Thứ Hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024

Tổng hợp ý kiến đáng góp dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ Thành phố khóa VI tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ VII trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 10 lần VIII

Thực hiện chỉ thị 53-CT/TW của Bộ chính trị về mở đại hội Đảng bộ các cấp tiến đến đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, ngày 12/10/2000, Ban Thường vụ Quận ủy Quận 10 tổ chức đóng góp ý kiến văn kiện Thành phố trong lực lượng cán bộ chủ chốt của Quận. Hầu hết các cán bộ, đảng viên tham gia đã tập trung trí tuệ nghiên cứu, thảo luận đóng góp văn kiện với tinh thần trách nhiệm và ý thức xây dựng cao. Nhiều ý kiến phát biểu xác đáng, sâu sắc thể hiện được trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết với mỗi bước đi lên của Thành phố. Xu hướng chung của các góp ý là thẳng thắn, xây dựng; phân tích cả hai mặt: thành tựu, ưu điểm và tồn tại, khuyết điểm; trong đó các ý kiến tập trung phân tích sâu đối với các khuyết điểm - đặc biệt là các khuyết điểm có nguyên nhân chủ quan; nội dung góp ý của cán bộ và đảng viên thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố đối với công cuộc đổi mới và mong muốn qua thực tiễn, Thành phố sẽ có những kinh nghiệm sâu sắc hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.

A- VỀ VẤN ĐỀ CHUNG:

Có 2 dạng ý kiến khác nhau :

Một số ý kiến cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung, tiêu đề, cách diễn đạt trình bày trong dự thảo; nhất trí với nhiều đánh giá trong dự thảo.

Nhiều ý kiến khác chưa hoàn toàn nhất trí với dự thảo báo cáo chính trị do:

Cách viết quá cô đọng, các nhận định đánh giá trình bày trong dự thảo chưa sâu sắc, chỉ dừng ở mức nêu vấn đề; nội dung dàn đều từng phần chưa tương xứng với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ ở một Thành phố lớn có vị trí và vai trò đối với khu vực, cả nước và trong giao lưu quốc tế. Phần đánh giá công tác xây dựng Đảng mờ nhạt, chưa phân tích những vấn đề then chốt, có ý nghĩa chi phối toàn bộ quá trình lãnh đạo và chỉ đạo của thành phố.

Có ý kiến nhận xét dự thảo còn đơn giản, thiếu một số mặt công tác quan trọng: về lãnh đạo công tác nội chính, Hội cựu chiến binh, Công tác thanh niên và đề nghị cần phải bổ sung đánh giá sâu sắc hơn.

B- NỘI DUNG GÓP Ý CỤ THỂ :

PHẦN I: NHỮNG BIẾN ĐỔI 5 NĂM QUA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ:

Đa số cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố.

Tuy nhiên hạn chế của dự thảo:

Nhìn chung, nội dung dự thảo báo cáo chính trị chưa phản ánh được yêu cầu, nhiệm vụ Thành phố công nghiệp, trung tâm của khu vực và của cả nước trên nhiều mặt.

Hạn chế nổi bật của dự thảo là phần đánh giá xây dựng hệ thống chính trị còn quá sơ lược, chưa đi vào phân tích sâu các vấn đề then chốt, bức bách của công tác xây dựng Đảng và xây dựng bộ máy nhà nước. Một số chủ trương lớn, quan trọng và bức xúc trong thời gian qua như: phát huy và khai thác tiềm năng thế mạnh của thành phố công nghiệp, trung tâm; giải phóng năng lực sản xuất; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; bảo vệ an ninh quốc gia; xây dựng các thiết chế văn hóa chưa được phân tích sâu. Điều quan tâm và tâm đắc của nhiều cán bộ, đảng viên là: Thành tựu trong 5 năm qua trên các lĩnh vực khá nhiều, song khuyết điểm tổn thất cũng lớn, nhưng chưa nêu bật được vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thành phố trong thành tựu, cũng như trong khuyết điểm, tồn tại.

Về lĩnh vực kinh tế:

Các ý kiến phân tích xoay quanh việc lãnh đạo của Đảng bộ thành phố đối với kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh; trong đó các ý kiến tập trung góp ý và đánh giá hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ đối với phát triển kinh tế trên địa bàn; nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ đối với kinh tế nhà nước còn thấp, quản lý kinh tế ngoài quốc doanh và liên doanh với nước ngoài còn lỏng lẻo; chưa có mô hình tổ chức phù hợp với cơ chế mới, quyền lợi của công nhân lao động chưa được đảm bảo. Nhiều ý kiến phân tích những tổn thất lớn qua các vụ trọng án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là sự yếu kém trong lãnh đạo, quản lý; bộ máy lớn nhưng không phát huy được hiệu quả lãnh đạo và quản lý. Thành ủy cần làm rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm đối với các vụ án lớn.

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về con người, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chánh, nhưng thiếu chủ trương, chính sách thu hút, đãi ngộ, phát huy khai thác nguồn lực chất xám trên địa bàn, chưa thật sự đi vào mũi nhọn của một thành phố công nghiệp, có tiềm năng về khoa học và công nghệ; mặt khác kinh tế Thành phố ít có những sản phẩm đặc trưng, đầu tư đổi mới công nghệ còn thấp. Tiến hành cổ phần hóa chậm, chương trình kích cầu của Thành phố đạt thấp; cải cách hành chánh chậm, hiệu quả hạn chế chưa tạo được môi trường đầu tư thuận lợi và điều kiện để khai thác tiềm năng, nguồn lực trong nhân dân.

Ở phần này, nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá thêm về thực trạng phân công, phân cấp, quản lý và duy tu cơ sở hạ tầng kĩ thuật của Thành phố còn những yếu kém, bất cập; gây nhiều lãng phí, phiền hà và là nỗi lo lắng của nhân dân…

Về hoạt động khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo:

Có ý kiến cho rằng phần đánh giá về khoa học – công nghệ và giáo dục - đào tạo của dự thảo chưa sâu, chưa tương xứng với đặc điểm của thành phố công nghiệp có nhiều tiềm năng, thế mạnh về khoa học, công nghệ. Một trong những hạn chế trong nhiệm kỳ qua được nhiều cán bộ, đảng viên quan tâm là thành phố chưa thể hiện chưa được vai trò và vị trí trung tâm của mình. Các mặt hạn chế, khuyết điểm trong khoa học – công nghệ và giáo dục - đào tạo có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thành phố trong giai đoạn vừa qua.

Về đời sống văn hóa- xã hội:

Các vấn đề được cán bộ đảng viên quan tâm nhiều là vấn đề việc làm, nhà ở, đời sống văn hóa cơ sở, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mãi dâm, ma túy; vấn đề phân hóa giàu nghèo và phân phối chưa công bằng trong thực hiện một số chủ trương lớn như xã hội hóa, …

Riêng đối với việc thực hiện chủ trương xã hội hóa – dự thảo đánh giá chưa toàn diện sự chuyển biến về nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội, chưa đánh giá hết được hiệu quả tích cực của chủ trương xã hội hóa tạo ra; ngược lại đánh giá mặt tồn tại trong thực hiện chủ trương này ở một số nơi, một số ngành còn sai lệch; điều bức thiết hiện nay là cần làm rõ chủ trương xã hội hóa, không chỉ dừng lại ở nhận thức các quan điểm, phương châm thực hiện mà phải có những chính sách, qui định nhà nước một cách đồng bộ để đảm bảo chủ trương xã hội hóa được thực hiện đúng hướng, trong đó nhiều ý kiến đề cập nhiều đến vai trò và trách nhiệm của nhà nước trong thực hiện chủ trương xã hội hóa – không nên hiểu xã hội hóa là “giao toàn bộ trách nhiệm cho xã hội, cho dân làm mà phải có phần trách nhiệm chủ lực của Nhà nước”.

Có ý kiến yêu cầu cần khẳng định phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, … đây là một suy nghĩ năng động, sáng tạo và sát thực của Thành phố đã khơi dậy một chủ trương chung hợp lòng dân. Mặt khác, có ý kiến cho rằng Thành phố chưa thường xuyên giữ và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo này – mà nguyên nhân sâu xa là Thành phố chưa thực hiện tốt phương châm hướng về cơ sở, chưa sát cơ sở.

Về giữ vững ổn định chính trị :

Một số ý kiến cho rằng mảng quốc phòng đánh giá còn sơ sài, thiếu sâu sắc về quan điểm thực hiện nền an ninh quốc phòng toàn dân. Một số ý kiến khác băn khoăn về các sai phạm của một số đơn vị vũ trang trong một số vụ án kinh tế lớn; một số hoạt động về nhà hàng, thể dục thể thao, … ngay trong các doanh trại quân đội chưa được thành phố quan tâm lãnh đạo.

Một số ý kiến nhấn mạnh và khẳng định về bốn nguy cơ mà Trung ương đã nêu hiện nay vẫn còn – Tuy nhiên, ở từng nơi, từng thời điểm các nguy cơ đó lại có mức độ và tác động khác nhau, thành phố cần có đánh giá sâu về vấn đề này để nâng cao hiệu quả lãnh đạo và giải quyết thật tốt một số vấn đề bức xúc hiện nay.

Về xây dựng hệ thống chính trị:

Nhìn chung các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo. Tuy nhiên có ba vấn đề cán bộ đảng viên quan tâm:

Một là, công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhưng chưa được đầu tư đánh giá đúng mức. Đa số ý kiến cho rằng dự thảo thiếu phân tích sâu sắc thực trạng nhận thức tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua – mà những khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng của cán bộ, đảng viên có nguyên nhân sâu xa từ những hạn chế của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền – Đây cũng là nguyên nhân của những tư tưởng lệch lạc, vi phạm nguyên tắc kỉ luật đảng và vi phạm pháp luật nhà nước gây tổn thất không nhỏ cho Đảng, cho dân.

Hai là, về xây dựng bộ máy nhà nước, đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ – Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo chưa đánh giá sâu thực trạng chất lượng cán bộ nhất là chất lượng chính trị của bộ máy, về vai trò và chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân để nhằm mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - “nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Nhận xét chung trong phần này là Đảng bộ chưa thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo xây dựng Nhà nước mang bản chất nhân dân sâu sắc. Tệ quan liêu, cửa quyền, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân chưa được đánh giá phân tích nguyên nhân để có giải pháp khắc phục. Hiện tượng cán bộ công chức quan liêu, hách dịch, xa rời nhân dân, thờ ơ trước những lợi ích và vấn đề bức xúc của nhân dân ngày càng phát triển và đã có những dấu hiệu không bình thường, chưa được Đảng bộ thành phố quan tâm lãnh đạo đúng mức.

Ba là, phần đánh giá hoạt động các Đoàn thể - Mặt trận còn quá chung, chưa thấu suốt quan điểm công tác dân vận của Bác và ý kiến của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nêu trong thư gửi cho Đảng bộ và nhân dân thành phố. Chưa đánh giá hết được vai trò của Mặt trận, đoàn thể đóng góp cho thành quả chung của Thành phố.

Về nguyên nhân yếu kém, tồn tại – Đa số thống nhất với dự thảo và bổ sung thêm nguyên nhân chủ quan về nhận thức và phong cách làm việc của Thành ủy – Đó là nhiều vấn đề bức xúc, tồn tại kéo dài nhưng chưa được giải quyết triệt để và kịp thời; sự chậm trễ và bất cập trên không phải chỉ do nguyên nhân “bộ máy và cán bộ bất cập so với yêu cầu” (như dự thảo trình bày) mà do lãnh đạo thiếu kiên quyết, thiếu sâu sát cơ sở, chưa thật sự dựa vào dân để lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện.

Có một số ý kiến đề nghị Ban thường vụ Thành ủy thông tin kết quả kiểm điểm của Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành ủy cho cơ sở để tránh có những đánh giá hoặc ngộ nhận do tác động dư luận qua vấn đề điều động cán bộ chủ chốt của thành phố.

PHẦN II: NHIỆM VỤ XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN VÀ BẢO VỆ THÀNH PHỐ 5 NĂM 2001-2005:

Đối với phần mở đầu và mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Thành phố trong 5 năm tới, các ý kiến đều thống nhất. Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị cần phân tích, phát hiện nêu rõ tiềm năng của Thành phố trước thiên niên kỷ mới để từ đó có cơ sở đề ra các mục tiêu kinh tế - xã hội sát hơn.

Đi vào từng phần cụ thể các ý kiến đóng góp như sau:

Về phương hướng và mục tiêu phát triển kinh tế:

Các ý kiến đóng góp thống nhất với các chỉ tiêu phát triển kinh tế, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần xác định rõ vai trò trung tâm đối với khu vực trong phát triển kinh tế, hiện nay vai trò này đang ngày một giảm. Trong quá trình phát triển kinh tế cần chú ý phát huy lợi thế so sánh của Thành phố đối với các tỉnh và khu vực phía nam, trong phương hướng phải tập trung tạo môi trường lành mạnh và thuận lợi cho đầu tư phát triển thương mại-dịch vụ-công nghiệp. Cần có những giải pháp thiết thực cụ thể để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Với chỉ tiêu bình quân GDP đầu người đến năm 2005 là 2000 USD, các ý kiến thảo luận thống nhất, tuy nhiên có ý kiến cho rằng chỉ tiêu này là cao, đề nghị bình quân GDP đầu người là 1600 – 1800 USD là phù hợp.

Để khẳng định vị trí trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp của khu vực phía Nam và cả nước, Thành phố nên xác định trong phương hướng tập trung khai thác phát triển công nghệ tin học, đồng thời chú trọng đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục.

Theo dự thảo Nghị quyết đại hội IX: Đảng ta khẳng định: chiến lược phát triển của đất nước ta là chiến lược dựa vào tri thức, nội dung công nghiệp hóa nước ta là vận dụng các yếu tố kinh tế tri thức và ba giải pháp chủ yếu là cơ chế quản lý, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia, cải cách hành chánh và tạo khuôn khổ pháp lý; Thành phố được xác định là trung tâm của khu vực và cả nước, song phương hướng phát triển kinh tế của thành phố chưa thể hiện rõ nét về nhiệm vụ này.

Đối với nhiệm vụ phát triển công nghiệp như phương hướng đã nêu đa số thống nhất và đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ: cần chú trọng đến việc phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và các sản phẩm từ cây công nghiệp vì đây là thế mạnh của Thành phố và phù hợp với vị trí của Thành phố.

Về khoa học- công nghệ môi trường và giáo dục đào tạo:

Đa số ý kiến đều nhất trí với dự thảo, đồng ý với cách đặt vấn đề môi trường như trong phương hướng, tuy nhiên không nên khuôn hẹp việc bảo vệ môi trường chỉ ở các vùng kênh rạch (như dự thảo trình bày) mà cần hiểu môi trường theo nghĩa rộng như điều kiện cân bằng sinh thái, cân bằng cuộc sống con người; do đó cần đặt vấn đề bảo vệ môi trường đối với bất kỳ khu vực nào trên địa bàn thành phố.

Về vấn đề giáo dục-đào tạo được nhiều cán bộ, đảng viên quan tâm tham gia nhiều ý kiến; trong đó nổi lên là chỉ tiêu thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở vào năm 2002; đối với vấn đề này có hai loại ý kiến khác nhau:

--                Một là cho việc vạch ra chỉ tiêu như vậy là phù hợp với yêu cầu khách quan của một thành phố công nghiệp và yêu cầu phát triển trong tương lai.

--                Một ý kiến khác cho rằng chỉ tiêu vạch ra là khá cao, khó thực hiện, cần nghiên cứu lại và xây dựng cho phù hợp với tình hình của Thành phố (nhất là đối với các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ…).

Về vấn đề xã hội hóa giáo dục, nhiều ý kiến đồng tình việc thực hiện chủ trương này, tuy nhiên Thành ủy cần quan tâm lãnh đạo, có những chủ trương phù hợp, tránh hiểu xã hội hóa giáo dục đồng nghĩa với việc nhân dân phải đóng góp kinh phí ngày càng nhiều hơn mà tạo điều kiện phát triển nhiều loại hình trường lớp và trong đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo của nhân dân, nên có chính sách khuyến học và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên con nhân dân lao động nghèo và gia đình chính sách thương binh, liệt sĩ, có công cách mạng, kể cả con các gia đình là cán bộ, công chức Nhà nước có điều kiện theo học, xem đây là một trong những nguồn quan trọng đào tạo cán bộ cho tương lai của Thành phố.

Trong phát triển mạng lưới giáo dục-đào tạo nên có quy hoạch phát triển hệ thống trường lớp phù hợp với sự phát triển đô thị, khu dân cư.

Một trong những vấn đề được cán bộ, đảng viên trình bày nhiều là chất lượng giáo dục – đào tạo phải toàn diện, đặc biệt là chất lượng đạo đức, ý thức công dân, kiến thức phổ thông về nghề nghiệp. Trong đó có ý kiến nên hết sức quan tâm đến chính sách đối với giáo viên và coi trọng đầu vào của các trường sư phạm để có đội ngũ giáo viên được tuyển dụng có đủ tài đức, đáp ứng được yêu cầu mới của đất nước.

Ngoài ra thành phố cần có chính sách thỏa đáng hơn để tập hợp, sử dụng lực lượng tri thức trong nước và cả tri thức là Việt kiều để đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Cần có chính sách thỏa đáng để sử dụng, bố trí việc làm cho lực lượng sinh viên của Thành phố ra trường hàng năm, đặc biệt là chính sách đối với những sinh viên tình nguyện công tác vùng xa, tránh việc lãng phí chất xám vì không sử dụng hoặc sử dụng, bố trí không đúng ngành nghề.

Về văn hóa xã hội:

Đa số nhất trí nội dung dự thảo. Về phương hướng xây dựng môi trường, đời sống văn hóa tinh thần các ý kiến đóng góp đều thống nhất. Một số ý kiến đề nghị cần quán triệt thêm quan điểm của Đảng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển” - trong phương hướng tới Thành phố nên đầu tư công tác qui hoạch xây dựng thiết chế văn hóa, quan tâm xây dựng các giải pháp khả thi về xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp xứng đáng với vị trí trung tâm. Trong đó nhiều cán bộ, đảng viên rất quan tâm đến việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” – Đa số ý kiến thống nhất cao về yêu cầu bức thiết cần có những mô hình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xem đây như một trong những chiến lược xây dựng con người, xây dựng cộng đồng dân cư có đời sống văn hóa tinh thần phù hợp với mô hình xã hội mới và cần có kế hoạch chỉ đạo dài hơi, hết sức tránh bệnh hình thức, thành tích: hạ tiêu chuẩn làm giảm ý nghĩa và tác dụng thực tế của các khu dân cư văn hóa. Bàn về chỉ tiêu xây dựng hộ đạt chuẩn văn hóa – một số cán bộ, đảng viên đề nghị hạ chỉ tiêu về xây dựng hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa từ 60% xuống 50% vì lý do thực tế tình hình dân cư thành phố chuyển dịch không ổn định, mặt bằng chungvề dân trí của toàn thành phố (cả nhiều khu vực ngoại Thành) còn hạn chế, điều kiện kinh tế đời sống phát triển chưa đồng đều và chưa cao như hiện nay.

Một số ý kiến cán bộ, đảng viên trình bày tâm huyết về việc Thành phố cần đầu tư xây dựng một số tác phẩm phản ánh được cuộc sống đấu tranh anh dũng, thông minh và sáng tạo trong công cuộc xây dựng của nhân dân thành phố, nhất là trong lĩnh vực sáng tác văn học, điện ảnh và đề nghị chú ý việc đào tạo cán bộ lãnh đạo văn hóa, nhất là trang bị thêm những kiến thức về khoa học nhân văn bổ sung cho kiến thức pháp luật và quản lý. Tạo điều kiện đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tương xứng với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố công nghiệp, thành phố trung tâm.

Ngoài ra trong phương hướng về phát triển văn hóa xã hội trên địa bàn thành phố trong điều kiện phân hóa giàu nghèo ngày càng nhiều – Việc chăm lo giải quyết lao động, thu nhập, chủ trương huy động sức dân…là phù hợp nhưng cần tính đến những chính sách và qui định miễn giảm đối với nhân dân lao động nghèo, cán bộ, đảng viên khó khăn. Nhiều cán bộ, đảng viên đề nghị: phát triển kinh tế phải đi đôi với chăm lo đời sống và phúc lợi xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp ở Thành phố, trong đó chú ý chăm lo cho các gia đình diện chính sách, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình “xóa đói giảm nghèo”, đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

Riêng về lao động-việc làm, các ý kiến đóng góp lưu ý việc thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm hàng năm, hầu hết các ý kiến cho rằng chỉ tiêu nêu ra thể hiện được sự quyết tâm phấn đấu vì sự phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân, tuy nhiên lưu ý việc tăng dân số cơ học của Thành phố, đây là yếu tố là dễ phát sinh tiêu cực và tệ nạn xã hội. Song bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng chỉ tiêu giải quyết việc làm 190.000 người/năm là cao và khó thực hiện; về tỷ lệ giảm thất nghiệp 6% đến năm 2005 trong phương hướng cần thuyết minh thêm và giải trình thêm về tỷ lệ thất nghiệp hiện nay để làm cơ sở khoa học cho tính toán giải quyết vấn đề lao động và việc làm sắp tới.

Về hoạt động thể dục thể thao, có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm phương hướng thực hiện xã hội hóa và thành tích về thể dục thể thao phải tương xứng với tầm cỡ một thành phố lớn.

Về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong phương hướng nên bổ sung việc thực hiện chính sách y tế với người nghèo, neo đơn; xây dựng thêm bệnh viện miễn phí chữa bệnh cho người nghèo - Đây là vấn đề bức xúc hiện nay tại nhiều địa phương, nhất là những vùng và khu dân cư nghèo! Trong phương hướng cần cụ thể nội dung “… hoàn thiện về bảo hiểm y tế” và đề ra chỉ tiêu trên một triệu người tham gia bảo hiểm y tế.

Trên lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, phương hướng nêu “kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi một bước quan trọng…” đa số ý kiến đề nghị cần định hướng và có giải pháp cụ thể, đồng bộ đối với việc xử lý tệ nạn mại dâm, ma túy; đặc biệt ma túy vừa là tệ nạn xã hội, vừa là tội phạm – cần có những giải pháp phù hợp, khả thi. Trong biện pháp phòng chống tệ nạn xã hội – nhiều ý kiến đề nghị - cần lưu ý hệ thống biện pháp ngăn chặn từ xa đảm bảo hiệu quả tốt, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đồng thời cần làm cho toàn xã hội nhận thức rõ hơn vai trò hết sức quan trọng của gia đình trong việc đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội. Trong cuộc đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội cần chú ý nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền địa phương, phân công trách nhiệm từng cấp để giải quyết vấn đề tệ nạn xã hội xảy ra tại địa phương, đơn vị. Trong biện pháp cần bổ sung việc tổ chức các trường trại lớn để giáo dục, chữa bệnh cho các đối tượng cần giúp đỡ, giáo dục.

Việc đề ra mục tiêu “ 5 giảm” đa số các ý kiến đều đồng tình với dự thảo, tuy nhiên cần cụ thể về chỉ tiêu để thực hiện và kiểm tra việc thực hiện. Có ý kiến cho rằng tình hình ý thức chấp hành luật giao thông, đường sá bị đào xới nhiều nơi, hư hỏng, quá tải … đã dẫn tai nạn giao thông - đề nghị nên bổ sung thêm: giảm tai nạn giao thông trong thành phố.

Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội:

Đa số ý kiến thống nhất với dự thảo và nhấn mạnh, bổ sung thêm: Đây là lĩnh vực mà trong giai đoạn tới rất nhạy cảm và quan trọng, trong lúc đó thành phố cũng còn những tồn tại, thiếu sót và khâu yếu ở lĩnh vực này - trong phương hướng tới - cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khối nội chính để đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào.

Về 10 công trình của thành phố, hầu hết các ý kiến đều thống nhất, tuy nhiên nhiều ý kiến lưu ý đến tính khả thi của một số công trình như công trình: “Di dời và tái định cư 10 ngàn hộ dân sống trên và ven kênh rạch”, “Công trình chống kẹt xe nội thị”. Đồng thời, đối với các công trình nên có kế hoạch, chương trình thực hiện để nhân dân thành phố theo dõi. Ngoài ra có một ý kiến đề nghị nên bổ sung thêm vào công trình thứ 10 vừa chống ngập nước nội thị trong mùa mưa, đồng thời cung cấp nước sạch cho nhân dân.

PHẦN THỨ III : XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ CỦA THÀNH PHỐ.

Nhận xét và góp ý chung phần này là Thành phố cần gia công nhiều về nội dung, giải pháp bức thiết và sát hơn với tình hình.

Về xây dựng Đảng:

Cơ bản nhất trí với dự thảo, song nhiều ý kiến góp ý: cách đặt vấn đề và các giải pháp về xây dựng Đảng của dự thảo là chưa đầy đủ và đúng mức. Cần hết sức coi trọng cải tiến có hiệu quả công tác quản lý cán bộ, đảng viênnâng cao tính giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong sinh hoạt Đảng kết hợp đồng bộ với các biện pháp khác để kịp thời ngăn chận sự suy thoái, biến chất trong một bộ phận cán bộ đảng viên đang là nguy cơ, thách thức đối với sự phát triển của Thành phố.

Về hoạt động kinh tế Đảng và của lực lượng vũ trang - có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu lại, không nên để Đảng, Quân đội và Công an làm kinh tế, tất cả các cơ sở kinh tế nên chuyển cho Nhà nước quản lý.

Về sắp xếp lại và nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức Đảng hầu hết các ý kiến nhất trí với mục tiêu cần sắp xếp lại hệ thống tổ chức Đảng cho phù hợp với yêu cầu, tình hình mới và nâng cao hiệu quả lãnh đạo. Tuy nhiên có ý kiến bổ sung: cần khảo sát, nghiên cứu một cách khoa học để xây dựng những mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình hoạt động mới như: doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, … vì điều lệ Đảng và các văn bản dưới Điều lệ chưa hướng dẫn đầy đủ và có hệ thống.

Về đổi mới công tác cán bộ của Đảng : Đa số ý kiến nhất trí với những chủ trương và cải tiến công tác cán bộ mà dự thảo trình bày. Tuy nhiên nhận định chung về phần này là: mới nêu một số mặt công tác cán bộ, chưa đề ra được chính sách cán bộ có hệ thống và tính dài hơi. Những quan điểm lớn của công tác cán bộ chưa được thể hiện có tính định hướng. Những vấn đề bức xúc hiện nay về tuổi bình quân của cán bộ lãnh đạo (kể cả cán bộ cơ sở) ngày càng cao, nhưng đầu ra ở cấp cơ sở và trên cơ sở là vấn đề bức xúc do việc thực hiện chính sách cán bộ chưa kiên quyết. Có ý kiến cho rằng: đào tạo cán bộ trẻ rất khó thực hiện nếu không có một chính sách chung về công tác cán bộ.

Có ý kiến đề nghị nên giảm biên chế cán bộ ở cấp trên để tăng cường lực lượng cho cơ sở. Công tác quy hoạch cán bộ cần được thực hiện ngay từ cấp phường, xã. Cần quan tâm bồi dưỡng cán bộ cơ sở và thực hiện tốt chế độ chính sách cho cán bộ phường, xã, Ban điều hành Khu phố, Tổ dân phố.

Về xây dựng chính quyền Thành phố có đủ năng lực quản lý; tiếp tục nâng cao vai trò HĐND, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham nhũng, quan liêu -đa số các ý kiến nhất trí với nội dung nêu trong dự thảo và yêu cầu bổ sung một số giải pháp và kiến nghị như sau:

Thành phố kiến nghị với Trung ương thực hiện cải cách hành chính phải đồng bộ ở các cấp và phải bắt đầu thực hiện từ trên xuống chứ không nên chỉ thực hiện ở Thành phố – Điều đó trái với nguyên tắc tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước và không đảm bảo tính thống nhất trong quản xây dựng nhà nước. Cần nhấn mạnh thêm bản chất “nhà nước của dân, do dân, vì dân”, do đó cần bổ sung nội dung triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc qui chế dân chủ trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhà nước từ Thành phố đến cơ sở. Kết hợp tốt việc thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, kiên quyết bổ sung các giải pháp cơ bản, khả thi trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu.

Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị đa số các ý kiến nhất trí với chính sách đại đoàn kết nêu trong dự thảo, song cần phải bổ sung một số giải pháp nhằm xây dựng cơ chế Mặt trận, các đoàn thể tham gia xây dựng và quản lý nhà nước – đặc biệt là tham gia các dự thảo hoạch định hoặc các quyết định nhà nước liên quan rộng đến đời sống các tầng lớp nhân dân và cơ chế thực sự hợp lý để các đoàn thể tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước.

Có ý kiến đề nghị Thành phố bổ sung định hướng đối với hoạt động của Hội cựu chiến binh. Bổ sung các giải pháp lãnh đạo giải quyết cơ bản tình trạng hành chánh hóa của các đoàn thể hiện nay.

PHẦN THỨ TƯ : NHỮNG GIẢI PHÁP LỚN

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với 3 nhóm giải pháp lớn đã nêu trong dự thảo. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến bổ sung như sau:

Ngoài ba nhóm giải pháp lớn, cần bổ sung thêm nhóm giải pháp liên kết, phối hợp kinh tế với các địa phương trong khu vực có mối liên hệ hữu cơ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về nhóm giải pháp về kinh tế-xã hội có một số ý kiến đề nghị bổ sung các giải pháp và chỉ tiêu, bước đi cụ thể để phát triển kinh tế tri thức, công nghệ thông tin trong nhiệm kỳ tới; cần xem đó như là cơ sở quan trọng tác động toàn diện và sâu sắc đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội kể cả lĩnh vực lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước và mở rộng quyền dân chủ của nhân dân trong việc được thông tin từ Đảng và nhà nước đối với người dân và ngược lại.

Trên đây là bản tổng hợp góp ý của cán bộ chủ chốt của Quận cho bản dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa VI tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ VII (2000-2005).

Thông báo