Thứ Hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024

Tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội IX của Đảng trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 10 lần VIII

Thực hiện chỉ thị 53-CT/TW của Bộ chính trị về mở đại hội Đảng bộ các cấp tiến đến đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, ngày 12/10/2000. Ban chấp hành Đảng bộ Quận đã chỉ đạo tổ chức thảo luận các văn kiện Trung ương. Sau gần hai tháng thực hiện các cơ sở Đảng thuộc Quận 10 đã tiến hành tổ chức thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, sâu sắc, thiết thực, thể hiện được tâm tư tình cảm, nỗi lo lắng bức xúc của đảng viên ở nhiều mức độ khác nhau nhưng đều nói lên tấm lòng của đảng viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới. Nhìn chung, các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo của Trung ương và đánh giá cao chất lượng các dự thảo đã nhìn thẳng và phản ánh đúng sự thật, đã từ tầm nhìn khái quát trong thế kỷ 20, thành quả của 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ và kế hoạch 5 năm cuối thế kỷ 20; đồng thời xuất phát từ thực tiễn đất nước và nguyện vọng thiết tha của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân để đánh giá và đề ra phương hướng phát triển đất nước trong giai đoạn trước mắt và thập niên tới.

Bên cạnh sự thống nhất cao đối với dự thảo; những vấn đề đảng viên còn băn khoăn và yêu cầu Trung ương cần đầu tư nhiều hơn các giải pháp cụ thể; đó là một số vấn đề lý luận về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, vấn đề về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, làm rõ hơn khái niệm bóc lột và cụ thể hóa đảng viên lao động không bóc lột, … và một số chính sách về kinh tế và xã hội, đặc biệt là vấn đề tạo môi trường thông thoáng trong hoạt động kinh tế, khai thác và phát huy cho được tiềm năng rất dồi dào trong nhân dân; chính sách về tiền lương, hưu, nhà ở, chính sách y tế và giáo dục - đào tạo đối với diện chính sách và nhân dân lao động nghèo là những vấn đề bức xúc, … Tuy nhiên, về mặt hạn chế: trình độ đảng viên của Đảng bộ Quận không đồng đều, thời gian nghiên cứu tài liệu ít, việc tập trung thảo luận những nội dung trọng tâm đã được hướng dẫn, gợi ý chưa được tập trung nên nhiều lúc còn thiên về phản ánh tình hình, bứùc xúc cá nhân.

Nhìn chung, các ý kiến đi đúng yêu cầu trọng tâm, thẳng thắn và thiết thực. Các vấn đề đảng viên của đảng bộ Quận thảo luận được khái quát theo các vấn đề sau:

I. VIỆT NAM TRONG THẾ KỶ XX VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN TRONG THẾ KỶ XXI:

- Hầu hết ý kiến đồng tình với nhận định đánh giá khái quát về thế kỷ XX đối với Việt Nam là thế kỷ của những biến đổi to lớn và sâu sắc, thế kỷ đấu tranh gian nan, oanh liệt của nhân dân ta giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thế kỷ của những chiến công và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại, nhất là trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng lãnh đạo nhân dân kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội đã giành được những thắng lợi vĩ đại: từ một nước không có tên trong bản đồ thế giới, một nước thuộc địa đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa có quan hệ quốc tế rộng rãi, có tiếng nói và vị trí ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Hầu hết ý kiến đồng tình về dự báo thế kỷ XXI, là thế kỷ có nhiều biến đổi to lớn về sâu sắc. Đó là thế kỷ mà khoa học công nghệ sẽ có những bước nhảy vọt chưa từng thấy. Kinh tế tri thức sẽ chiếm vị trí ngày càng lớn. Toàn cầu hoá là một xu thế khách quan ngày càng có nhiều nước tham gia, sự tự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản để khắc phục mâu thuẫn cơ bản vốn có... song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử.

Tuy nhiên, về dự báo những năm đầu của thế kỷ XXI (trang 7,8) có ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung về nhận định đánh giá ở một số đoạn cụ thể như sau:

- “...Trong khoảng 10-15 năm tới ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba,...” (dòng 4 trang 7, từ trên xuống) dự đoán tình hình thế giới và khẳng định thời gian như trên là không nên và đề nghị sửa lại là:”...Trong thời gian trước mắt ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba,...”.

- “...Đất nước còn nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên, lao động...” (dòng 23, trang 7, từ trên xuống) xác định tiềm năng lớn về tài nguyên là không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, vì tài nguyên rừng, biển, khoáng sản đang bị khai thác một cách vô tội vạ, không có kế hoạch dẫn đến tài nguyên đất nước bị cạn kiệt.

- “...Bốn nguy cơ mà Đảng ta từng cảnh báo vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp...” ( dòng 2, trang 8, từ trên xuống) đề nghị bổ sung và sửa lại nguy cơ “tham nhũng” thành nguy cơ “ suy thoái, biến chất, mất vai trò lãnh đạo của Đảng” và đưa nguy cơ này lên hàng đầu vì quan liêu tham nhũng, suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên là nghiêm trọng, chưa được khắc phục có hiệu quả sẽ dẫn đến mất vai trò lãnh đạo của Đảng.

II. TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC 5 NĂM QUA VÀ SAU 15 NĂM ĐỔI MỚI:

- Hầu hết ý kiến đồng tình với đánh giá tổng quát tình hình 5 năm qua và sau 15 năm đổi mới đất nước tuy gặp rất nhiều khó khăn thách thức về khách quan lẫn chủ quan nhưng đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội là do Đảng ta có bản lĩnh chính trị vững vàng và đường lối lãnh đạo đúng đắn, Nhà nước có cơ chế chính sách phù hợp với công cuộc đổi mới, toàn dân và toàn quân ta có lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, đoàn kết nhất trí ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Về khuyết điểm yếu kém (trang 11,12):

Đa số ý kiến đồng tình, chỉ phân tích sâu thêm về mức độ và bổ sung những vấn đề cụ thể như sau:

Yếu kém, khuyết điểm thứ ba (đoạn cuối, trang 11) về “cơ chế chính sách còn thiếu và chưa tạo được động lực mạnh để phát triển”

Đa số ý kiến cho rằng nhìn nhận yếu kém khuyết điểm như Dự thảo nêu là chưa thoả đáng vì cơ chế, chính sách không chỉ thiếu những chính sách mạnh mẽ, có tính đột phá để giải phóng lực lượng sản xuất mà còn có một số chính sách khi đề ra xa rời thực tiễn, không khả thi trong thực hiện, không công bằng, có dấu hiệu thoát ly định hướng xã hội chủ nghĩa như chính sách đầu tư để công nghiệp hóa hiện đại hoá nông thôn, nông nghiệp chưa được tập trung thoả đáng, hàng năm lượng nông sản hàng hoá bị ứ đọng nhiều, không có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững; chính sách trợ giá không kịp thời dẫn đến nông sản mất giá thiệt hại cho người sản xuất hàng hoá; trong khi đó lại đề ra chính sách thuế đối với nông dân có thu nhập cao, chính sách đối với người có công, chính sách khen thưởng đãi ngộ với những người tham gia kháng chiến, đóng góp hy sinh cho đất nước là không thoả đáng và chậm được thực hiện; chính sách quy hoạch, đền bù giải toả chưa phù hợp với thực tế và trong thực hiện bị biến dạng qua nhiều tầng nấc hành chính quan liêu nên đã dẫn đến nhiều phản ứng gay gắt trong nội bộ nhân dân, làm xói mòn lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Yếu kém, khuyết điểm thứ tư (dòng đầu trang 12) về “Một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị suy thoái về phẩm chất, đạo đức, yếu kém về năng lực và trình độ chuyên môn...kỷ cương phép nước chưa nghiêm”

Đề nghị Trung ương có định lượng về “một bộ phận” là bao nhiêu, ở cấp nào, ngành nào? Vì hiện nay đang là lực cản trong quá trình phát triển đi lên của đất nước vừa gây lo ngại trong nội bộ Đảng và nhân dân.

Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm yếu kém, khuyết điểm như sau: nguy cơ chệch hướng có biểu hiện trầm trọng hơn mặc dù đã được nêu ra trong Đại hội VIII của Đảng để khắc phục (không chệch hướng ở đường lối, chủ trương mà chệch hướng trong tổ chức thực hiện); đầu tư cho quan hệ sản xuất chưa đúng mức; nhân tố con người chưa được chú trọng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đổi mới chính trị chưa theo kịp đổi mới kinh tế, phát huy dân chủ chưa đạt hiệu quả, Đảng chưa tập trung đúng mức trong đổi mới phương thức lãnh đạo; việc xử lý các vi phạm của cán bộ đảng viên chưa triệt để và thiếu nghiêm khắc dẫn đến giảm lòng tin trong dân.

- Về nguyên nhân chủ quan của yếu kém khuyết điểm (trang 12):

Đa số ý kiến đồng tình với 4 nguyên nhân chủ quan mà dự thảo đã nêu nhưng cần nhấn mạnh làø sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên; sự lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, thất thoát tài sản của nhân dân trong các vụ án kinh tế... chính là những nguyên nhân chủ quan dẫn đến những yếu kém, khuyết điểm trong thời gian qua.

III. MẤY VẤN ĐỀ VỀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở NƯỚC TA.

Hầu hết ý kiến đồng tình về cách nêu vấn đề và phân tích đầy đủ, sâu sắc vừa có tính lý luận, vừa tổng kết thực tiễn phong phú những thành tựu đạt được qua 15 năm đổi mới đã chứng minh tính đúng đắn của Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII.

Do đó, những nội dung chủ yếu của phần này về khẳng định xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường chủ nghĩa xã hội trên nền tảng là chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tất yếu phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ; động lực chủ yếu để phát triển đất nước là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của đại đoàn kết dân tộc, phát huy khả năng của các thành phần kinh tế và toàn xã hội vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phù hợp với xu thế của thời đại cũng như yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên có ý kiến đề nghị bỏ “Mấy vấn đề” chỉ giữ lại “về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” để trong quá trình nghiên cứu không còn vướng mắc và bổ sung vào động lực chủ yếu để phát triển (dòng 14, trang 16, từ dưới lên) là: ”nâng cao dân trí, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân,...xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

IV. ĐƯỜNG LỐI KINH TẾ VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN:

Hầu hết ý kiến đồng tình với đường lối kinh tế của Đảng và mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2001-2010) mà dự thảo đã nêu.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nhấn mạnh về trang bị lại kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho các ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ mà mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội có nêu. Vì vấn đề công nghiệp hóa hiện đại hoá nông thôn, nông nghiệp là vấn đề mấu chốt, búc xúc hiện nay cần có những chính sách, cơ chế toàn diện mạnh mẽ về đầu tư khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nhân lực để khai thác có hiệu quả nội lực về tiềm năng thế mạnh của nông thôn, nông nghiệp nhằm tạo động lực đẩy nhanh công nghiệp hóa hiện đại hoá đất nước.

Ngoài ra còn có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn về cơ sở để thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu như: đến năm 2005 phấn đấu đạt nhịp độ tăng GDP ít nhất 7%/năm, đến năm 2010 GDP tăng gấp đôi năm 2000, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn khoảng 50%.

Về phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế với nhiều hình thức tổ chức kinh doanh:

Đa số ý kiến đồng tình với nội dung phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế với nhiều hình thức tổ chức kinh doanh như Dự thảo nêu là phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, phù hợp với quy luật khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu, hình thành nhiều thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật với những hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng, đan xen, hỗn hợp.

Bên cạnh vẫn còn băn khoăn lo lắng:

- Các thành phần kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước đang phát triển mạnh, trong khi đó kinh tế Nhà nước hiện nay chưa đủ sức giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; kinh tế thị trường mặt tích cực là thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội rất mạnh nhưng mặt trái lại phân hoá giàu nghèo rất nhanh, khoảng cách về đời sống giữa thành thị với nông thôn và miền núi ngày càng xa.

- Hệ thống pháp luật tuy từng bước được xây dựng, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu công cuộc đổi mới nhưng việc thực thi còn nhiều thiếu sót, thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều tầng nấc, tình trạng quan liêu, sách nhiễu của cán bộ công chức chưa được xử lý triệt để nên hạn chế đến thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Mặt khác, việc quản lý Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế còn nhiều sơ hở, bất cập, đội ngũ cán bộ hoạt động trong các doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế về trình độ, năng lực chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới.

- Công tác cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi hình thức sở hữu các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn còn chậm.

V. PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN:

Hầu hết ý kiến đồng tình với quan điểm của Đảng: đại đoàn kết toàn dân là một đường lối chiến lược cơ bản, lâu dài, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hoá đất nước và những chính sách, pháp luật của Nhà nuớc để đảm bảo thực hiện chiến lược cơ bản lâu dài về đại đoàn kết toàn dân.

Tuy nhiên có ý kiến đề nghị:

Cần đánh giá việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân trong thời gian qua những mặt được, chưa được và tìm ra nguyên nhân để thực hiện tốt hơn đường lối chiến lược cơ bản, lâu dài. Vì trong thời gian qua việc ức hiếp, nhũng nhiễu, vi phạm quyền dân chủ vẫn còn xảy ra, huy động sức dân quá nhiều trong thực hiện chủ trương xã hội hoá trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, từ thiện nhân đạo, nhưng chưa đề cập về chính sách bồi dưỡng sức dân.

Việc xây dựng và ban hành chính sách đối với cán bộ lão thành cách mạng, những người có công với nước, với cán bộ nghỉ hưu còn nhiều bất cập, gây nhiều phản ứng trong đội ngũ này.

VI. XÂY DỰNG CHỈNH ĐỐN ĐẢNG, NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG:

Hầu hết ý kiến đồng tình nhận xét đánh giá về sự lãnh đạo của Đảng trong 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và chứng minh sựï trưởng thành của Đảng, nhất là từ đại hội VIII đến nay Đảng đã giành nhiều công sức tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị và thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, bước đầu đạt được một số kết quả và kinh nghiệm quan trọng. Đồng thời Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm bộc lộ ra trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xử lý bằng nhiều hình thức kỷ luật Đảng, bằng pháp luật đối với không ít cán bộ đảng viên sai phạm, kể cả một số cán bộ cao cấp, từng bước củng cố được lòng tin của nhân dân.

Có ý kiến nhấn mạnh thêm cuộc vận động, xây dựng chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu là do việc xử lý cán bộ đảng viên sai phạm không nghiêm khắc, kịp thời, còn nể nang, bao che; việc bố trí cán bộ còn chú trọng đến cơ cấu mà chưa thật sự chú trọng đến đạo đức, năng lực, phẩm chất; công tác kiểm tra Đảng còn lỏng lẻo, dân chủ trong Đảng chưa có hình thức và nội dung thích hợp; việc tu dưỡng rèn luyện của cán bộ đảng viên chưa gương mẫu, nghiêm túc còn mang nặng tư tưởng cá nhân, tham vọng quyền lực, danh lợi nên dẫn đến sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ đảng viên là nghiêm trọng chưa được khắc phục có hiệu quả, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

- Hầu hết ý kiến đồng tình việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm và nỗ lực cao hơn, tạo sự chuyển biến cơ bản trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức mà trong những năm tới tập trung thực hiện 5 biện pháp theo Dự thảo đề ra là đầy đủ, không cần bổ sung thêm gì.

Thông báo