Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Sơ lược lịch sử Quận 1

Có lẽ vì "đất lành chim đậu", vào thế kỷ 16 trên vùng đất này đã có nhiều người tụ họp về khai phá, sinh cơ lập nghiệp.

Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn phái vào Nam kinh lý, ông thấy nơi đây đã có dân "dư bốn vạn hộ, ruộng đất mở mang cả ngàn dặm" bèn tấu về triều đình xin lập phủ Gia Định. Dưới phủ là hai huyện: huyện Phước Long trên sông Đồng Nai và huyện Tân Bình trên đất Sài Gòn. Ở mỗi huyện đều đặt Dinh: Dinh Trấn Biên ở Phước Long, Dinh Phiên Trấn ở Tân Bình. Trong huyện Tân Bình hồi đó có Tổng Bình Trị, nằm vào khoảng giữa rạch Thị Nghè và Cầu Kho, tức phạm vi quạn 1 ngày nay.

Sự kiện trên đây là cột mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu thời kỳ miền đất mới ở phương của Tổ quốc đã có chính quyền. Cho nên năm 1698 được coi là năm khai sinh Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã hơn 300 năm tuổi.

Ngược dòng lịch sử cho thấy lưu dân Việt Nam đã tới làm ăn, sinh sống ở vùng đồng bằng sông Đồng Nai và sông Cửu Long hàng thế kỷ trước khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý. Như vậy là "dân làng đi trước, nhà nước đến sau". Hiện tượng này được coi là một đặc điểm của lịch sử hình thành vùng đất mới Nam Bộ, trong đó có quạn 1.

Với lợi thế sông nước và bến cảng, vùng Bến Nghé - Sài Gòn đã dần dần trở thành trung tâm giao thương của những cư dân đi khai hoang, mở đất. Đó là yếu tố hàng đầu mở ra quá trình đô thị hóa vùng đất này.

Khi Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định được hiểu là bao gồm toàn bộ lãnh thổ bao la ở phía Namcủa Tổ quốc thì địa điểm Sài Gòn - Bến Nghé được chọn làm Thủ phủ. Vị trí Thủ phủ không thay đổi trong suốt thời phong kiến nhà Nguyễn, mặc dù danh xưng và vị thế mỗi thời một khác.

Từ đây, Thủ phủ Gia Định có đầy đủ các cơ quan chính quyền, quân sự, dân sự, học chính, tòa án, y tế... Nhiều phố chợ mọc lên, sầm uất nhất là hai trung tâm truyền thống: đó là xóm Bến Nghé được gọi là phố thị gần hải cảng (quận 1) và xóm Sài Gòn cũng được gọi là phố thị (quận 5). Nhờ vậy, Bến Nghé - Sài Gòn đã trở thành một trung tâm mang tính chất kẻ chợ hay đô thị, gồm đủ sĩ - nông - công - thương - binh. Đáng chú ý ở đây người làm nghề nông chỉ là thiểu số, còn lại chủ yếu là hoạt động công thương.

Quá trình đô thị hóa để dần dần trở thành trung tâm của một thành phố lớn, quận 1 đã trải qua những sự kiện chính sau đây:

Năm 1772: Quan điều khiển Nguyễn Cửu Đàm cho đào thêm kinh Ruột Ngựa và xây dựng Lũy Bán Bích dài 15 dặm từ chùa Cây Mai đến đầu sông Nhiêu Lộc. Nguyễn Cửu Đàm đã trở thành nhà quy hoạch thành phố đầu tiên khi khép kín thành phố bằng ba mặt sông và một mặt thành, tạo nên một thể thống nhất về địa lý kinh tế - xã hội và bố phòng. Khi đã có Thành để bảo vệ hàng chục Phố thì nơi đây đã được mệnh danh là thành phố. Lúc đó, người Tây Dương gọi tắt Sài Gòn - Bến Nghé là Ville de Saigon (thành phố Sài Gòn).

Năm 1790: Nhà Nguyễn cho xây dựng thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy) với 8 cổng thành. Sau khi xây dựng xong, thành Bát Quái được mệnh danh là Gia Định kinh. Thành này ở vào vị trí trung tâm quận 1 ngày nay, nằm giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng (Đông) - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Tây) - Lê Thánh Tôn () - Nguyễn Đình Chiểu (Bắc).

Năm 1836: Vua Minh Mạng cho phá hủy thành Bát Quái sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi và sau đó cho xây dựng thành Phụng. Thành Phụng nhỏ hơn thành Bát Quái, cũng ở vào vị trí trung tâm quận 1, nằm giữa các con đường Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Mạc Đĩnh Chi - Nguyễn Du. Tuy nhỏ nhưng xung quanh thành Phụng tập trung nhiều công trình quan trọng như xưởng Chu-xư (Ba Son sau này), xưởng Voi, trường Thuốc súng, nhà Sứ quán (nơi lưu ngụ của các sứ thần nước ngoài), học đường (góc đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Trãi ngày nay), dinh Tân Xá (dành cho Giám mục Bá Đa Lộc) ... Lịch sử ghi: ngoài thành, đường sá, phố chợ ngang dọc bài liệt đều có thứ tự. Bốn mặt thành có nhiều phố sá. Mặt tiền thành, đường phố lấn tới tận bờ sông Bến Nghé, mặt tả tới bờ Thị Nghè, mặt hậu là nơi buôn bán sầm uất, nhà cửa lan tới cầu Kiệu, cầu Bông...

Từ cuối thế kỷ thứ 18, quận 1 với vị trí gắn liền với Sài Gòn - Bến Nghé  là trung tâm thương mại "lớn nhất của xứ ta, không đâu bằng". Ở đây có những chợnổi tiếng: chợ Bến Nghé (đầu đường Đồng Khởi - Nguyễn Huệ), chợ Cây Da còm (giả thuyết ở trước Bảo tàng Cách mạng), chợ Bến Thành cũ (kho bạc đường Nguyễn Huệ), chợ Bến Sỏi (gần cột cờ Thủ Ngữ), chợ Điều Khiển (gần chợ Thái Bình ngày nay).

Trong lịch sử hơn 300 năm của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn quận 1 đã sớm xuất hiện với tư cách là một trong những trung tâm đô thị của thành phố và cũng là nơi diễn ra quá trình đô thị hóa sôi động vào bậc nhất của Nam bộ.

Thời kỳ 1858 - 1975 quận 1 cùng với thành phố và cả nước đã trải qua những biến động to lớn và sâu sắc về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, dĩ nhiên cả về mặt kiến trúc đô thị.

Năm 1859: Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh phá thành Phụng làm đầu cầu xâm chiếm nước ta.

Năm 1861: Liên quân Pháp - Tây Ban Nha chiếm ba tỉnh Đông bộ.

Năm 1867: Pháp chiếm tiếp ba tỉnh Tây bộ.

Năm 1883: Pháp đánh chiếm Bắc bộ.

Năm 1884: Pháp chiếm kinh thành Phú Xuân (Huế), hoàn tất công cuộc xâm lăng nước ta. Sài Gòn được Pháp đặt làm thủ đô của cả Việt và Đông Dương.

Ngay từ năm 1862, Pháp đã có dự án quy hoạch vùng đô thị Sài Gòn thành hai thành phố Sài Gòn vàChợ Lớn  gồm khoảng 50 vạn dân. Dự án này không khả thi vì toàn bộ lúc đó mới chỉ có 1,5 triệu dân. Nhưng từ dự án này và những quy hoạch về sau, đã bộc lộ chủ trương của Pháp không những chỉ muốn chuyển đổi xây dựng một đô thị từ kiến trúc phương Đông, sang kiến trúc phương Tây, mà còn muốn chuyển đổi một nền tảng xã hội đậm nét tính cộng đồng xã thôn sang một xã hội nặng tính cá nhân chủ nghĩa.

Thực tế đến năm 1863, Sài Gòn mới quy hoạch được khu vực đầu cầu cho thành phố, đó là khu vực bờ sông Sài Gòn từ rạch Thị Nghè đến kinh Bến Nghé dài 2km và nới vào sâu đến đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ khoảng 1km. Diện tích thành phố khi ấy chỉ rộng khoảng 2km2, hơn ¼ diện tích quận 1 bây giờ một chút.

Trong phạm vi 2km2 đó, các công trình kiến trúc theo kiểu phương Tây bắt đầu xuất hiện như: dinh Thống đốc tạm, Sở thiên văn, cột Đồng hồ, Sở Bưu chính - Điện tín, kho bạc, Thánh đường, Hải quân công xưởng, Thương cảng, Quân cảng... đều nằm trên địa bàn quận 1 ngày nay.

Tháng 2-1865, Pháp đặt tên Pháp cho 20 đường phố Sài Gòn, tất cả đều là những đường phố nằm trên đất quận 1.

Năm 1865, Niên giám Nam kỳ ghi danh 70 hãng buôn hoạt động tại Sài Gòn, gồm 65 hãng của người Âu châu và 5 hãng của người Hoa. Nhiều hãng đặttrụ sở ở địa bàn quận 1 trên các đường phố Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế, Mạc Thị Bưởi, Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Bến Chương Dương ...

Từ năm 1868 về sau, nhiều kinh rạch bị lấp để làm đường phố như đường Nguyễn Huệ (kinh Lấp) - Hàm Nghi - Lê Lợi - Pasteur. 

Năm 1870: các đường phố ở quận 1 được trồng cây hai bên lề.

Năm 1873: xây lát vỉa hè, thoát nước.

Năm 1879: định phép ghi số nhà.

Năm 1908: đặt ống cống thoát nước.

Năm 1909: thay đèn đường dầu hỏa, khí đốt bằng đèn điện.

Năm 1914: khánh thành chợ Bến Thành mới được xây trên nền của một vũng đầm được san lấp lại.

Như vậy, Sài Gòn với quận 1 là trung tâm đã tiến dần đến kiểu dáng một đô thị phương Tây với đường phố dọc ngang thẳng tắp, có cây xanh, vỉa hè đường phố và hệ thống chiếu sáng, cống thoát nước ...

Từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 30, Pháp đã xây dựng hầu như hoàn chỉnh đô thị Sài Gòn, được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" mà phần lớn được tập trung xây dựng ở quận 1 và một phần ở quận 3. Những công trình kiến trúc tiêu biểu mang phong cách châu Âu được xây trên đất quận 1 là: Nhà thờ Đức Bà (1877 - 1880), Bưu điện Thành phố (1886 - 1891), Nhà hát Thành phố (1900), Dinh Xã Tây (Ủy ban Nhân dân Thành phố, 1898 - 1909), Dinh Gia Long (Bảo tàng Cách mạng, 1885 - 1890), Tòa án nhân dân thành phố (1881 - 1885), Ngân hàng Đông Dương, bệnh viện (Sài Gòn, Nhi đồng 2, Phụ sản Từ Dũ), các khách sạn lớn như Majestic, Continental, Palace, các hãng buôn Charner, Poinsard et Veyret, Shell...

Từ năm 1955 đến năm 1975, Sài Gòn là thủ đô của chế độ ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ. Thời kỳ này cũng có những công trình kiến trúc được xây mới hoặc tôn tạo. Trên địa bàn quận 1 có một số công trình mới xây dựng đáng kể như dinh "Độc lập" (nay là dinh Thống nhất), Thư viện, nhiều ngân hàng, khách sạn cao tầng.

Về địa lý hành chánh, trước năm 1976 trên địa bàn quận 1 ngày nay là quận Nhất và quận Nhì có diện tích 7,56km2, dân số 252.358 người (nam: 116.221 người, nữ: 136.137 người), mật độ 33.380 người/km2, được tổ chức thành 10 phường, 57 khóm. Trong đó, quận Nhất có 3 phường (Trần Quang Khải, Tự Đức, Bến Nghé) và 23 khóm với dân số là 88.082 người. Quận Nhì có 7 phường (Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh, HuyệnSĩ, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Cảnh Chân, Bùi Viện, Bến Thành) và 34 khóm với dân số là 164.270 người. Vào cuối năm 1975, quận Nhất và quận Nhì đã tiến hành nhập khóm, chia phường theo tinh thần Chỉ thị 24 của Ủy ban nhân dân thành phố về chuyển cơ chế hành chánh từ 4 cấp còn 3 cấp, giải thể cấp khóm. Theo đó, quận Nhất từ 3 phường được chia thành 10 phường (từ 1 đến 10): phường Trần Quang Khải chia thành 4 phường (từ 1 đến 4), phường Tự Đức chia thành 3 phường (5, 6, 7), phường Bến Nghé chia thành 3 phường (8, 9, 10). Quận Nhì từ 7 phường được chia thành 15 phường (từ 11 đến 25): phường Bến Thành chia thành 2 phường (11, 12), phường Huyện Sĩ là phường 13, phường Nguyễn Cư Trinh chia thành 2 phường (14, 15), phường Bùi Viện chia thành 2 phường (16, 17), phường Cầu Ông Lãnh chia thành 4 phường (18, 19, 20, 21), phường Cầu Kho chia thành 2 phường (22, 23) và phường Nguyễn Cảnh Chân chia thành 2 phường (24, 25).

Tháng 5-1976, quận Nhất và quận Nhì được sáp nhập thành quận 1, phân giới hành chánh 10 phường được chia lại thành 25 phường với 884 tổ dân phố. Từ đó đến nay, địa giới hành chánh và tên gọi của quận 1 không thay đổi nhưng ở cấp phường có hai lần thay đổi:

*  Tháng 8 năm 1982, quận 1 thực hiện phương án quy hoạch lại địa giới hành chánh cấp phườnglần thứ nhất, từ 25 phường sắp xếp lại thành 20 phường (giải thể 5 phường: 2, 5, 9, 16 và 22), 105 khu phố và 1.200 tổ dân phố.

* Thực hiện Quyết định số 184/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 27-3-1989, quận 1 đã phân vạch lại địa giới hành chánh cấp phường, từ 20 phường tổ chức lại thành 10 phường mới là: phường Tân Định (sáp nhập các phường 1, 3, 4), Đa Kao (sáp nhập các phường 6, 7), Bến Nghé (sáp nhập các phường 8, 10), Bến Thành (sáp nhập các phường 11, 12), Phạm Ngũ Lão (sáp nhập các phường 13, 17), Nguyễn Cư Trinh (sáp nhập các phường 14, 15), Nguyễn Thái Bình (sáp nhập các phường 18, 19), Cầu Ông Lãnh (phường 20), Cô Giang (sáp nhập các phường 21, 23), Cầu Kho (sáp nhập các phường 24, 25). Dưới phường có 105 khu phố, 1.202 tổ dân phố.

Như vậy địa danh quận 1 mới xuất hiện từ năm 1976 nhưng vùng đất trung tâm thành phố này đã có cách đây gần bốn thế kỷ, trải qua bao biến cố thăng trầm đã trở thành một trung tâm hành chánh - văn hóa - dịch vụ - thương mại - xuất nhập khẩu - đầu tư và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của một đô thị lớn mang tầm vóc trung tâm nhiều mặt của đất nước.

Thông báo