọng khác của Đảng. Việc giáo dục chính trị phải kết hợp với công tác chăm lo đời sống, tăng thu nhập bằng chế độ khoán sản phẩm và các chế độ thưởng nhằm động viên lòng yêu nghề hăng say sản xuất, phấn khởi, tin tưởng, thể hiện rõ tính tiên phong của giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Ngay từ năm 1983 phải có 80% và đến năm 1985 có 100% đơn vị mở hội nghị công nhân, viên chức ký kết hợp đồng tập thể, giao ước thi đua, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Chú ý động viên khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có năng suất cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thợ giỏi, công nhân lành nghề.

Về đời sống, phải trên cơ sở kết hợp đúng đắn 3 lợi ích, thực hiện chặt chẽ kế hoạch 3 phần chăm lo đời sống công nhân, người lao động. Bảo đảm 100% xí nghiệp có nhà ăn tập thể, thực hiện đúng chế độ bồi dưỡng ca ba, độc hại, chế độ phúc lợi tập thể và bảo hiểm lao động. Công đoàn quận hoàn tất việc sửa chữa nhà nghỉ ở Vũng Tàu để từ năm 1983 đón công nhân viên chức ra nghỉ theo chế độ.

Trong công tác tổ chức phải nhanh chóng kiện toàn Ban chấp hành công đoàn quận để đủ sức lãnh đạo, tập trung xây dựng công đoàn cơ sở và tiến hành quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận. Cần tích cực đào tạo, bồi dưỡng đưa thêm công nhân ưu tú, trẻ và có năng lực vào Ban chấp hành công đoàn cơ sở, phấn đấu đến năm 1985 đạt 80- 90% công đoàn cơ sở đạt danh hiệu tiên tiến, xóa hẳn đơn vị yếu, kết nạp 100% công nhân viên chức vào tổ chức công đoàn, 90% lao động vào hội lao động hợp tác. Cần chú ý củng cố xây dựng các hội lao động hợp tác nhằm từng bước giác ngộ tư tưởng XHCN, tập dợt cho thợ thủ công quen dần với hình thức làm ăn tập thể. Hội có trách nhiệm xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất, chăm lo đời sống, tích cực lao động hoàn thành hợp đồng gia công cho Nhà nước bảo đảm chất lượng sản phẩm, chống làm dối, làm ẩu.

+ Đoàn thể phụ nữ:

Cần phát huy thành tích đã đạt được, tham gia tích cực hơn vào mặt trận phân phối lưu thông, công tác sản xuất và cải tạo XHCN, đẩy mạnh phong trảo 5 giỏi, tiết kiệm, thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội, chăm lo quyền lợi phụ nữ và trẻ em.

Hội còn chú ý hơn đến công việc củng cố các Ban chấp hành chi hội phụ nữ cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt, tổ chức học tập, thông suốt các nghị quyết của Đảng, vận động gia đình, tạo điều kiện cho những người thân tham gia công tác ở địa phương.

Phụ nữ phải là lực lượng nòng cốt thực hiện Nghị quyết 17 của Thành ủy về công tác phân phối lưu thông, nòng cốt xây dụng mạng lưới bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã xuống đến tổ dân phố, khu phố, tiến hành giáo dục và chuyển 100% tổ ngành hàng sang tổ tự quản.

Hội phụ nữ quan tâm đến việc chăm lo quyền lợi cho phụ nữ, nhất là việc nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, giải phóng phụ nữ ra khỏi công việc nội trợ, giải quyết việc làm và thực hiện quyền nam nữ bình đẳng, bảo vệ luật hôn nhân và gia đình, pháp lệnh về bảo vệ và chăm sóc thiếu niên nhi đồng, sinh đẻ có kế hoạch. Xây dựng trong phụ nữ một nếp sống văn hóa mới xóa bỏ tự ti mặc cảm, vươn lên làm chủ xã hội, thực hiện quyền làm chủ tập thể XHCN. Phụ nữ cần đi sâu vào khối đồng bào tôn giáo, người Hoa để tranh thủ vận động, giáo dục, tập hợp chị em vào tổ chức. Cán bộ Hội phải thật sự thâm nhập được vào quần chúng.

+ Hội nông dân tập thể:

Bám sát nhiệm vụ vận động bà con nông dân vào làm ăn tập thể theo phương châm “khẩn trương, vững chắc”, tham gia củng cố, xây dựng các tập đoàn, giáo dục cho bà con nông dân về truyền thống đấu tranh cách mạng, về đường lối của Đảng, đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nông dân, thâm nhập vào thực tế tạo sự gắn bó mật thiết giữa đoàn thể và người lao động.

Tích cực vận động bà con nông dân thực hiện các nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước, đóng thuế nông nghiệp đầy đủ, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động và cuộc sống.

Đến năm 1985 tập hợp 100% nông dân vào Hội.

+ Đoàn thể mặt trận:

Sau Đại hội nhiệm kỳ III cần nhanh chóng mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tập hợp quần chúng vào tổ chức, đi sâu vào khối đồng bào tôn giáo, người Hoa.

Đối với khu vực tôn giáo, vấn đề cơ bản là phải xây dựng phát triển lực lượng nòng cốt, giáo dục, vận động nắm được giáo dân, tín đồ thuộc tầng lớp lao động. Không để kẻ địch lợi dụng thần quyền lôi kéo, kích động quần chúng. Phải thực hiện đúng chủ trương chính sách của Đảng về vấn đề tôn giáo theo tinh thần Nghị định 297/CP của Hội đồng Chính phủ. Hết sức tranh thủ hàng giáo phẩm tiến bộ, phân hóa và cô lập phần tử xấu, chống đối do địch cài vào, dùng lực lượng giáo dân, tín đồ được giác ngộ vạch mặt và xử lý chúng theo đúng pháp luật.

Đối với khu vực đồng bào Việt gốc Hoa phải kiên trì đeo bám đi sâu xây dựng nòng cốt, thâm nhập được vào đồng bào lao động, nêu rõ đường lối quang minh chính đại của Đảng và Nhà nước, sự phản bội của tập đoàn Bắc Kinh, giáo dục tình hữu nghị đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc. Phải ổn định được tư tưởng, hết sức cảnh giác âm mưu lợi dụng đồng bào người Hoa, động viên và tạo mọi điều kiện để bà con yên tâm lao động, sản xuất, không được có thái độ phân biệt đối xử, nhạo báng và khích bác.

Ngoài ra mặt trận phải làm tròn nhiệm vụ là đầu mối của việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, tiết kiệm, đóng góp xây dựng thủy điện Trị An, vì tuyến đầu Tổ quốc và nòng cốt tổ chức các kỳ bầu cử quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp.

VI. XÂY DỰNG CÔNG TÁC ĐẢNG:

Trong 3 năm tới, nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề, vì vậy Đảng bộ phải quan tâm hơn công tác xây dựng Đảng, trước hết là tăng cường sự nhất trí với đường lối, chủ trương của Đảng, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, từ đó thống nhất hành động, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

1/ Về tư tưởng:

Cần làm cho Đảng bộ quán triệt sâu sắc hơn nữa những quan điểm cơ bản của Đảng trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V, Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 03 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V.

Làm cho mỗi đảng viên hiểu rõ tính chất gay go quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ hiện nay, nhất là cuộc đấu tranh giữa hai con đường XHCN và TBCN. Công tác chính trị tư tưởng trong 3 năm tới phải đảm bảo cho tư tưởng XHCN chuyển lên chiếm ưu thế trong xã hội. Phải làm rõ trước hết trong Đảng về mục tiêu của cách mạng XHCN, tính tất yếu của công cuộc cải tạo XHCN làm rõ ta, bạn, thù và đối tượng của cách mạng hiện nay, phân biệt rõ ranh giới lao động với bóc lột, xây dựng lối sống mới mà nội dung cơ bản là lao động, lao động tự giác, lao động có kỷ luật, có kỹ thuật và có năng suất cao, nhận thức về 3 lợi ích, có trách nhiệm đối với tài sản XHCN, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước, đồng thời xây dựng tinh thần đoàn kết quốc tế XHCN, đặc biệt là đoàn kết với Liên Xô, Campuchia và Lào, làm tròn trách nhiệm hậu phương đối với tiền tuyến. Thường xuyên đề cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, đập tan kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù.

- Bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhiệt tình cách mạng, nâng cao tính chiến đấu ở mỗi chi bộ, đảng viên. đề cao ý thức giữ gìn bí mật, tính tổ chức kỷ luật. Ngăn chặn việc phát ngôn bừa bãi, cảnh giác âm mưu địch đánh vào nội bộ gây chia rẽ và đả kích lãnh đạo.

- Kiện toàn Ban Tuyên huấn, trường Đảng, bộ phận nghiên cứu lịch sử Đảng để làm tròn chức năng nhiệm vụ. Phải làm tốt hơn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Đảng, kịp thời nắm được diễn biến tư tưởng để có giúp đỡ thiết thực. Thường xuyên củng cố, giáo dục về lý tưởng Cộng sản, về truyền thống vẻ vang của Đảng, nhằm nâng cao niềm tự hào về Đảng quang vinh. Xây dựng mối gắn bó mật thiết với quần chúng lao động, có lối sống giản dị, trung thực, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị, bè phái, khắc phục tư tưởng tiểu tư sản, tư tưởng của người sản xuất nhỏ, chống sự xâm nhập của tư tưởng tư sản.

Nội bộ Đảng phải siết chặt hàng ngũ, tăng cường ý thức tổ chức kỷ luật, đề cao tính Đảng, tận tụy phục vụ vì sự nghiệp xây dựng thành công CNXH.

2/ Về tổ chức:

Tiếp tục kiện toàn siết chặt các cấp ủy, chi bộ, song song với việc kiện toàn và tăng cường sức mạnh cho bộ máy chính quyền đoàn thể, đặc biệt là các ngành quản lý kinh tế-xã hội.

a) Tập trung xây dựng, kiện toàn cấp ủy, chi bộ đảng bộ cơ sở, phấn đấu đến năm 1983, xây dựng cho được 50% chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh, xóa bỏ hoàn toàn đơn vị yếu. Các cấp ủy cơ sở bảo đảm đến năm 1985 hạ được tuổi bình quân từ 38 (năm 1983) xuống còn 35- 37 vào năm 1985, hầu hết đều được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản qua các trường lớp của thành phố, quận mở. Các cấp ủy phải thật sự là trung tâm đoàn kết, phát huy vai trò lãnh đạo, tăng cường cán bộ có năng lực, uy tín và phải tỏ rõ khả năng đảm đương công việc, động viên, tập hợp được quần chúng cùng hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi cơ quan, đơn vị phải chủ động cải tiến lề lối làm việc theo tinh thần cách mạng và khoa học, phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo của cá nhân và tập thể, đồng thời bảo đảm được nguyên tắc tập trung dân chủ, tính tổ chức kỷ luật chặt chẽ. Các cấp ủy Đảng, chi bộ phải thật sự tôn trọng và phát huy vai trò của chính quyền, của hội đồng nhân dân, đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của chi bộ, đảng bộ.

- Xây dựng cơ sở Đảng ở phường:

Đây là một khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Sau đợt Đại hội vừa rồi các cấp ủy đã kiện toàn được một bước, cần phát huy ngay hiệu lực lãnh đạo, bắt tay vào tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ, đảng bộ. Cần đặc biệt chú ý chăm sóc, bồi dưỡng các đ/c cấp ủy viên đương chức, giúp các đ/c nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất, đảm đương được nhiệm vụ. Cấp ủy và chi bộ phải là trung tâm của cơ chế tổ chức phường, thật sự là trung tâm đoàn kết, quy tụ, động viên được mọi lực lựơng cùng với cấp ủy, chi bộ thực hiện thắng lợi các công tác ở địa phương.

- Cần phải tích cực bồi dưỡng cho các đảng viên đương chức ở phường về quan điểm, lập trường và phương pháp công tác, nhất là về trình độ lãnh đạo, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, thực hiện được nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, dân làm chủ.

Vấn đề quan trọng của chi bộ phường là phải kết hợp tốt giữa lực lượng già và trẻ, giữa các đ/c cán bộ về hưu và đương chức. Các đ/c đương chức phải biết dựa vào học hỏi kinh nghiệm công tác của các đ/c đảng viên hưu trí phát huy được uy tín và khả năng đóng góp của mỗi đ/c. Ngược lại, các đ/c đảng viên hưu trí hết sức ủng hộ giúp đỡ các đ/c đảng viên đương chức, nhất là lớp trẻ hoàn thành nhiệm vụ.

Phấn đấu đến năm 1985, 60 chi bộ, đảng bộ phường đạt tiêu chuẩn vững mạnh trong sạch.

+ Đối với cơ sở Đảng ở khối sản xuất:

Phải hết sức quan tâm đến công tác phát triển Đảng, xây dựng tổ trung kiên, phát triển đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tập họp hầu hết công nhân, thợ thủ công vào tổ chức công đoàn, hội lao động hợp tác. Cấp ủy, chi bộ ở đây phải được tăng cường, bố trí những đ/c có đủ kiến thức, năng lực về công tác chuyên môn mình phụ trách, tích cực đấu tranh cải tạo quan hệ sản xuất cũ, đẩy mạnh quan hệ sản xuất mới XHCN, chấm dứt bóc lột tư bản ở khu vực này. Đảng viên phải thực sự là những người quản lý giỏi, có tính năng động, sáng tạo, có khả năng tổ chức và động viên sáng kiến trong công nhân, tăng năng suất, tăng thu nhập, thực hiện đúng đắn 3 lợi ích chăm lo tốt đời sống công nhân, thợ thủ công.

Phấn đấu kết nạp 180 đảng viên trong 3 năm 1983- 1985 (chiếm tỉ lệ 1/3 trong tổng số đảng viên mới kết nạp), xây dựng ở mỗi xí nghiệp quốc doanh, hợp doanh một tổ Đảng, các HTX đều phải có đảng viên, các tập đoàn sản xuất nôngnghiệp có từ 1-2 đảng viên.

+ Đối với các cơ sở Đảng ở khu vực phân phối lưu thông:

Chú ý xây dựng củng cố về mặt chất lượng, cần phải mạnh dạn phát triển Đảng nhưng phải có chọn lọc và thử thách kỹ, các cấp ủy Đảng phải tăng cường kiểm tra, thường xuyên tiến hành công tác xây dựng nội bộ, đảm bảo thực hiện đúng đường lối chính sánh của Đảng. Kiên quyết chống lối hành chính bao cấp, đồng thời cũng tích cực chống tư tưởng kinh doanh đơn thuần, chạy theo lợi nhuận. Thực hiện chặt chẽ nguyên tắc phê bình và tự phê bình, tự giác chấp hành các qui chế quản lý, chống được hành động tham ô, ăn cắp móc ngoặc, vô trách nhiệm, làm hư hỏng, thất thoát hàng hóa, tài sản. Thực hiện nghiêm chỉnh 4 chế độ trách nhiệm.

+ Đối với cơ sở Đảng ở khu vực giáo dục y tế:

Cấp ủy chi bộ phải có đủ kiến thức xây dựng và quản lý ngành, có quan điểm và thái độ đúng đắn với trí thức tại chỗ. Phải am hiểu nghiệp vụ, nắm bắt diễn biến tư tưởng và hoàn cảnh kinh tế của đội ngũ đảng viên, y bác sĩ để lãnh đạo, giáo dục, chăm sóc giúp đỡ, nhằm động viên phát huy đúng mức chức năng cao quí của người thầy thuốc và của nhà giáo. Thực sự nâng được chất lượng dạy và học ở nhà trường, chăm sóc tốt sức khỏe của nhân dân.

+ Đối với cơ sở Đảng trong khối nội chính:

Tổ chức Đảng phải quán triệt nhuần nhuyễn tư tưởng, nắm vững chuyên chính vô sản, để lãnh đạo thực hiện mọi nhiệm vụ công tác. Đảng viên phải là những tấm gương về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân, dũng cảm, mưu trí, luôn rèn luyện nâng cao bản lĩnh lãnh đạo, chỉ huy, bảo đảm cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ pháp chế XHCN, chống tiêu cực.

+ Đối với cơ sở Đảng ở cơ quan, ban, ngành, đoàn thể:

Phải nắm vững nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo về chính trị, tư tưởng, chăm lo đời sống và sức chiến đấu cho cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Vì vậy phải đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc Đảng trong công tác tổ chức cũng như trong sinh hoạt. Chi bộ phải lãnh đạo tốt việc chấp hành giờ giấc làm việc, giữ gìn bí mật, tăng cường chăm lo đời sống, xây dựng lề lối làm việc khoa học nhằm phát huy hiệu quả công tác của từng đ/c.

b/ Nâng cao chất lượng lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ quận:

Phải xây dựng Ban chấp hành Đảng bộ quận nhiệm kỳ III thật sự là một tập thể đủ sức đảm nhận nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn cách mạng gay go, phức tạp hiện nay. Ban chấp hành phải tập trung được trí tuệ của Đảng bộ, có đủ bản lĩnh và khả năng lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối chủ trương của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ III này.

Ban chấp hành phải xây dựng được một lề lối làm việc khoa học, bảo đảm được nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, có mối quan hệ chỉ đạo gắn bó, có hiệu quả đối với chính quyền, đoàn thể, các ngành và đối với cơ sở. Cần cải tiến các cuộc hội nghị của Ban Thường vụ, Ban chấp hành và sau đó mỗi nghị quyết của Ban Thường vụ, Ban chấp hành phải được tổ chức thực hiện tích cực, triệt để. Mỗi đ/c cấp ủy viên phải là những đảng viên tiêu biểu về mọi mặt, có đủ kiến thức và uy tín lãnh đạo công tác mình phụ trách và tham gia vào công việc lãnh đạo chung của Ban chấp hành, Ban Thường vụ. Ban chấp hành phải là trung tâm đoàn kết là chỗ dựa tin cậy của toàn thể đảng viên, của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Kiên quyết không để một đ/c cấp ủy viên nào vi phạm kỷ luật.

c/ Công tác đào tạo bồi dưỡng đảng viên, phát triển đảng viên mới:

- Khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ đảng viên đáp ứng với sự phát triển của nhiệm vụ chính trị, tiến tới tiêu chuẩn hóa cán bộ bố trí ở những cương vị chủ chốt. Từ đó mà bố trí đúng cán bộ, có hướng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ hiện tại và đội ngũ kế thừa.

Đảm bảo sinh hoạt chi bộ thường kỳ đúng theo quy định của Thành ủy. Phải nâng được chất lượng sinh hoạt theo đúng nhiệm vụ chính trị của mỗi chi bộ. Nhưng nội dung chung là phải thảo luận, phải quán triệt nghị quyết của cấp trên, đề ra nhiệm vụ cụ thể cho công tác chính trị, tư tưởng, công tác chuyên môn, công tác đời sống và công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, việc phê bình và tự phê bình phải được thực hiện nghiêm túc, tránh dân chủ hình thức, xuê xoa dễ dãi hoặc gây mất đoàn kết.

Phấn đấu 3 năm tới kết nạp được 750 đảng viên mới, gấp đôi số đảng viên kết nạp từ năm 1980 đến năm 1982, mỗi năm số lượng tăng bình quân là 1,6 lần, trong đó bảo đảm 2/3 là ở khu vực sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện. Muốn đạt được chỉ tiêu này, việc quan trọng là phải tạo được nguồn phát triển trong đó mỗi cấp ủy, chi bộ, mỗi đảng viên phải thực sự quan tâm thấy hết trách nhiệm, đặt thành nghĩa vụ thì mới đưa công tác phát triển Đảng đạt kết quả và đúng hướng.

Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, kinh tế, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ đảng viên trở thành chế độ bắt buộc, thành ý thức trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chi bộ. Ngoài việc quan tâm cử đi học các lớp dài hạn, ngắn hạn do trung ương và thành phố mở, quận tích cực xây dựng, quy hoạch lại trường Đảng kết hợp thành trường đào tạo, bồi dưỡng cho cả hệ Đảng, đoàn thể và cả chính quyền, cho cán bộ chủ chốt ở phường, cho đảng viên, đối tượng Đảng, Ban chấp hành các đoàn thể.

d/ Công tác kiểm tra Đảng:

Trong thời gian tới phải tiến hành chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả hơn nữa. Ban kiểm tra phải phối hợp với Ban tuyên huấn, Ban tổ chức đi sâu xuống cơ sở kiểm tra phát hiện những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, về tổ chức để kịp thời uốn nắn, sửa chữa giải quyết nhanh chóng, chính xác những vụ vi phạm. Hướng dẫn cho các chi bộ thực hiện tốt 4 nề nếp, giữ gìn kỷ luật, nâng cao ý thức tự giác trong việc chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chọn điểm chỉ đạo, sau đó mở rộng ra diện, việc thực hiện Thông tri số 722 của Trung ương và Thông tri 49 của Thành ủy về xây dựng đảng viên. Kết quả công tác kiểm tra phải làm cho mỗi chi bộ tăng cường được ý thức giữ gìn kỷ luật Đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất và sức chiến đấu, chống được tiêu cực và có tác dụng giáo dục nội bộ sâu sắc.

Khẩn trương kiện toàn Ban kiểm tra Đảng, tăng cường các đ/c vừa có năng lực, vừa có kiến thức chuyên môn, lại phải đứng vững trên quan điểm đúng đắn của Đảng đối với việc giáo dục ngăn ngừa và xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên và hiệu lực của công tác kiểm tra.

VII/ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN:

Để biến Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Đại hội đại biểu lần thứ III của Quận Đảng bộ thành hiện thực, mỗi cấp bộ Đảng, mỗi ngành, đoàn thể phải từ thực tế công tác mấy năm qua, rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích, đánh giá đúng thành tích, nhìn rõ khuyết điểm, dám nhìn thẳng vào những thiếu sót và quyết tâm sửa chữa, từ đó chúng ta tiếp thu nghị quyết mới của Đảng, quán triệt những vấn đề cốt lõi đã nêu trong nghị quyết, tính toán vận dụng sao cho phù hợp với ngành mình, tạo sự chuyển biến bước đầu ngay sau Đại hội và tiếp tục đẩy lên với tốc độ và quy mô lớn hơn.

Một vấn đề quan trọng có tính xuyên suốt là: từ nay, mỗi chúng ta, trong khi sắp đặt và tiến hành mọi công việc phải luôn nhìn về cái đích là CNXH. Có thể tính toán vận dụng nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt trong thực tế công tác, song không được đi lệch cái đích đó.

Địa bàn quận chúng ta gắn với toàn thành phố, ở giai đoạn cách mạng hiện nay, khi cuộc đấu tranh giữa hai con đường còn diễn ra phức tạp, gay gắt, thì trong tư tưởng chỉ đạo và hành động thực tế, Đảng bộ phải nắm vững chuyên chính vô sản trên tất cả các mặt, gắn rất chặt trên công tác cải tạo với xây dựng. Không được một chút mất cảnh giác trước kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch. Chúng ta phải dành chủ động trên mặt trận tư tưởng văn hóa, làm cho tư tưởng XHCN thắng lợi một bước quan trọng.

Trên mặt trận kinh tế, mũi nhọn hiện nay phải tập trung sự chỉ đạo là lập lại trật tự mới trên lĩnh vực phân phối lưu thông, ngăn chặn chiều hướng tự phát lên tư bản chủ nghĩa. Chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất đi lên với nhịp độ phát triển cao hơn, song phải quy hoạch, tổ chức theo quỹ đạo của CNXH. Đảm bảo cho hình thức quốc doanh và hợp tác xã phát triển hợp lý với sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước.

Trong tổ chức thực hiện, chúng ta phảo đảm bảo cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, dân làm chủ. Chúng ta chỉ có thể tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc này trên cơ sở trình độ, năng lực của cán bộ đảng viên được nâng lên, đội ngũ cán bộ được quy hoạch đào tạo tích cực, bộ máy được bố trí hợp lý, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động được tôn trọng và phát huy đầy đủ.

Từ những bài học kinh nghiệm của những năm qua, chúng ta tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo được “mối liên kết kinh tế” trên địa bàn, thực hiện được sự cân đối kế hoạch ngay tại cơ sở, tạo quyền chủ động và phát huy tính năng động, sáng tạo ở cơ sở, khuyến khích tinh thần tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm ở mỗi cấp ủy ngành, mỗi tập thể lớn nhỏ và từng cá nhân trên tất cả các lĩnh vực công tác, nhất là trên mặt trận sản xuất, phân phối lưu thông.

Một vấn đề cơ bản nữa là phải nhanh chóng cải tiến lề lối làm việc, trước hết là từ Ban Thường vụ Quận ủy, Ban chấp hành Đảng bộ đến các cấp, các ngành và ở cơ sở. Sau Đại hội lần này, Thường vụ và Ban chấp hành Đảng bộ phải xây dựng một chuyên đề về cải tiến lề lối làm việc nhằm nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực chỉ huy và quản lý của chính quyền, tạo nên kết quả thiết thực trong công tác vận động tập hợp quần chúng. Trước hết phải giảm bớt hội họp, tăng cường sát cơ sở, giúp đỡ thiết thực cho cơ sở, bảo đảm nghị quyết của Ban Thường vụ, Ban chấp hành, chỉ thị của UBND phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Cuối cùng khâu quan trọng là phải kịp thời phát hiện bồi dưỡng nhân rộng ra các điển hình, mô hình tiên tiến, làm cho nó luôn có sức sống, nhân lên và không ngừng phát triển./.

Thông báo