Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Văn kiện Nghị quyết BCH quận Đảng bộ Gò Vấp năm 1979

PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ TÓM TẮT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
NGHỊ QUYẾT 2 NĂM 1977 – 1978

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:

Quận Gò Vấp là 01 quận ven thành phố, có dân số 119.366 người, được chia ra 17 Phường, gồm có 9 Phường có sản xuất nông nghiệp và 8 Phường có nhiều cơ sở sản xuất thủ công nghiệp

Toàn Quận có 5.232 người Hoa ở tập trung nhiều nhất tại Phường 5, kế đó là các Phường 7, 8, 10.

Về mặt tôn giáo là nơi có đến khoảng 40.000 đồng bào Thiên chúa giáo di cư, ở tập trung tại các Phường 6, 12, 13, 14, 15, 16 và rải rác trong các Phường khác. Đạo Phật cũng có với số lượng 65 chùa, 218 tu sĩ ở khắp các phường trong quận.

Lực lượng lao động hiện có tất cả là: 49.360 người, trong đó có 28.506 nữ

- Số lao động có việc làm ăn ổn định là 35.603 người (17.035 nữ).

- Số lao động có nghề làm ăn nhưng không ổn định là: 1.146 người (674 nữ).

- Nội trợ có việc làm phụ là 3.631 người (3.598 nữ) và nội trợ ròng là 3.708 người (3.680 nữ).

- Số lao động không nghề nghiệp, không việc làm hoàn toàn là 2.397 người (1.321 nữ)

- Lao động có nghề nhưng không có việc làm là 1.197 người (1.048)

Trong Quận về sản xuất Tiểu thủ công nghiệp có 10 Hợp tác xã, 3.087 lao động; chiếm 41%; 94 Tổ hợp có 3.534 người, chiếm 47,5% và 26 xí nghiệp tư nhân, 354 cơ sở sản xuất gồm 774 lao động. Tính chung lao động toàn ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp là 7.395 người. Trong đó có 806 cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề.

Về sản xuất nông nghiệp với diện tích 748 ha đã nhanh chóng đi vào hợp tác hóa hình thành 19 tập đoàn sản xuất với 4.649 lao động chính, 2.220 lao động phụ. Diện tích vào tập đoàn tập thể là 690/748 ha.

II. NHỮNG THÀNH TÍCH CHUNG ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TRONG 2 NĂM QUA:

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ nhất.

Hai năm qua, được sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, toàn Đảng, toàn dân trong quận đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ quận Gò Vấp lần thứ nhất, gây được những chuyển biến sâu sắc và toàn diện qua các mặt công tác nổi lên như sau:

1) Công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh sản xuất và lưu thông phân phối đã được tập trung có khả năng thực hiện đạt kết quả quan trọng là:

+ Đã xây dựng và phát triển phong trào sản xuất tập thể về tiểu, thủ công nghiệp với xu thế ngày càng đi lên, thu hút được 4.390 lao động.

Giá trị tổng sản lượng toàn ngành từ 21.642.060đ vào năm 1977 đến 31.340.000đ vào năm 1978. Riêng năm 1978 xuất khẩu 4.200.000đ.

+ Về nông nghiệp: đã cơ bản đi vào hợp tác hóa và việc làm ăn đã đi vào nề nếp và tiến lên thực hiện quy hoạch thành vùng rau chuyên canh. Đàn heo trong quận cũng đã phát triển từ 7.108 con đến 10.085 con.

Giá trị tổng sản lượng về nông nghiệp được tính riêng trong năm 1978 là: 6.634.778đ với giá hiện hành là: 22.573.702đ.

Trong đó:

- Sản lượng trồng trọt: 3.703.120đ; giá hiện hành là 9.780.530đ.

- Sản lượng chăn nuôi: 292.665đ, giá hiện hành là: 12.793.172đ.

Cùng với kết quả cải tạo và xây dựng về sản xuất, toàn quận cũng đã hoàn thành bước cải tạo tư sản thương nghiệp, cải tạo từng bước những người buôn bán chợ trời, đưa các hoạt động tiểu thương ngày càng đi vào nề nếp được quản lý hơn. Mạng lưới thương nghiệp quốc doanh, HTX tiêu thụ cũng đã được phát triển nhanh chóng và ngày càng được củng cố hơn. Đã ra sức tự doanh nguồn hàng thiết thực phục vụ 2 bữa ăn của quần chúng, ngăn chặn và kiềm chế được giá cả tăng vọt. Riêng HTX tiêu thụ doanh số bán ra từ 2.964.429đ bình quân làm lợi cho mỗi nhân khẩu 10đ/năm.

Việc giải quyết công ăn việc làm cho quần chúng đã thực hiện được với 6.722 người. Trong đó sản xuất tiểu, thủ công nghiệp tại chỗ chiếm 73%.

Các mặt chăm lo đến sức khỏe của quần chúng, phong trào học tập văn hóa phổ thông, văn hóa bổ túc, phong trào thể dục, thể thao, văn nghệ quần chúng đều có những bước chuyển biến tốt.

Việc thực hiện chính sách Thương binh liệt sĩ, phong trào làm theo lời Bác, thực hiện chính sách đối với gia đình và người có công với cách mạng đã đạt kết quả tốt, được chọn làm thí điểm cho thành phố.

2) Trước tình hình chiến tranh biên giới Tây – Nam của Tổ quốc và âm mưu gây chiến tranh lớn của bọn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh, toàn quận cũng đã sôi nổi với không khí căm thù, làm sống dậy tinh thần yêu nước quật khởi trong quần chúng. Với phong trào luyện tập quân sự sẵn sàng chiến đấu bằng những phương án tích cực gìn giữ an ninh chính trị, trật tự xã hội, phòng chống bạo loạn đã trở thành những đợt phát động quy mô trong quần chúng.

Toàn quận năm 1978 đã có 15.000 Thanh niên nam nữ tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung kích, 2.583 Thanh niên nam tình nguyện NVQS, 901 thanh niên được trúng tuyển NVQS.

Phong trào dân quân tự vệ cũng đã được hình thành tổ chức các Trung đoàn trên cơ sở tự nguyện của quần chúng.

Hai năm qua trong đấu tranh gìn giữ an ninh chính trị và trật tự xã hội, ta đẩy mạnh được phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, kịp thời phát hiện và đập tan các nhen nhóm phản động, đã bắt được 26 vụ: 127 tên, làm cho chúngkhông gây được 01 vụ phá hoại này đáng kể và cũng đã phá án được 678/1.066 vụ phạm pháp hình sự làm cho tình hình chung ngày càng ổn định tốt hơn.

3) Tổ chức lãnh đạo Đảng từ quận đến cơ sở được củng cố hơn. Bộ máy chính quyền từ quận đến phường và hạ tầng cơ sở đã được kiện toàn, thật sự là chính quyền do dân lựa chọn bầu cử và công tác quản lý kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân có những tiến bộ đáng kể. Quyền làm chủ tập thể của quần chúng được phát huy hơn, quần chúng đã biểu hiện được những tích cực trong các phong trào hành động cách mạng, thẳng thắn phê phán xây dựng Đảng và chính quyền cơ sở, vượt qua những khó khăn về đời sống để đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm.

4) Hoạt động của UBMT Tổ quốc và các Đoàn thể đã có bước củng cố và phát triển về lượng cũng như về chất lượng. Từ tổng số Đoàn viên + Hội viên năm 1976 là 23.483 người, đến cuối năm 1978 đã có 58.920 người; đã thiết thực làm nhiệm vụ giáo dục lãnh đạo chính trị tư tưởng và hướng dẫn quần chúng thực hiện các phong trào cách mạng ở địa phương.

III. NHỮNG TỒN TẠI:

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, cũng còn có những tồn tại như:

1) Mức huy động lực lượng lao động và máy móc phục vụ sản xuất còn thấp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp mới sử dụng 70%, sản xuất nông nghiệp có nơi chỉ đạt 30%, sản xuất không hết diện tích vào mùa nắng, chăm sóc không nổi cỏ rác, phân tro vào mùa mưa. Hoạt động tiểu, thủ công nghiệp chỉ tập trung vào quý 2, 3 còn quý 1, 4 thì sản xuất cầm chừng, do kế hoạch cung cấp nguyên liệu không được đầy đủ và đồng bộ. Ngay cả vật tư trong nước cũng chưa có kế hoạch lớp lý. Việc tự túc vật tư, giải quyết phế liệu phế phẩm khơi nguồn vật tư trong nước chưa được quan tâm đúng mức.

2) Sản xuất tiểu thủ công nghiệp chưa được coi trọng việc tổ chức lại chuyên ngành nên hạn chế việc sử dụng máy móc và trang thiết bị, chưa đánh giá đúng mức thế mạnh của quận, là ngành cơ khí, sử dụng cơ khí làm đòn bẩy trong việc tự trang, tự chế cho 91 số ngành tiểu, thủ công nghiệp, cho sản xuất nông nghiệp, Ngay cả bản thân ngành cơ khí cũng chưa có phương hướng sản xuất rõ ràng để đưa lên sản xuất lớn theo cách chuyên môn hóa.

Quản lý và sử dụng lao động chưa đúng mức nên đã có tình trạng có tên nhưng không thật sự lao động. Mặt khác cũng chưa thật chú trọng giải quyết làm sao cho lao động có việc làm quanh năm.

- Việc phân cấp quản lý giữa phường và ngành chưa rõ, nên chưa phát huy đúng mức khả năng của cấp cơ sở và ngành quản lý để thúc đẩy phát triển sản xuất và chăm lo đời sống của người lao động.

3) Trong sản xuất nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức việc chế biến phân hữu cơ, chưa tạo ra thế chủ động thâm canh, chưa có điểm chỉ đạo kỹ thuật chưa kết hợp được chặt chẽ giữa kỹ thuật với kinh nghiệm sản xuất của quần chúng. Diện tích tưới tiêu chủ động chưa cao, mới đạt 28,7% nên khả năng còn đến hàng trăm ha bỏ hoang. Chưa đi sâu vào nghiên cứu biện pháp tốt nhất để thâm canh, tăng năng suất. Về việc lãnh đạo chưa chủ động giải quyết tự lực nguồn thức ăn gia súc để phát triển chăn nuôi, mà đại bộ phận còn do quần chúng tự lực, gần đây có khắc phục nhưng kết quả vẫn còn ít chưa kịp với yêu cầu phát triển chăn nuôi heo.

4) Chưa nắm chắc được tình trạng lao động trong quần chúng để có kế hoạch tích cực phân bố cho hợp lý và nhanh chóng giải quyết nạn thất nghiệp, bán thất nghiệp.

- Kế hoạch tự doanh nguồn hàng phục vụ quần chúng chưa tập trung cao vào phục vụ thiết thực cho 2 bữa ăn của quần chúng. Có những nơi tự doanh cả hàng trăm mặt hàng nhưng chỉ có 5, 3 mặt hàng phục vụ cho 2 bữa ăn. Mạng lưới thu mua phân phối chưa được mở rộng đúng mức.

5) Phong trào quốc phòng toàn dân chưa được phát động thực hiện thành phong trào thường xuyên liên tục. Lực lượng Công an, quân sự mà nhất là Phường đội còn thiếu quân số, chất lượng công tác cả cảnh sát khu vực lẫn tự vệ phường chưa được nâng lên kịp với yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, khả năng quản lý địa bàn trách nhiệm, còn yếu, còn nhiều sơ hở.

6) Quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động còn bị vi phạm, phổ biến là trong khu vực sản xuất tập thể về nông nghiệp lưu thông phân phối, trong cán bộ và chiến sĩ trực tiếp với quần chúng. Việc kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý những sai phạm còn chậm và chưa có biện pháp chủ động thường xuyên giáo dục ngăn ngừa sai phạm 1 cách tích cực.

7) Công tác phát triển Đảng bồi dưỡng nâng cao trình độ đảng viên vẫn còn chậm, chưa cân đối với nhiệm vụ chính trị của Đảng mỗi lúc mỗi nhiều hơn.

NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG TỒN TẠI:

1) Đảng viên, cán bộ trong quận tuy rất nhiệt tình trong công tác nhưng còn rất yếu về trình độ quản lý kinh tế, nhất là ở cơ sở. Việc chỉ đạo kinh tế giữa trên với dưới và các Ban ngành có liên quan có những mặt chưa đồng bộ. Chưa phát huy đúng mức khả năng tự lực và tiềm tàng của quần chúng trong sản xuất. Có nơi có quần chúng còn e dè chưa phát huy hết khả năng của mình mà còn sợ thuế, sợ bị cải tạo.

2) Đại bộ phận các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp là sản xuất gia công, nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào khả năng cung cấp của bên trên, địa phương chưa phát huy đúng mức tinh thần tự lực, tự cường trong quần chúng huy động nguồn nguyên vật liệutại chỗ và các nơi khác để đẩy mạnh sản xuất.

3) Chưa tập trung cao vào việc thực hiện quy hoạch cán bộ và kế hoạch bồi dưỡng đào tạo cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ các đoàn thể quần chúng qua phát hiện những nhân tố tích cực trong các phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Chưa làm cho mỗi đảng viên thấy hết nhiệm vụ phải phấn đấu phát triển đảng viên mới. Do đó mà cán bộ đã thiếu lại yếu và đảng viên phát triển quá ít.

PHẦN THỨ HAI:

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU

NĂM 1979

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng với 3 nhiệm vụ chung đã được đề ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hiện nay là:

MỘT LÀ: Ổn định là bảo đảm đời sống nhân dân

Hai là: Củng cố quốc phòng và an ninh bảo vệ tổ quốc

Ba là: Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm đáp ứng những yêu cầu trước mắt, đồng thời chuẩn bị cho điều kiện phát triển những năm sau.

Căn cứ vào thực tế tình hình xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên của toàn quận trong năm 1979 với xác định nhiệm vụ chính trị của quận là: “Quận Công Nông nghiệp mà tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp là chính”.

Phương hướng, nhiệm vụ năm 1979 của quận là:

“Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động với ý thức tự lực, tự cường để đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho mọi người có sức lao động đều phải có việc làm ăn phù hợp và đời sống của quần chúng được nâng lên 01 bước.

Ra sức xây dựng và củng cố quốc phòng toàn dân vững mạnh. Luôn luôn đề cao cảnh giác cách mạng, bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự xã hội, sẵn sàng chiến đấu, tích cực phòng chống bạo loạn. Thực hiện tốt lệnh tổng động viên của Nhà nước”.

Kế hoạch thực hiện cụ thể là:

I. VỀ SẢN XUẤT VÀ ĐỜI SỐNG:

Yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là ổn định và từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân lao động. Đây là nhiệm vụ chính trị phải được quán triệt trong toàn Đảng, trong tất cả các ngành các cấp, các đoàn thể và trên các hoạt động sản xuất, lưu thông phân phối.

A. VỀ SẢN XUẤT:

1/ Về tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp:

Thế mạnh trong sản xuất tiểu, thủ công nghiệp của Quận là: Ngành cơ khí, dệt, may, thêu, đan mà ngành cơ khí là mũi nhọn.

Nhiệm vụ sản xuất của toàn ngành Tiểu thủ công nghiệp trong năm 1979 là: “Sử dụng đúng mức hợp lý lực lượng lao động, khả năng trang thiết bị sẵn có, nỗ lực tận dụng phế liệu, phế phẩm và vật tư có trong nước, chủ động duy trì và phát triển sản xuất nhằm tăng sản phẩm xã hội, thu hút 1 phần lớn lao động thất nghiệp, làm tăng thu nhập đến ổn định đời sống của người lao động thủ công”.

Khả năng tối đa của quận sản xuất với giá trị tổng sản lượng là: 44 triệu 7. Trong đó ngành dệt, may, thêu, đan có khả năng là 25,2 triệu đồng.

Năm 1979, với khả năng tự lực 100% vật tư có trong nước như: mây, tre, lá và các nông sản sản phẩm dùng để chế biến, sử dụng 40% phế liệu, phế phẩm sẵn có cùng với các hợp đồng gia công, đặt hàng đã được ký kết, toàn ngành sẽ phấn đấu thực hiện kế hoạch giá trị tổng sản lượng là: 37,4 triệu đồng. Tăng từ 29,6% đến 38,3% so với năm 1978. Sử dụng 100% công suất các ngành có đủ vật tư. Thu hút 2.600 lao động. Nâng mức thu nhập của một số ngành có thu nhập ít, thấp nhất là 40đ/tháng/mỗi lao động .

Nâng kim ngạch xuất khẩu từ 4.689 triệu đồng/1978 lên 5,7 triệu đồng trong năm 1979. Chủ yếu là thực hiện các hợp đồng gia công xuất khẩu.

Trong năm cần chú trọng đặc biệt phát triển vượt bậc ngành cơ khí là ngành quận có khả năng chủ động vật tư, nhất là kim khí tiêu dùng. Chú trọng đúng mức ngành gia công xuất khẩu, để vừa thu hút nhiều lao động vừa tăng kim ngạch xuất khẩu. Duy trì và ổn định 1 số ngành hiện có ít hoặc thiếu vật tư.

Ngành cơ khí: Là ngành mũi nhọn của Quận, hiện có 210 cơ sở gồm: 2HTX, 4 xí nghiệp tư nhân và 195 cơ sở cá thể. Có trang thiết bị máy móc, có năng suất lớn, nhiều mặt hàng như máy nghiền xi măng, dàn chảo cày, rờ mọc, máy chế biến thức ăn gia súc và những kim khí tiêu dùng như là bù loong, con tán, chốt cửa, bản lề.v.v...Hình thành 1 ngành sản xuất có liên hệ hỗ tương để nâng mức lao động từ 507 người lên đến 726 người. Tăng 119 người và tăng giá trị sản lượng từ 7.886/78 triệu đồng lên 13 triệu đồng/năm 1979.

Tiếp tục củng cố chất lượng hoạt động của các cơ sở sản xuấttập thể và khuyến khích giúp đỡ xây dựng các cơ sở sản xuất gia công có máy móc tự trang, tự chế, sản xuất chuyên môn hóa một vài sản phẩm để tận dụng hết khả năng tiềm tàng trong nhân dân.

- Ngành dệt, may, thêu, đan: Toàn ngành hiện có: 8 HTX, 29 Tổ hợp. Tất cả là 3.656 lao động.

- Ngành dệt: Hiện có 1.110 máy, 763 lao động. Hình thành 04 HTX. Khả năng sản xuất tối đa với giá trị tổng sản lượng là 25,5 triệu đồng, giải quyết nhiều lao động.

Năm 1979 cần tranh thủ giải quyết dứt điểm hợp đồng 4,5 triệu mét vải, 1 triệu mét vải màu sợi bông. Tạo mọi điều kiện cho toàn ngành có kế hoạch sản xuất hàng thủ công để giải quyết phù hợp với số lao động còn lại.

Phấn đấu gia công 100% công suất ngành may cả xuất khẩu và nội địa. Thực hiện gia công 250.000 sản phẩm xuất khẩu và 270.000 sản phẩm nội địa. Mở rộng các tổ thêu, đan dép và thành lập thêm tổ mối để gia công 8.800 sản phẩm thêu và 200.000 hòa thêu xuất khẩu.

Đặc biệt chú trọng sử dụng 725 tấn cói thu hoạch tại quận để đưa vào sản xuất 250.000 m2 chiếu cói xuất khẩu và tạo điều kiện thu mua nguồn cói, đay từ các nơi ngoài quận về để phát triển sản xuất chiếu cói.

Toàn ngành dệt, may, thêu, đan năm 1979 phấn đấu thực hiện giá trị tổng sản lượng là: 17 triệu đồng. Thực hiện bằng mức năm 1978, mặc dù ngành dệt vải sản lượng có thấp hơn do kế hoạch gia công bị giảm bớt. Lao động toàn ngành nâng lên là 4.16 người. Chủ yếu tăng ngành thêu, đan xuất khẩu, giữ vững lao động ngành dệt, may bằng cách tìm thêm nghề phụ.

- Ngành Lương thực, thực phẩm:

Hiện có 101 cơ sở, gồm 15 tổ sản xuất, 10 xí nghiệp tư nhân và 76 cơ sở cá thể, 610 lao động. Khả năng chế biến 9.600 tấn bột mì và sản xuất 6 triệu lít nước tương, 150 tấn tương hột và chao. Sẽ sử dụng hết công suất để phục vụ đầy đủ nhu cầu nhân dân trong quận và có nguồn hàng trao đổi với các nơi khác.

Giá trị sản lượng từ 2,9 triệu đồng đến 3,745 triệu đồng tăng 39% so với năm 1978, thu hút thêm 299 lao động.

Cần chú trọng trang bị thêm lò sấy để bảo đảm cung cấp mì sợi khô cho nhân dân.

- Ngành vật liệu xây dựng: Hiện có 26 cơ sở, 465 lao động, với công suất cưa xẻ là 1.500 m3 gỗ/năm, chế biến 1000 m3 gỗ/năm. Sản xuất 210.000 m2 gạch bông, granite/năm.

Năm 1979: cưa xẻ gia công 1.300 m3 gỗ, gia công 2.000 quan tài, 800 m3 gỗ tận dụng. Giá trị sản lượng đạt 1.981 triệu đồng tăng 56% so với năm 1978, thu hút thêm 116 lao động có số lao động chung là: 581 người.

- Ngành văn hóa phẩm: Có 18 cơ sở, 1.519 lao động. Cần chủ động chạy tre, nứa, lá để giải quyết vật tư cho ngành để đạt giá trị sản lượng từ 1.545 triệu đồng lên 2,3 triệu đồng, thu hút 311 lao động để có tổng số lao động là 1.830 người.

Phải hết sức chú trọng đào tạo tay nghề trong lực lượng lao động phụ để tăng thu nhập gia đình.

- Các ngành công nghiệp khác:

Hiện có 11 cơ sở với 638 lao động. Cần chú trọng đưa ngành chế biến thực phẩm gia súc lên quy mô có lò sấy, xay xát bột cá. Phấn đấu tăng sản lượng lên từ 351 tấn đến 3.500 tấn/năm. Trong đó phải có 1.000 tấn bột cá (với cơ sở tự lực của quận mua từ các nơi và phát huy khả năng tự lực của các cơ sở). Giá trị sản lượng từ 2,2 triệu đồng. Tăng hơn 19 lần so với năm 1978, thu hút 273 lao động.

BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:

Để đảm bảo giá trị tổng sản lượng cho toàn ngành tiểu thủ công nghiệp và thiết thực giải quyết công việc làm ăn cho quần chúngnhư kể trên, từ quận đến phường và tận cơ sở sản xuất phải hết sức tập trung và khẩn trương thực hiện các biện pháp:

1) Chạy lo vật tư là công việc hàng đầu, cần làm cho các cơ sở sản xuất quán triệt tinh thần tự lực, tự cường; phát động thành phong trào quần chúng mua phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu để phục vụ cho việc sản xuất. UBND các phường, các cơ quan quận giải quyết nhanh chóng mọi thủ tục cần thiết mỗi khi các cơ sở cần đến trong việc mua sắm nguyên vật liệu. Đồng thời phải tập trung sức cho xí nghiệp cung ứng vật tư quận có khả năng tổ chức mạng lưới thu mua vật tư trong quận và các nơi cần thiết theo kế hoạch. Đặc biệt chú trọng đến quan hệ thu mua phế liệu, phế phẩm tại các xí nghiệp Trung ương và Thành phố trú đóng trong quận. Ngân hàng, Tài chính giá cả và các ngành có liên quan hết sức chú trọng, dành ưu tiên để giải quyết cho yêu cầu thu mua nguyên vật liệu.

2) UBND quận cùng với Phòng Công nghiệp, Nông nghiệp tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đền về vật tư theo từng ngành sản xuất có xí nghiệp vật tư và các cơ sở sản xuất tham dự để có biện pháp, kế hoạch bảo đảm cho huy động từng loại vật tư cụ thể phục vụ đạt yêu cầu sản xuất.

3) Ban Khoa giáo, Phòng Kế hoạch, Phòng Công nghiệp, Nông nghiệp phải có kế hoạch giúp cho Thường vụ Quận ủy và Ủy ban quận mở nhiều cuộc họp với các các bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, tận dụng phế liệu, phế phẩm để phục vụ sản xuất.

4) Thực hiện phân cấp cho phường quản lý toàn diện theo lãnh thổ,có trách nhiệm cùng với ngành phát hiện và chạy lo vật tư và giải quyết công việc làm ăn cho quần chúng. Ban Công nghiệp, Liên hiệp xã có trách nhiệm quản lý toàn diện theo ngành, chú trọng đến việc tăng cường trách nhiệm chủ động việc vận động các hợp đồng sản xuất, được ký kết (năm 1980 nên tranh thủ thực hiện vào quý IV/1979) hướng dẫn việc xây dựng và theo dõi việc thực hiện kế hoạch sản xuất.

5) Mặt trận và các đoàn thể phải hoàn thành tổ chức quần chúng trong từng cơ sở sản xuất để cùng với các ngành có liên quan phải thường xuyên tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quần chúnglao động làm cho mọi người nhận thức được nhiệm vụ chính trị và quyền làm chủ tập thể trong sản xuất và quản lý kinh tế. Các ngành kinh tế phải hết sức chú trọng đến công tác đào tạo, luyện thi tay nghề, phát động thi đua phát hiện sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có đãi ngộ và khen thưởng xứng đáng.

6) Nhanh chóng đưa vào hợp tác hóa 95% lao động, cố gắng xây dựng 25 HTX. 10 xí nghiệp Hợp tác hoặc Công ty hợp doanh. Phát huy đúng mức thế mạnh của ngành cơ khí để phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất kim khí tiêu dùng và các ngành khác.

2/ Về sản xuất Nông nghiệp:

Nhiệm vụ chủ yếu ngành nông nghiệp năm 1979 là: “Đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, tăng sản lượng theo hướng vùng rau chuyên canh tận dụng đất đai, ao hồ để trồng trọt và nuôi cá tăng năng suất chăn nuôi, đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính. Tận dụng sức lao động để tạo nguồn vật tư, chủ động để ổn định và phát triển sản xuất 1 cách vững chắc nhằm ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Trong năm, ngành trồng rau xanh là mũi nhọn, ngành có thu nhập cao là chăn nuôi, có khả năng cao nhất là nuôi 30.000 con.

Năm 1979, phấn đấu đạt giá trị tổng sản lượng nông nghiệp là: 28.600 triệu đồng, tăng 27% so với năm 1978.

Trên cơ sở đó nâng mức thu nhập của mỗi lao động trồng trọt từ 2đ – 2,50đ/ngày công để có mức thu nhập bình quân mỗi tháng của mỗi nhân khẩu nông nghiệp từ 32đ – 40đ.

- Về trồng trọt: Giá trị Tổng sản lượng là: 10.790 triệu đồng. Diện tích gieo trồng đạt: 3.993 ha, Tăng 11% so với năm 1978, trong đó diện tích rau các loại là: 3.723 ha và cói là 103,6 ha. Năng suất bình quân 12 tấn rau, 7 tấn cói gieo trồng, để có 1 sản lượng rau là 44.600 tấn/năm; cói 725 tấn/năm.

Đặc biệt cần phát động nhân dân trồng 15.000 cây dừa, cây dừa trên tuyến đê, thủy nông và trồng nhiều so đũa trên bờ vùng bờ thửa để tăng thu nhập cho tập đoàn

- Về chăn nuôi: Giá trị tổng sản lượng lá 17,81 triệu đồng. Đến ngày 01-10 – 79 tổng đàn heo có mặt là 15.000 con (nái 2.400 con, nọc 8 con). Giữ vững đàn trâu bò có sẵn, phát triển chăn nuôi gia cầm trong mỗi hộ bình quân là 5 – 10 con. Đặc biệt phải nuôi cá thành nề nếp trên 13 ha ao hồ sẵn có.

Sản lượng thịt heo là: 1.400 tấn, cá là 50 tấn. Trên cơ sở đó thu mua 21 tấn rau, để cho chăn nuôi 10.080 tấn, tự tiêu thụ 13 tấn. Sở thu mua đề nghị phân phối cho nhân dân trong Quận 11. 000 Tấn. Thu mua 900 tấn thịt heo hơi (thu hồi gia công là 500 tấn) và 15 tấn cá.

Biện pháp thực hiện là:

1) Phải đặt vấn đề thu nhập và chế biến phân hữu cơ, khơi nguồn thức ăn gia súc là biện pháp hàng đầu. Phấn đấu chế biến 29.000 tấn phân hữu cơ để đủ bón 8 tấn/ha gieo trồng đảm bảo năng suất trên. Huy động khả năng công ty Bách hóa, HTX tiêu thụ quận và các tổ hợp chế biến để tự lo nguồn thực phẩm gia súc là 3.500 tấn để chủ động tự lực 85% thực phẩm gia súc. Đề nghị Thành phố bảo đảm cấp cho quận từ 2 – 3000 tấn cám gia công. Trên cơ sở đó nhân dân tận dụng phế phẩm để tự lực 50%.

2) Kết hợp chặt chẽ giữa chăn nuôi và trồng trọt, đưa chăn nuôi vào các tập đoàn sản xuất nông nghiệp để có mức phấn đấu nuôi 6 đầu heo/ha canh tác. Phải sử dụng thế mạnh về lực lượng lao động, có kinh nghiệm trồng trọt để chế biến phân. Trong nội bộ các tập đoàn phải sử dụng hết lao động nông nghiệp, lấp hết đất trống trong mùa nắng. Huy động mỗi lao động nông nghiệp làm việc từ 23 – 25 ngày công/ tháng.

3) Đối với chăn nuôi cần tạo 1 bước nhảy vọt về tổng đàn để tăng lượng thịt về nguồn phân, cần tích cực trong quan hệ trao đổi hàng công nghệ phẩm sản xuất tại quận để đổi lấy thức gia súc.

Để khuyến khích tăng năng suất trồng trọt và tăng đàn heo ngoài mức nghĩa vụ 70% cho nhà nước, tổ chức tại các chợ để nhân dân tự đem sản phẩm ra bán theo giá chỉ đạo. Việc thu mua thịt heo cũng trên cơ sở 2 giá: giá gia công và giá thương lượng có chỉ đạo dựa trên mức hao phí vật tư và lao động để định giá.

4) Phải hoàn chỉnh một bước hệ thống tưới cho ngành trồng trọt, bằng cách củng cố các giếng tưới có sẵn và đào mới 200 giếng, chủ động nước đủ sức sản xuất lấp kín diện tích vào mùa nắng.

5) Phải quy hoạch, phân vùng về giống cây trồng, thời vụ thích hợp, để hướng dẫn kế hoạch sản xuất. Phòng Nông nghiệp phải xây dựng thí điểm để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chế biến phân hữu cơ, giống mới, công thức bón phân cho từng loại cây thích hợp.

6) Về cải tạo nông nghiệp, chuẩn bị điều kiện để đưa 01 HTX rau thí điểm ở Phường 12 bằng cách sát nhập các tập đoàn 1, 4, 5 của Phường 12, và phấn đấu vận động số sản xuất cá thể còn lại vào tập đoàn (nhiều nhất là Phường 17). Nghiên cứu sử dụng 50 ha đất tại Phường 17 để xây dựng Nông trường quận thực hiện kế hoạch trồng trọt và chăn nuôi.

B. VỀ THƯƠNG NGHIỆP, VẬT TƯ, ĐỜI SỐNG:

Tập trung giải quyết 2 bữa ăn cho nhân dân lao động, và đảm thu mua quản lý 80% sản phẩm địa phương đồng thời đấu tranh chống tăng giá thị trường. Tiếp tục cải tạo tổ chức lại đại bộ phận những người buôn bán nhỏ, buôn bán cá thể đi vào con đường làm ăn có tổ chức với sự hướng dẫn của Nhà nước.

Về vật tư, tập trung thu mua phế liệu, phế phẩm, vật tư có trong nước để cung ứng cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tích cực góp phần giải quyết công ăn việc làm của nhân dân.

Ước tổng mức bán lẻ đạt 76,46 triệu đồng, chiếm 60% thị trường xã hội. Trong đó HTX tiêu thụ phấn đấu hàng tự doanh lên mức 10,9 triệu đồng.

- Mua 24.000 tấn rau địa phương trong đó làm nghĩa vụ 11.000 tấn với Thành phố.

- Mua thương lượng 350 tấn thịt heo hơi

- Thương nghiệp quốc doanh mua 500 tấn thịt heo hơi heo hợp đồng gia công về thu mua 3.500 tấn thực phẩm gia súc.

Cả thương nghiệp quốc doanh và HTX tiêu thụ đều nỗ lực khơi nguồn hàng ở các tỉnh, gia tăng biên chế thu mua, giảm những khâu không cần thiết. Phải chuyển hướng kinh doanh tập trung vào phục vụ 2 bữa ăn quần chúng, bằng cách sử dụng nguồn hàng công nghệ phẩm tại quận để trao đổi thực phẩm, chất đốt ở các tỉnh. Phấn đấu bán ra các mặt hàng phục vụ 2 bữa ăn quần chúng bình quân là 12,00đ nhân khẩu/tháng. Trong đó tự doanh của HTX tiêu thụ là 6đ

Về vật tư: Phấn đấu thu mua 300 tấn đồng, 50 tấn giấy vụn, 10 tấn nhựa để tạo nguồn hàng bằng cách gia công các cơ sở sản xuất tại chỗ, từ đó quan hệ trao đổi hàng tại các địa phương khác.

Công tác cải tạo và sắp xếp lại các hoạt động tiểu thương, buôn bán cá thể cũng phải được tiếp tục tiến hành cò nề nếp. Thực hiện nếp sống văn hóa mới tại các chợ; có trật tự, vệ sinh, giá cả phải chăng.

Kiên quyết tăng cường biện pháp quản lý thị trường, xử lý kịp thời những trường hợp đầu cơ, tích trữ phá giá thị trường và nghiêm cấm buôn bán chợ trời, có biện pháp đưa những người này đi vào sản xuất.

C. VỀ CÔNG TÁC ĐỜI SỐNG:

Tập trung giải quyết nạn thất nghiệp, giải quyết dần dần nạn bán thất nghiệp, làm cho mọi người có sức lao động đều có việc làm quanh năm, trên cơ sở phân bố lao động hợp lý, ổn định cuộc sống của người lao động.

Ước dân số vào cuối năm 1979 là 119.800 người, không tăng bao nhiêu là: 1,91% (sinh 2,71%, tử 0,8%).

Phấn đấu giải quyết cho hết số lao động thất nghiệp là: 7.642 người. Gồm có: có nghề nhưng thất nghiệp: 1.197 người, số không nghề, không việc làm: 2.397, ước tăng trong năm 2.658 người, 1.390 người có việc làm bấp bênh. Với kế hoạch là: đưa vào sản xuất tiểu, thủ công nghiệp là: 1.728 người, đưa thêm vào sản xuất nông nghiệp là 330 người. Tuyển vào khu vực nhà nước là: 1.600 người, tuyển NVQS là 1.200 người. Tuyển TNXP: 200 người. Tuyển sinh đào tạo: 400 người. Đưa vào nông trường: 800 người.

Trách nhiệm của cấp phường và ngành lao động lo việc giải quyết lao động theo yêu cầu của các nơi.

Cần phải phân cho rõ từng loại lao động theo lứa tuổi để đưa đi đào tạo, chú ý số học sinh thôi học nửa chừng, số quân nhân phục viên, Thanh niên xung phong chuyển ngành.

Trong từng thời gian cần có biện pháp cụ thể sử dụng số lao động cho có việc làm. Phường chủ động tìm việc làm tạm thời cho số lao động ở phường mình.

+ Về văn hóa giáo dục, y tế xã hội:

Tiếp tục sắp xếp lại theo phương hướng làm ăn XHCN đối với các cơ sở tư nhân kinh doanh thuộc ngành văn hóa như: Photocoppy, nhiếp ảnh, dạy và sử dụng máy đánh chữ, vẽ điêu khắc, các đội nhạc.

Ra sức củng cố và đào tạo mạng lưới cán bộ VHTT đến tận cơ sở để phục vụ quần chúng. Chú trọng đến phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng và đảm bảo mạng lưới Thông tin ngày càng chặt chẽ hơn.

- Về Giáo dục phải bảo đảm thực hiện 98% trẻ em đúng lứa tuổi đi học phải được đến trường học, 80% học sinh được học hết lớp 9. Thực hiện tốt nguyên lý giáo dục đi đôi với thực hành.

Phát động mạnh mẽ phong trào học tập văn hóa bổ túc, chú trọng đến lực lượng cán bộ chiến sĩ lâu năm mà thất học. Hoàn chỉnh Trường Bổ túc văn hóa tập trung cấp 1 và 2 cho cán bộ, công nhân viên thu hút từ 200 đến 300 người đi học. Phấn đấu để đến năm 1980 bảo đảm phổ cập cấp 1 trong nhân dân.

Thực hiện 70% các cháu từ 3 đến 4 tuổi được đến trường Mẫu giáo trong đó có 50% bán trú. Phải kế hoạch phát triển thêm nhà trẻ gồm: 3 nhà trẻ quận, mỗi nhà từ 100 cháu trở lên và mỗi phường phải đạt 3 nhà trẻ.

Phải xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục trong các Phường Nông nghiệp, các khu vực nhà nước, các khu vực sản xuất tập thể của quần chúng. Ngoài trường lớp hiện có, hoặc có điều kiện xây dựng thêm. Cần phải tận dụng khả năng nhà cửa hiện có trong quần chúng, trong các cơ sở sản xuất tập thể hoặc xây dựng thêm nhà mới đơn giản có sự góp sức ủng hộ của quần chúng.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao trong quần chúng mà nòng cốt là Thanh niên, là học sinh và cán bộ công nhân viên nhà nước. Song song với yêu cầu phát triển rầm rộ phong trào thể dục quốc phòng và học tập quân sự trong Thanh niên, trong lực lượng Dân quân tự vệ.

Tại mỗi trường học, mỗi xí nghiệp, mỗi cơ quan, mỗi cơ sở sản xuất đều phải tạo cơ sở thực hiện tốt phong trào rèn luyện thân thể và học tập quân sự.

Phòng Thể dục, Thể thao, Quận đoàn TN và cơ quan quân sự quận phải có kế hoạch tổ chức thực hiện và nuôi dưỡng phong trào, có phát động thi đua, khen thưởng xứng đáng.

- Về y tế, xã hội:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác vệ sinh, phòng chống dịch, nâng cao chất lượng khám và trị bệnh. Đảm bảo tiêm phòng đạt tỷ lệ 85 – 90%.

Tập trung thanh toán bệnh sốt rét ngoại lai, hạn chế và đẩy lùi từng bước các bệnh xã hội.

Phát triển mạng lưới nuôi trồng, bào chế, sử dụng dược liệu Đông y.

Đẩy mạnh phong trào vận động sinh đẻ có kế hoạch, bảo đảm hạ thấp tỷ lệ sinh đẻ trong 2 năm 1979 – 1980 còn từ 2,3% xuống 2%.

Phải củng cố chất lượng phục vụ quần chúng từ các Trạm y tế phường, Phòng Khám khu vực cho đến bệnh viện quận. Tạo điều kiện để phát triển Bệnh viện 110giường bệnh. Các phòng khám khu vực trở thành phòng khám loại 3 trong năm 1979 và loại2 trong năm 1980.

+ Về thực hiện các chế độ chính sách đãi ngộ:

Thực hiện tốt các chính sách Thương binh, liệt sĩ và xã hội, từng bước nâng cao đời sống các đối tượng chính sách, làm cho mọingười an tâm phấn khởi và hăng háitham gia lao động sản xuất, tích cực thi hành NVQS, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ cụ thể là:

- Hoàn thành cơ bản việc xác nhận Thương binh, liệt sĩ mất tin, mất tích, người và gia đình có công với cách mạng. Quản lý tốt chính sách đối với quân nhân phục viên, cán bộ công nhân viên hưu, mất sức và giải quyết nhanh chóng các quyền lợi theo chính sách.

- Giải quyết cơ bản tệ nạn xã hội, tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả giáo dục cải tạo những người lỡ làng.

- Tiếp tục thực hiện tốt phong trào làm theo lời Bác ở các phường và triển khai phong trào làm theo lời Bác trong các cơ quan, xí nghiệp.

Các công tác khác:

- Công tác xây dựng cơ bản:

Ra sức thực hiện 10 hạng mục công trình trọng điểm của Thành phố đã duyệt kinh phí, gồm có các công trình phúc lợi của quần chúng và sửa chữa các cơ quan như: trường học, nhà trẻ, trường Mẫu giáo, các cơ sở thể dục, thể thao và các cơ quan.

Ước tính trong năm 1979 thực hiện là 1.252.000đ với diện tích 25.021m2 với 173 lao động làm việc thường xuyên. Phấn đấu tự lực 1 phần vật liệu sẵn có tại địa phương.

- Về nhà đất và quản lý công trình công cộng:

Tăng cường công tác quản lý, xét duyệt và xử lý các trườnghợp chiếm ngụ nhà bất hợp pháp.

Thực hiện tốt chế độ thu tiền thuê nhà từ trong cán bộ ra nhân dân.

Giải quyết ánh sáng lề đường ở các nơi cần thiết, tăng cường trồng cây xanh, quản lý tốt ngành mai táng.

Thực hiện các công trình xây dựng nhà vệ sinh công cộng các chợ.

6. Về giao thông vận tải:

Với nhiệm vụ là đảm bảo sự đi lại cuả nhân dân trong Quận, phục vụ ưu tiên cho các hoạt động sản xuất. Lưu thông phân phối thuộc khu vực nhà nước và tập thể cùng với các yêu cầu cấp thiết của quần chúng.

Năm 1979 thực hiện kế hoạch vận tải 3.000.000 lượt hành khách. Tăng hơn năm 1978: 39%. Vận chuyển hàng hóa là 47.000 tấn. Củng cố lề lối làm ăn tập thể của các HTX vận tải hiện có và tổ chức một HTX sửa chữa và bảo trì các đoàn xe. Đồng thời tiếp tục vận động các loại xe thô sơ vào Hợp tác xã.

Có kế hoạch thường xuyên duy trì các đường mà quận được phân cấp quản lý và thiết lập hệ thống mương, cống chống ngập lụt tại các Phường 1, 2, 3, 4, 9 và Phường 12.

+ Đề nghị Thành phố:

- Phân cấp cho quận quản lý một số lượng xe vận tải nặng cần thiết để phục vụ chuyên chở hàng hóa cho các cơ quan kinh doanh của Nhà nước và tập thể trong quận.

- Tiến hành tráng nhựa đường từ ngã Năm Gò Vấp đến Phường 17 An Nhơn.

- Về ngân hàng:

Ra sức kiện toàn và phát huy công tác kế toán, thanh toán để chủ động quản lý tiền tệ, tác động đến việc tăng cường hoạt động các mặt sản xuất của xã hội.

Năm 1979: Phấn đấu đạt doanh số thu là 400.000.000đ và phải hết sức gắn chặt với tài chính, đảm bảo quản lý tốt ngân sách cấp 3 mà Thành phố đã phân cấp cho quận. Thực hiện tiết giảm mọi chi phí bất hợp lý và thu đạt kết quả tốt.

Những phần được dồn sức thực hiện là:

- Về tiền tệ: Chú trọng phục vụ thu mua nhiều nguồn hàng và bán ra nhanh, bằng cách đẩy mạnh những sản xuất và thu mua trao đổi hàng ở các tỉnh, nhằm vào những nguồn hàng thiết yếu.

Kế hoạch thu năm 1979: 26.000.000đ. Chi 24.000.000đ

- Về tín dụng: Đầu tư mạnh vào sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, nông nghiệp và lưu thông phân phối, đạt cho vay trong năm là 30.000.000đ. Thu nợ: 25.000.000 và dư nợ 12.000.000 đ

- Về tiết kiệm: Phát động phong trào tiết kiệm trong nhân dân đạt doanh thu 3.000.000đ. Chi: 2.500.000. Tích lũy 800.000đ và số dư cuối năm là 2.600.000đ

- Về kế hoạch ngân sách:

Là một quận được phân cấp ngân sách. Năm 1979 trước mắt là quận chưa đủ khả năng cân đối ngân sách mà phải xin Thành phố trợ cấp để đều đặn trong những năm sau đảm trách được đầy đủ nhiệm vụ được phân cấp.

- Về thuế:

Chủ yếu là thuế công thương nghiệp, nông nghiệp, thuế các xí nghiệp với tổng số thu là 1.137.200đ và tổng chỉ là 2.926.000đ. Xin Thành phố là 1.788.800đ.

II. CÔNG TÁC AN NINH, QUỐC PHÒNG:

Trước tình hình mới nhằm chuyển nhiệm vụ chiến lược của cả nước từ thời bình bước sang giai đoạn kháng chiến chống bọn phản động xâm lược Trung Quốc, Quận ủy sẽ tổ chức một đợt học tập trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong quận quán triệt tinh thần Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Thành ủy và tình hình nhiệm vụ mới với yêu cầu:

+ Nhận rõ tình hình, nhận rõ bản chất, âm mưu của bọn phản động xâm lược Trung Quốc, nhận rõ quan điểm và phương châm kháng chiến, cùng tính tất thắng của ta nhằm tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức tư tưởng, tình cảm của từng cán bộ, đảng viên, từng quần chúng, nhân dân, căm thù địch sâu sắc, tin tưởng vào ở sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đánh thắng kẻ thù, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp bách trước mắt.

Kế hoạch cụ thể là:

Với tinh thần quyết tâm hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước.

- Mỗi Phường phải đảm bảo thực hiện vượt chỉ tiêu NVQS do Hội đồng Nghĩa vụ quân sự quận giao phó và thực hiện tốt việc thu gọn các thanh niên NVQS đào ngũ, lạc ngũ giao trả về đơn vị cũ. Xây dựng lực lượng tự vệ đủ 1B và dân quân rộng rãi là 1D.

- Quận phải hoàn thành xây dựng có chất lượng 1D bộ đội địa phương. Tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học đều phải xây dựng và củng cố lực lượng tự vệ có chuẩn chất đầy đủ.

- Toàn Quận phát động 01 phong trào học tập quân sự thường xuyên liên tục từ trong cán bộ, công nhân viên (ngày hai giờ) cho đến trong dân quân rộng rãi (theo thì giờ phù hợp). Thực hiện nghiêm chỉnh khẩu hiệu: “Đất nước có giặc, toàn dân là lính”.

- Phát động từ trong nội bộ Đảng ra đến quần chúng, phong trào vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa sản xuất, vừa quân sự hóa: nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi. Mọi cơ quan, xí nghiệp, trường học, mỗi phường và toàn quận đều phải có kế hoạch, phương án sẵn sàng chiến đấu, phòng chống bạo loạn với hiệu quả cao nhất. Mỗi nơi phải thực sựlà một pháo đài để chống chiến tranh xâm lược. Thực hiện kế hoạch một tấc không đi, một ly không rời.

- Vận động phong trào tình nguyện gia nhập lực lượng xung kích đi bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì khi Đảng cần đến. Trước mắt là vận động tình nguyện trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tình nguyện đi xây dựng tuyến phòng thủ Thủđô Hà Nội, bảo vệ trái tim của Tổ quốc, xây dựng tuyến phòng thủ Thành phố.

- Mạng lưới tổ chức công an, cảnh sát khu vực phải đượctăng cường giáo dục trình độ chính trị và nghiệp vụ, bảo đảm hoàn thành chức năng tại các địa bàn trọng điểm, kết hợp chặt chẽ với phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, phong trào quốc phòng toàn dân để nắm chắc các đối tượng, tích cực truy quét tận gốc các nhen nhóm phản động, cải tạo các tệ nạn xã hội, bọn lưu manh, cao bồi, làm sạch lòng lề đường.

III. XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN, PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG:

- Nhanh chóng hoàn chỉnh tổ chức các Ban chuyên môn thuộc hệ thống chính quyền theo mô hình mới. Chú trọng đến củng cố tăng cường cán bộ cho Ủy ban và các Ban, ngành phường và có khả năng quản lý đời sống, kinh tế và mọi mặt xã hội.

Đồng thời tiến hành tốt kế hoạch bầu cử HĐND phường và quận phát huy vai trò chức năng của các Đại biểu HĐND, bảo đảm cho các Đại biểu nhân dân, bảo đảm cho các Đại biểu HĐND có điều kiện công tác hoạt động thiết thực, kịp thời phản ảnh đúng đắn nguyện vọng của quần chúng, hướng dẫn, động viên quần chúng thực hiện chủ trương của Nhà nước, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với các cơ quan chính quyền cùng cấp.

Tại mỗi phường phải hoàn chỉnh củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả công tác của các bộ phận quân dân, chính Đảng của khu vực.

Chánh quyền phải hết sức chú trọng đến trách nhiệm quản lý thanh tra việc thực hiện kế hoạch sản xuất của các cơ quan có chức năng kinh tế về đến tận cơ sở sản xuất của quần chúng, quản lý các cơ quan lưu thông phân phối. Tạo điều kiện phát huy đúng mức quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trên mọi lĩnh vực.

Tăng cường củng cố các cơ quan Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra, pháp chế, để phát huy đúng mức sức mạnh và hiệu lực pháp chế XHCN, để giám sát việc thi hành luật pháp và giải quyết kịp thời những vi phạm luật pháp của nhà nước, vi phạm đến quyền làm chủ tập thể nhân dân lao động. Coi trọng việc củng cố mạng lưới thanh tra nhân dân, các tổ chức hòa giải nhân dân kịp thời giải quyết những việc xảy ra trong nội bộ quần chúng bằng sự giải quyết của quần chúng.

Ngành Công an từ quận đến phường phải thường xuyên có kế hoạch tăng cường giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ tốt về đạo đức phẩm chất, vững vàng về lập trường quan điểm, trình độ nghiệp vụ, am hiểu và gắn bó với quần chúng và tuyệt đối tôn trọng đến quyền làm chủ tập thể của quần chúng.

IV. CÔNG TÁC DÂN VẬN - MẶT TRẬN:

Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể từ quận đến phường phải ra sức củng cố và phát triển về tổ chức làm cho tất cả những người có quyền công dân đều phải vào Đoàn thể chú trọng đến các cơ quan sản xuất và lưu thông phân phối. Nắm bắt được nhiệm vụ chánh trị của Đảng, phát huy chức năng vai trò của mình mà đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho mọi người đều nhận thức được sâu sắc đến quyền làm chủ tập thể của mình mà ra sức thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Thiết thực hưởng ứng các phong trào hành động cách mạng.

Cụ thể là:

1) Ủy Ban Mặt trận: Phải thiết thực là một trung tâm lãnh đạo Khối đại đoàn kết của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng của Đảng giao cho, mà nòng cốt là các đoàn thể công nông, thanh, phụ.

Phải tranh thủ các thành phần nhân sĩ, trí thức, các tôn giáo ngày càng đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận để thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết.

UBMT quận có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công tác Thiên chúa giáo và người Hoa để phục vụ tốt yêu cầu công tác củng cố và phát triển cơ sở tổ chức ở những nơi này.

2) Về Công đoàn: Năm 1979 phải hoàn thành tổ chức tất cả công nhân, viên chức đều vào Công đoàn và tất cả quần chúng thuộc diện Hội Lao động hợp tác được vào Hội.

Tăng cường công tác giáo dục giác ngộ về giai cấp và tinh thần làm chủ tập thể XHCN. Đẩy mạnh phong trào đồng khởi thi đua lao động sản xuất và công tác, thực hiện tốt chủ trương ngày làm việc 10 giờ với thái độ lao động mới, lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao, có tinh thần tự lực, tự cường, không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hiện tiết kiệm, tận dụng phế liệu, phế phẩm, phụ tùng thay thế để đẩy mạnh sản xuất.

Làm cho mọi người công nhân, lao động, cán bộ, viên chức đều phải thấy trách nhiệm thật sự tham gia quản lý các xí nghiệp, cơ quan và cơ sở sản xuất. Đồng thời cũng phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng các chế độ chính sách về lao động, phúc lợi và phải cùng với lãnh đạo xí nghiệp, cơ quan và cơ sở sản xuất hết sức chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên và gia đình.

Trong khu vực xí nghiệp tư nhân và các cơ sở sản xuất cá thể, Công đoàn và Hội Lao động hợp tác phải giám sát việc thi hành hợp đồng lao tư giữa chủ và thợ đúng theo Nghị định 186 của Hợp đồng chính phủ.

3) Về Nông hội: Năm 1979 phải hoàn thành tổ chức tất cả quần chúng nông dân vào đoàn thể nông hội.

Phải giáo dục nông dân nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức đến quyền làm chủ tập thể trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và các phong trào hành động cách mạng. Phải thấy hợp tác hóa nông nghiệp là con đường duy nhất chống bóc lột, đi lên sản xuất lớn XHCN, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc lâu dài cho chính thân và con cháu mai sau.

Tổ chức nông hội từ phường đến hạ tầng cơ sở phải gắn chặt với cơ sở sản xuất tập thể, phải có kế hoạch phát động và phát triển phong trào thi đua lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao và không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất, tăng nhanh thu nhập đời sống nông dân.

4) Về Thanh niên:

Phát huy vai trò xung kích của Thanh niên trên mọi lãnh vực. Trong năm 1979 Đoàn TNCS HCM phải lãnh đạo tập hợp cho được hầu hết thanh niên nam nữ vào Hội Liên hiệp Thanh niên và càng phải chú trọng tập hợp cho được hầu hết số Thanh niên lêu têu, bụi đời vào Hội để giáo dục.

Tăng cường giáo dục trong Thanh niên về lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ trong chế độ mới, ý thức về quyền làm chủ tập thể, ý thức lao động và chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Lực lượng Thanh niên phải là lực lượng chủ yếu sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, hăng hái thi hành NVQS với ý thức trách nhiệm căm thù bọn phản động trong giới cầm quyền ở phía Bắc Kinh đã xua quân xâm lăng biên giới phía Bắc của Tổ quốc; đồng thời tích cực nòng cốt trong phong trào quốc phòng toàn dân, trong nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất và các phong trào cách mạng ở địa phương.

Trong năm Đoàn TNCS HCM phải phát triển ít nhất là 800 đoàn viên. Xây dựng 70% Chi đoàn vững mạnh và phải được bố trí tổ chức thật phù hợp với cơ quan, xí nghiệp, khu vực, cơ sở sản xuất tập thể.

Đoàn Thanh niên có trách nhiệm tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách Thiếu niên và Nhi đồng, hướng dẫn tốt phong trào thi đua học tập và sinh hoạt của các em, ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu, phấn đấu chọn lọc 40% các em thiếu niên quá hạn tuổi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên CS HCM và đến cuối năm 1979 phát triển 80% các em trong diện tuổi vào tổ chức.

5) Về Hội Phụ nữ:

Phải tăng cường giáo dục quần chúng Phụ nữ phát huy vai trò trách nhiệm trong đấu tranh cải tạo và xây dựng CNXH. Trong xây dựng gia đình văn hóa mới.

Ra sức phát động phong trào thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm. Hội còn là vai trò nòng cốt trong việc vận động con, em thi hành NVQS và là lực lượng đông đảo tích cực trong phong trào dân quân tự vệ an ninh chính trị trật tự xã hội, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Phải hết sức tích cực trong thực hiện công tác phân phối lương thực, thực phẩm góp phần chăm lo đời sống nhân dân. Trong phong trào si nh đẻ có kế hoạch, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình 5 tốt. Thực hiệnkhẩu hiệu: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà và nam nữ bình đẳng”.

Năm 1979 thực hiện tổ chức 100% chị em phụ nữ vào Hội. Chú trọng củng cố và phát triển các tổ chức Hội mẹ để chăm lo về vật chất và tinh thần các chiến sĩ ở địa phương, góp phần ủng hộ tiền tuyến.

6) Về Hội Phụ lão: Phát huy đúng mức vai trò vị trí của Hội Phụ lão trong cuộc cải tạo XHCN, trong sản xuất và trong phong trào bảo vệ An ninh chính trị và trật tự xã hội và quốc phòng toàn dân hiện nay

Cần làm cho các cụ luôn luôn được sinh hoạt thông suốt tình hình thời sự, thông suốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước để phát huy sáng kiến của các cụ trong trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn con cháu thực hiện tốt các nhiệm vụ cách mạng.

V. CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ ĐẢNG:

Sau Đại hội Đảng cấp phường, phải tiếp tục tăng cường công tác giáo dục bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, năng lực công tác, phẩm chất đảng viên để nâng cao khả năng lãnh đạo quần chúng thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban chấp hành quận Đảng bộ.

Trước mắt là trong quý 2 phải hoàn thành tổ chức đợt học tập bổ sung Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 4 cho tất cả các cấp ủy Đảng và đảng viên trong quận. Chú trọng củng cố 5 chức danh ở phường là: Bí thư, Chủ tịch, Dân vận, Trưởng Công an và Phường đội Trưởng phải có năng lực và uy tín trong quần chúng trên cơ sở đó lãnh đạo đưa phong trào toàn phường lên toàn diện.

Trong năm tiếp xây dựng và củng cố tại mỗi khu vực trong phường và tại các cơ quan Ban, ngành Phường các cơ sở sản xuất tập thể nếu không có tổ Đảng thì phải có tổ Trung kiên để lãnh đạo.

Tiếp tục tiến hành quy hoạch cán bộ, đảng viên để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ phục vụ lâu dài. Ít nhất mỗi quý quận mở 01 lớp bồi dưỡng chính trị cho đảng viên và 01 lớp cho đối tượng Đảng.

Tăng cường chỉ đạo giữ vững sinh hoạt chi bộ thường xuyên đều đặn và có chất lượng hơn. Đồng thời phải hết sức chú trọng đến công tác kiểm tra trong nội bộ về việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, gắn chặt với việc thực hiện Thông tri 22 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 28, 29 của Thành ủy, để củng cố nâng cao sức chiến đấu của chi bộ Đảng ở cơ sở, nâng cao chất lượng đảng viên, làm cho Đảng được trong sạch và ngày càng vững mạnh hơn.

Về công tác phát triển Đảng, phải được tất cả đảng viên thấy đó là nhiệm vụ của đảng viên mà Điều lệ Đảng đã ghi rõ. Năm 1979 nhất thiết là mỗi đảng viên phải giới thiệu cho Đảng kết nạp 01 đảng viên mới. Trước mắt là trong quý 2/79 mỗi đảng viên phải chọn lựa và giới thiệu cho được 1 đối tượng Đảng (không kể số đối tượng có trong năm 1978 và trừ 1 số chi bộ cơ quan quá ít quần chúng)

Hướng phát triển Đảng là trong Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí minh, những nhân tố tích cực trong sản xuất và chiến đấu và đủ tiêu chuẩn như Điều lệ đã qui định.

IV. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN:

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban chấp hành quận Đảng bộ, biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện là:

1) Sự lãnh đạo của Đảng phải hết sức tập trung trong công tác triển khai nghị quyết. Làm cho các chi bộ cơ sở và các ban ngành nhận thức được nhiệm vụ chung của cả nước với lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng và lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước nhất trí cao với đánh giá tình hình chung trong quận . Đồng thời quán triệt những nhiệm vụ cơ bản mà Nghị quyết của Ban chấp hành quận Đảng bộ đã đề ra để có quyết tâm cao với tinh thần tự lực, tự cường với ý thức cách mạng tiến công vượt qua tất cả khó khăn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết

2) Đảng, Đoàn, HĐND quận phải dựa vào nghị quyết này để xây dựng Nghị quyết của Hội đồng. Với kế hoạch thực hiện rõ ràng và UBND quận căn cứ này vào đó mà giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho từng Ban, Ngành, từng địa phương.

3) Đảng, Đoàn, Dân vận - Mặt trận và các Đoàn thể, các Ban thuộc hệ Đảng căn cứ vào nghị quyết đã có nghị quyết cụ thể để thực hiện.

4) Quận ủy đề ra nghị quyết từng quý, chương trình hàng tháng, hàng tuần Ban chỉ đạo của Thành ủy, sâu sát với cơ sở, sát với nhân dân để vận dụng sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện. Mỗi Quận ủy viên ngoài nhiệm vụ được phân công chuyên ngành, cần phải trực tiếp phụ trách 01 phường để chỉ đạo thực hiện.

5) Từng thời gian, từng đợt công tác đột xuất phải kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm ở từng cấp, phát hiện cho được những bài học trong thực tế công tác, phát hiện những nhân tố tích cực, những điển hình tiên tiến để phổ biến học tập chung và phải chú trọng đến công tác phát động thi đua, có khen thưởng kịp thời.

- Bước triển khai nghị quyết sẽ thực hiện trong toàn Đảng với đợt triển khai Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Thành ủy.

Kết quả triển khai các chi bộ báo cáo kết quả về Thường vụ Quận ủy.

N/85b BAN CHẤP HÀNH QUẬN ĐẢNG BỘ GÒ VẤP

TM. BAN THƯỜNG VỤ

Bí thư

PHÙNG VĂN PHÚ

Thông báo