Ba năm qua, là thời kỳ quận cùng với thành phố chấp hành cơ chế quản lý mới của Trung ương xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa theo nội dung các Nghị quyết 6, 7, 8 Trung ương và chương trình hành động của Thành ủy. Trong tổ chức thực hiện, Đảng bộ và nhân dân quận Gò Vấp đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn và đã đạt được những thành quả đáng kể trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội.
Bên cạnh những thiếu sót, khuyết điểm chung của thành phố và của cả nước, nhất là những va vấp, thiếu sót trong thực hiện giá - lương - tiền từ tháng 9-1985 đến nay, đã tác động xấu đến sản xuất, đời sống xã hội và hậu quả sẽ còn ảnh hưởng trong nhiều năm tới trong hoạt động Đảng bộ quận chúng ta cũng có nhiều thiếu sót và tồn tại.
Đại hội Đảng bộ lần này, sẽ kiểm điểm nghiêm túc việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ ba. Trên cơ sở đó vạch ra phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển trong những năm 1986-1988 và mức phấn đấu đến năm 1990, tạo tiền đề phát triển cho những năm kế tiếp. Đồng thời bầu ra một tập thể Ban Chấp hành Quận ủy mới đủ năng lực lãnh đạo toàn Đảng bộ hoàn thành những nhiệm vụ mới do Đại hội nêu ra:
Báo cáo gồm 2 phần:
1- Tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ ba.
2- Mục tiêu và nhiệm vụ những năm 1986-1988 và mức phấn đấu đến năm 1990.
PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ QUẬN LẦN THỨ 3
(Từ tháng 6-1983 đến tháng 9-1986)
A. VỀ KINH TẾ VÀ ĐỜI SỐNG:
I. VỀ SẢN XUẤT:
1. Sản xuất công nghiệp và TTCN:
Tuy còn nhiều khó khăn về tiền mặt, vốn đầu tư, năng lượng, vật tư, nguyên liệu, nhưng với quyết tâm của toàn Đảng bộ, tình hình sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong ba năm qua có hướng phát triển đi lên thuận lợi (nhất là từ tháng 8-1985 trở về trước), và ngăn chặn được mức giảm sút của năm 1983. Bước đầu đã có chuyển biến theo tinh thần đổi mới cơ chế quản lý, phát huy tính chủ động sáng tạo từ cơ sở ngay từ khâu xây dựng kế hoạch và cân đối 4 nguồn khả năng từ dưới lên. Đã giữ vững các cơ sở sản xuất cũ, phát triển thêm nhiều cơ sở sản xuất mới, tăng cường thêm nhiều trang thiết bị vật chất kỹ thuật; bước đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật cải tiến quản lý sản xuất nên đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả; phát triển và cải tiến qui trình công nghệ, sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới, phục vụ tốt hơn cho nông nghiệp, cho xuất khẩu và cho tiêu dùng nội địa.
Công tác cải tạo, tổ chức sắp xếp lại sản xuất theo ngành kinh tế kỹ thuật và theo địa bàn quản lý được chú ý hơn. Chấtlượng và cung cách làm ăn tập thể theo hướng xã hội chủ nghĩa được nâng lên.
Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tiểu thủ công nghiệp năm 1984 tăng 35,5% (do tác động của hoạt động cung ứng nguyên liệu sợi cho kế hoạch B ngành dệt, nên sản lượng vải năm 1984 tăng 41% so với năm 1983. Hiện nay ngành dệt chiếm trên 50% giá trị tổng sản lượng toàn ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp); năm 1985 tăng 13,6% (đạt 599 triệu đồng), đạt được chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ quận lần thứ III đề ra từ 12-15%; 9 tháng đầu năm 1986 đạt 453 triệu đồng (bằng 72% kế hoạch năm, dự tính 3 tháng còn lại sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm). Trong đó, giá trị hàng xuất khẩu tăng nhanh, (bình quân hàng năm là 51,7% vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ quận lần thứ III đề ra từ 22-25%) nâng tỷ trọng từ 5,9% (1983) lên 7,98% (1985) trong giá trị tổng sản lượng toàn ngành, tỷ trọng về giá trị giao nộp sản phẩm cũng đã tăng lên đáng kể (từ 54,4% năm 1983 lên 67,3% năm 1984, năm 1985 và 9 tháng đầu năm 1986 là 82%, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ III đề ra là 80%.
Chất lượng sản phẩm làm ra có tiến bộ hơn trước, có 7 mặt hàng được tặng thưởng huy chương tại các cuộc triển lãm toàn quốc. Tuy nhiên công suất máy móc thiết bị chưa được sử dụng hết, chỉ đạt... không đạt được chỉ tiêu do Đại hội Đảng bộ quận lần thứ III đề ra (80-85%), nguyên nhân do đại bộ phận là sản xuất gia công cho Thành phố và Trung ương nên luôn bị động về giá cả, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu. Chỉ tiêu thu hút lao động vào khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng không đạt được (13.800/15.000 lao động), chỉ đạt ...%
Trong khu vực quốc doanh, hợp doanh và xí nghiệp đời sống. Tuy giá trị tổng sản lượng có tăng lên đáng kể (năm 1985 tăng gấp 4 lần so với năm 1983), nâng tỷ trọng từ 5,9% (1983) lên 12,7% (1985) trong giá trị tổng sản lượng toàn ngành. Chủ yếu là do mở thêm cơ sở mới (trong 3 năm qua đã phát triển thêm 9 xí nghiệp, nâng tổng số lên 15 xí nghiệp). Tốc độ phát triển vẫn còn chậm, một mặt sự quan tâm, đầu tư chưa đúng mức của quận; mặt khác bản thân từng xí nghiệp chậm xác định phương án sản phẩm; trang thiết bị máy móc và mặt bằng sản xuất có được tăng cường, mở rộng nhưng chưa đáng kể (vốn cố định năm 1983 là 2,7 triệu đồng, năm 1985 tăng lên 4 triệu đồng). Do đó kinh tế quốc doanh chưa thể hiện được vai trò chỉ đạo trong nền sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại quận.
Khu vực sản xuất tập thể đã được tổ chức sắp xếp theo 7 ngành kinh tế - kỹ thuật và có nhiều chuyển biến tốt nhất là khu vực hợp tác xã (trong 3 năm qua đã đưa... tổ sản xuất lên 11 hợp tác xã), nâng tổng số hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp lên 25 (chỉ tiêu đề ra từ 20-22 hợp tác xã). Các hợp tác xã ngành cơ khí và dệt phát triển mạnh và tương đối ổn định, công tác quản lý định mức tiêu hao năng lượng, vật tư, nguyên liệu có tốt hơn. Tuy nhiên ngành chưa coi trọng đúng mức việc củng cố cung cách làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa nên còn một số tổ hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, chất lượng còn kém, còn quan hệ chủ thợ, phát triển cơ sở mới chưa nhiều (vẫn giữ ở mức 73 tổ sản xuất). Khu vực cá thể tư nhân công tác quản lý còn lỏng lẻo, chưa có biện pháp để động viên khuyến khích sử dụng tay nghề vốn có tại quận, một số trong họ đã đi sản xuất ở các quận khác. Số cơ sở cá thể, tư nhân hiện nay giảm gần 30% so với năm 1983 (676/931 cơ sở). Gần đây có phát triển nhiều cơ sở sản xuất mới theo tinh thần Quyết định 34 của Ủy ban Nhân dân thành phố nhưng nhìn chung vẫn còn chậm.
Tồn tại lớn nhất hiện nay trong ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp là sản xuất thiếu ổn định, còn rất bấp bênh, vì phần lớn là sản xuất gia công, chưa tạo được nhiều mặt hàng thế mạnh làm chủ lực cho quỹ hàng hóa của quận. Sự lãnh đạo chưa quan tâm tạo điều kiện để các xí nghiệp quốc doanh vươn lên nắm vai trò chủ đạo, nhất là ngành cơ khí chưa thể hiện được vai trò mũi nhọn như Nghị quyết đã xác định. Nhận thức và tổ chức của cơ quan quản lý và các cơ sở có liên quan chuyển biến còn chậm theo yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý nên hiệu quả giải quyết các điều kiện cho yêu cầu sản xuất chưa kịp thời; còn nhiều thủ tục chưa hợp lý gây phiền hà cho cơ sở.
2. Sản xuất nông nghiệp:
Trong điều kiện có những khó khăn khách quan như giá vật tư, lương thực tăng, chính sách giá cả thu mua và định mức lương thực chưa hợp lý chưa có chính sách phát triển nông nghiệp ở quận ven, cộng với thời tiết biến động ảnh hưởng đến sự phát triển cây trồng, con nuôi. Tuy vậy, phong trào sản xuất nông nghiệp trong những năm qua có được giữ vững và phát triển, đã mạnh dạn chuyển hướng cây trồng, con nuôi có hiệu quả kinh tế cao theo quy hoạch xây dựng vành đai thực phẩm của thành phố.
Giá trị sản lượng toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 12% (Đại hội Đảng bộ quận lần thứ III đề ra là 10%) tăng nhanh và chiếm tỷ trọng cao là do sự phát triển của ngành chăn nuôi (con heo).
a. Trồng trọt:
Đã từng bước ổn định cơ cấu cây trồng thích hợp theo quy hoạch, chuyển dần các cây có giá trị kinh tế thấp sang thâm canh cây có giá trị kinh tế cao và xuất khẩu (rau cao cấp, nghệ, hoa kiểng và cây dừa trên vùng đất bưng, cây cỏ cho bò sữa...). Tổng diện tích gieo trồng năm 1985 đạt 2.726 ha (giảm 6% so với năm 1983), sản lượng rau đạt 39,57 tấn (tăng 3% so với năm 1983). Vòng quay bình quân của đất là 7,5 vòng/năm, khả năng giảm xuống do cơ cấu cây trồng có thay đổi (tăng diện tích rau cao cấp, cây dài ngày có hiệu quả...)
b. Chăn nuôi:
Tổng đàn heo năm 1985: 24.405 con, tăng 82% so với năm 1983, nhưng năm 1986 giảm xuống còn khoảng 2.000 con, do thiếu nguồn thức ăn và giá gia công, thu mua chưa hợp lý. Đầu heo gia công còn chiếm phần lớn.
Tổng đàn bò năm 1985 có 2.317 con, không tăng hơn năm 1983, nhưng đàn bò sữa (gồm bò nền và bò giống Hà Lan) tăng lên đáng kể trong khu vực gia đình và có chiều hướng phát triển tốt. Hiện có 360 con đang cho sữa.
Về nuôi cá có giảm xuống, hiệu quả thấp vì sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Quận ủy - Ủy ban Nhân dân quận đến phòng nông nghiệp có phần buông lỏng, và một phần do ảnh hưởng của thời tiết.
c. Công tác cải tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ứng dụng khoa học kỹ thuật:
Cơ bản hoàn thành đăng ký thống kê ruộng đất, thực hiện xóa bóc lột, điều chỉnh ruộng đất, (xóa bóc lột 65 hộ, thu hội 31,3 ha; vận động nhường cơm xẻ áo, tiếp nhận được 105 ha và đã chia cấp được 89 ha cho hộ thiếu đất và không có đất, tổ chức hướng dẫn vận động vào làm ăn tập thể). Đến cuối năm 1984 cơ bản hoàn thành việc đưa nông dân vào làm ăn tập thể với hai hình thức hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Đã vận động đưa các tập đoàn sản xuất lên 4 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã hiện có là 5 (chỉ tiêu do Đại hội Đảng bộ quận lần thứ III đề ra là 6, do tập đoàn Phường 17 chưa lên hợp tác xã được). Tính đến nay đã tập thể hóa (chỉ tính trong diện hợp tác hóa)): 84% về diện tích (332/395 ha, chỉ tiêu do Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ III đề ra là 90%). 66% về số hộ (1.245/1.889) và 41% về số nhân khẩu (1535/3699).
Năm 1985, bước đầu xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh toàn diện: công – nông – thương tín - xuất khẩu ở hợp tác xã An Hội I (Phường 12), từ đó đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong sản xuất, đời sống của bà con nông dân.
Xây dựng mới 6 công trình điện trung thế (1 và 3 pha) dài 4,32 km với tổng kinh phí 12.264.000 đồng. Xây dựng và tu sửa mới 2.200 mét đường giao thông nội đồng, tu sửa hệ thống đê bao với 20.000m2 đất đào đắp. Xây lắp đường cống qua đê và thoát nước nội đồng với 239 ống cống. Xây dựng thêm 44 giếng bán công nghiệp và thủ công thọc nội. Xây dựng văn phòng làm việc, nhà kho, sân phơi, chuồng trại chăn nuôi trang thiết bị máy móc trong các hợp tác xã nông nghiệp, tổng kinh phí trị giá trên 12 triệu đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ III đề ra chung cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp là 15 triệu đồng, nhưng đã thực hiện được 24,2 triệu đồng).
Đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có tác dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên trong những năm qua sản xuất nông nghiệp còn những mặt yếu kém:
- Công tác cải tạo chưa được coi trọng về chiều sâu, nên chất lượng phong trào hợp tác hóa còn thấp, trình độ năng lực cán bộ quản lý các tập đoàn, hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
- Tổ chức sắp xếp lại sản xuất, chuyển hướng cây trồng, con nuôi (nhất là cây trồng) còn chậm nên chưa khai thác hết tiềm năng lao động, đất đai. Một số diện tích có khả năng canh tác chưa được sử dụng có hiệu quả, chưa chủ động được nguồn thức ăn gia súc, phục vụ chăn nuôi. Do vậy, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp thu được chưa cân xứng với cơ sở vật chất kỹ thuật đã đầu tư; thu nhập nông nghiệp còn thấp, không ổn định, đời sống người nông dân còn khó khăn do chính sách đầu tư giá cả chưa hợp lý nên chưa được thật sự khuyến khích người nông dân hăng hái sản xuất.
Nông trường Duyên Hải tuy có quá trình xây dựng tương đối lâu, nằm trên địa bàn tương đối thuận lợi, nhưng kết quả hoạt động rất hạn chế. Nguyên nhân do Quận ủy và Ủy ban Nhân dân chưa thật sự quan tâm đúng mức, chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và công nhân viên nông trường, chưa thấy hết khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho nông trường tháo gỡ vươn lên. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công nhân viên của nông trường thể hiện chưa cao.
3. Xây dựng cơ bản, quản lý nhà đất vào giao thông vận tải:
a. Xây dựng cơ bản:
Trong những năm 1983-1985 tình hình xây dựng cơ bản phát triển khá trên cả 3 khu vực: Nhà nước, tập thể và nhân dân. Đã mạnh dạn sử dụng vốn tự có của quận để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng và cho kinh doanh sản xuất.
Quận đã đầu tư trên 158 triệu đồng cho các công trình phúc lợi công cộng, giải tỏa nhà chật hẹp, sửa chữa nhà làm việc (câu lạc bộ hưu trí, câu lạc bộ thiếu nhi, nhà truyền thống, đài liệt sĩ, các câu lạc bộ văn hóa Phường 4, 11, 15, UBND Phường 1, 3; 148 căn hộ giải tỏa nhà chật hẹp, xây dựng khoa nhi ở bệnh viện quận, sửa chữa 33.700m2 nhà cơ quan, trung tâm thương nghiệp Ngã Năm, xây dựng 42 phòng học phổ thông và 1.400m2 nhà trẻ, mẫu giáo...).
Các cơ sở tập thể đã đầu tư 108 triệu đồng để mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh (cửa hàng Trung tâm chợ Xóm Mới, chợ Gò Vấp, cửa hàng vật liệu xây dựng (công ty thương nghiệp hợp tác xã), cửa hàng ký gởi Liên hiệp xã - Tiểu thủ công nghiệp, mở rộng nhà xưởng sản xuất ở các hợp tác xã Thống Nhất, Tấn Phát, Đồng Tâm, Quang Minh...
Các hộ nhân dân theo hướng dẫn đã xây dựng được 716 căn hộ mới.
Tuy vậy, trong công tác xây dựng nhà ở trong nhân dân chưa theo hướng qui hoạch lâu dài: chưa huy động khai thác triệt để các nguồn vốn để xây dựng theo phương châm “Nhà nước, các cơ quan trú đóng địa phương và nhân dân cùng làm”, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của quận chưa đáp ứng yêu cầu, còn dựa vào nguồn vốn thành phố cấp.
Chất lượng xây dựng các công trình chưa cao, thời gian thi công còn kéo dài, khi đưa vào sử dụng chưa có nội dung thiết thực để đem lại hiệu quả, chưa tập trung quản lý nguồn vốn xây dựng vào một đầu mối.
b. Công tác quản lý, phân phối nhà (phần lớn là nhà cấp 3, 4):
Tuy có tiến bộ nhưng chưa chặt chẽ. Còn một số trường hợp thiếu công bằng hợp lý. Chưa kiên quyết xử lý các trường hợp chiếm dụng và xây dựng nhà trái phép. Các trường hợp tranh chấp nhà trong dân chưa giải quyết kịp thời.
Đã giải tỏa 5 nghĩa địa với 17 ha đưa vào xây dựng công trình phục vụ cho sản xuất và đời sống.
c. Giao thông vận tải:
Hệ thống đường giao thông trong quận từng bước được tu bổ và nâng cấp. Tuyến đường xe buýt đã kéo dài từ Ngã Năm đến An Nhơn và Thông Tây Hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Các đầu phương tiện như xe vận tải nhẹ, xe lam khách, xích lô máy, xe ba gác, xích lô đạp đã được tổ chức thành 6 hợp tác xã và 1 tổ hợp vận tải, nhưng việc quản lý giá cả, phương tiện thiếu chặt chẽ, thái độ phục vụ chưa tốt nhất là đối với xe xích lô và xe ba gác đạp.
Công tác duy tu bảo dưỡng đường sá có được quan tâm (mở thêm các tuyến nội đồng trong khu vực nông nghiệp dài 4.200m, ban sửa 48.000m2 mặt đường) nhưng chưa ngăn chặn được tình trạng xuống cấp của các trục lộ chính hiện nay, công tác nạo vét khai thông hệ thống nước còn chậm, còn một số khu vực còn ngập nước trong mùa mưa.
Đã trang bị 238 bóng đèn cao áp trong các tuyến đường chính.
4. Công tác khoa học kỹ thuật:
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống bước đầu được quan tâm hơn. Có qui tụ được lực lượng khoa học kỹ thuật trong quận và một số ở ngoài quận. Đã ứng dụng sản xuất thành công trên 20 đề tài và các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: dàn phay đất PĐ2, máy lọc khung bản, máy nghiền thức ăn gia súc (cơ khí) vải soie sọc nổi, KT sọc (dệt), hầm ủ khí Brogaz thay chất đốt, tuyển chọn lai tạo heo giống Yorkshire, dùng huyết thanh ngựa chửa để nâng cao khả năng sinh sản của heo nái, nâng cao chất lượng thụ tinh nhân tạo cho heo nái (nông nghiệp) v.v…
Đó là những thành quả bước đầu tốt nhưng chậm nhân ra và nâng lên qui mô sản xuất lớn hiệu quả cao hơn. Tác động của ban khoa học kỹ thuật chưa cao chưa đủ sức để làm tham mưu cho Cấp ủy và Ủy ban Nhân dân quận chưa huy động hết sức mạnh của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật vốn có tại quận (bao gồm tại chỗ và trú đóng).
II. VỀ PHÂN PHỐI LƯU THÔNG VÀ CHĂM LO ĐỜI SỐNG:
Hoạt động của các ngành trong khối phân phối lưu thông, quản lý thị trường và chăm lo đời sống có nhiều tiến bộ đáng kể trong tình hình chung còn có nhiều khó khăn như thiếu tiền mặt, giá cả ngày càng tăng, thị trường luôn biến động v.v…
1. Về phân phối lưu thông:
Trong 3 năm qua hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa tiếp tục được củng cố và phát triển, tổ chức hoạt động kinh doanh, phục vụ có tiến bộ hơn trước. Công tác cung ứng hàng xuất khẩu đã góp phần tích cực vào việc cung ứng vật tư, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận… Mặt bằng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa tăng gấp 6 lần so với năm 1983. Mạng lưới công ty, cửa hàng, điểm bán, đại lý phát triển tốt, nổi bật là khu thương nghiệp Ngã Năm, cửa hàng Trung tâm Xóm Mới, các cửa hàng thực phẩm tươi sống, dịch vụ thương nghiệp hợp tác xã, kinh doanh lương thực tại chợ Gò Vấp.
Doanh số bán ra năm 1985 là 5 tỷ, tăng gấp 5 lần so với năm 1983 (tăng nhanh, chủ yếu là do yếu tố giá cả), tỷ trọng bán lẻ của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa cũng tăng từ 41,5% năm 1984 lên 70% năm 1985 (Đại hội Đảng bộ quận lần thứ III đề ra: từ 70-75%), trong đó bán lẻ các mặt hàng chủ yếu là do bình quân đầu người tăng 15% so với 1983 (như thịt heo, cá, trứng, rau, đường, vải, bột giặt) chỉ có 3 mặt hàng giảm hơn trước là lương thực, nước chấm và bột ngọt. Đã chiếm lĩnh ưu thế đối với 3 mặt hàng lương thực, thịt heo và vải.
Công tác cải tạo thương nghiệp tư doanh có tốt hơn, đã tổ chức sắp xếp lại 5 ngành hàng thiết yếu như: gạo, thịt, rau, cá và chất đốt, đưa 91% chị em tiểu thương ở các chợ vào 154 tổ ngành hàng mua chung bán riêng, đã tiến hành hợp tác liên doanh với 67 hộ (A-B) tiểu thương có tay nghề, vốn liếng. Công tác quản lý thị trường có tiến bộ, đã biết dựa vào sức mạnh của quần chúng thông qua các đoàn thể và gắn chặt với thị trường để đấu tranh, khống chế có hiệu quả các hoạt động của thương lái, tranh mua với Nhà nước, chống bọn đầu cơ tích trữ, sản xuất hàng gian, hàng giả và kinh doanh trái phép.
Công tác tài chính, ngân hàng, giá cả có tiến bộ trong phục vụ cho yêu cầu sản xuất và đời sống. Vòng quay đồng tiền tăng từ 4,2 vòng năm 1983 lên 15 vòng năm 1985. Thuế công thương nghiệp và các nguồn thu ngân sách tăng gấp 5 lần (do yếu tố giá). Công tác tín dụng có tập trung đầu tư chiều sâu cho phát triển sản xuất, kinh doanh (chủ yếu là kinh doanh).
Tồn tại trong công tác phân phối lưu thông hiện nay còn nhiều tình hình rất phức tạp, rối ren và là mặt trận nóng bỏng nhất hiện nay. Tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá lên, hàng chạy lòng vòng tại quận còn xảy ra; còn nặng chạy theo doanh số chưa gắn với danh mục mặt hàng thiết yếu phục vụ 2 bữa ăn hàng ngày của nhân dân; chưa coi trọng đúng mức việc tạo chân hàng tại quận, thiếu đầu tư cho công tác chế biến để nâng giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chưa tốt, chưa gắn chặt với sản xuất, chưa hỗ trợ tốt cho hợp tác xã tiêu thụ phường; còn nặng quan điểm kinh doanh đơn thuần; chưa quan tâm mua hàng sản xuất tại quận để thúc đẩy phát triển sản xuất (chỉ mua được 40%) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ III đề ra là 60%).
Mạng lưới hợp tác xã tiêu thụ phường có được củng cố, nhưng nói chung còn yếu, chưa làm tốt chức năng trực tiếp phục vụ 2 bữa ăn của nhân dân lao động trên địa bàn phường. Thái độ phục vụ của một số mậu dịch viên còn hách dịch, cửa quyền gây phiền hà cho nhân dân.
Công tác cải tạo thương nghiệp có được chú trọng, nhưng chất lượng còn yếu. Hiệu quả hoạt động của các cửa hàng hợp doanh còn thấp, do quản lý thiếu chặt chẽ. Công tác quản lý thị trường tuy có vận động được rộng rãi quần chúng tham gia nhưng vẫn chưa thành phong trào thường xuyên, liên tục và còn nhiều sơ hở.
Chưa có biện pháp tốt trong việc tổ chức thực hiện thu chênh lệch giá nên chưa phân biệt được hiệu quả thực sự của kinh doanh và làm mất một phần nguồn thu ngân sách.
Phương thức hoạt động của mạng lưới vận động tiết kiệm chưa tốt, còn gây nhiều phiền hà trong việc rút tiền của nhân dân. Đầu tư cho phát triển sản xuất còn thấp. Tiền mặt lưu thông ngoài quỹ đạo Nhà nước còn nhiều. Việc thu thuế công thương nghiệp chưa được vận dụng tốt vào tình hình thực tế của địa phương, nên chưa khuyến khích sản xuất, chưa điều tiết hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập lớn. Việc giao chỉ tiêu nộp thuế có những mặt chưa bàn bạc cho cơ sở có nhận thức trách nhiệm rõ ràng.
2. Về chăm lo đời sống:
Trọng tâm là giải quyết việc làm, nhà ở và nâng cao thu nhập thực tế cho người lao động.
a) Trong 3 năm qua đã giải quyết việc làm gần 20 ngàn lao động (tăng 60% so với nhiệm kỳ trước). Hiện nay vẫn còn trên 5.000 lao động chưa có việc làm ổn định. Công tác giải quyết việc làm cho nhân dân lao động chưa căn cơ do tổ chức sản xuất tại quận phát triển chậm, nhân dân tự tìm việc làm là chủ yếu (65%) huy động công lao động xã hội chủ nghĩa còn thấp bình quân hàng năm chưa đạt 40% kế hoạch do biện pháp chưa cụ thể, thiếu linh hoạt, chưa kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp giáo dục, biện pháp hành chính, nhất là biện pháp giáo dục. Năm 1985 có khá hơn, nhưng cũng chỉ đạt 58,2% kế hoạch.
Thực hiện các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, quản lý lao động ở khu vực tập thể, cá thể còn yếu, có hơi còn buông lỏng.
b) Về công tác giải tỏa nhà rách nát, chật hẹp và công tác chống dột đã có nhiều cố gắng. Đã xây dựng mới 148 căn nhà cho diện giải tỏa nhà chật hẹp với phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hàng năm Quận đã cung cấp vật tư, nguyên liệu cho hàng trăm hộ để sửa chữa chống dột.
c) Đã có nhiều cố gắng trong vận dụng thực hiện các chính sách chế độ, khoán sản phẩm, và trả lương theo sản phẩm, theo doanh số, khuyến khích mở rộng các hình thức tổ chức sản xuất theo tinh thần Chỉ thị 54 của Ủy ban Nhân dân thành phố ở các phường, và các đơn vị hành chính sự nghiệp không thu, có đông cán bộ công nhân viên để tăng thu nhập.
Tuy nhiên, thu nhập giữa khu vực kinh doanh sản xuất và hành chính sự nghiệp còn quá chênh lệch, chưa có biện pháp điều tiết hợp lý. Hiệu quả của xí nghiệp đời sống còn thấp, do vậy không thực hiện được chỉ tiêu tăng thu nhập như Nghị quyết đề ra. Đặc biệt từ Quí 4 năm 1985 đến nay, đời sống của cán bộ công nhân viên và nhân dân lao động giảm sút nghiêm trọng gây ảnh hưởng không tốt về kinh tế cũng như tâm lý xã hội.
B. VỀ VĂN HÓA XÃ HỘI:
1. Phong trào văn hóa văn nghệ và thông tin tuyên truyền có bước phát triển khá hơn. Phong trào vận động xây dựng nếp sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa “con người lao động có lối sống văn minh, giàu tình thương và biết tôn trọng lẽ phải”, tiếp tục chuyển biến trong từng ngành từng giới, từ cơ quan, xí nghiệp đến từng tổ dân phố và hộ gia đình. Trong sản xuất đề cao ý thức kỷ luật lao động, phấn đấu nâng cao năng suất và chất lượng. Trong thương nghiệp thái độ phục vụ của mậu dịch viên ngày càng thể hiện “văn minh” thương nghiệp. Mối quan hệ giữa người và người tại nơi cư trú có đoàn kết gắn bó hơn, từng bước xóa được lối sống “đèn nhà ai nấy rạng”, sự tương trợ giúp đỡ nhau những lúc khó khăn hoạn nạn ngày càng phát triển.
Phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển với nhiều thể loại mới sinh động hơn như: “sân khấu hóa” các tiết mục tự biên tự diễn với nội dung phản ảnh sinh động các mặt hành động cách mạng ở cơ sở.
Nhiệm kỳ qua đã xây dựng được đài truyền thanh quận, các trạm truyền thanh phường đến các cụm loa phóng thanh khu phố, là phương tiện nhạy bén trong công tác thông tin tuyên truyền. Nhiều phường đã xây dựng được câu lạc bộ văn hóa góp phần khắc phục dần sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa trong các khu vực dân cư. Các hoạt động thư viện, nhiếp ảnh, chiếu phim, phát hành sách có bước phát triển.
Tồn tại đáng lưu ý nhất của công tác văn hóa văn nghệ và thông tin tuyên truyền hiện nay là chưa phục vụ nhạy bén, linh động và kịp thời cho nhiệm vụ chính trị của quận, chưa thật sự là công cụ sắc bén trong thúc đẩy phong trào hành động cách mạng của quần chúng từ quận đến cơ sở.
Cơ sở vật chất còn thiếu chưa xây dựng được nhà hát nhân dân như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ III đề ra. Tinh thần trách nhiệm chưa được đề cao, nên hoạt động của ngành còn mang tính thời vụ, thiếu sôi nổi liên tục.
2. Về giáo dục đã phát triển đúng hướng, các ngành học có bước phát triển tốt, tỷ lệ thu nhận các cháu trong độ tuổi vào nhà trẻ chiếm 35%, và mẫu giáo chiếm 70% vào các lớp phổ thông ban ngày và ban đêm là 95%. Chất lượng dạy và học có chuyển biến tốt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông mỗi năm có tăng lên (năm học 1982-1983 là 74%, năm học 1985-1986 là 85%). Phong trào bổ túc văn hóa được duy trì và phát triển tốt hơn. Nổi bật là công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường phổ thông có được quan tâm mở rộng và ngày càng có chất lượng, được nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đội ngũ thầy cô giáo, bước đầu đã khắc phục một số khó khăn về đời sống, thể hiện tốt nhiệt tình trong giảng dạy.
Tồn tại đáng quan tâm trong ngành giáo dục hiện nay là phẩm chất chính trị của một số giáo viên chưa thật đảm bảo. Chất lượng đạo đức và chính trị của học sinh còn yếu. Chưa kết hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội để thiết thực chăm lo thế hệ trẻ. Trường lớp và thiết bị trường học chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập, còn nhiều lớp sĩ số học sinh quá đông. Đời sống giáo viên nói chung còn nhiều khó khăn, chưa được chăm lo cải thiện tốt để tạo sự yên tâm trong công tác.
3. Công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân được đẩy mạnh. Công tác vệ sinh phòng dịch đã đạt được chỉ tiêu tiêm phòng hàng năm, ngăn chặn và xử lý kịp thời dịch bệnh không để lay lan. Chất lượng khám và điều trị bệnh ở cả 3 tuyến trạm xá phường, khu vực và bệnh viện có được nâng lên, công tác quản lý các bệnh xã hội như: lao, cùi, tâm thần có được tập trung. Phong trào 5 dứt điểm có chuyển biến đáng kể, năm 1985 có 7/12 phường đạt 5 dứt điểm, tỷ lệ phát triển dân số đã giảm xuống còn 1,45%. Hiệu thuốc quốc doanh đảm bảo được sản xuất các loại thuốc thông thường, mạng lưới phân phối thuốc có được củng cố và mở rộng Đội ngũ Y, Bác sĩ, công nhân viên ngành y tế đã khắc phục nhiều khó khăn trong cuộc sống đã thể hiện được khẩu hiệu “thầy thuốc như mẹ hiền”.
Tuy nhiên ngành y tế chưa được thực hiện tốt việc kết hợp giữa y học dân tộc và y học hiện đại trong chữa; trị phong trào trồng và sử dụng thuốc nam chưa được phát động liên tục, cơ sở vật chất và dụng cụ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu chăm lo sức khỏe cho nhân dân; quan điểm và thái độ phục vụ trong một bộ phận cán bộ nhân viên ngành y tế chưa tốt còn gây phiền hà cho bệnh nhân. Việc chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên ngành y tế chưa được Ban lãnh đạo ngành quan tâm đúng mức.
4. Hoạt động thể dục thể thao có phát triển khá hơn các năm trước. Bộ môn bóng đá, bóng chuyền, thể dục nhịp điệu, võ thuật, võ dưỡng sinh… hoạt động khá tốt, đạt được một số thành tích trong thi đấu ở cấp thành phố.
Tồn tại lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất còn rất thiếu, trong quận chưa xây được hồ bơi và câu lạc bộ thể dục thể thao để thu hút thanh thiếu niên, nhất là trong dịp hè. Sân vận động của quận tuy có được đầu tư sửa chữa nhưng chưa có kế hoạch sử dụng tốt. Phong trào thể dục buổi sáng chưa phát động sâu rộng và liên tục.
5. Công tác thương binh xã hội. Số lượng đối tượng gia đình chính sách đã tăng lên gần 3.000 người, phong trào “toàn Đảng toàn dân thực hiện chính sách thương binh xã hội” bước đầu đạt kết quả tốt. Các phong trào nhận đỡ đầu thân nhân gia đình liệt sĩ. Phong trào mở sổ vàng tiết kiệm cho cha mẹ và con gia đình liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa. Giúp đỡ sửa chữa nhà và dụng cụ sinh hoạt gia đình… đã có nhiều tác động tốt. Phong trào thi đua phấn đấu trở thành người công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu tiếp tục phát huy tốt, có trên 60% đối tượng đạt danh hiệu trên. Các hộ già yếu, neo đơn từng bước được bà con giúp đỡ. Công tác Trần Quốc Toản có được duy trì tốt.
Trong nhiệm kỳ qua quận đã thành lập câu lạc bộ hưu trí, nhà truyền thống, xây mới đài liệt sĩ, đã quy tập 272 mộ liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Đến nay toàn quận đã được tặng thưởng 1437 huân, huy chương và bằng khen cho gia đình và cá nhân có công trong 3 thời kỳ kháng chiến, hiện còn trên 1.200 hồ sơ đang chờ xét duyệt.
Tồn tại chung nhất của công tác thương binh xã hội là các biện pháp chăm lo đời sống của các gia đình chính sách chưa thật căn cơ và thường xuyên, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế gia đình để giải quyết lao động chưa có việc làm ổn định, chưa huy động được khả năng của các đồng chí hưu trí vào công cuộc cải tạo và phát triển kinh tế. Giải quyết học hành cho các cháu trong các gia đình chính sách còn có mặt chưa tốt. Công tác giáo dục truyền thống chưa được coi trọng. Tệ nạn xã hội có chiều hướng phát triển, chưa có biện pháp giải quyết căn cơ.
C. VỀ CÔNG TÁC AN NINH QUỐC PHÒNG VÀ THỰC HIỆN PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA:
1. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội:
1. Về an ninh chính trị có được bảo đảm tốt, đã đập tan mọi nhen nhóm phản cách mạng, và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng hoạt động bất minh trong tôn giáo. Tình hình trốn đi nước ngoài giảm xuống đáng kể (trong 3 năm chỉ xảy ra 41 vụ).
2. Công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ an ninh kinh tế có được tập trung và chuyển biến về chiều sâu. Đã tiến hành xem xét và củng cố các chức danh quan trọng trong cơ quan xí nghiệp. Xây dựng được các phương án phòng chống tiêu cực nội bộ giữa quận với các đơn vị kinh tế quốc phòng trú đóng trên địa bàn quận. Từ đó tình hình xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa giảm xuống đáng kể (hầu hết các vụ việc đã xử lý trong thời gian qua đều xảy ra trong thời gian của nhiệm kỳ trước). Các vụ việc lợi dụng chức quyền, làm sai nguyên tắc quản lý kinh tế giảm gần 50%.
3. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc tiếp tục có chuyển biến từ tổ dân phố lên. Phạm pháp hình sự còn diễn biến phức tạp (năm 1984 giảm 5,4%, năm 1985 tăng 17,7%, phần nhiều là trộm cắp vặt), do ảnh hưởng của tình hình kinh tế đời sống còn nhiều khó khăn, đáng chú ý là trọng án giảm 50% và đã phá án kịp thời 100%.
4. Lực lượng công an nhân dân ngày càng được củng cố về số và chất lượng. Phong trào thực hiện 6 lời dạy của Bác Hồ được đẩy mạnh, qua đó trình độ chuyên môn nghiệp vụ có được nâng lên, góp phần tích cực trong công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế tại quận nhà. Năm 1985, lực lượng Công an quận Gò Vấp vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng danh hiệu cao quý đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang”.
Tuy nhiên ý thức cảnh giác cách mạng chưa được đề cao đúng mức. Công tác nắm hộ, nắm người chưa chặt, công tác chuyển hóa địa bàn chưa thật căn cơ. Phạm pháp hình sự và các vi phạm qui tắc trật tự xã hội có chiều hướng phát triển. Chưa thật chủ động các phương án và biện pháp phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở, thiếu kết hợp chặt chẽ trong quản lý cán bộ công nhân viên ở cơ quan và nơi cư trú. Công tác xây dựng phường an toàn, cơ quan an toàn chưa được coi trọng đúng mức, còn nhiều sơ hở, nhất là ở các đơn vị kinh tế. Công an đường phố chưa phát huy hết chức năng trong địa bàn trách nhiệm. Quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động có nơi có lúc còn bị vi phạm, làm cho đời sống của nhân dân chưa thật sự yên tâm.
Trường giáo dục công – nông nghiệp chưa làm tốt nhiệm vụ cảm hóa các đối tượng phạm pháp trở thành những con người có ích cho xã hội sau này.
2. Công tác quân sự địa phương:
Công tác giao quân nghĩa vụ quân sự hàng năm đều đạt được chỉ tiêu trên giao với chất lượng có tốt hơn. Công tác huấn luyện, diễn tập và kiểm tra các phương tiện phục vụ quốc phòng có giữ được thường xuyên. Các phong trào “vì tuyến đầu Tổ quốc”, thực hiện tốt chính sách “hậu phương quân đội” ngày càng được củng cố tốt hơn và có tác động đến ý thức của nhân dân.
Tuy nhiên, những quan điểm cơ bản về đường lối quân sự của Đảng trong tình hình mới chưa được quán triệt sâu sắc trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân. Thế trận chiến tranh nhân dân chưa thật vững chắc. Công tác củng cố và xây dựng lực lượng tự vệ rộng rãi đạt kết quả còn thấp. Tự vệ phường nhiều nơi còn thiếu và chất lượng chưa đảm bảo. Công tác tuyên truyền, học tập luật nghĩa vụ quân sự chưa thật sâu rộng trong lứa tuổi thanh niên và nhân dân, chưa làm cho thanh niên xác định trách nhiệm tham gia quân đội bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ, tình hình trốn tránh nghĩa vụ quân sự còn nhiều. Công tác quản lý quân dự bị có tiến bộ nhưng chưa đảm bảo yêu cầu khi có tình huống. Xử lý các trường hợp quân nhân đào, bỏ ngũ chưa kịp thời và thiếu nghiêm túc, còn để xảy ra những tiêu cực nghiêm trọng. Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự về còn một số chưa được bố trí việc làm.
3. Các hoạt động tư pháp thanh tra, kiểm sát và tòa án ngày càng góp phần thúc đẩy công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Công tác giải quyết thư tố cáo, khiếu nại có được tập trung. Công tác xét xử đảm bảo đúng luật và đúng đối tượng. Công tác thanh tra và hòa giải có chuyển biến tốt từ cơ sở, hạn chế các vụ việc thưa kiện gởi lên trên.
Tồn tại đáng chú ý hiện nay là chưa xử lý nghiêm các trường hợp tố giác sai sự thật. Một số vụ việc xử lý kịp thời, có ảnh hưởng đến tình hình chung.
D. HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN, CÁC ĐOÀN THỂ VÀ MẶT TRẬN CÁC CẤP:
1. Bộ máy chính quyền từ Quận đến Phường có được củng cố và kiện toàn qua lần bầu cử hội đồng nhân dân khóa 4, từ đó hiệu lực trong quản lý kinh tế - quản lý xã hội ngày càng được phát huy.
Nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân có được nâng lên thông qua nghiên cứu học tập “Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân”. Hoạt động của đại biểu và của các ban Hội đồng Nhân dân có thiết thực và gắn chặt với tình hình phát triển kinh tế xã hội, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Trong từng thời gian, Ủy ban Nhân dân Quận đến Phường đã cụ thể hóa các chủ trương và Nghị quyết của Quận ủy và cấp ủy phường, thể hiện được trách nhiệm là cơ quan quyền lực quản lý Nhà nước và là công để phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.
Tuy nhiên, hoạt động của bộ máy chính quyền từ Quận đến cơ sở còn một số mặt tồn tại: Bộ máy chính quyền còn cồng kềnh, kém hiệu lực, có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa trong một tổ chức đơn vị. Các ban phòng chưa làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy và Ủy ban Nhân dân quận. Một số đơn vị chưa phân biệt rõ chức năng quản lý hành chánh, kinh tế với các chức năng sản xuất kinh doanh nên hoạt động còn trùng lắp, chồng chéo nhau. Ủy ban nhân dân quận chưa điều hòa được hoạt động của các khối, giữa các ngành trong nội bộ khối để hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ chung, tình trạng cục bộ ngành vẫn còn kéo dài. Ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần chấp hành Nghị quyết của một số cá nhân, đơn vị thiếu nghiêm túc, chưa làm tròn trách nhiệm.
2. Công tác vận động quần chúng và hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể có những tiến bộ đáng kể với nhiều hình thức phong phú sinh động. Phong trào hành động cách mạng của tầng lớp quần chúng ngày càng được phát triển sâu rộng và gắn bó với các nhiệm vụ chính trị của địa phương và cơ sở, có tác dụng tốt mang lại hiệu quả cụ thể trong cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Mặt trận và các đoàn thể từ Quận đến Phường đã có nhiều cố gắng củng cố tổ chức và phương thức công tác nhằm nâng cao chất lượng hoạt động từ tiểu tổ đoàn thể ở cơ sở, có bám vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, dấy lên phong trào hành động cách mạng cụ thể trong quần chúng. Trong thanh niên đã phát huy vai trò xung kích trên các mặt trận: thi đua lao động sản xuất về trước kế hoạch; quản lý thị trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc, các chiến dịch “hành quân theo chân Bác”… Trong phụ nữ đã duy trì và phát triển các phong trào hậu phương quân đội, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, bảo vệ chăm sóc thiếu niên nhi đồng, sinh đẻ có kế hoạch, tham gia vào các hoạt động phân phối lưu thông, quản lý thị trường, phong trào xây dựng người phụ nữ 4 tốt. Trong công nhân và thợ thủ công đã dấy lên phong trào thi đua cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật để đạt năng suất, chất lượng tốt, các cuộc hội thi thư ký công đoàn giỏi đã có tác dụng thiết thực… Trong nông dân tập thể có phong trào vận động nông dân vào làm ăn tập thể, mạnh dạn ứng dụng cây trồng con nuôi có hiệu quả kinh tế cao, giáo dục người nông dân có ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ, thực hiện hợp đồng 2 chiều phát triển ngành nghề theo mô hình công – nông – thương – tín - dịch vụ - xuất khẩu…
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều phong trào vận động sâu rộng như; vì tuyến đầu Tổ quốc, ủng hộ thủy điện Trị An, mua công trái xây dựng Tổ quốc, ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai, xây dựng quỹ bảo thọ… Các cụ phụ lão và đồng bào các tôn giáo đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng chung.
Từ trong thực tiễn các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tập hợp và phát triển lực lượng, đã giới thiệu hàng trăm đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng xét kết nạp.
Tồn tại lớn nhất trong công tác vận động quần chúng hiện nay là chưa làm cho Đảng bộ có nhận thức đầy đủ về quan điểm ấy dân làm gốc, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Do đó, các phong trào hành động cách mạng chưa huy động được đông đảo quần chúng. Các cấp ủy Đảng từ Quận đến Phường chưa quan tâm đúng mức đến công tác vận động quần chúng, chưa có kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết của Quận ủy về công tác vận động quần chúng. Lề lối và phong cách làm việc của chính quyền, của các công ty, xí nghiệp chưa thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của công nhân viên chức và nhân dân lao động, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể hoạt động, thậm chí có nơi thiếu lắng nghe ý kiến đoàn thể và quần chúng, còn quan liêu cửa quyền, thiếu sâu sát cơ sở, xa rời quần chúng còn phổ biến, có nơi còn vi phạm quyền làm chủ tập thể của công nhân viên chức và gây nhiều phiền hà cho nhân dân lao động.
Mặt trận và các đoàn thể trong làm việc còn nặng về hành chính giấy tờ, phương thức và nội dung hoạt động còn nghèo nàn, chưa gắn thiết thực đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên nên thiếu sức thu hút. Tuy số lượng hội viên có tăng lên đáng kể, nhưng chất lượng nhìn chung còn yếu, chưa cân xứng với yêu cầu nhiệm vụ chung.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chưa thể hiện đầy đủ vai trò cánh tay đắc lực, đội hậu bị của Đảng, còn buông lơi công tác tập hợp vào tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp thanh niên, nhất là ở khu vực đường phố.
Các đoàn thể chưa nắm chắc và phân loại đối tượng để có nội dung giáo dục và vận động sát hợp cho từng loại đối tượng. Cán bộ làm công tác vận động quần chúng từ quận đến cơ sở còn mỏng và yếu.
E. VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG:
Trong nhiệm kỳ qua Đảng bộ đã có những bước trưởng thành đáng kể trên 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bảo đảm việc tổ chức triển khai học tập các chỉ thị. Nghị quyết của cấp trên và của quận một cách đầy đủ. Qua đó, đã nâng lên trình độ nhận thức chính trị của cán bộ đảng viên về tình hình nhiệm vụ và yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay, nội dung cụ thể của chặng đường đầu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định rõ hơn tính chất đấu tranh gay go quyết liệt giữa 2 con đường, từ đó đề cao cảnh giác cách mạng trước âm mưu phá hoại nhiều mặt của địch, nhất là trên lãnh vực kinh tế và chiến tranh tâm lý. Đại bộ phận cán bộ đảng viên đã phấn đấu tu dưỡng tốt, nâng cao phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cộng sản.
Đảng bộ đã không ngừng rèn luyện và nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng từ Quận đến cơ sở, có nhiều tiến bộ trong lãnh đạo kinh tế, xã hội trên cơ sở phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động và hiệu lực quản lý của chính quyền. Đảng bộ đã luôn năng động với tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước đời sống nhân dân, quyết tâm làm chuyển biến tình hình một bước có căn cơ và vững chắc hơn. Đã có nhiều tiến bộ trong việc đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, sa sút ý chí, thoái hóa biến chất, nhất là trong lãnh vực kinh tế.
Công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên có được chú ý hơn. Trong 3 năm đã cử 173 cán bộ đảng viên đi học tại các Trường Đảng và các lớp chuyên môn nghiệp vụ do Trung ương và thành phố tổ chức, đã liên tục mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị chương trình cơ sở và sơ cấp với 420 lượt đảng viên tham dự, ngoài ra đã phối hợp với Trường lý luận chính trị tại chức thành phố đã mở lớp lý luận chính trị trung cấp tại chức cho 220 cán bộ đảng viên từ quận đến phường, hiện còn 178 đồng chí đang theo học.
Công tác tổ chức cán bộ cũng đã có chuyển biến hơn. Trong 3 năm, đã đề bạt và điều động sắp xếp hàng trăm cán bộ ở các vị trí chủ chốt trong từng đơn vị (đề bạt 14 Trưởng và 33 Phó ban phòng cấp quận, 8 Giám đốc và 25 Phó Giám đốc công ty, xí nghiệp, bệnh viện, 7 Bí thư phường ủy, 9 Chủ tịch và 17 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, thay đổi công tác khác 26 đồng chí), xóa dần cơ sở trắng (hiện nay còn 1 cơ sở trắng là Phòng Thể dục Thể thao), có chú ý hơn đối với số cán bộ trẻ, nữ có năng lực, phẩm chất trưởng thành từ trong thực tiễn phong trào hành động cách mạng. Công tác khảo sát đội ngũ cán bộ cho hướng qui hoạch, đào tạo cán bộ kế cận có được chú ý.
Công tác phát triển đảng viên mới có tăng lên. Đa số đảng viên mới đã phát huy tác dụng tốt. Trong nhiệm kỳ lần này, Đảng bộ đã phát triển thêm 345 đảng viên mới, trong đó 85,2% là đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Công tác giữ gìn kỷ luật Đảng và chấp hành pháp luật Nhà nước trong toàn Đảng bộ nhìn chung là tốt, tỷ lệ đảng viên sai phạm ngày càng giảm. Trong ba năm đã phát hiện 128 trường hợp vi phạm có liên quan đến đảng viên (trong đó có 78 trường hợp có thư tố cáo và 50 trường hợp qua kiểm tra, thanh tra phát hiện). Đã xử lý kỷ luật 37 đảng viên sai phạm (tỷ lệ 2,9% so với tổng số đảng viên) trong đó có 08 trường hợp bị khai trừ và 3 trường hợp bị xóa tên. Nội dung sai phạm có 54% vi phạm pháp luật Nhà nước, 27% vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng và 19% do thoái hóa về lối sống.
Tồn tại lớn nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay là:
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng tiến hành thiếu thường xuyên và nhuần nhuyễn trong toàn Đảng bộ, sự giác ngộ về nhận thức chính trị và lập trường quan điểm giai cấp công nhân của một bộ phận đảng viên còn yếu kém, còn biểu hiện bàng quan sa sút ý chí, thiếu tin trong tổ chức thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, ý thức tổ chức, kỷ luật kém, thoái hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng đối với quần chúng.
Công tác qui hoạch còn chậm, còn nhiều bị động, lúng túng nên trong bố trí, sắp xếp cán bộ còn mang tính chấp vá, thụ động sự phân bổ đảng viên chưa đồng đều (chủ yếu tập trung ở khu vực hành chính sự nghiệp và công an) chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng lĩnh vực. Chất lượng đảng viên mới còn một số trường hợp chưa cao, phát triển Đảng trong công nhân sản xuất trực tiếp còn quá ít (chỉ 12 đồng chí), ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng lĩnh vực. Chất lượng đảng viên mới còn một số trường hợp có nghiêm trọng. Công tác kiểm tra việc thực hiện các quyết định chưa được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Trong sinh hoạt Đảng từ cơ sở đến Ban Chấp hành Quận Đảng bộ còn buông lỏng chế độ tự phê bình và phê bình đưa đến tình trạng mất đoàn kết nội bộ xảy ra kéo dài ở một số đơn vị cơ sở, ngay cả trong Ban Thường vụ Quận ủy làm giảm sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, làm hạn chế đến thành quả chúng mà lẽ ra Đảng bộ chúng ta phải đạt được cao hơn.
Công tác xây dựng cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh có chuyển biến, nhưng cơ sở được công nhận còn ít, năm 1982 có 6 cơ sở được công nhận đơn vị trong sạch, vững mạnh (trong đó có 4 phường), 2 năm: năm 1983-1984 có 7 đơn vị (chiếm tỷ lệ 11% trong đó có 1 phường). Đáng tiếc là 1 số cơ sở được công nhận trong sạch, vững mạnh nhưng không giữ vững liên tục. Nguyên do chính Quận ủy chưa đầu tư nghiên cứu các biện pháp chỉ đạo cụ thể, nhưng chủ yếu vẫn là do cấp ủy từng Đảng bộ, chi bộ chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, giáo dục để nâng cao năng lực, nhận thức và rèn luyện phẩm chất đạo đức của đơn vị, chưa có biện pháp ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và chưa quán triệt sâu quan điểm lấy công tác vận động quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của cán bộ công nhân viên để làm nền tảng cho công tác xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh.
F. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Như phần trên đã nêu cho phép kết luận rằng: Đảng bộ và nhân dân quận Gò Vấp đã chấp hành nghiêm túc các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương và Thành ủy đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu do Đại hội đại biểu Quận Đảng bộ lần thứ ba đề ra. Nhưng thiếu sót, khuyết điểm, tồn tại vẫn còn nhiều, cụ thể trên các lĩnh vực là:
1. Sản xuất công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn chung, có lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi, nhưng tốc độ phát triển vẫn giữ được thế đi lên. Công tác tổ chức sắp xếp lại khu vực Tiểu thủ công nghiệp theo ngành kinh tế kỹ thuật, theo địa bàn sản xuất đã có nhiều tiến bộ về chất lượng quản lý, có chú ý đầu tư chiều sâu và phát triển mặt hàng mới. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình sản xuất vẫn chưa ổn định, phát triển chiều sâu còn chậm, người lao động còn chưa hăng hái, do cơ chế và chính sách đòn bẩy kinh tế nói chung là còn chưa phù hợp.
Sản xuất nông nghiệp có quan tâm đầu tư chiều sâu, có mạnh dạn thay đổi và từng bước xác định rõ cơ cấu cây, con có hiệu quả cao trên từng vùng đất, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ vành đai thực phẩm của thành phố. Tuy về cơ bản đã hoàn thành việc đưa nông dân vào làm ăn tập thể, nhưng tỷ lệ sử dụng đất đai và lao động tập thể còn thấp, hiệu quả kinh tế đem lại chưa cân xứng với đồng vốn đã đầu tư, công tác cải tạo vùng bưng tiến hành còn chậm.
2. Cơ sở vật chất kỹ thuật có phát triển và thêm nhiều trang thiết bị mới trong sản xuất, phân phối lưu thông, các công trình phúc lợi công cộng, về xây dựng và sửa chữa. Có thể nói bộ mặt của Gò Vấp ngày nay đã có nhiều thay đổi, khẳng định thế đi lên tốt đẹp. Nhưng nhìn chung vẫn chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân lao động trong quận. Qui hoạch tổng thể lâu dài chưa ổn định. Vồn đầu tư còn nhiều khó khăn chưa tập trung vào một đầu mối, có phụ thuộc nhiều vào vốn của thành phố.
3. Các hoạt động về phân phối lưu thông có nhiều tiến bộ đáng kể, đã có nhiều cố gắng giữ ổn định và trật tự trên mặt trận nóng bỏng này. Kết quả hoạt động kinh doanh của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa (cả nội và ngoại thương) vươn lên khá rõ nét, từng bước khẳng định vai trò chủ đạo của mình trên thị trường và có tác động nhiều hơn đến sản xuất và chăm lo đời sống vật chất cho nhân dân lao động. Giá cả nhìn chung có thấp hơn so với các quận nội thành. Công tác quản lý thị trường, trừng trị bọn đầu cơ buôn lậu, làm hàng gian, hàng giả đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa còn xu hướng chạy theo doanh số, chưa chú trọng đúng mức đến hoạt động dịch vụ và các mặt hàng thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân lao động, đầu tư nhiều cho sản xuất tại chỗ để tăng quỹ hàng hóa; tiền mặt chạy ngoài quỹ đạo nhà nước còn nhiều. Nhìn chung, hiệu quả đem lại của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chưa đảm bảo vững chắc.
4. Tình hình văn hóa xã hội có được nâng lên công tác xây dựng nếp sống văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành và có ảnh hưởng tốt trong đời sống. Chất lượng giảng dạy (cả dạy chữ và dạy nghề) được chú ý và chuyển biến tốt hơn. Công tác chăm lo sức khỏe, chăm lo các đối tượng chính sách nhìn chung có nhiều tiến bộ.
Về cơ sở vật chất của ngành văn hóa xã hội nói chung còn nghèo. Mặc dù trong mấy năm qua quận đã tích cực đầu tư xây mới và sửa chữa nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung thông tin tuyên truyền và văn hóa văn nghệ chưa thật phong phú và thiếu liên tục. Công tác giáo dục chính trị, đạo đức và lòng yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho học sinh cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đặc biệt với đội ngũ thầy cô giáo, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh. Phong trào thể dục thể thao chưa tạo thành phong trào liên tục sâu rộng trong quần chúng.
5. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc có nhiều chuyển biến tốt ngay từ tổ dân phố lên. Công tác quân sự địa phương được củng cố, đã có sự kết hợp chặt chẽ với các đơn vị trú đóng trong các phương án phòng, chống, đánh địch. Luật pháp xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy tốt.
Tuy nhiên, việc chuyển hóa địa bàn chưa thật căn cơ, trật tự xã hội còn nhiều vấn đề phải giải quyết, công tác nắm hộ, nắm người chưa chặt, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động còn bị vi phạm, các vụ tiêu cực còn xảy ra trong lực lượng công an và quân sự địa phương. Một số nơi công an khu vực và tự vệ phường chưa kết hợp chặt chẽ trong địa bàn trách nhiệm.
6. Phong trào hành động cách mạng của quần chúng được duy trì và phát triển. Nhân dân thấy được những thành tựu to lớn của cả nước, thành phố và quận nhà đạt được, đồng thời tự hào về những đóng góp của mình vào sự nghiệp chung. Các đoàn thể quần chúng có quan tâm củng cố tổ chức và phương thức công tác để nâng chất lượng hoạt động từ tiểu tổ ở cơ sở, biết bám vào nhiệm vụ chính trị của địa phương để vận động dấy lên phong trào hành động cụ thể trong quần chúng.
Song các đoàn thể chưa nắm thật chắc con người, để có biện pháp vận động, giáo dục cụ thể cho từng đối tượng. Chưa có biện pháp thiết thực trong việc chăm lo đời sống, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình… cho hội viên nên sức thu hút của đoàn thể còn hạn chế, một phần do việc bố trí cán bộ đoàn thể, thiếu ổn định, năng lực của họ, nhất là ở cơ sở, còn yếu.
7. Công tác xây dựng Đảng bộ, Chi bộ trong sạch vững mạnh có tiến bộ. Công tác phát triển đảng viên mới ngày càng tăng và phát huy tác dụng tốt. Ý thức giữ gìn kỷ luật Đảng và chấp hành luật pháp Nhà nước trong toàn Đảng bộ nhìn chung là tốt, tỷ lệ đảng viên sai phạm ngày càng giảm.
Tuy nhiên, sự phân bố đảng viên chưa đồng đều, chưa đáp ứng với nhiệm vụ chính trị trong từng lĩnh vực. Chất lượng đảng viên mới cần quan tâm bồi dưỡng. Tuy số vụ việc vi phạm kỷ luật giảm, nhưng tính chất có nghiêm trọng hơn, nhất là về quản lý kinh tế. Công tác chính trị tư tưởng thiếu thường xuyên, liên tục. Một bộ phận đảng viên thiếu kiên định còn bàng quan, dao động trước những khó khăn chung của đất nước. Nhận thức chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, nhất là trước những chuyển biến cách mạng sâu sắc từ sau Nghị quyết 6 (khóa 5) đến nay.
Những thành quả đã đạt được cũng như những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Quận ủy trong nhiệm kỳ qua do các nguyên nhân chủ yếu sau:
Nguyên nhân của ưu điểm:
1. Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Thành ủy, Đảng bộ quận Gò Vấp đã thể hiện sự năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước cấp trên và nhân dân trong quận. Ban Chấp hành Quận ủy đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ cơ bản do Đại hội đại biểu Đảng bộ quận lần thứ III đề ra. Tình hình chung của quận có nhiều chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực vực, tạo tiền đề phát triển tốt cho những năm kế tiếp.
2. Cán bộ và nhân dân quận Gò Vấp với truyền thống cách mạng, luôn tin và đi theo Đảng đã phát huy truyền thống anh hùng trong cách mạng dân tộc dân chủ nay trong cách mạng xã hội chủ nghĩa đã cùng Đảng bộ vượt qua khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần tích cực giữ vững an ninh trật tự và từng bước ổn định cuộc sống.
Nguyên nhân của khuyết điểm:
1. Nhận thức về trình độ năng lực của toàn Đảng bộ tuy có nâng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ trung tâm của Đảng lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa là lãnh đạo kinh tế và tính chất phức tạp của nó, đặc biệt trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ khi còn tồn tại 5 thành phần kinh tế. Ý thức trách nhiệm của người đảng viên trong thực hiện Nghị quyết chung của Đảng chưa được phát huy tốt, một phần do cơ chế cũ ràng buộc, nhưng chủ yếu là do ta chưa nắm chắc tình hình điều tra cơ bản, chậm xác định quy hoạch lâu dài, chưa mạnh dạn vận dụng những biện pháp và chính sách đòn bẩy kinh tế phù hợp để thúc đẩy sản xuất và kinh doanh phát triển tốt.
2. Công tác quy hoạch đào tạo, tiêu chuẩn hóa cán bộ làm chậm. Việc giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng và bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế… cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới chưa được coi trọng đúng mức. Chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng thiếu thường xuyên nên các hiện tượng tiêu cực có cơ hội phát triển. Đó cũng là nguồn gốc của tình trạng mất đoàn kết nội bộ và sa sút phẩm chất cách mạng của không ít cán bộ, đảng viên.
Công tác tổ chức cán bộ chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, xác lập cơ chế mới gắn liền với việc đổi mới tư duy.
3. Phương pháp lãnh đạo, biện pháp tổ chức và kiểm tra thực hiện chưa được quan tâm đúng mức. Việc sơ kết, tổng kết và nhân những điển hình tiên tiến trong toàn quận chưa làm tốt.
Những tồn tại trên, toàn Đảng bộ phải ra sức phấn đấu và khắc phục nhanh để đưa ra quận tiến lên một cách căn cơ, vững chắc hơn.
4. Việc mất đoàn kết kéo dài trong Ban Thường vụ Quận ủy đã làm hạn chế sự phát triển phong trào và thành tựu chung của quận.
Đảng bộ và nhân dân quận Gò Vấp rất tự hào với những thành tựu đã đạt được. Nó đã mở ra những khả năng phát triển mới mạnh mẽ hơn. Mặc dù còn những khó khăn và có tổn thất nhất định, song toàn Đảng bộ kiên quyết khắc phục, củng cố và tăng cường hơn nữa khối đoàn kết nhất trí ngay từ cơ sở và cả Ban Chấp hành Quận ủy. Đó cũng chính là bí quyết quyết định những thành tựu to lớn hơn của Đảng bộ và nhân dân quận Gò Vấp.
MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ TRONG NHỮNG NĂM
1986-1988 VÀ MỨC PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 1990
Để góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu phương hướng và nhiệm vụ cụ thể do Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ tư đã đề ra, xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương, trong những năm 1986-1988 và đến năm 1990, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Gò Vấp thực hiện mục tiêu: Phấn đấu ổn định và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân lao động, ra sức đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế “công – nông nghiệp”, tăng cường hoạt động của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, dịch vụ và xuất khẩu phục vụ cho sản xuất, tích cực đổi mới cơ chế quản lý, tiếp tục đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, phấn đấu giải quyết tốt các vấn đề văn hóa – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, và trật tự an toàn xã hội.
Yếu tố quyết định là thấu suốt quan điểm lấy dân làm gốc, nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy đúng mức quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, duy trì và phát động phong trào hành động cách mạng, thông qua thực tiễn phong trào mà không ngừng xây dựng chính quyền và xây dựng Đảng vững mạnh.
Mục tiêu trên được cụ thể hóa trong 8 nhiệm vụ chủ yếu sau:
I. TIẾP TỤC ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TTCN VÀ NÔNG NGHIỆP, RA SỨC THỰC HIỆN TIẾT KIỆM, CHỐNG THAM Ô, LÃNG PHÍ:
1. Sản xuất công nghiệp – TTCN:
Với tinh thần “tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” trong những năm tới phấn đấu xây dựng ngành cơ khí (phục vụ nông nghiệp, chế biến hàng tiêu dùng) và dệt thành những mũi nhọn chính, mạnh dạn tháo gỡ, đầu tư để đẩy mạnh sản xuất với tốc độ phát triển bình quân hàng năm từ 12% trở lên (khu vực quốc doanh là 35%), nâng công suất sử dụng máy móc, thiết bị từ 80% trở lên. Hướng phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học -kỹ thuật trong các ngành tạo ra nhiều mặt hàng mới và phong phú hơn. Đẩy mạnh việc liên kết liên doanh với các cơ sở công nghiệp và nông nghiệp của Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn quận. Coi trọng phát triển các mặt hàng chế biến phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng. Phấu đấu khép kín các khâu trong ngành dệt, khai thác và chế biến gỗ… Đầu tư và xây dựng thêm các cơ sở chế biến thực phẩm tổng hợp, chế biến thức ăn gia súc. Mở rộng ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm về hóa nhựa, ngành dệt đay, chiếu cói và các ngành thủ công mỹ nghệ thu hút được nhiều lao động, gắn chặt với thành phố trong liên doanh sản xuất với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa để xây dựng các cơ sở công nghiệp mới (Sài Gòn ôtô, điện tử, khu công nghiệp An Lộc…).
Đẩy mạnh công tác cải tạo, sắp xếp lại sản xuất, củng cố và tăng cường kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể làm cho kinh tế xã hội chủ nghĩa chiếm vai trò chủ đạo (đảm bảo cho khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa chiếm 85% giá trị tổng sản lượng, 80% lao động xã hội và 100% tư liệu sản xuất chủ yếu được tập thể hóa). Tổ chức sắp xếp phân cấp quản lý theo ngành kinh tế - kỹ thuật và quản lý theo địa bàn phường.
Hết sức coi trọng việc phát triển kinh tế cá thể, gia đình và kinh tế phụ theo tinh thần Quyết định 34 và 54 của Ủy ban nhân dân thành phố nhằm góp phần đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm sản phẩm cho xã hội, thu hút lao động và góp phần giải quyết bớt khó khăn trong đời sống của cán bộ công nhân viên và nhân dân lao động nghèo.
Gắn chặt sản xuất với lưu thông phân phối, đảm bảo chủ động tối đa việc đặt hàng, cung ứng vật tư, nguyên liệu cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của quận.
Những chỉ tiêu chủ yếu:
+ Giá trị sản lượng được thực hiện: 760 triệu năm 1987, đạt 910 triệu năm 1988 và trên 1 tỷ đồng năm 1990 (tính theo giá trị cố định năm 1982), trong đó giá trị sản lượng được thực hiện của khu vực quốc doanh 23% năm 1988 và 30% năm 1990 trong tổng giá trị sản lượng thực hiện công nghiệp tiểu thủ công nghiệp.
Nếu tính cả khu vực hợp tác xã thì giá trị sản lượng thực hiện của kinh tế xã hội chủ nghĩa chiếm tỷ trọng 76% năm 1988 và 85% năm 1990 trong giá trị tổng sản lượng toàn ngành.
- Giá trị xuất khẩu 9% năm 1988 và đến năm 1990 đạt 12% trong tổng giá trị sản lượng ngành.
- Giá trị giao nộp sản phẩm 85% năm 1988 và lên 90% năm 1990 trong tổng giá trị sản lượng ngành.
Khuyến khích phát triển kinh tế theo Quyết định 34 và 54 của Ủy ban nhân dân Thành phố, phát triển thêm 400 hộ, giải quyết cho 3.000 lao động chưa có việc làm ổn định và lao động nghèo, nâng tổng số lao động trong ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp lên 16.800 năm 1988 (chiếm % lao động xã hội của quận) và 20.000 năm 1990 (chiếm % lao động xã hội của quận).
2. Sản xuất nông nghiệp:
Tiếp tục củng cố nâng chất lượng và hiệu quả sản xuất của các tập đoàn sản xuất và các hợp tác xã. Phân cấp quản lý ruộng đất đầu tư xây dựng cơ bản các công trình điện, thủy lợi cho các phường. Tăng cường đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng quản lý tập đoàn, hợp tác xã. Tập trung chỉ đạo xây dựng quận trở thành vành đai thực phẩm cung cấp rau, sữa cho thành phố và tự lực về thịt và trứng. Đưa chăn nuôi lên ngành chính. Trước mắt, trong các năm 1986-1988 tập trung chỉ đạo tận dụng đất nông nghiệp, ổn định diện tích rau với những chủng loại rau cao cấp; phát triển cây thức ăn gia súc (cỏ, rau muống) phục vụ chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi heo, sữa bò, rau quả để nâng cao giá trị thu nhập nông nghiệp, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
a. Trồng trọt:
Đi sâu đầu tư thâm canh cây trồng với những chủng loại rau cao cấp có giá trị kinh tế cao và xuất khẩu. Đưa 100% diện tích đất sau điều chỉnh vào quản lý và sử dụng. Phấn đấu không để đất hoang thời vụ. Giá trị tổng sản lượng được thực hiện tăng bình quân hàng năm là 10%. Tổng sản lượng được thực hiện năm 1988 đạt 30.000 tấn. Duy trì và phát triển cây thức ăn gia súc (cỏ, rau muống) phục vụ đàn heo, bò sữa trong quận với tổng sản lượng năm 1988 đạt 14.000 tấn thức ăn.
Xây dựng vùng đất bưng thành vùng cây công nghiệp dừa, trồng xen thơm, mía, cây ăn trái. Đến năm 1988 có 20.000 cây để tạo nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp.
Phát triển cây bông và bông kiểng trong khu vực kinh tế gia đình (40 ha năm 1988).
b. Chăn nuôi:
Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng đàn heo, bò sữa và gà công nghiệp.
Phấn đấu đến năm 1988 đưa đàn heo trong quận lên 30.000 con, trong đó có 6.000 con heo nái. Tốc độ tăng bình quân 12%. Sản xuất hàng năm 8.000 tấn thức ăn gia súc tổng hợp. Bằng các biện pháp liên kết, gia công… đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi.
Phát triển mạnh việc chăn nuôi bò trong khu vực kinh tế tập thể, đến năm 1988 tổng đàn bò của quận phải có 3.000 con, trong đó có 500 con cho sữa. Cần có biện pháp quản lý và tiến tới chế biến số sữa vốn có của quận.
Năm 1987 xây dựng xong xí nghiệp liên doanh gia cầm với xí nghiệp chăn nuôi gia cầm Trung ương. Năm 1987-1988 đưa xí nghiệp vào hoạt động, hàng năm sản xuất 60.000 con gà giống để đạt 10 tấn thịt và… quả trứng.
Đưa diện tích sử dụng mặt ao hồ, ruộng nuôi cá, tôm lên 60 ha năm 1988, trong đó có 30ha mương dừa. Mở rộng quy mô hoạt động trại cá quốc doanh quận lên 10ha. Đẩy mạnh việc nuôi tôm ở Duyên Hải.
Xây dựng xí nghiệp chế biến nông sản (sữa bò, thịt heo, thịt gà và rau quả) để làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phục vụ đời sống và xuất khẩu.
3. Đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống:
Công tác khoa học kỹ thuật trên địa bàn quận có nhiệm vụ chủ yếu là đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất và phục vụ đời sống. Đồng thời chú trọng công tác nghiên cứu khoa học xã hội phục vụ cho yêu cầu phát triển văn hóa, giáo dục và y tế. Chú trọng công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế và công tác kế hoạch hóa ngay từ cơ sở sản xuất kinh doanh. Cần có những đề tài thiết thực tuy nhỏ song có hiệu quả kinh tế cao.
Mạnh dạn có chính sách phù hợp để thu hút và sử dụng số cán bộ khoa học kỹ thuật đang cư trú và công tác tại quận, tại thành phố và đặc biệt là trong các đơn vị kinh tế quốc phòng trú đóng.
4. Về xây dựng cơ bản, quản lý nhà đất và công trình công cộng:
Tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả các công trình đã và đang xây dựng dở dang. Coi trọng chất lượng xây dựng các công trình. Phấn đấu dứt điểm, không kéo dài thời gian xây dựng, phấn đấu đến năm 1987 làm xong qui hoạch xây dựng và cải tạo mặt bằng nhà phố, cơ quan, xí nghiệp. Vận dụng đúng đắn và có hiệu quả phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để đảm bảo nhu cầu đầu tư cho sản xuất. Tu sửa đường sá, hệ thống thoát nước, các công trình phúc lợi công cộng, công trình văn hóa, công trình lịch sử truyền thống. Quản lý chặt chẽ hiện trạng cấu trúc. Tiếp tục thực hiện hóa giá nhà cấp 3, cấp 4 để có vốn đầu tư cho những công trình mới. Nghiên cứu sắp xếp điều chỉnh giải quyết nhà ở cho một số cán bộ chủ chốt, cán bộ diện chính sách.
Tiếp tục đẩy mạnh sửa chữa nhà trong 3 khu vực: nhà nước, tập thể và nhân dân. Mỗi năm sửa chữa khoảng 15.000 mét vuông nhà. Vận dụng mọi phương thức để xây dựng mỗi năm thêm 30 căn nhà. Đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ công nhân viên và nhân dân xây cất nhà ở theo qui hoạch. Phát động rộng rãi trong nhân dân giúp nhau sửa chữa chống dột, phấn đấu không còn để một nhà nào rách nát.
Phấn đấu xây dựng xong khu hành chính quận, hội trường của trường Đảng. Phải cải tạo và xây dựng 2 chợ Gò Vấp và Thông Tây Hội. Phát triển trung tâm thương nghiệp và dịch vụ Ngã Năm lên quy mô 2ha. Mở rộng mặt bằng sản xuất của các xí nghiệp quốc doanh trên cơ sở có phương án mặt hàng ổn định của từng xí nghiệp. Xây dựng mới xí nghiệp Da giày, xí nghiệp liên doanh chăn nuôi gia cầm và hệ thống các kho tàng cho các đơn vị thương nghiệp phù hợp theo qui hoạch tổng thể.
Mỗi năm xây dựng thêm 40 phòng học để xóa học 3 ca. Hoàn thành việc xây dựng khoa nhi tại bệnh viện Quận.
Bằng các biện pháp thích hợp cần nhanh chóng xây dựng mới và phục hồi các cơ sở Văn hóa cũ sớm đưa vào phục vụ ở các Phường 11, 15, 12, 17, v.v…
Có kế hoạch biện pháp tốt để đến hết năm 1988 cơ bản hoàn thành việc giải tỏa các nghĩa trang trong Quận. Từng bước đưa các mặt bằng đó vào sử dụng theo qui hoạch.
Giao cho Ủy ban nhân dân Quận xác định các công trình ưu tiên trong từng thời kỳ để tập trung thi công, sớm đưa vào sử dụng có hiệu quả.
5. Giao thông vận tải và bưu điện:
Phấn đấu bảo đảm tốt các yêu cầu đi lại và thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời. Kết hợp thành phố xây dựng lại cầu Chợ cầu. Mở rộng và hoàn chỉnh đường Quang Trung. Củng cố chỉnh trang các đoạn đường trong quận, đường vào các tập đoàn hợp tác xã nông nghiệp tạo điều kiện lưu thông tiện lợi. Tiếp tục thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc sửa chữa tu bổ đường hẻm, cống rãnh ở các khu lao động, góp phần bảo vệ tốt môi sinh, môi trường. Quản lý tốt hơn về đầu phương tiện, nhiên liệu và giá cả đối với các loại xe do ngành giao thông vận tải quận quản lý.
II. ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG THƯƠNG NGHIỆP XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, TẬP TRUNG SỨC ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG, THIẾT LẬP TRẬT TỰ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRÊN MẶT TRẬN PHÂN PHỐI LƯU THÔNG, TÍCH CỰC CHĂM LO ĐỜI SỐNG CHO CBCNV LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VÀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG:
Thương nghiệp là mặt trận nóng bỏng nhất trong cuộc đấu tranh vô cùng gay gắt hiện nay, cần phải tập trung sức mạnh tổng hợp để củng cố phát triển nhanh khu vực thương nghiệp xã hội chủ nghĩa nhằm chiếm ưu thế trên thị trường bán buôn và bán lẻ. Phải coi trọng việc phát triển ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ có tính chất công nghiệp.
Trong 2 năm tới, phải nhanh chóng có biện pháp gắn chặt kinh doanh với sản xuất nhằm tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, tạo ra nguồn hàng tiêu dùng và xuất khẩu ổn định của quận. Phấn đấu lượng hàng này chiếm tỷ trọng từ 20% - 25% kế hoạch xuất khẩu. Tích cực hợp tác, liên doanh với các tỉnh, quận, huyện ban, đầu tư vào sản xuất, chế biến tạo chân hàng xuất khẩu và dịch vụ xuất khẩu.
Năm 1987 phải đạt kim ngạch xuất khẩu là 5 triệu USD.
Năm 1988 phải đạt kim ngạch xuất khẩu là 6 triệu USD.
Ưu tiên nhập vật tư nguyên liệu cho khu vực quốc doanh, hỗ trợ đắc lực cho khu vực tiểu thủ công nghiệp, đối lưu hàng hóa và tiêu dùng. Khuyến khích trên 600 gia đình tại quận có thân nhân nước ngoài gởi đô la, nguyên liệu, linh kiện, máy móc về để đầu tư cho sản xuất.
Năm 1988 ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải nắm cho được từ 60% - 70% lượng hàng nông sản thực phẩm và 80% - 90% lượng hàng công nghiệp tiểu thủ công nghiệp sản xuất tại quận để đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân trong quận và trao đổi với các đơn vị bạn.
Coi trọng việc xây dựng quỹ hàng hóa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại quận dùng để đối lưu với các địa phương bạn thông qua liên doanh, liên kết tạo cơ sở nguyên liệu ổn định cho sản xuất chế biến hàng tiêu dùng và cung ứng xuất khẩu.
Tiếp tục củng cố chất lượng hoạt động của các hợp tác xã tiêu thụ phường, sắp xếp quản lý theo quy hoạch thực hiện 3 quản đối với các hộ thương nghiệp và dịch vụ tư nhân, ngăn cấm kinh doanh không đúng chức năng, tranh mua tranh bán tự nâng giá trong ngành thương nghiệp.
Đến năm 1988 phấn đấu hoàn thành cơ bản cải tạo thương nghiệp tư doanh, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cửa hàng hợp tác kinh doanh, tổ chức sắp xếp tiểu thương buôn bán nhỏ ở chợ và các khu phố vào ngành hàng, đại lý, đảm bảo phân phối đến tay người tiêu dùng các mặt hàng chủ yếu với số lượng đủ và chất lượng cao. Ngành chủ quản cùng với phường thống nhất sắp xếp quản lý và kinh doanh các dịch vụ phục vụ thiết thực đời sống nhân dân lao động theo địa bàn dân cư như: cơm bình dân, cắt tóc, uốn tóc, may đo, sửa chữa…
Kết hợp 3 biện pháp: giáo dục, kinh tế và hành chính trong công tác cải tạo. Phát động quần chúng phát huy quyền làm chủ tập thể của mình thông qua các đoàn thể nhất là phụ nữ, đoàn thanh niên, công đoàn để đấu tranh quản lý thị trường, chống các hành động tiêu cực trong thương nghiệp, giáo dục tiểu thương chấp hành đúng luật lệ, chính sách của Nhà nước. Nắm vững quan điểm phục vụ, mở rộng mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, tỷ trọng chiếm lĩnh thị trường phải tăng nhanh nhất là các mặt hàng thiết yếu chiếm 90% trở lên, tỷ trọng bán lẻ đạt trên 75% để đủ sức phục vụ nhu cầu đời sống xã hội.
Các ngành ngân hàng, tài chính, thuế, quản lý thị trường, cải tạo phải thường xuyên nắm và phân loại chính xác các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, trên cơ sở đó chọn những người có tay nghề tốt sử dụng cho ngành thương nghiệp; phải làm tốt chức năng tham mưu cho Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận và thực hiện tốt vai trò hết sức quan trọng là góp phần ổn định mặt trận phân phối lưu thông thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển tình hình kinh tế xã hội tại quận.
Đẩy mạnh phong trào gởi tiền tiết kiệm, quản lý chặt chẽ tiền mặt, mở rộng thanh toán bằng chuyển khoản. Trên cơ sở kế hoạch kinh tế xã hội năm 1986-1988 các ngành tài chính, ngân hàng quản lý và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả nhất qua đầu tư vào sản xuất và kinh doanh, ưu tiên cho các cơ sở quốc doanh. Từng bước tiến tới tự cân đối ngân sách quận, triệt để tiết kiệm các loại chi phí hành chính và nghiệp vụ ngoài lương từ 30-50%.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để phát triển 5 trung tâm thương nghiệp và dịch vụ (chợ Gò Vấp, chợ Xóm Mới, chợ An Nhơn, Ngã Năm và Thông Tây Hội) nhằm hình thành mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa vừa có qui mô lớn để giao dịch, để trao đổi vừa đi sâu vào các khu vực dân cư, đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng, thiết thực phục vụ nhân dân lao động.
Trên cơ sở phát triển sản xuất và quan tâm phát triển kinh tế theo Quyết định 34 và 54 Ủy ban nhân dân thành phố tạo điều kiện cho người lao động có công ăn việc làm (phấn đấu thu hút 70% lao động chưa có việc làm ổn định) đồng thời có những biện pháp phân phối đúng, công bằng đề từng bước ổn định đời sống chung, nhất là cán bộ công nhân viên khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang và gia đình chính sách, neo đơn, lao động quá nghèo.
Năm 1987, ngoài việc thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước ban hành, phấn đấu trợ cấp thêm cho khoảng 5.000 cán bộ công nhân viên khu vực hành chính sự nghiệp không thu, giáo viên, cán bộ công nhân viên ngành y tế, lực lượng vũ trang bằng tiền (tương ứng với khoảng 10kg gạo/người/tháng, phân cấp như sau:
- Cấp phường phấn đấu tự lo cho cán bộ công nhân viên và lực lượng vũ trang phường mình (khoảng 600 người). Thành phố và quận lo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên y tế và hưu trí.
- Các đơn vị ban ngành, đoàn thể cấp quận tự cân đối lo được khoảng 1.400 người (có phương án giao cho đơn vị trong tình hình cụ thể).
- Quận sẽ tổ chức sản xuất, điều tiết ở các khu vực khác lo cho số còn lại khoảng 3.000 người (trong đó có phần của thành phố lo cho cán bộ công nhân viên ngành y tế và giáo dục).
Ngoài việc tổ chức và thực hiện đúng các chính sách của Nhà nước đối với diện chính sách là cơ bản, quận và phường cần quan tâm giúp đỡ và phát triển kinh tế gia đình, kinh tế phụ v.v… để giải quyết cuộc sống của cán bộ công nhân viên một cách căn cơ hơn.
Đối với lao động nghèo cũng trên cơ sở tổ chức thêm cơ sở sản xuất thu hút lao động tạo công ăn việc làm cho bà con nghèo là cơ bản. Phát huy tinh thần “nhường cơm xẻ áo” trong từng tổ dân phố. Có phương án cụ thể về chăm lo đời sống (cả tinh thần và vật chất). Phấn đấu không để nhà nào quá dột nát, ăn mặc thiếu, đói, rách rưới.
III. TÍCH CỰC ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ KINH TẾ:
Việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế mang nội dung rất toàn diện và rất cách mạng. Mục đích nhằm đẩy mạnh sản xuất với hiệu quả kinh tế và năng suất lao động ngày càng cao, đảm bảo việc phân phối theo lao động, công bằng, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Xóa hẳn chế độ tập trung bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Vận dụng đúng đắn các qui luật kinh tế xã hội chủ nghĩa và các đòn bẩy kinh tế, kết hợp với việc phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của quần chúng.
Khẩn trương bổ sung hoàn chỉnh qui hoạch tổng thể của quận đến năm 2000; trên cơ sở đánh giá sát, đúng tiềm năng về đất đai: lao động, ngành nghề, tay nghề khoa học kỹ thuật… để phát triển sản xuất, ổn định đời sống và giữ vững an ninh quốc phòng.
Không ngừng nâng cao vị trí và chất lượng công tác kế hoạch, làm cho công tác này ngày càng có tác động mạnh, thật sự là khâu trung tâm của sự phát triển kinh tế xã hội của quận. Củng cố tổ chức và lề lối làm việc của ban kế hoạch quận. Nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng kế hoạch từ cơ sở, biết phát huy tốt nhất các nguồn khả năng hiện có trong xây dựng kế hoạch, bố trí đầu tư theo dõi thực hiện v.v…
Củng cố và kiện toàn tổ chức các cơ quan quản lý sản xuất, các ngành kinh tế tổng hợp, bảo đảm cho bộ máy quản lý kinh tế thật sự gọn tinh, năng động sáng tạo, đạt hiệu quả cao và đạt yêu cầu của đổi mới cơ chế quản lý. Đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ tập thể của công nhân viên chức.
Năm 1987 phải phân cấp dứt điểm cho phường theo Quyết định 123/UBND thành phố để phường thực sự là cấp có kế hoạch, và phấn đấu tự cân đối ngân sách.
IV. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA – XÃ HỘI:
1. Ngành văn hóa thông tin:
Mục tiêu của công tác văn hóa thông tin là tiếp tục xây dựng nền văn hóa mới, con người mới ngay trong từng cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, cơ quan, tổ dân phố, khu phố. Xây dựng một đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, xây dựng tư tưởng tình cảm cách mạng trong sáng, có lối sống văn minh, “mình vì mọi người” kiên quyết chống lối sống bê tha, ăn bám, trốn tránh nhiệm vụ công dân, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, nhất là tệ nạn rượu chè. Đấu tranh phê bình công khai các hiện tượng tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội.
Công tác thông tin tuyên truyền phải nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính nhạy bén, phổ biến kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến quần chúng, động viên kịp thời phong trào hành động cách mạng của quần chúng từ quận đến cơ sở. Coi trọng việc nâng cao nội dung và có hình thức hoạt động phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời chủ động ngăn chặn có hiệu quả và kịp thời vạch trần các luận điệu chiến tranh tâm lý của địch.
Ngành văn hóa thông tin quận phải tập trung hơn nữa cho cơ sở, có kế hoạch hướng dẫn cụ thể, thiết thực trong công tác vận động xây dựng đời sống văn hóa mới, gia đình văn hóa mới. Có biện pháp thích hợp khôi phục và xây dựng một số tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quy mô nhỏ và vừa ở các khu vực Thông Tây Hội, An Nhơn, Xóm Mới.
2. Ngành Giáo dục:
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, Nghị quyết 03 của Thành ủy về công tác giáo dục. Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong việc giáo dục đào tạo thế hệ trẻ. Tích cực xây dựng lực lượng chính trị trong ngành giáo dục đến năm 1988, các cơ sở trường học đều có đảng viên hoặc tổ trung kiên. Đẩy mạnh công tác phát triển Đoàn viên thanh niên cộng sản trong đội ngũ giáo viên trẻ. Hoạt động của nhà trường phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng của địa phương. Các trường làm tốt nhiệm vụ: dạy chữ, dạy nghề, dạy người.
Về số lượng: phấn đấu đạt các chỉ tiêu: 25% các cháu vào nhà trẻ, 80% các cháu vào mẫu giáo, 98% các cháu 6 tuổi vào lớp 1, tỷ lệ lên lớp hàng năm từ 90% trở lên, bỏ học không quá 2,5% và 90% trẻ em nghèo thất học được vào các lớp. Phấn đấu đến năm 1988 thực hiện được phổ cập giáo dục cấp I cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi.
Về bổ túc văn hóa phấn đấu đến năm 1988 hoàn thành các chỉ tiêu theo tinh thần Chỉ thị 115 của Ban Bí thư và Chỉ thị 15 của Thành ủy đối với các thanh niên và cán bộ chủ chốt, mở nhiều loại hình trường lớp ở phường, phấn đấu phổ cập cấp I văn hóa cho nhân dân trong độ tuổi, từng bước phổ cập cấp 2.
Vế chất lượng: phấn đấu nâng cao chất lượng toàn diện theo mục tiêu đào tạo, trước hết là chất lượng tư tưởng chính trị và đạo đức (có lý tưởng và đạo đức xã hội chủ nghĩa, hành vi nếp sống văn minh; sẵn sàng chiến đấu và lao động theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước).
Về cơ sở vật chất: sửa chữa các cơ sở hư, cũ. Xây dựng mới 40 phòng học (mỗi năm) để đến năm 1988 xóa hẳn tình trạng học ca 3. Các trường trung cấp đủ các đồ dùng dạy học, trang thiết bị cho các ngành học.
Chăm lo tốt hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ thầy giáo, cô nuôi dạy trẻ. Tạo điều kiện thuận lợi cho thầy cô giáo an tâm, phấn khởi công tác.
Mở rộng hoạt động của trường dạy nghề của quận, đảm bảo đúng hướng, gắn chặt với các trung tâm hướng nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh đến học và thực tập. Chú ý hơn nữa đến hiệu quả giáo dục và hiệu quả kinh tế của các trung tâm ấy.
Kết hợp với Sở Giáo dục thực hiện việc phân cấp các trường cấp 3 cho quận quản lý một số mặt.
Tổ chức và động viên có hiệu quả phong trào toàn Đảng toàn dân, các cơ quan xí nghiệp, ban ngành, đoàn thể chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, tạo điều kiện tốt cho 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình, xã hội. Ngành chủ động bàn bạc với phường để sử dụng hợp lý và giải quyết việc làm cho các cháu học sinh học hết cấp 2, 3 mà không có điều kiện tiếp tục học nữa.
3. Ngành y tế:
Thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bằng các phương pháp đông – tây y kết hợp. Củng cố và đẩy mạnh phong trào 5 dứt điểm, phong trào trồng và sử dụng cây thuốc nam. Củng cố nội bộ và nâng cao chất lượng phục vụ của 4 đội chuyên ngành (vệ sinh phòng dịch; y tế lưu động; vận chuyển và cấp cứu; đội đặt vòng, kế hoạch hóa), khám và điều trị của các chuyênkhoa thuộc bệnh viện của tuyến khu vực và trạm y tế phường quản lý tốt các bệnh xã hội. Tổ chức sắp xếp và quản lý tốt các cơ sở ngành đông y. Hạ thấp tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,45 xuống còn 1,32% (1988) và 1,2% (1990).
Tăng cường công tác tổ chức và giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ công nhân viên của ngành, củng cố khối đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng và toàn ngành. Tiến tới thành lập Đảng ủy của ngành. Có biện pháp tích cực chăm lo đới sống cho anh chị em trong ngành.
4. Thể dục thể thao:
Nhanh chóng kiện toàn tổ chức và nhân sự. Xây dựng chi bộ Đảng, củng cố nâng cao chất lượng sinh hoạt các đoàn thể quần chúng. Coi trọng việc bồi dưỡng giáo dục chính trị, phong cách thể thao xã hội chủ nghĩa cho đội ngũ huấn luyện viên và vận động viên. Phát động sâu rộng phong trào rèn luyện thân thể trong quần chúng, đặc biệt phong trào thể dục buổi sáng. Phát triển thêm nhiều loại hình mới: thể dục thẩm mỹ, y võ dưỡng sinh v.v… Sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có. Cố gắng đưa vào các hoạt động có thu để chủ động tài chính và phát triển thêm các cơ sở mới với qui mô nhỏ, vừa thích hợp.
5. Thương binh xã hội:
Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và Mặt trận quận, phường hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đồng chí nghỉ hưu, thương binh gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, quân nhân và thanh niên xung phong đã hoàn thành nghĩa vụ trở về. Thực hiện tốt các chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước. Ưu tiên giải quyết công ăn việc làm cho thương binh, quân nhân, phục viên, hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Tổ chức và tạo điều kiện cho các đồng chí đã nghỉ hưu tham gia vào các hoạt động xã hội và sản xuất phù hợp với sức khỏe và năng lực, nhất là công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Coi đây là nhiệm vụ chính trị của người đảng viên.
Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng người công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu.
Có kế hoạch chăm lo xây dựng tình đoàn kết ở tổ, phường, giúp đỡ người già yếu, neo đơn, gia đình khó khăn, phấn đấu không để xảy ra đói rách.
Bằng trách nhiệm và tình thương cần nắm chắc các đối tượng tệ nạn xã hội, giúp họ tự cải tạo bằng lao động để trở thành người có ích cho xã hội.
V. TĂNG CƯỜNG AN NINH QUỐC PHÒNG, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI GIỮ VỮNG PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA:
1. Về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội:
Phát động mạnh mẽ và liên tục phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Coi đó là trách nhiệm của các cấp đoàn thể và nhân dân. Luôn nâng cao cảnh giác, kịp thời tấn công chống mọi hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng núp dưới mọi hình thức.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 22 của Quận ủy về công tác nắm hộ, nắm người. Củng cố và tăng cường mạng lưới an ninh nhân dân. Hết sức chú ý quan tâm công tác bảo vệ nội bộ, nhất là trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, các vụ xâm phạm làm thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn kịp thời, khám phá vụ việc xảy ra.
Phấn đấu làm giảm 45% vụ việc phạm pháp hình sự, phá án đạt 90%. Phấn đấu làm giảm thấp nhất xảy ra trọng án, nếu xảy ra thì phải khám phá 100%, kết hợp phục vụ tốt công tác cải tạo công thương nghiệp, tích cực tham gia quản lý thị trường, góp phần ổn định giá cả đời sống của nhân dân. Nghiêm trị bọn đầu cơ, phá hoại kinh tế, cướp của, giết người, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Tăng cường công tác giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng ý thức chấp hành luật lệ Nhà nước. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng cho được các đơn vị an toàn và khu vực an toàn liên hoàn. Phấn đấu đến cuối năm 1988 có 100% phường an toàn và 80% cơ quan xí nghiệp an toàn. Phấn đấu không để xảy ra cháy, nổ, nhất là các kho chứa vật tư, hàng hóa. Phát huy kết quả phong trào học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều dạy của Bác Hồ đối với công an nhân dân. Tiếp tục xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, tăng cường cho các đơn vị mũi nhọn cho cơ sở, xây dựnglực lượng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.
Có biện pháp tích cực chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ. Khắc phục mọi hiện tượng tiêu cực trong ngành công an.
2. Công tác quân sự địa phương:
Không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, bảo đảm đối phó có hiệu quả trong mọi tình huống. Tiếp tục củng cố và xây dựng chương trình huấn luyện phù hợp cho lực lượng tự vệ cơ quan, xí nghiệp, lực lượng dự bị cơ động 1 và 2. Phấn đấu xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đến năm 1988 chiếm 10% dân số đến năm 1990 chiếm 12%, có 15 đảng viên và 50% đoàn viên tham gia. Chủ động kết hợp chặt chẽ với công an, các đơn vị trú đóng trên địa bàn, xây dựng các phương án tác chiến đảm bảo huy động lực lượng nhanh nhất khi có yêu cầu.
Củng cố lực lượng tự vệ phường đủ mạnh, phối hợp cùng với lực lượng công an trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trong địa bàn trách nhiệm, quản lý chặt chẽ hơn nữa số thanh niên trong diện tuổi nghĩa vụ quân sự. Phấn đấu đến năm 1987 có 100 % phường đội trưởng là đảng viên, phường đội phó là đối tượng Đảng. Tuyên truyền và giáo dục trong lứa tuổi thanh niên và quần chúng nhân dân quan điểm quốc phòng toàn dân, thông suốt luật nghĩa vụ quân sự để ngày càng nâng cao chất lượng công tác giao quân. Xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm luật nghĩa vụ quân sự. Làm tốt hơn nữa công tác hậu phương quân đội, đẩy mạnh phong trào “Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Tích cực chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ.
3. Các hoạt động thanh tra trọng tài kinh tế, tư pháp kiểm soát, tòa án:
Tăng cường giáo dục kiến thức cơ bản về luật pháp, pháp chế xã hội chủ nghĩa cho nhân dân, cán bộ, đặc biệt số cán bộ hoạt động ở mạng lưới cơ sở để chủ động đấu tranh ngăn chặn kịp thời những hành động vi phạm pháp luật. Giải quyết kịp thời, nhanh các đơn thư khiếu nại và tố cáo. Phát huy hơn nữa quyền làm chủ tập thể quần chúng nhân dân lao động trong việc thực hiện và bảo vệ pháp luật, đường lối chính sách của Đảng và của Nhà nước. Có biện pháp chủ động ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp bao che, hoặc trù dập, ức hiếp những người khiếu tố, bất cứ ở cương vị nào. Đồng thời nghiêm khắc xử lý những trường hợp tố cáo sai sự thật, bọn phá hoại kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.
Công tác truy tố, xét xử phải đúng pháp luật đảm bảo phục vụ tốt cho yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tăng cường kiểm tra và giám sát việc thi hành án.
IV. QUÁN TRIỆT SÂU SẮC QUAN ĐIỂM LẤY DÂN LÀM GỐC, ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG VÀ PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA QUẦN CHÚNG:
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Các đoàn thể và mặt trận phải làm tốt chức năng giáo dục, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kinh tế xã hội của quận. Kịp thời phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng cho Đảng; phát hiện và nhân rộng những nhân tố mới, tích cực, đấu tranh kịp thời các hiện tượng tiêu cực ngay từ cơ sở. Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, làm cho toàn Đảng bộ nhận rõ công tác vận động quần chúng là gốc của mọi phong trào cách mạng, là trách nhiệm không phải chỉ của các đoàn thể và mặt trận, mà phải của từng cán bộ đảng viên, của tất cả các ngành, các cấp. Kiên quyết thực hiện phương châm: nói thẳng, nói thật với dân, thực hiện đúng khẩu hiệu: dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra, lời nói đi đôi với việc làm; tổ chức nghiêm túc việc tự phê bình trước quần chúng của các cơ quan chính quyền, các tổ chức Đảng cơ sở theo định kỳ. Cán bộ, đảng viên phải tham gia sinh hoạt đều đặn ở tổ dân phố nơi mình cư trú, tích cực làm công tác dân vận cơ sở. Kiện toàn Ban Chấp hành các đoàn thể và Ủy ban mặt trận Tổ quốc. Củng cố bộ máy làm công tác dân vận, báo cáo viên và tuyên truyền viên từ quận đến cơ sở. Các cấp ủy cần chú ý phân công một số cán bộ có năng lực, có uy tín phụ trách công tác dân vận.
+ Công đoàn: Đảm bảo cho cán bộ, công nhân viên thực sự tham gia quản lý, xây dựng và bàn biện pháp thực hiện kế hoạch trong các xí nghiệp, cơ quan, trường học, đồng thời giám sát việc thực hiện kế hoạch đó. Phát động mạnh mẽ phong trào thi đua sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đảm bảo ngày giờ công với năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả thiết thực. Cùng với chính quyền chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên, xét trợ cấp khó khăn kịp thời vận động phong trào sản xuất để tăng thu nhập, sử dụng tốt quỹ phúc lợi tập thể theo qui định.
Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Công đoàn từ cơ sở, nâng cao kiến thức quản lý kinh tế phát huy vai trò chức năng của Công đoàn tham gia quản lý kinh tế, đồng thời giám sát việc thực hiện các chủ trương, chế độ chính sách của chính quyền.
Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành có chức năng đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong cơ quan, trường học, gắn chặt với các phong trào ở địa phương với từng cơ sở bằng các biện pháp thích hợp xây dựng một số cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt sau giờ làm việc của cán bộ công nhân viên.
+ Hội nông dân tập thể:
Công tác Hội phải gắn chặt với nhiệm vụ cải tạo và phát triển sản xuất nông nghiệp. Phát huy quyền làm chủ tập thể của nông dân, nâng cao chất lượng các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Phát triển mạnh kinh tế gia đình, mở rộng các nghề thủ công trong các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.
Tích cực phổ biến và tổ chức ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tiếp tục vận động nông dân đi vào làm ăn tập thể, đẩy mạnh phong trào xây dựng cuộc sống mới lành mạnh, có văn hóa ở nông thôn. Cùng với các ngành chức năng hết sức quan tâm đến việc tổ chức sinh hoạt văn hóa tinh thần ở các vùng đông bà con nông dân.
+ Hội Liên hiệp Phụ nữ:
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức công tác bằng nhiều biện pháp, với từng chuyên đề theo từng đối tượng. Đẩy mạnh phong trào người phụ nữ mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vận động chị em tích cực góp sức vào các lĩnh vực sản xuất, phân phối lưu thông, tham gia quản lý thị trường, góp phần xây dựng mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, làm tốt công tác hậu phương quân đội, xây dựng gia đình văn hóa mới, sinh đẻ có kế hoạch, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Thực hiện tốt nam nữ bình đẳng, luật hôn nhân gia đình… Tiếp tục củng cố tổ chức hội và đội ngũ cán bộ Hội từ quận đến cơ sở tăng cường công tác giáo dục chính trị văn hóa và nghề nghiệp cho chị em. Phấn đấu đến hết năm 1988 làm chuyển biến số chị em phụ nữ chậm tiến, 65% hội viên đạt 4 nội dung.
+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc:
Tăng cường hơn nữa công tác xây dựng và củng cố vững chắc khối đoàn kết toàn dân, động viên khuyến khích các tầng lớp nhân dân các tôn giáo trí thức, người Hoa, sĩ quan chế độ cũ đã đi học tập về tham gia các phong trào thi đua yêu nước và hành động cách mạng khắc phục mọi khó khăn, để thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do Đảng đề ra, tạo điều kiện thuận lợi để anh chị em góp sức xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa bảo vệ hòa bình. Kiên quyết chống lại mọi âm mưu phá hoại của kẻ địch nhằm chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo chống phá cách mạng.
Thực hiện tốt chức năng làm đầu mối phối hợp hành động giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc. Xây dựng tổ chức cơ sở của Mặt trận vững mạnh, củng cố ban Mặt trận khu phố và tổ Mặt trận ở tổ dân phố, phát động phong trào phụ lão 3 giỏi, xây dựng quỹ bảo thọ để chăm sóc người già.
+ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Nhiệm vụ quan trọng nhất của Đoàn Thanh niên hiện nay là giáo dục chủ nghĩa cộng sản và giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh thiếu niên. Đoàn phải tập trung mọi cố gắng cải tiến nội dung hình thức hoạt động thật sinh động và phù hợp với từng đối tượng thanh niên nhằm đào tạo một thế hệ cán bộ trẻ kế thừa có đủ phẩm chất chính trị, có kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật và năng lực công tác, xứng đáng là cánh tay đắc lực, là lực lượng hậu bị của Đảng.
Muốn giáo dục thanh niên trước hết phải thu hút đông đảo thanh niên vào các phong trào hành động cách mạng. Qua lò lửa cách mạng ấy Hội Giáo dục cho thanh niên tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đối với tập thể và xã hội, về lối sống trong sạch, lành mạnh, có lý tưởng, có đạo đức cách mạng, về dũng khí đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái mới, chống tiêu cực, bảo thủ, trì trệ. Đoàn phải làm nòng cốt trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tham gia đổi mới cơ chế quản lý đấu tranh chống tiêu cực, thực hiện nghĩa vụ quân sự… Phải xem hiệu quả phong trào là chính, lấy hiệu quả để đánh giá phong trào, khắc phục những biểu hiện hình thức, phô trương.
Thông qua phong trào hành động cách mạng của thanh niên để phát triển Đoàn. Phấn đấu nâng cao tổng số đoàn viên chiếm 40% trong thanh niên. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh. Chú trọng phát triển Đoàn trong thanh niên công nhân, nông dân, nhất là thanh niên trực tiếp sản xuất, thanh niên trong các cơ sở xung yếu về kinh doanh phân phối lưu thông… Đi đôi với việc củng cố các tổ chức Đoàn ở cơ sở, phải tích cực kiện toàn tổ chức Quận đoàn với yêu cầu bộ máy tinh gọn, có hiệu suất công tác cao và hiệu lực chỉ đạo với phong trào tốt. Củng cố tổ chức để nâng cao hoạt động của Hội Liên hiệp thanh niên, tập hợp 100% thanh niên vào tổ chức.
Đoàn phải phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể và các ngành chức năng chăm sóc giáo dục tốt hơn nữa thiếu niên nhi đồng bằng các hình thức phong phú, sinh động. Củng cố hoạt động của đội thiếu niên tiền phong và đội nhi đồng Hồ Chí Minh.
+ Ủy ban thiếu niên nhi đồng:
Cần làm tốt chức năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng. Phối hợp tốt hơn nữa hoạt động của các ngành và đoàn thể để đạt hiệu quả cao hơn. Duy trì và phát triển các phong trào tuổi nhỏ làm việc nhỏ công tác Trần Quốc Toản, làm theo 5 điều Bác Hồ dạy. Coi trọng việc chăm sóc giáo dục mầm non, đặc biệt chú trọng con em gia đình chính sách, trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi, vận động tổ chức đưa đại bộ phận các cháu không có điều kiện đến lớp ban ngày vào các lớp văn hóa ban đêm, các trường dạy nghề kiên trì giáo dục số thanh thiếu niên hư hỏng. Cố gắng dành thêm 1 số cơ sở vật chất cho hoạt động thiếu nhi. Quan tâm nâng chất lượng bữa ăn trưa của các nhà trẻ, mẫu giáo.
VII. TĂNG CƯỜNG CỦNG CỐ HỆ THỐNG CHÍNH QUYỀN TỪ QUẬN ĐẾN PHƯỜNG VỮNG MẠNH LÀM TỐT CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ QUẢN LÝ KINH TẾ, BẢO ĐẢM QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG:
Để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng đề ra cần phải củng cố, kiện toàn và tăng cường hiệu lực bộ máy chính quyền từ quận đến cơ sở, thông qua bầu cử Hội đồng nhân dân cấp quận và phường. Trước mắt phải tập trung giải quyết một số công việc sau đây:
- Tích cực đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền, tăng cường tính nhân dân và tính CM của chính quyền, khắc phục triệt để các biểu hiện của tác phong quan liêu, xa rời quần chúng. Dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển mạnh sang cơ chế mới.
- Phải thực hiện cho được qui chế làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân từ quận đến phường đảm bảo thật sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Điều hòa tốt hoạt động của các ngành khối chính quyền, đề cao tinh thần hỗ trợ hợp tác xã hội chủ nghĩa xuất phát từ lợi ích chung của quận.
- Mạnh dạn sắp xếp tinh giảm bộ máy quản lý hành chính Nhà nước, giải thể các đơn vị hành chính trung gian kém tác dụng và hợp nhất các đơn vị có tính chất hoạt động giống nhau để hoạt động có hiệu quả hơn.
- Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận, bổ sung cán bộ đầy đủ cho các cơ quan tham mưu có trình độ nghiệp vụ quản lý kinh tế, quản lý xã hội đã qua trường lớp và thực tiễn. Tăng cường chuyên chính vô sản xuất là trên mặt trận sản xuất và phân phối lưu thông, kiên quyết trừng trị bọn tiêu cực nội bộ và làm ăn phi pháp.
- Mỗi quí 1 lần tổ chức họp liên tịch giữa Ủy ban nhân dân, các ngành chức năng với các đoàn thể và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để bàn bạc và thống nhất chủ trương, biện pháp giải quyết những vấn đề có liên quan đến quần chúng.
- Từng 6 tháng đối với quận và 3 tháng đối với phường, Ủy ban nhân dân cần báo cáo công khai trước nhân dân tình hình thực hiện kế hoạch, quyết định của Hội đồng nhân dân, nhất là đối với những vấn đề về đời sống vật chất và văn hóa của quần chúng.
- Tiếp tục thực hiện việc phân cấp cho phường theo tinh thần Quyết định 30 của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, phù hợp với khả năng của phường. Củng cố và tăng cường cho cấp phường đủ mạnh, đảm bảo thực sự là cấp ngân sách, kế hoạch toàn diện.
VIII. XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ VỮNG MẠNH TRÊN CẢ 3 MẶT CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG VÀ TỔ CHỨC. KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO SỨC CHIẾN ĐẤU, NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ NĂNG LỰC TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐẢM BẢO THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT DO ĐẠI HỘI ĐỀ RA:
1. Về xây dựng Đảng:
a) Về công tác tư tưởng:
Phải đảm bảo cho toàn Đảng bộ có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, củng cố niềm tin vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đề ra. Tích cực trang bị cho cán bộ đảng viên những quan điểm mới về đường lối xây dựng kinh tế - xã hội trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ, trước hết những quan điểm kinh tế của Đảng. Phải quán triệt đến tận đảng viên Nghị quyết của Trung ương và Thành phố, đặc biệt Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IV. Giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường quan điểm của người đảng viên trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa 2 con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.
Xây dựng ý thức cảnh giác cách mạng, đập lại, những luận điệu chiến tranh tâm lý của bọn phản cách mạng. Củng cố sự đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ trên cơ sở đấu tranh tự phê bình và phê bình, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, hẹp hòi, bản vị, mọi biểu hiện phe cánh. Kiên quyết bài trừ những biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị, vô kỷ luật về mặt tổ chức, thoái hóa về lối sống, quan liêu về tác phong, bảo thủ trong cách nhìn sự việc. Nêu cao tính trung thực, thẳng thắn, tin yêu nhau nói thật, lời nói đi đôi với việc làm bài trừ thói lừa dối, cơ hội, nịnh bợ và mọi nguyên nhân gây ra mất đoàn kết nội bộ làm giảm sức chiến đấu của Đảng bộ. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin cho cán bộ, đảng viên với hình thức tập trung, tại chức. Bảo đảm tất cả đảng viên của Đảng bộ học xong chương trình lý luận chính trị theo yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ. Mỗi đảng viên phải đề cao ý thức tổ chức kỷ luật “nói và làm theo Nghị quyết của Đảng”. Phải dám chịu trách nhiệm về lời nói và việc làm của mình. Hàng tháng tổ chức “Ngày chính trị” trong toàn bộ Đảng bộ. Ban Tuyên giáo và Văn phòng Quận ủy có trách nhiệm chuẩn bị nội dung cụ thể. Nâng cao trách nhiệm của chi bộ về công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác quản lý chăm sóc đảng viên. Củng cố Ban Tuyên giáo để đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy trên lĩnh vực chính trị tư tưởng. Phần đấu từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho trường Đảng quận bằng các biện pháp thích hợp.
Ban sưu tầm lịch sử Đảng phấn đấu hoàn chỉnh bản sơ thảo truyền thống giai đoạn chống Mỹ 1954-1975. Giúp 3 xã cũ (Hạnh Thông, Thông Tây Hội và An Nhơn) viết truyền thống đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ để làm cơ sở xây dựng truyền thống của xã và quận. Có kế hoạch sưu tầm và khôi phục các địa chỉ đó để đưa vào giáo dục truyền thống của Đảng bộ thành phố và quận nhà cho thế hệ trẻ, củng cố và hoàn thiện hoạt động của nhà truyền thống.
b) Công tác tổ chức và cán bộ:
Việc lựa chọn đào tạo, bố trí cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, trước hết là yêu cầu thực hiện đổi mới cơ chế quản lý. Đổi mới đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý khả năng tiếp thu cái mới, năng động với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phát huy đúng mức đội ngũ cán bộ hiện có, thực hiện tốt quy hoạch đào tạo chuẩn bị đội ngũ kế thừa trước mắt và lâu dài, mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, nữ qua thực tiễn công tác đã tỏ ra có phẩm chất và năng lực. Phải có quan điểm đúng đắn trong việc đánh giá cán bộ, khắc phục các khuynh hướng sai. Từng bước giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về tổ chức cán bộ.
Nhanh chóng củng cố, kiện toàn tổ chức và cấp ủy các cơ sở Đảng ở phường và ban ngành. Sắp xếp bố trí đảng viên phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của từng đồng chí. Kết hợp đúng đắn giữa cán bộ mới và cũ, cán bộ lớn tuổi và cán bộ trẻ, bảo đảm sự kế thừa liên tục. Phấn đấu từng bước tiêu chuẩn hóa cán bộ về các mặt văn hóa, chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Coi trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận (cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên môn). Phát huy trách nhiệm, hiệu lực lãnh đạo, quản lý và chăm sóc giáo dục đảng viên của từng đơn vị cơ sở. Thực hiện tốt các chính sách và chế độ đối với cán bộ.
Cải tiến lề lối làm việc, giữ vững chế độ làm việc theo qui chế, thực hiện nghiêm túc chế độ đi cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, báo cáo chính xác và kịp thời từ cơ sở. Khắc phục nhanh tình trạng lẫn lộn chức năng giữa Đảng và chính quyền, cũng như buông lơi sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và các đoàn thể, nhất là ở cơ sở.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng ở các chi bộ cơ sở, thực hiện tự phê bìnhvà phê bình thường xuyên. Có biện pháp quản lý chặt chẽ đảng viên, ngăn ngừa sai phạm làm cho tổ chức Đảng thực sự làm đúng chức năng, đặc biệt vai trò lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện các mặt công tác chuyên môn, lãnh đạo các tổ chức quần chúng phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chuyên chính vô sản từ quận đến cơ sở, phát huy vai trò bộ tứ trong từng đơn vị. Xây dựng chi bộ cơ sở thành những đơn vị vững mạnh và trong sạch.
Phải đưa công tác phát triển Đảng vào nề nếp trên cơ sở có qui hoạch, có yêu cầu. Trong nhiệm kỳ tới phấn đấu phát triển 220 đảng viên mới, trong đó có 85% - 90% là đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Quan tâm đúng mức đến việc phát triển đảng trong công nhân trực tiếp sản xuất. Kết hợp với việc phát triển Đảng cần tích cực xây dựng các tổ trung kiên, điều động hợp lý đảng viên, đoàn viên cho các cơ sở còn trắng, nhất là khu vực sản xuất tập thể, trường học, y tế, thể dục thể thao, các cửa hàng, các công ty và khu vực đường phố.
c) Công tác kiểm tra:
Tăng cường tính chủ động trong công tác kiểm tra việc thực hiện các chủ trương chính sách và Nghị quyết của Đảng theo chương trình công tác hàng năm, 6 tháng và hàng quý của Quận ủy và của từng cơ sở Đảng nhằm thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chung. Thường xuyên theo dõi kiểm tra việc giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng và hoạt động của cán bộ, đảng viên. Thực hiện 4 nề nếp giữ gìn kỷ luật Đảng. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách đã thoái hóa biến chất, tê liệt ý chí cách mạng, bàng quan vô trách nhiệm, không còn uy tín với quần chúng. Các trường hợp khuyết điểm sai lầm của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng đều phải được cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng đều phải được kiểm điểm và xử lý nghiêm minh, kịp thời chính xác. Tổ chức tốt công tác tiếp dân và giải quyết nhanh chóng các thư, đơn khiếu nại, tố cáo của quần chúng nhân dân đối với đảng viên. Giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng sau đợt tự phê bình và phê bình. Củng cố tổ chức và nếp công tác của Ủy ban kiểm tra quận và công tác kiểm tra của các Đảng bộ, phường, ban ngành.
VỀ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN:
Để biến Nghị quyết Đại hội thành hiện thực, phải tạo cho được một phong trào cách mạng của quần chúng, hăng hái thi đua lao động xã hội chủ nghĩa một cách sâu rộng, liên tục và sôi nổi. Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể quần chúng phải triển khai Nghị quyết đại hội đến tận cán bộ, đảng viên, hội viên và có chương trình kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Trước hết, phải phát huy thắng lợi đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình vừa qua, các cấp ủy và từng cán bộ, đảng viên có biện pháp cụ thể sửa chữa ngay những sai sót. Đồng thời phải có nhận thức đúng đắn đầy đủ tính chất phức tạp, quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ; đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng đối với âm mưu phá hoại nhiều mặt của địch. Phải tiếp tục giáo dục để nâng cao trách nhiệm và tính chiến đấu cách mạng của Đảng viên trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân kiên định nhận thức rõ ràng giữa ta, bạn, thù, đối tượng cách mạng và những yêu cầu bức thiết trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Rèn luyện tác phong, đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công, vô tư làm cho mỗi đảng viên phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành và trong các chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp Nhà nước. Trước hết Ban Chấp hành Quận ủy phải thực sự đoàn kết, mà Ban Thường vụ là trung tâm, trên cơ sở đề cao việc giữ gìn kỷ cương, nguyên tắc của Đảng, đề cao tự phê bình và phê bình định kỳ (6 tháng 1 lần) thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tiếp tục củng cố tổ chức các cơ sở Đảng ban, ngành, đoàn thể từ quận đến phường để đủ sức tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công. Từng ngành, từng phường phải chú trọng công tác qui hoạch đội ngũ cán bộ, chú trọng đội ngũ kế cận, mạnh dạn tinh giảm bộ máy và có kế hoạch đưa đi bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn theo qui hoạch, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết kịp thời thay đổi những cán bộ không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, nữ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt.
Trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng từng bước khắc phục ngay những thiếu sót, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Kiện toàn các cơ quan có chức năng tham mưu trong công tác quản lý kinh tế - xã hội, để mọi hoạt động thực sự đi vào nề nếp đúng hướng đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác cao.
Phải cải tiến lề lối làm việc của Ban Chấp hành quận Đảng bộ, đảm bảo tính năng động và mối quan hệ hữu cơ giữa Đảng chính quyền, giữa Đảng với đoàn thể, giữa chính quyền với đoàn thể, giữa quận với thành phố và giữa các ngành cấp quận với phường. Phấn đấu giảm bớt hội họp và đảm bảo mọi cuộc họp phải thiết thực, đạt chất lượng cao. Sau hội nghị phải có quyết định và phân công trách nhiệm cụ thể, định rõ thời gian hoàn thành. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, thỉnh thị, tiếp tục củng cố và nâng lên chất lượng công tác thông tin bảo đảm tính kịp thời, chính xác và trung thực, phục vụ tốt yêu cầu lãnh chỉ đạo của Quận ủy và Ủy ban nhân dân quận.
Hết sức coi trọng và tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra việc tổ chức chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chương trình kế hoạch của chính quyền và các đoàn thể. Cần làm tốt công tác chỉ đạo thí điểm và sơ, tổng kết kịp thời. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập và nhân điển hình tiên tiến đi vào chiều sâu, có tác dụng thiết thực, tránh phô trương hình thức.
Đại hội giao cho Ban Chấp hành có trách nhiệm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội bằng Nghị quyết từng năm, 6 tháng, quý, kế hoạch từng tháng và chương trình công tác hàng tuần để thực hiện.
Qua 11 năm đấu tranh cải tạo, xây dựng và bảo vệ Đảng bộ Gò Vấp chúng ta đã tích lũy được một số kinh nghiệm quý báu, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có bước trưởng thành từ trong thực tiễn. Với truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân lao động có sự hỗ trợ giúp đỡ các ban ngành, đoàn thể thành phố, các đơn vị kinh tế quốc phòng trú đóng và các đơn vị có liên kết hợp tác toàn Đảng bộ phải quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IV, góp phần với thành phố và cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lấn thứ IV. Tất cả đảng viên của quận Đảng bộ phải xác định rõ trách nhiệm rất nặng nề và cũng rất vinh dự của người chiến sĩ Cộng sản phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà đại hội đại biểu quận Đảng bộ đã đề ra.
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ
QUẬN GÒ VẤP LẦN THỨ IV