Thứ Hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024

Tổng hợp ý kiến đóng góp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI QUA 10 NĂM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC 1991-2000 VÀ 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ VIII:

Hầu hết ý kiến đồng tình và khẳng định rằng trong quá trình thực hiện Chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm trong điều kiện đất nước chịu nhiều khó khăn, thách thức: chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan vỡ; Mỹ vẫn tiếp tục bao vây, cấm vận; các thế lực thù địch tìm cách phá hoại ta trên nhiều mặt; tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính khu vực cùng với thiên tai nghiêm trọng liên tiếp xảy ra đã đặt cho nền kinh tế đất nước trước những thử thách quyết liệt nhưng với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp với đường lối đổi mới, toàn dân nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách đã giành được những thành tựu to lớn và rất quan trọng trong thực hiện Chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm mà Dự thảo đã nêu.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung, phân tích thêm yếu kém và nguyên nhân so với Dự thảo nêu là:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sau 10 năm tăng gấp đôi, nông nghiệp trong 2 kỳ kế hoạch đều tăng nhưng ngược lại việc đầu tư về cơ chế, chính sách, về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nhân lực cho nông thôn, cho nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng, đời sống của một bộ phận nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng thường bị thiên tai, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, không ổn định.

- Cần đánh giá sâu hơn công tác cải cách hành chính không chỉ chậm, thiếu kiên quyết mà thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho nhân dân, nhất là ở các ngành hải quan, thuế, nhà đất, công an...đang là lực cản gây bất bình trong nhân dân.

- Cần đánh giá sâu hơn về bước chuyển biến quan trọng của quan hệ sản xuất.

II. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:

Hầu hết ý kiến đồng tình với nội dung về mục tiêu tổng quát và quan điểm phát triển của Chiến lược 10 năm 2001-2010 cùng với mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2001-2005 mà Dự thảo đã nêu đã thể hiện được yêu cầu của cuộc sống, đòi hỏi của nhân dân, khả năng của đất nước, xu thế của thời đại.

Tuy nhiên, mục tiêu tổng quát được cụ thể hoá thành các chỉ tiêu phấn đấu trong thời kỳ Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm có ý kiến lo ngại khó hoàn thành một số chỉ tiêu chủ yếu vì trong những mặt yếu kém, bất cập hiện nay là không ít chủ trương, chính sách chưa được chấp hành nghiêm chỉnh, thậm chí bị biến dạng qua các tầng nấc hành chính quan liêu, cải cách hành chính tiến hành chậm, công tác tổ chức cán bộ chậm đổi mới. Do đó đề nghị cần làm rõ hơn cơ sở, khả năng thực hiện để các chỉ tiêu chủ yếu sau đây trở thành hiện thực:

- Đến năm 2005 phấn đấu đạt nhịp độ tăng GDP ít nhất 7%/năm đến năm 2010 GDP tăng gấp đôi, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 61,3% hiện nay xuống 56-57% năm 2005 và còn khoảng 50% năm 2010; đến năm 2005 không còn hộ đói, số hộ nghèo về cơ bản đến năm 2010 không còn, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ VÀ CÁC VÙNG:

Hầu hết các ý kiến đồng tình với định hướng phát triển các ngành kinh tế và các vùng như Dự thảo nêu.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể như sau:

- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp cần phải có chính sách toàn diện, đưa nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ về cây trồng, vật nuôi, về bảo quản, chế biến hàng hoá nông thủy sản để tăng sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Mặt khác Nhà nước cần xây dựng và ban hành ngay chính sách bảo hộ về giá cả cho nông nghiệp, tìm thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho nông sản hàng hóa và phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để thu hút lao động nông nghiệp chuyển dần sang các ngành nghề mới nhằm thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp theo mục tiêu của Chiến lược đề ra và bớt áp lực tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn.

- Định hướng phát triển từng vùng cần phải cân đối, hợp lý, trong đó cần có cơ chế, chính sách mềm dẻo thích hợp để huy động các nguồn lực trong nước, ngoài nước đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm đã được xác định để phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng nhanh, không nên đầu tư tràn lan. Đồng thời có chính sách quan tâm đến các vùng căn cứ, vùng sâu, vùng thường bị thiên tai để giảm bớt những khó khăn, rút ngắn khoảng cách về đời sống giữa thành thị, nông thôn.

- Chỉ tiêu đến năm 2010 đạt từ 10-12 máy điện thoại/100 dân đề nghị xem lại cơ sở để thực hiện chỉ tiêu này. Vì đời sống nông thôn, nhất là các vùng thường xuyên bị thiên tai gặp nhiều khó khăn, điện khí hóa nông thôn chưa đều khắp…

- Phát triển các ngành dịch vụ là đúng nhưng cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế khác tham gia kinh doanh về điện, nước, bưu chính viễn thông để xóa bỏ cơ chế độc quyền, bớt phiền hà cho nhân dân.

IV. HÌNH THÀNH ĐỒNG BỘ THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA:

Hầu hết ý kiến đồng tình với nội dung được nêu trong Dự thảo thể hiện rõ quan điểm tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới.

Bên cạnh đó, có ý kiến góp ý cụ thể như sau:

- Dự thảo khẳng định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế là đúng với đường lối của Đảng nhưng trong thời gian qua việc sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành lập các Tổng công ty nhưng thực tế hiện nay vai trò các Tổng công ty Nhà nước chưa đủ mạnh để làm nòng cốt trong các ngành kinh tế quan trọng; cung cách hoạt động chưa thật sự đổi mới, hiệu quả không cao; thậm chí phát sinh thêm tầng nấc là Tổng công ty. Do đó, trong thời gian tới, nhất là Việt Nam thực hiện cam kết với tổ chức AFTA, thực hiện Hiệp định thương mại Việt-Mỹ nếu không được tập trung đầu tư về cơ chế, chính sách, về cán bộ, về cung cách hoạt động phù hợp thì các doanh nghiệp Nhà nước sẽ khó thực hiện được vai trò nòng cốt trong nền kinh tế.

- Việc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn và chuyển đổi hình thức sở hữu đối với các doanh nghiệp Nhà nước loại nhỏ mà Nhà nước không cần nắm như: bán, khoán, cho thuê và sáp nhập, giải thể, phá sản các doanh nghiệp Nhà nước không hiệu quả là điều cần thiết để huy động các nguồn lực trong nước, nước ngoài, tạo thêm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá, chuyển đổi các hình thức sở hữu doanh nghiệp Nhà nước phải có bước đi cụ thể, trọng điểm, không tràn lan và đề phòng xu hướng tư nhân hoá trong các ngành kinh tế then chốt.

V. PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ:

Hầu hết ý kiến đồng tình với các nội dung được nêu trong dự thảo về định hướng phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, trên lĩnh vực giáo dục đào tạo có nhiều ý kiến góp ý cụ thể như sau:

- Cần đưa mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, có đạo đức sư phạm là mục tiêu hàng đầu trong chính sách phát triển giáo dục vì nếu không có đội ngũ giáo viên “vừa hồng vừa chuyên” thì không thể có một nền giáo dục tiên tiến. Hiện nay, lĩnh vực giáo dục-đào tạo vẫn còn bất cập. Nội dung, chương trình giảng dạy chưa ổn định, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục chưa đầy đủ, còn lạm dụng sức dân trong huy động vốn để đầu tư cơ sở vật chất nên gây nhiều thắc mắc, phản ứng; việc quản lý các loại hình giáo dục ngoài công lập còn lúng túng, tình trạng sử dụng bằng cấp giả và tiêu cực trong thi cử chưa được ngăn chặn có hiệu quả; chưa có chính sách căn cơ để giải quyết tình trạng thừa giáo viên giảng dạy ở thành thị và thiếu giáo viên giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa.

VI. PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ XÃ HỘI:

Hầu hết ý kiến đồng tình với các nội dung về phát triển văn hóa xã hội mà Dự thảo đã nêu.

Để làm rõ hơn về các nội dung cụ thể, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm những vấn đề sau đây:

- Cần tập trung công tác quản lý có hiệu quả các di sản văn hóa, các di tích lịch sử và có chính sách phù hợp để đầu tư tôn tạo, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, mở rộng giao lưu với bên ngoài và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.

- Cần có số liệu thống kê cụ thể các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy để đánh giá đúng thực trạng đề ra biện pháp đồng bộ, khả thi giải quyết có hiệu quả tệ nạn này.

- Cần đầu tư về cơ chế, chính sách chế độ đãi ngộ hợp lý để khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị về truyền thống đấu tranh cách mạng, về sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hoá, về con người Việt Nam. Đồng thời cần quản lý chặt chẽ và có xử lý kiên quyết hơn các hành vi du nhập sản phẩm văn hóa đồi trụy, độc hại vào Việt Nam.

- Cần có chính sách hợp lý hơn trong thực hiện chủ trương xã hội hóa trên lĩnh vực y tế để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển cơ sở khám, điều trị bệnh cho nhân dân. Có chế độ đãi ngộ tương xứng để hạn chế tình trạng bác sĩ ra trường chỉ tập trung làm việc ở các thành phố lớn, thị xã trong khi đó nông thôn, vùng căn cứ, vùng sâu, vùng xa đang rất cần đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

VII. ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, XÂY DỰNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC TRONG SẠCH VỮNG MẠNH:

Hầu hết ý kiến đồng tình với nội dung nêu trong Dự thảo về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch vững mạnh.

Vấn đề cải cách hành chính, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch vững mạnh tuy đã được các nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 7 (khóa VIII) cụ thể hóa quan điểm Nghị quyết Đại hội VIII nhưng rất nhiều ý kiến đề nghị tập trung bổ sung làm rõ các vấn đề cụ thể như sau:

- Cần đưa công tác chống quan liêu, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ công chức hiện nay là công tác quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong thời điểm hiện nay để làm trong sạch bộ máy Nhà nước và củng cố niềm tin của nhân dân. Trong xử lý phải nghiêm minh, công khai cho nhân dân biết, tránh tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”.

- Tổ chức thực hiện việc kiện toàn hợp lý tổ chức bộ máy Nhà nước cần nghiên cứu kỹ về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cấp, từng ngành để không lặp lại tình trạng “tách-nhập”, “nhập-tách” như đã qua và có quy định cụ thể về trách nhiệm quyền hạn của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước để không đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi khách quan.

- Đề nghị khắc phục có hiệu quả tình trạng chậm trễ, không đồng bộ hiện nay là các văn bản luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ có hiệu lực thi hành nhưng phải chờ khá lâu các thông tư hướng dẫn thực hiện của các cơ quan chuyên môn có liên quan nên đã gây nhiều khó khăn, ách tắc trong tổ chức thực hiện chủ trương chính sách ở địa phương. Mặt khác, công tác kiểm tra tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách còn nhiều yếu kém, tình trạng vi phạm quyền dân chủ, vi phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân vẫn còn xảy ra trên một số lĩnh vực về nhà đất, quy hoạch đền bù giải toả.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC:

Hầu hết ý kiến đều đồng tình với các nội dung đã nêu trong dự thảo về việc lựa chọn các lĩnh vực then chốt để tập trung sức đột phá trong thực hiện Chiến lược, về cải tiến các biện pháp tổ chức thực hiện và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện được quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề quyết định để đảm bảo cho chiến lược được thực hiện thắng lợi.

Thông báo