Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Hóc Môn lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020

PHẦN THỨ NHẤT

Kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 - 2015

Hóc Môn là huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân nhập cư đông, diện tích tự nhiên là 10.943,4ha gồm 11 xã, 01 thị trấn với 87 ấp – khu phố, 1.430 tổ nhân dân – tổ dân phố. Toàn huyện có 85.826 hộ dân với 421.578 nhân khẩu (tính đến 30/6/2015); ngoài ra có khoảng 52.000 nhân khẩu lưu trú không thường xuyên.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, bối cảnh kinh tế cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Hóc Môn nói riêng có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng sau ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặc dù, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt mức tăng trưởng theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội huyện có chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước cải thiện, an sinh xã hội đảm bảo, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong nhiệm kỳ, huyện đã cơ bản khắc phục hạn chế yếu kém trên các lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, quy hoạch, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng… đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả, đạt yêu cầu 03 chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ, đảng viên đoàn kết, thống nhất, góp phần cùng với nhân dân đưa kinh tế - xã hội huyện tiếp tục phát triển.

I.KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội gắn liền với đảm bảo quốc phòng - an ninh

1.1 Thực hiện cơ cấu kinh tế “công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp”; khuyến khích phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng “nông nghiệp đô thị”

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 19,95%/năm. Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 20,9%/năm, chiếm tỷ trọng 56,67% trong cơ cấu kinh tế (đầu nhiệm kỳ là 54,06%), trong đó nhóm ngành công nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, chế tạo cơ khí… tăng trưởng cao, đóng góp vào phát triển chung của ngành và góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Triển khai thực hiện cụm công nghiệp Xuân Thới Sơn A và cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Nhị Xuân.

Ngành thương mại - dịch vụ tăng trưởng bình quân đạt 21,2%/năm, chiếm tỷ trọng 38,18% trong cơ cấu kinh tế (đầu nhiệm kỳ là 34,69%), kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình thương mại – dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Trên địa bàn huyện hiện có 13 chợ, 02 siêu thị, nhiều cửa hàng tiện ích, nhiều loại hình kinh doanh đã giúp lưu thông hàng hóa, tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ ngày càng tăng trong cơ cấu các ngành kinh tế.

Ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 3,1%/năm, chiếm tỷ trọng 5,15% trong cơ cấu kinh tế (đầu nhiệm kỳ là 11,25%), giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 272 triệu đồng/ha đất sản xuất/năm (tính theo giá năm 2014). Thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã giúp nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi dần diện tích trồng lúa và cây trồng không hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển nông nghiệp đô thị.

Trong nhiệm kỳ, thành lập mới 05 Hợp tác xã, 36 Tổ hợp tác, nâng tổng số đến nay có 15 Hợp tác xã, 64 Tổ hợp tác[1], trong đó một số Hợp tác xã hoạt động hiệu quả như: Hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp Ngã Ba Giồng, Hợp tác xã thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Bảo Tín, Hợp tác xã sản xuất cá sấu giống Nam Bộ, Hợp tác xã thương mại – dịch vụ Đông Thạnh, Hợp tác xã giao thông vận tải 19/5.

Công tác điều hành ngân sách được chú trọng, đảm bảo cân đối thu – chi ngân sách. Thu ngân sách tăng bình quân 7,19%/năm, đảm bảo được nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chi ngân sách tăng bình quân 14,23%/năm, trong đó ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

1.2 Huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường quản lý đất đai, trật tự đô thị; xã hội hóa đầu tư đối với các công trình giao thông, trường học, bệnh viện và các cơ sở thể dục – thể thao

Quy hoạch chung (điều chỉnh 1/5.000) của huyện được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; hoàn thành, điều chỉnh và lập mới 33 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 đã phủ kín khu vực quy hoạch đô thị trên địa bàn huyện, 10 đồ án quy hoạch nông thôn mới của 10 xã, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 – 2015, đồng thời công khai các đồ án quy hoạch cho nhân dân biết. Đã thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học, quy hoạch ngành y tế đến năm 2020.

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội đã vận động nhân dân hiến 174.200m2 đất và vật kiến trúc trị giá khoảng 400 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp, mở rộng nhựa hóa 276 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 163,192km. Thực hiện đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, công trình phòng chống lụt bão[2], trụ sở Ủy ban nhân dân xã, các công trình dân sinh cơ bản đạt yêu cầu.

Công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng được chú trọng, các trường hợp vi phạm được xử lý, ngăn chặn ngay từ đầu, số trường hợp vi phạm giảm qua từng năm[3].

Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện, việc vận động nhân dân đăng ký tham gia thu gom rác dân lập đạt hiệu quả[4].

1.3 Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Đầu tư trang thiết bị dạy học; tiếp tục đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, chuẩn hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, duy trì chất lượng các bậc học, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống trong học đường. Kết quả các kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp, phổ cập giáo dục các bậc học đạt và vượt chỉ tiêu[5]. Nâng cao chất lượng dạy và học của Trung tâm giáo dục thường xuyên[6]; củng cố hoạt động Trung tâm học tập cộng đồng để tạo điều kiện cho nhân dân tham gia học tập, nâng cao dân trí; tăng cường quản lý hoạt động các nhóm trẻ gia đình, trường mầm non tư thục trên địa bàn huyện[7].

Thực hiện tốt chính sách an sinh của Nhà nước và vận động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho người có công, diện chính sách, dân nghèo, trong đó chú trọng phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Đào tạo nghề cho người lao động, kết hợp giới thiệu việc làm cho người lao động, qua đó đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân người dân được nâng lên[8].

Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các cơ sở y tế từng bước được cải thiện; thực hiện khám bệnh diện bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã – thị trấn. Chủ động triển khai các chương trình phòng, chống dịch bệnh, thực hiện quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm y tế dự phòng huyện; 100% Trạm y tế xã - thị trấn đạt chuẩn quốc gia. Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ y tế học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Thực hiện tốt chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế được chú trọng tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân hoạt động, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân[9].

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển sâu rộng trong nhân dân; việc xây dựng ấp – khu phố văn hóa đạt chỉ tiêu đề ra[10]; nhiều cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa được huyện ghi nhận, công nhận. Từng bước xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xã – thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Các phong trào thể dục - thể thao, rèn luyện thân thể thường xuyên phát triển rộng khắp[11]. Đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều vận động viên chuyên nghiệp đóng góp vào phong trào thể dục – thể thao chung của Thành phố. Nhiều sân bóng đá mini, sân quần vợt, cầu lông, bóng bàn, điểm vui chơi thiếu nhi… được đầu tư xã hội hóa, góp phần giải quyết nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân[12].

1.4 Giữ vững quốc phòng - an ninh; đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

Các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển quốc phòng – an ninh của huyện. Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, Ban chỉ huy Quân sự xã – thị trấn đảm bảo về số lượng và chất lượng. Công tác tổ chức hội thao quốc phòng, huy động giao nguồn quân nhân dự bị tham gia huấn luyện; diễn tập phương án xử lý tình huống phức tạp về an ninh trật tự, kết hợp diễn tập khu vực phòng thủ đạt yêu cầu; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Thông tin tình hình thời sự, biển đảo kịp thời giúp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chủ trương của Đảng và biện pháp đấu tranh của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, giao quân hàng năm đạt chất lượng và số lượng, trong đó số lượng đảng viên nhập ngũ vượt chỉ tiêu Thành phố giao.

Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các âm mưu, hoạt động chống phá của các đối tượng chống đối chính trị; tỷ lệ điều tra, khám phá án vượt chỉ tiêu đề ra[13]; tình hình trật tự giao thông cơ bản đảm bảo, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông; lực lượng công an thường xuyên phối hợp quân sự để chủ động trấn áp, truy quét các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, quan tâm chuyển hóa địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh. Hàng năm, tổ chức phát động “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, qua đó ý thức của người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy tại cộng đồng dân cư được nâng lên, góp phần hạn chế thiệt hại về tài sản, không xảy ra thiệt hại về người. Hoạt động phối hợp liên tịch giữa lực lượng vũ trang với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chặt chẽ, thực hiện tốt công tác giáo dục người chậm tiến, người hồi gia tái hòa nhập cộng đồng; tuyên truyền, vận động người dân cung cấp nhiều tin báo tố giác tội phạm có giá trị giúp Công an giải quyết nhiều vụ việc về an ninh trật tự[14]; các mô hình tự quản về an ninh trật tự hoạt động có hiệu quả[15] đã góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công, lãn công không để phát sinh phức tạp.

Công tác cải cách tư pháp có chuyển biến; đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định[16]; số lượng Văn phòng công chứng, thừa phát lại trên địa bàn huyện tăng so với đầu nhiệm kỳ[17]; công tác xét xử lưu động tại địa bàn dân cư được quan tâm, nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân và góp phần phòng ngừa, răn đe tội phạm.

Thực hiện công tác tiếp công dân hàng tuần của lãnh đạo Đảng, chính quyền, thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn[18]. Công tác xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị đúng quy định[19].

2. Về thực hiện 03 chương trình trọng điểm và các công trình trọng điểm

2.1 Chương trình trọng điểm

- Chương trình “Xây dựng nông thôn mới tại các xã gắn với thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011 - 2017”.

Huyện xác định thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là cơ hội để đầu tư cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội huyện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, do đó luôn tập trung chỉ đạo thực hiện tích cực các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua thời gian triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều đổi mới và khang trang hơn; hạ tầng giao thông nông thôn được bê tông, nhựa hóa; các tuyến đường liên xã, liên ấp được nâng cấp mở rộng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, làm ăn, sinh sống; đồng thời từng bước tạo cảnh quan, môi trường sống xanh - sạch - đẹp và môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp. Cơ sở văn hóa, thể dục - thể thao, các công trình trường học, chợ... được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, tôn tạo; cơ cấu kinh tế nông nghiệp dần chuyển sang nông nghiệp đô thị; thu nhập của người nông dân ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đến nay, có 10 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

- Chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá bền vững giai đoạn 2011 - 2015”

Chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá bền vững” có chuyển biến tích cực thông qua triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, nhà ở, các chính sách ưu đãi về thuế và miễn giảm các khoản đóng góp, các chương trình trợ giúp pháp lý cho người nghèo; huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho hộ nghèo không có điều kiện và khả năng tổ chức cuộc sống, không có khả năng tích lũy nâng thu nhập. Nhân rộng mô hình thoát nghèo hiệu quả; thực hiện các chương trình phối hợp, lồng ghép các dự án đầu tư phát triển kinh tế thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo chuyển giao kỹ thuật và công nghệ như: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp... Bên cạnh đó, đa số người nghèo đã chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình “giảm nghèo, tăng hộ khá”, từ đó số hộ nghèo giảm đáng kể (tỷ lệ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ là 10% đến nay kéo giảm còn 0,64% trên tổng số hộ dân).

- Chương trình “Cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở huyện Hóc Môn giai đoạn 2011 – 2015 gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị của Thành ủy”

Thực hiện Chương trình số 06-CTr/HU ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Huyện ủy về “cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011-2015 gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị của Thành ủy” được các tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị thực hiện khá tốt. Huyện ủy tập trung chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện các phòng, ban thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, tham mưu ban hành các quy trình thủ tục hành chính, công khai niêm yết thủ tục hành chính theo quy định; rà soát bãi bỏ các văn bản hết hiệu lực, thực hiện kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm tra công vụ định kỳ và đột xuất, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, kết quả giải quyết hồ sơ hành chính đúng hạn đạt chỉ tiêu kế hoạch và Nghị quyết đề ra. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc tiết kiệm theo chỉ đạo chung; tổ chức quán triệt các văn bản, quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2010 – 2020; triển khai thực hiện tốt việc kê khai tài sản, thu nhập hàng năm của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra về tài chính theo kế hoạch và đột xuất tại một số cơ quan, đơn vị, xã – thị trấn, giúp các đơn vị kịp thời đề ra biện pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót.

2.2 Công trình trọng điểm

Đã hoàn thành 08/10 trường học: Trường Mẫu giáo Bé Ngoan 3, Mầm non 19/8, Tiểu học Xuân Thới Thượng, Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi, Tiểu học Trần Văn Danh, Trung học cơ sở Đông Thạnh, Tiểu học Lý Chính Thắng 2, trường Tiểu học Võ Văn Thặng; cơ bản hoàn thành 01/10 trường học: Tiểu học Hoàng Hoa Thám, đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập cho con em người dân huyện Hóc Môn.

Hoàn thành 1/6 tuyến đường (Lê Lợi - Hương lộ 60), cơ bản hoàn thành 1/6 tuyến đường (Lê Thị Hà - Hương lộ 70), đáp ứng nhu cầu đi lại, chỉnh trang đô thị, phát triển sản xuất kinh doanh cho người dân trên các tuyến đường.

Đang thi công dự án Nhà Thiếu nhi huyện tại xã Tân Hiệp, dự kiến tháng 6/2016 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập cho thiếu nhi trên địa bàn huyện.

3. Xây dựng hệ thống chính trị thật sự vững mạnh

3.1 Xây dựng Đảng

- Xây dựng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trung thành với con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân đã chọn; có tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân và có tác phong làm việc khoa học

Triển khai, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tình hình thời sự quốc tế, trong nước… kịp thời, nghiêm túc, đề cao ý thức tự nghiên cứu của cán bộ, đảng viên; tổ chức thảo luận gắn với xây dựng chương trình hành động phù hợp điều kiện của từng đơn vị, địa phương, góp phần đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp đảng viên nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên đấu tranh chống các quan điểm sai trái, tư tưởng cơ hội, thực dụng, cục bộ, những hành vi nói, viết và làm trái đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh với những biểu hiện mất dân chủ, độc đoán, tác phong quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tinh thần hợp tác và ý thức tổ chức kỷ luật. Rèn luyện, giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, có phương pháp làm việc khoa học nâng cao chất lượng công việc, tận tụy phục vụ nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

- Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XI về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với phương pháp thiết thực, hiệu quả nhằm triển khai sâu rộng trong nhân dân, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, trong sạch.

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 – Khóa XI về xây dựng Đảng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và thường xuyên từ huyện đến cơ sở, gắn với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương; qua kiểm điểm các cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận ra những hạn chế, thiếu sót và đề ra các giải pháp khắc phục cụ thể. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, kéo dài, tăng cường giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân; đến nay cơ bản khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác triển khai học tập Nghị quyết, công tác cán bộ, thực hiện nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14 tháng 05 năm 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên trong Đảng bộ và nhân dân; cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong đạo đức, lối sống và thực thi chức trách nhiệm vụ được giao. Nhiều gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tuyên dương và giới thiệu nhân rộng, đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng bộ và quần chúng nhân dân[20].

- Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chất lượng sinh hoạt của chi bộ; thực hiện tốt công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Huyện ủy triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, chương trình hành động, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; hoàn thiện mô hình tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở, xây dựng 100% khu phố - ấp, cơ quan, công an, quân sự, trường học công lập trên địa bàn huyện có chi bộ đảng; tập trung xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; kịp thời xây dựng, điều chỉnh bổ sung quy chế làm việc phù hợp từng loại hình tổ chức cơ sở đảng; nhiều tổ chức đảng phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy, chi bộ giữ vững nền nếp sinh hoạt, nội dung, chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, xây dựng hệ thống chính trị, tự phê bình và phê bình, đấu tranh xây dựng nội bộ được nâng cao; việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề được nhiều cấp ủy chú trọng thực hiện.

Công tác phát triển đảng viên vượt so với chỉ tiêu nghị quyết, chú trọng kết nạp Đảng đối với đoàn viên thanh niên, giáo viên, công nhân lao động, người dân tộc, người có đạo; đảng viên mới kết nạp đa số có trình độ học vấn tốt nghiệp cấp 3, có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Tỷ lệ đảng viên trên tổng số cán bộ, viên chức ngành giáo dục, y tế đạt trên 22%; tỷ lệ đảng viên là công nhân lao động được kết nạp đạt bình quân 10% so với tổng số đảng viên được kết nạp hàng năm.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, tình hình chính trị nội bộ trên địa bàn huyện ổn định; thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình việc thẩm tra, kết luận vấn đề chính trị cán bộ, đảng viên. Quản lý cán bộ, đảng viên ra nước ngoài và đảng viên có mối quan hệ với người nước ngoài đúng quy định.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án liên quan công tác cán bộ, hoàn thành Đề án sắp xếp cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn tại các phòng, ban huyện và xã - thị trấn, kết hợp công tác tuyển dụng ngày càng chặt chẽ. Thực hiện điều động, luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm cán bộ và giải quyết các chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đúng quy trình, quy định. Công tác quy hoạch cán bộ được quán triệt, thực hiện thống nhất, đồng bộ, lấy kết quả quy hoạch cấp cơ sở làm nền tảng quy hoạch cấp huyện, theo phương châm “mở” và “động”, đảm bảo tính kế thừa và cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, chủ động đề xuất tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị tại huyện hoặc cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại thành phố, góp phần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở.

Tổ chức thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại Thị trấn Hóc Môn và xã Tân Thới Nhì đã phát huy vai trò người đứng đầu trong việc đưa ra các quyết định lãnh đạo; giảm bớt khâu trung gian, cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm; phát huy sự sáng tạo, ý thức trách nhiệm trong quản lý, điều hành, tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Công tác đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, đánh giá cán bộ được thực hiện nghiêm túc, phát huy dân chủ, chú trọng thực chất. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh tăng so với đầu nhiệm kỳ, không có cơ sở đảng yếu kém, tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng, tỷ lệ đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ giảm qua các năm.

- Tập trung lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa sai phạm trong cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, có chuyên đề, chú trọng kiểm tra, giám sát đảng viên là người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Qua kiểm tra, giám sát phát hiện tổ chức đảng, đảng viên có hạn chế, thiếu sót, Huyện ủy có kết luận và chỉ đạo theo dõi tổ chức đảng, đảng viên khắc phục hạn chế, thiếu sót.

Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thông qua việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị và nhân dân về việc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn ngừa suy thoái về đạo đức lối sống, nâng cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Căn cứ chương trình, nghị quyết của Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra huyện và cấp ủy cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời theo dõi nắm bắt, phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc để cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh. Xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm đúng quy trình, quy định; giải quyết dứt điểm các đơn thư tố cáo liên quan đến tổ chức đảng, đảng viên. Trong nhiệm kỳ xử lý kỷ luật 86 đảng viên, giảm 83 đảng viên so với nhiệm kỳ IX (169 đảng viên bị xử lý kỷ luật), không có tổ chức đảng phải thi hành kỷ luật.

3.2 Lãnh đạo xây dựng chính quyền thật sự của dân, do dân, vì dân; nâng cao năng lực điều hành, quản lý của chính quyền, đáp ứng yêu cầu phát triển

Chỉ đạo Ủy ban nhân huyện xây dựng và triển khai Quy chế làm việc phù hợp với tình hình khi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện. Hoạt động quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân huyện đảm bảo ổn định, thống nhất, các hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ trước cơ bản được khắc phục, nhất là trên các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng. Quan tâm kiện toàn bộ máy tổ chức, thành lập các cơ quan chuyên môn, đồng thời ban hành, điều chỉnh, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc huyện; theo dõi, rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, tránh sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Thành lập, kiện toàn các hội đồng, ban chỉ đạo, đoàn kiểm tra, tổ công tác của huyện, nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực. Tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước của địa phương.

Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Tổ chức các buổi làm việc định kỳ, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân huyện với đại biểu Hội đồng nhân dân xã - thị trấn, Ban nhân dân ấp – Ban điều hành khu phố và Tổ trưởng tổ nhân dân, tổ dân phố, qua đó thông tin tình hình kinh tế - xã hội của huyện và kịp thời nắm bắt các vấn đề bức xúc của nhân dân qua phản ảnh của đại biểu dự họp để tiếp thu giải quyết theo thẩm quyền; hướng dẫn, theo dõi và báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân xã – thị trấn bầu.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận giúp cho cán bộ công chức, viên chức nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Giáo dục đạo đức lối sống, chấn chỉnh thái độ ứng xử của cán bộ, công chức; phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực[21].

Thực hiện Chương trình về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015. Kết quả, các chương trình nhánh đã đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, trong đó việc thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện đã từng bước được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp có trình độ lý luận chuyên môn từ đại học trở lên đạt tỷ lệ 100% và có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên đạt tỷ lệ 93,75%; cán bộ chủ chốt tại các xã – thị trấn có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đạt tỷ lệ 80,45% và có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt tỷ lệ 87,21%; có 97,38% công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công chức chuyên môn tại các xã – thị trấn có trình độ chuyên môn theo quy định; tỷ lệ công chức cấp huyện có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt tỷ lệ 41,79%, viên chức đạt tỷ lệ 20,66%, công chức cấp xã đạt tỷ lệ 58%.

3.3 Tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tình hình mới

Công tác dân vận của hệ thống chính trị ngày càng được đổi mới về nội dung và phương thức, hướng hoạt động về cơ sở, chú trọng hơn công tác dân vận của chính quyền; các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội ngày càng sâu sát, gắn bó với nhân dân hơn, thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, nhằm lắng nghe những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân để đề ra những biện pháp giải quyết kịp thời; tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, từ đó tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, điều hành, quản lý của chính quyền.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở quan tâm và thực hiện tốt công tác giám sát; số lượng và chất lượng các cuộc giám sát tăng so với nhiệm kỳ trước[22]; phối hợp giám sát một số lĩnh vực nhân dân quan tâm hoặc còn bức xúc như: bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết đơn thư khiếu nại, thực hiện quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng các dự án để kéo dài nhiều năm…Qua giám sát đã kiến nghị chính quyền xem xét giải quyết các bức xúc, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Hoạt động phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền từng bước phát huy hiệu quả; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi và đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, qua đó tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tổ chức và phát động nhiều phong trào ở cơ sở thu hút đông đảo quần chúng tham gia; từng bước thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Không ngừng mở rộng các hình thức dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp, lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 và các Nghị định của Chính phủ ở các loại hình, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

II.HẠN CHẾ, YẾU KÉM

- Về kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh

Năng lực cạnh tranh của kinh tế huyện chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa đạt chỉ tiêu đề ra; năng suất lao động còn thấp. Kinh tế tập thể chậm đổi mới và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Khu công nghiệp Xuân Thới Thượng và cụm công nghiệp Dương Công Khi chưa được triển khai theo đúng quy hoạch gây bức xúc đối với các hộ dân có nhà – đất bị ảnh hưởng bởi quy hoạch dự án. Hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của huyện chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tình hình dịch bệnh (trên người, trên gia súc, gia cầm), chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực dân cư.

Tình hình phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông chưa được kéo giảm, còn diễn biến phức tạp; công tác quản lý địa bàn dân cư, quản lý nhân hộ khẩu có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu nại đông người trên địa bàn huyện; công tác thi hành án dân sự đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm[23]; tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở còn thấp.

- Về thực hiện 03 chương trình trọng điểm

Chất lượng một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt chưa thật sự bền vững như các tiêu chí văn hóa, môi trường, an ninh trật tự...

Vẫn còn một số cán bộ, công chức chưa hướng dẫn tận tình, còn gây phiền hà khi tiếp xúc, giải quyết hồ sơ hành chính cho nhân dân và doanh nghiệp; còn một số cán bộ công chức bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật.

- Về thực hiện các công trình trọng điểm

+ Các công trình đường giao thông trọng điểm chưa đạt chỉ tiêu.

+ Còn 01 công trình trường học chưa thực hiện.

+ Chưa xây dựng được nghĩa trang nhân dân huyện.

- Về xây dựng hệ thống chính trị

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở một số cấp ủy cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời, thiếu sức thuyết phục; tính chủ động, tính chiến đấu còn hạn chế, dự báo tình hình chưa sát thực tế.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tự kiểm tra, giám sát việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở một số chi bộ chưa thường xuyên, nhiều chi bộ chưa kịp thời đánh giá, biểu dương, khen thưởng động viên các nhân tố tích cực của đơn vị, chưa thực sự tạo được bước đột phá trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các tổ chức đảng. Chưa có mô hình học tập và làm theo phù hợp với từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng.

Vẫn còn một số chi bộ chưa tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa chủ động phối hợp với cấp ủy và chính quyền trong công tác phản biện xã hội.

Hoạt động của một số đoàn thể còn hành chính, chạy theo thành tích. Công tác tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn Thanh niên chưa đạt theo chỉ tiêu Nghị quyết.

III. NGUYÊN NHÂN, MỘT SỐ KINH NGHIỆM

1.Nguyên nhân đạt được

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, các Sở ban ngành thành phố và các quận nội thành.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân huyện; sự phấn đấu, nỗ lực của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội huyện, Đảng ủy - Ủy ban nhân dân các xã – thị trấn, các doanh nghiệp và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trên địa bàn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện.

Sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tính trách nhiệm và gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Bám sát Nghị quyết của Đảng cấp trên; mạnh dạn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế và đề ra những biện pháp thiết thực để khắc phục kịp thời.

2. Nguyên nhân hạn chế, yếu kém

+ Nguyên nhân khách quan

Ảnh hưởng của tình hình kinh tế cả nước và thành phố; tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh. Nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, kéo dài dự án nhiều năm không thực hiện làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu.

Ý thức chấp hành pháp luật ở một bộ phận người dân còn thấp.

Các quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho các cơ quan cấp huyện trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai dẫn đến một vài trường hợp khiếu nại đông người, vượt cấp.

Số lượng án dân sự phải thi hành thụ lý mới năm sau tăng cao so với năm trước; tài sản thế chấp đưa ra bán đấu giá nhiều lần không bán được, ảnh hưởng đến kết quả thi hành án dân sự.

Một số công trình trọng điểm huyện đề ra phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương nhưng chưa được thành phố phê duyệt chủ trương, bố trí vốn, do ngân sách Nhà nước gặp khó khăn nên không thể thực hiện trong nhiệm kỳ 2010 – 2015; mặt khác Thành phố chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) và BOT (hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) nhưng chưa có doanh nghiệp đầu tư. Do thay đổi chủ trương nguồn vốn đầu tư đối với các công trình xây dựng trường học nên còn 01 công trình trường mầm non chưa thực hiện được.

+ Nguyên nhân chủ quan

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khu dân cư văn hóa; phòng chống dịch bệnh; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chấp hành Luật Giao thông đường bộ chưa hiệu quả, chưa thật sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Trình độ nghiệp vụ của một bộ phận chiến sĩ công an xã chưa đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và củng cố, nâng chất hoạt động của lực lượng an ninh cơ sở; phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, các mô hình tự quản về an ninh trật tự, phối hợp giữa các đoàn thể chính trị - xã hội trong quản lý, cảm hóa đối tượng có lúc, có nơi chưa phát huy hiệu quả cao.

Cấp ủy, lãnh đạo Chi cục thi hành án dân sự huyện chưa chủ động trong công tác lãnh, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp và tổ chức thi hành án dân sự đối với các vụ việc có điều kiện thi hành nhưng tồn đọng, kéo dài nhiều năm; một số chấp hành viên còn hạn chế về năng lực công tác.

Một số cán bộ chưa có kinh nghiệm, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác hòa giải; mặt khác, các đương sự liên quan thiếu hợp tác với tổ chức hòa giải cơ sở.

Trong xây dựng nông thôn mới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đôi lúc chưa theo kịp yêu cầu; công tác tuyên truyền trong nhân dân chưa thường xuyên, phương thức tuyên truyền còn đơn điệu, chưa gợi mở các nội dung cần bàn bạc, dẫn đến có lúc, có nơi chưa tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện một số tiêu chí.

Năng lực thực tiễn công tác của một số cán bộ, công chức chưa đồng đều. Còn một bộ phận cán bộ, đảng viên công chức thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, để xảy ra sai phạm, phải bị xử lý kỷ luật. Lãnh đạo một số đơn vị thiếu gương mẫu, thiếu quan tâm, kiểm tra nhắc nhở, chấn chỉnh cấp dưới.

Công tác lập dự án, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công công trình; năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công hạn chế.

Việc quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng ở một số tổ chức cơ sở Đảng còn hình thức, chương trình hành động còn chung chung; chưa thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên. Cấp ủy một số tổ chức cơ sở Đảng, cá nhân người đứng đầu chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác tư tưởng.

Một số cấp ủy thiếu quan tâm kiểm tra, giám sát các tập thể và cá nhân trong việc đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Một số cấp ủy chi bộ chưa xác định nội dung sinh hoạt chuyên đề phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; cán bộ, đảng viên chưa tập trung tham gia cùng cấp ủy thảo luận, đề xuất nội dung, giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng sinh hoạt chuyên đề.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện và cơ sở chưa chủ động đôn đốc cấp ủy, chính quyền cùng cấp gửi dự thảo các văn bản theo quy định để tổ chức phản biện.

Một số đoàn thể chính trị - xã hội chưa sâu sát cơ sở, đa số nắm thông tin qua các văn bản, báo cáo; do áp lực trong việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu ngành dọc cấp trên giao.

Một số hoạt động của Đoàn Thanh niên chưa phù hợp nhu cầu, sở thích của thanh niên nên chưa thu hút được lực lượng tham gia.

3. Một số kinh nghiệm thực tiễn qua 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 – 2015

Một là, phát huy truyền thống đấu tranh, cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Mười tám thôn vườn trầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội trong và ngoài huyện để chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội huyện, nhất là khơi dậy sức dân trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mọi chủ trương, Nghị quyết của Đảng phải xuất phát từ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Kịp thời và kiên trì đề xuất, kiến nghị Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho huyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Hai là, giữ vững đoàn kết thống nhất trong đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quản lý, quy hoạch và sử dụng cán bộ; tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề, tạo điều kiện cho các tổ chức cơ sở Đảng trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và đấu tranh, ngăn chặn, phòng chống những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Ba là, thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 – Khóa XI về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, qua đó nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Bốn là, quan tâm, chăm lo, củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị nòng cốt ngày càng vững mạnh. Kịp thời tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và giải quyết những đề xuất, kiến nghị, đơn thư và khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

PHẦN THỨ HAI

Mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2015 – 2020

1. Dự báo tình hình những năm tới có liên quan đến Đảng bộ huyện

Trong những năm tới tình hình chính trị - an ninh thế giới còn nhiều diễn biến rất phức tạp; quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Ở trong nước, sức mạnh tổng hợp, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế cả nước và Thành phố đang từng bước thoát khỏi tình trạng suy thoái, phục hồi đà tăng trưởng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Trên địa bàn huyện, nhiều công trình, dự án đã được phê duyệt sẽ triển khai thực hiện; các tuyến đường giao thông chính được nâng cấp, mở rộng tạo cơ sở cho ngành thương mại – dịch vụ phát triển. Tuy nhiên huyện sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới như: dự án cụm công nghiệp Dương Công Khi, khu công nghiệp Xuân Thới Thượng chưa có nhà đầu tư nên chưa triển khai thực hiện được, tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra; dân số cơ học tăng nhanh gây áp lực về cơ sở hạ tầng và công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn những phức tạp; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng và một bộ phận cán bộ đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu tình hình mới... Trước những thuận lợi, khó khăn đan xen, yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện phải nỗ lực phấn đấu tích cực hơn để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

2. Mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2015 - 2020: “Tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương Mười tám thôn vườn trầu; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng “thương mại – dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp”, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên; cải cách hành chính sâu rộng gắn với xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân; thực hiện hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương”.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 15%/năm trở lên.

(2) Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân từ 6%/năm trở lên; phấn đấu hàng năm thu ngân sách nhà nước vượt 5% trở lên so với chỉ tiêu pháp lệnh giao.

(3) Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó hộ dân sử dụng nước sạch đạt 80%.

(4) Hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt từ 98%, THPT đạt từ 90% trở lên.

(5) Hàng năm, có từ 90% trở lên hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 90% trở lên ấp – khu phố văn hóa. Đến cuối nhiệm kỳ, có 75% trở lên xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xã – thị trấn văn minh đô thị.

(6) Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt từ 95%, giữ dân số huyện tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 80% trở lên.

(7) Hàng năm, tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu Thành phố giao, trong đó có 4% công dân nhập ngũ là đảng viên.

(8) Hàng năm, kiềm chế tỷ lệ gia tăng phạm pháp hình sự trên dân số cư trú thực tế; tỷ lệ khám phá án đạt từ 75% trở lên/tổng số vụ việc thụ lý; kéo giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên trên cả 3 mặt.

(9) Hàng năm, tỷ lệ xét xử án các loại đạt trên 90%/ tổng số vụ việc thụ lý.

(10) Hàng năm, tỷ lệ thi hành án dân sự về việc được thi hành/tổng số việc có điều kiện thi hành đạt trên 88%. Tỷ lệ thi hành án dân sự về tiền được thi hành/tổng số tiền có điều kiện thi hành đạt trên 77%.

(11) Hàng năm, có 100% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó có 50% tổ chức cơ sở đảng đạt “Trong sạch vững mạnh”; 98% đảng viên đạt hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

(12) Hàng năm, phát triển từ 250 đảng viên mới trở lên.

(13) Đến cuối nhiệm kỳ, phấn đấu 100% doanh nghiệp có 500 lao động trở lên có tổ chức đảng.

(14) Đến cuối nhiệm kỳ, phấn đấu 100% cán bộ, công chức thuộc huyện có trình độ Đại học và 90% cán bộ, công chức có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.

(15) Đến cuối nhiệm kỳ, phấn đấu có trên 90% người lao động nơi có Công đoàn tham gia vào tổ chức; trên 98% cựu chiến binh vào tổ chức Hội; trên 80% phụ nữ tham gia Hội Liên hiệp Phụ nữ; có trên 80% lao động nông nghiệp tham gia vào các tổ chức thích hợp do Hội Nông dân tổ chức; trên 60% thanh niên vào tổ chức Đoàn - Hội. Các đoàn thể xây dựng lực lượng nòng cốt đạt trên 35%/ tổng số đoàn viên, hội viên.

4. Các công trình trọng điểm

- Nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh, đường Tô Ký, đường Phan Văn Hớn.

- Xây dựng mới 06 trường học, gồm: 04 trường mầm non (Tân Thới Nhì, Đông Thạnh, Xuân Thới Thượng, Tân Xuân 1), 01 trường trung học cơ sở (Xuân Thới Thượng 1), 01 trường trung học phổ thông (Tân Hiệp).

- Xây dựng nghĩa trang liệt sĩ huyện.

- Lập dự án xây dựng mới trụ sở Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện.

5. Các chương trình trọng điểm

- Chương trình “Duy trì và nâng chất 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020”.

- Chương trình “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”.

- Chương trình “Cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

- Chương trình “Cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn huyện”.

6. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

6.1. Về phát triển kinh tế gắn với quản lý và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường

6.1.1 Về phát triển kinh tế

Khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế theo hướng “thương mại – dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp”, trong đó chú trọng phát triển siêu thị, mạng lưới cửa hàng mua sắm, bán lẻ, các nhóm ngành dịch vụ như: ngân hàng, bến bãi, bất động sản…

Nâng cấp các chợ truyền thống; kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển ngành thương mại – dịch vụ ở các vị trí trọng yếu về giao thông, hạ tầng như đường: Lê Lợi, Lê Thị Hà, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Bứa, đường Song hành Quốc lộ 22, Nguyễn Thị Sóc, Đặng Thúc Vịnh, Tô Ký. Thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình bình ổn giá của Thành phố.

Đề xuất thành phố thu hồi hoặc thay đổi chủ đầu tư tại các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp không hoặc chậm triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, phát triển các loại cây con có giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên rà soát, đánh giá, có biện pháp duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.

Củng cố và phát triển loại hình kinh tế tập thể, các loại hình hợp tác sản xuất có tiềm năng, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hoạt động kinh tế tập thể, có giải pháp tích cực hỗ trợ hoạt động các Hợp tác xã. Chủ động phối hợp với các sở - ngành thành phố thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền về hội nhập, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của huyện trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, nhất là công tác phòng chống mua bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu.

Thực hiện tốt công tác điều hành ngân sách, đảm bảo cân đối thu – chi, có dự phòng tích lũy; công khai, minh bạch thu, chi ngân sách nhà nước, đầu tư công. Thực hiện chi hiệu quả, chống thất thoát lãng phí. Tăng cường công tác quản lý tạo nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách địa phương.

6.1.2 Về quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được phê duyệt. Lập quy hoạch nghĩa trang nhân dân huyện; điều chỉnh quy hoạch kịp thời, công khai các đồ án quy hoạch đã được thành phố phê duyệt bằng nhiều hình thức; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đất đai sau quy hoạch; quản lý đô thị và trật tự xây dựng chặt chẽ không để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép không phát hiện, xử lý kịp thời; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy hoạch xây dựng và trật tự đô thị. Quản lý đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị đảm bảo yêu cầu, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội huyện; từng bước chỉnh trang đô thị trong các khu dân cư hiện hữu. Khảo sát, thống kê các trường hợp lấn sông, kênh, rạch để có giải pháp xử lý. Tổ chức triển khai kế hoạch và giải pháp thực hiện nâng tỷ lệ hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch ở những tuyến đường, khu vực đã có mạng lưới cấp nước, đã có đặt bồn chứa nước sạch; trong đó lưu ý giải pháp tăng số lượng, vị trí đặt bồn chứa nước ở các ấp, tập trung vận động hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trục chính của huyện phục vụ phát triển kinh tế đáp ứng nhu cầu dân sinh; lập dự án xây dựng mới trụ sở Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện để đáp ứng yêu cầu, điều kiện làm việc, phục vụ tốt hơn dịch vụ hành chính công của huyện. Chỉ đạo chính quyền chuẩn bị kế hoạch, phương án tổ chức ổn định cuộc sống cho người dân trong phạm vi ảnh hưởng bởi các dự án, công trình trọng điểm, đồng thời chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể các cấp tham gia vận động, tuyên truyền và hỗ trợ người dân nâng cao ý thức chấp hành trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, để sớm bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Kiểm tra, giám sát chủ đầu tư trong việc thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.

Khắc phục và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường; quản lý và kiểm soát các chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, chăn nuôi và sinh hoạt của nhân dân; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý tốt hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn huyện; phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

6.2. Về phát triển giáo dục – đào tạo; xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của huyện; bảo đảm chính sách an sinh xã hội

6.2.1 Giáo dục - đào tạo

Tập trung lãnh đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bậc học, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, khắc phục phương pháp truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc theo Chương trình hành động số 46-CTr/HĐTU ngày 21 tháng 6 năm 2015 của Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; rà soát, phân bổ hợp lý đối với giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi để phục vụ nhu cầu dạy và học trong tình hình hiện nay. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng Tiếng Anh cho học sinh phổ thông”.

Đảm bảo cơ sở vật chất về trường lớp, tăng tỷ lệ học 02 buổi/ngày, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học; duy trì kết quả phổ cập các bậc học, nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, hiệu suất đào tạo. Củng cố hoạt động các Trung tâm Học tập cộng đồng theo hướng bền vững, linh hoạt và hiệu quả, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời cho nhân dân.

Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, để trang bị các phương tiện dạy và học hiện đại, trao học bổng, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo các loại hình giáo dục – đào tạo hoạt động đúng quy định pháp luật.

6.2.2 Văn hóa – thể thao

Đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội thao để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh, thiếu niên... thông qua các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU ngày 21 tháng 6 năm 2015 của Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, ấp – khu phố văn hóa; xây dựng chương trình “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xã – thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Xây dựng “Điểm sáng văn hóa”, đẩy mạnh hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng; phát triển nhiều loại hình vui chơi giải trí lành mạnh cho nhân dân. Kêu gọi và tạo điều kiện công tác xã hội hóa thể dục - thể thao; phát huy cơ sở vật chất văn hóa thể dục - thể thao, phát triển cụm văn hóa - thể thao.

6.2.3 Y tế

Củng cố các đội chống dịch cơ động huyện để kịp thời xử lý ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị Trạm y tế các xã – thị trấn, vận động người dân mua bảo hiểm y tế với đăng ký khám ban đầu tại các trạm y tế xã – thị trấn. Khuyến khích phát triển hệ thống y tế tư nhân, đồng thời phổ biến những quy định mới và quản lý chặt chẽ các cơ sở y tế tư nhân, nhà thuốc đạt chuẩn để đảm bảo chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt cho người dân. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 167-KH/HU ngày 06 tháng 10 năm 2014 về thực hiện Kết luận số 156-KL/TU ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về Đề án “Quy hoạch phát triển ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”.

6.2.4 Thực hiện các chính sách an sinh xã hội

Tiếp tục phát động sâu rộng phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, thực hiện tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, gia đình chính sách, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; vận động cán bộ, công chức và nhân dân đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”, các quỹ học bổng cho học sinh… Tổ chức tuyên truyền, vận động mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện theo lộ trình quy định.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo nghề trên cơ sở dự báo được việc làm, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề. Hàng năm, tổ chức rà soát, đánh giá tính bền vững của các hộ đã vượt chuẩn nghèo để có giải pháp chăm lo, hỗ trợ phù hợp, đồng thời thường xuyên cập nhật các chỉ tiêu hộ nghèo qua từng năm do thành phố ban hành.

6.3. Về bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; cải cách tư pháp trong tình hình mới

6.3.1 Quốc phòng – an ninh

Giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm; chủ động phòng ngừa, kịp thời giải quyết tình huống phức tạp phát sinh. Phát hiện, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Xây dựng khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững chắc. Xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác diễn tập phòng thủ, phòng chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố hàng năm phù hợp tình hình thực tiễn tại địa bàn huyện.

Xây dựng lực lượng vũ trang (quân sự, công an, dân quân tự vệ) tại địa phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện trong lực lượng vũ trang, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; quản lý, tạo nguồn phát triển đảng viên trong lực lượng thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên.

6.3.2 Trật tự an toàn xã hội

Tập trung chuyển hóa các địa bàn, các khu vực trọng điểm, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự; chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Giải quyết kịp thời, đúng quy định các đơn tố giác, tin báo liên quan đến an ninh trật tự. Chỉ đạo lực lượng công an và quân sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ.

Củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo; nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự hiệu quả. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm. Thường xuyên phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các biện pháp phòng, chống tội phạm cho nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng người dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn huyện. Thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị.

Kịp thời chỉ đạo giải quyết tốt các vụ khiếu kiện đông người, các vụ đình công, lãn công, tranh chấp lao động tập thể, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Thành ủy về “tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” và Kết luận số 234-KL/TU ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về “triển khai thực hiện các biện pháp tổng hợp đối với người nghiện ma túy và đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy”; thực hiện các biện pháp tổng hợp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện; quản lý tốt người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư; giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái nghiện.

6.3.3 Công tác cải cách tư pháp

Tiếp tục thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.

Xử lý nghiêm các vụ án về ma túy, tham nhũng, tội phạm có tổ chức, đảm bảo không có án oan, sai, không bỏ sót tội phạm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp huyện; tăng cường công tác xét xử lưu động, nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân và góp phần phòng ngừa, răn đe tội phạm; quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa loại hình công chứng, thừa phát lại trên địa bàn huyện theo đúng quy định.

Lãnh đạo cấp ủy chi bộ Tòa án nhân dân huyện và Chi cục thi hành án dân sự huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ, không để án tồn quá hạn và các vụ việc thi hành án dân sự có điều kiện thi hành nhưng kéo dài chưa thực hiện.

Đổi mới phương pháp tuyên truyền pháp luật trong nhân dân; kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp; thực hiện hiệu quả các nghị quyết liên tịch giữa các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, xã – thị trấn với lực lượng công an, quân sự trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý, giáo dục, cảm hóa các đối tượng.

6.4. Về xây dựng hệ thống chính trị

6.4.1 Xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XI về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng chính trị gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Thực hiện tốt công tác dự báo, nắm bắt diễn biến tư tưởng, sớm phát hiện, kịp thời xử lý các vấn đề, vụ việc phức tạp; cung cấp thông tin kịp thời cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để định hướng dư luận, nâng cao nhận thức, tăng “sức đề kháng” trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XI về xây dựng Đảng gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy đảng hàng năm, tạo sự chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và phản bác các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch.

Kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên

Kịp thời kiện toàn cấp ủy, tăng cường cán bộ ở những địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều khó khăn hoặc nội bộ mất đoàn kết; phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Chỉ đạo xây dựng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Tăng cường công tác quản lý, phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của Điều lệ Đảng. Chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở tiếp tục xây dựng, tổ chức thực hiện, định kỳ sơ kết và bổ sung việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy. Kiên quyết chấn chỉnh, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy theo Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Hướng dẫn 09-HD/BTCTW ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ. Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tăng cường đi cơ sở, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt việc nêu gương của người đứng đầu.

Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ hàng năm đảm bảo thực chất, khách quan, công tâm, phát huy dân chủ, tính tự giác của cán bộ, trách nhiệm của tập thể cấp ủy và cá nhân người đứng đầu, của cơ quan, đơn vị, tạo cơ sở thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và gắn bó mật thiết với nhân dân.

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng quy định. Kịp thời xử lý nghiêm đối với đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới vi phạm kỷ luật đảng. Củng cố, bổ sung cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát đủ số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình công tác kiểm tra, giám sát hàng năm sát với tình hình, nhiệm vụ của huyện. Chú trọng giám sát thường xuyên; nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát chuyên đề; chọn nội dung, đối tượng kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; giám sát mở rộng các lĩnh vực có liên quan đến an sinh xã hội và đời sống nhân dân, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc. Kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc nêu gương gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Quán triệt nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng cho cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra và chi bộ. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ Ủy ban Kiểm tra từ huyện đến cơ sở.

6.4.2 Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính

Kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự các cơ quan, đơn vị, xã - thị trấn theo quy định. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tập trung bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Lãnh đạo tốt công tác bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân huyện, xã – thị trấn. Chú trọng tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ chính trị, chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp mới, đột phá trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân kết hợp với kiểm tra thực tế, chủ động phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Thực hiện công tác dân vận của chính quyền; kịp thời phát hiện và biểu dương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo”.

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; nâng cao mức độ hài lòng của người dân khi giao dịch với các cơ quan hành chính nhà nước. Đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ cán bộ, công chức phụ trách tiếp công dân, giải quyết hồ sơ hành chính.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý và thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng, uy tín giảm sút; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình trực tiếp quản lý.

Tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, liêm khiết của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm túc việc kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập đối với cán bộ, đảng viên, công chức theo quy định.

6.4.3 Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, tôn giáo; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng sâu rộng để xây dựng và phát triển huyện; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Lãnh đạo hệ thống chính trị huyện thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phát huy tốt vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện trong việc phối hợp vận động các nguồn lực chăm lo, nâng cao đời sống cho dân nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ vốn, việc làm cho người dân tộc thiểu số, người có đạo. Hàng năm, vận động quỹ “Vì người nghèo” để sửa chữa nhà tình nghĩa, xây dựng nhà tình thương, trao tặng học bổng, phương tiện đi học. Các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm chăm lo, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân

Củng cố, kiện toàn tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tập trung về cơ sở; lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác dân vận theo phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Đổi mới và đa dạng hóa các loại hình tập hợp quần chúng, trong đó chú ý các loại hình theo sở thích, phù hợp nhu cầu xã hội để thu hút quần chúng vào các tổ chức Hội, Đoàn; phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị đảm bảo số lượng và chất lượng; củng cố, nâng chất hoạt động các mô hình, câu lạc bộ hiện có. Phấn đấu trong nhiệm kỳ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện đạt thành tích cao trong cụm thi đua.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân

Không ngừng mở rộng dân chủ, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở theo các loại hình, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân, trong cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động; tổ chức tiếp xúc đối thoại, lắng nghe và kịp thời giải quyết các đề xuất, kiến nghị, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tiếp tục thực hiện quy chế Mặt trận Tổ quốc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở khu dân cư, trong đó tập trung giám sát, phản biện, góp ý những vấn đề mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm hoặc còn bức xúc. Tổ chức tập huấn công tác giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở.


[1] Huyện có 15 Hợp tác xã đăng ký hoạt động gồm: 09 Hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp (HTX DV-NN Ngã Ba Giồng, HTX Hoa lan Ngọc Tú, HTX TM-DV-NN Bảo Tín, HTX Nông nghiệp Tân Hiệp, HTX Nông nghiệp Mai Hoa , HTX Cá Sấu giống Nam Bộ, HTX TM-DV-NN Ngọc Điểm, HTX Nông nghiệp Tiên Tiến, HTX Hoa Quả Sơn), 03 Hợp tác xã thương mại-dịch vụ (HTX TM-DV Nhị Bình, HTX TM-DV Đông Thạnh, HTX TM-DV TT Hóc Môn), 01 Hợp tác xã công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (HTX Công Nông Trường Sơn), 02 Hợp tác xã giao thông vận tải (HTX GT-VT 19/5, HTX GT-VT Hóc Môn); 64 Tổ hợp tác: 45 Tổ hợp tác Nông nghiệp, 19 Tổ hợp tác Tiểu thủ công nghiệp.

[2] Hoàn thành và đưa vào sử dụng 50/77 công trình, 27 công trình còn lại hoàn thành trong năm 2015, tổng số tiền 284,198 tỷ đồng.

[3] Số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, năm 2010 có 539 trường hợp, năm 2011 có 365 trường hợp, năm 2012 có 151 trường hợp, năm 2013 có 121 trường hợp, năm 2014 có 48 trường hợp, 6 tháng đầu năm 2015 có 19 trường hợp.

[4] Đầu nhiệm kỳ, huyện có 41.142/56.669 hộ dân (tỷ lệ 72,6%) đăng ký tham gia thu gom rác dân lập; cuối nhiệm kỳ, huyện có 79.504/84.225 hộ dân (tỷ lệ 94,4% %) đăng ký tham gia thu gom rác dân lập.

[5] Đầu nhiệm kỳ, có 100% học sinh hoàn thành bậc tiểu học; 96,6% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; 97,68% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Cuối nhiệm kỳ, có 100% học sinh hoàn thành bậc tiểu học; 98,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; trên 90% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

[6] Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Trung tâm Giáo dục thường xuyên hàng năm tăng từ 4,5% đến 10%.

[7] Đầu nhiệm kỳ, toàn huyện có 11 trường mầm non dân lập – tư thục, 71 nhóm trẻ gia đình với 16.820 trẻ, trong đó có 42 cơ sở hoạt động không phép với 1.148 trẻ. Cuối nhiệm kỳ, có 10 trường mầm non dân lập - tư thục, 147 nhóm trẻ gia đình với 24.704 trẻ, trong đó có 20 cơ sở hoạt động không phép với 603 trẻ, giảm 22 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ.

[8] Đầu nhiệm kỳ, thu nhập bình quân của người dân là 1.931.300 đồng/người/tháng; cuối nhiệm kỳ, thu nhập bình quân của người dân là 3.800.000 đồng/người/tháng.

[9] Đầu nhiệm kỳ, có 406 cơ sở y tế tư nhân; cuối nhiệm kỳ, có 521 cơ sở y tế tư nhân (tăng 115 cơ sở).

[10] Đầu nhiệm kỳ, có 59/83 ấp – khu phố được ghi nhận, công nhận đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ 71%); cuối nhiệm kỳ, có 82/87 ấp – khu phố được ghi nhận, công nhận đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ 94,25%), tăng 23,25%.

[11] Đầu nhiệm kỳ, có 24,5% người dân tập luyện thường xuyên các môn thể dục - thể thao/ tổng dân số; cuối nhiệm kỳ, có 25,9% người dân tập luyện thường xuyên các môn thể dục - thể thao/ tổng dân số (tăng 1,4%).

[12] Đầu nhiệm kỳ, có 97 cơ sở thể thao ngoài công lập; cuối nhiệm kỳ, có 153 cơ sở cơ sở thể thao ngoài công lập (tăng 56 cơ sở).

[13] Xảy ra 838 vụ phạm pháp hình sự, điều tra khám phá 608/838 vụ (tỷ lệ 72,55%), tăng 3,84% so với đầu nhiệm kỳ (68,71%), vượt 7,55% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X.

[14] Người dân cung cấp 11.472 tin báo, trong đó có 8.321/11.472 tin báo có giá trị (đạt 72,5%).

[15] Xây dựng, củng cố 17 tổ dân phố - tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự; 253 tổ công nhân tự quản khu nhà trọ; 48 tổ xe ôm tự quản; tiếng kẻng an ninh trật tự, camera an ninh…

[16] Tỷ lệ giải quyết án tại Viện Kiểm sát nhân dân do cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện chuyển đạt 99,72%, tăng 0,72% so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ giải quyết án các loại đạt 92,83%, vượt 2,83% so với chỉ tiêu.

[17] Đầu nhiệm kỳ có 02 Văn phòng công chứng, đến nay có 03 Văn phòng công chứng và 01 Văn phòng Thừa phát lại.

[18] Thường trực Huyện ủy và lãnh đạo các ban Huyện ủy đã tiếp công dân 317 lượt (năm 2010: 101 lượt; năm 2012: 101 lượt; năm 2012: 44 lượt; năm 2013: 37; năm 2014: 23 lượt; 06 tháng dầu năm 2015: 11 lượt); Thường trực Ủy ban nhân dân huyện và thủ trưởng các phòng, ngành của huyện, Ban Tiếp công dân huyện đã tiếp công dân 3.502 lượt (năm 2010: 416; năm 2011: 210; năm 2012: 150; năm 2013: 1.265; năm 2014: 1.096; 06 tháng đầu năm 2015: 365).

[19] Huyện ủy tiếp nhận và xử lý 896 đơn (năm 2010: 155 đơn; năm 2011: 176 đơn; năm 2012: 142; năm 2013: 212 đơn; năm 2014: 135 đơn; 06 tháng đầu năm 2015: 76), trong đó chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 538 đơn; hướng dẫn, hoàn trả 151 đơn; lưu 207 đơn. Ủy ban nhân dân huyện tiếp nhận 3.747 đơn (năm 2010: 643 đơn; năm 2011: 164 đơn; năm 2012: 77; năm 2013: 1.179 đơn; năm 2014: 1.294 đơn; 06 tháng đầu năm 2015: 390); trong đó đơn thuộc thẩm quyền giải quyết: 1.745 đơn.

[20] Năm 2012 tuyên dương 55 tập thể, 108 gương cá nhân; năm 2013 tuyên dương 61 gương tập thể, 136 gương cá nhân; năm 2014 tuyên dương 70 gương tập thể, 173 gương cá nhân.

[21] Năm 2012 kiểm điểm, cắt thi đua 16 trường hợp, cho nghỉ việc 01 trường hợp; năm 2013 kiểm điểm và cắt thi đua 05 trường hợp, cho nghỉ việc 01 trường hợp.

[22] Năm 2010: 28 cuộc, năm 2011: 37 cuộc, năm 2012: 38 cuộc, năm 2013: 38 cuộc, năm 2014: 107 cuộc, 6 tháng đầu năm 2015: 30 cuộc.

[23] Hiện còn tồn 76 vụ việc thi hành án dân sự trên 3 năm có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong với số tiền phải thi hành là 17,642 tỷ đồng.

Thông báo