(Do đ/c Nguyễn Chí Nam – Phó Bí thư Huyện ủy trình bày)
---------------
Trong báo cáo tổng kết cả nhiệm kỳ, đã có nêu cụ thể tình hình hai năm qua của Huyện. Điều không thể phủ nhận là ngoài yếu tố có sự đóng góp chung của nhân dân và toàn Đảng bộ Huyện, thì xét cho cùng đối với thành quả đã đạt được hay những mặt còn yếu kém cả nhiệm kỳ, có một phần trách nhiệm rất quan trọng của Ban Chấp hành Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy và Thường trực Ủy ban Huyện.
Để làm rõ hơn trách nhiệm này, nhằm rút ra một số kinh nghiệm cho công tác lãnh chỉ đạo khóa tới; Trên tinh thần “nói thẳng, nói thật, nói rõ”, Ban Chấp hành Huyện ủy nhiệm kỳ IV nghiêm túc tự kiểm điểm lại quá trình hoạt động của mình, trên những vấn đề chủ yếu sau đây:
I. BỐI CẢNH CHUNG VÀ TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO CỦA BAN CHẤP HÀNH HUYỆN ỦY
Đại hội Đảng Huyện lần IV được tổ chức trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nên tất yếu có những vấn đề quyết nghị trong Đại hội đã chưa thật trùng hợp với xu thế chuyển đổi chung.
Điều đáng lưu ý là nằm trong bối cảnh chung cả nước, Huyện cũng vừa trải qua một giai đoạn cực kỳ gay go, tình hình diễn biến có lúc không bình thường – ngoài dự đoán, trong đó vật tư – nguyên liệu – tiền mặt – giá cả… những yếu tố quyết định cho nền sản xuất phát triển đều gặp khó khăn, đời sống ngày càng căng thẳng, xu thế đổi mới đang đòi hỏi được phá vỡ để bung lên, nhưng những cơ chế cũ tập trung quan liêu bao cấp vẫn còn kềm chế, giằng co trên mọi mặt.
Với nhiệm vụ là cơ quan chịu trách nhiệm lãnh đạo chung giữa hai kỳ Đại hội, Ban Chấp hành đã rất linh hoạt, không đóng khung trong phạm vi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Huyện lần IV. Trái lại, trên cơ sở liên tục soát xét lại những chỉ tiêu trọng tâm, Ban Chấp hành chủ trương bổ sung một số yêu cầu nẩy sinh từ tình hình phát triển, không có trong Nghị quyết Đại hội. Đồng thời, đã cân nhắc lựa chọn không thực hiện một số điểm tuy có để trong Nghị quyết nhưng không còn phù hợp, nhằm tìm ra cho Huyện một hướng đi nào mới hơn, thích hợp hơn theo xu thế đổi mới chung.
II. VỀ QUÁN TRIỆT ĐƯỜNG LỐI CHUNG, LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CẢ NHIỆM KỲ
1. Trong chỉ đạo phát triển kinh tế:
Để cân đối được các mặt kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở vật chất cho cả khu vực Nông nghiệp và Công nghiệp, chuyển cơ cấu nông công nghiệp sang công nông nghiệp vào những năm 1990, Ban Chấp hành đã có một số chủ trương lãnh đạo khá phù hợp.
Việc xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu được Ban Chấp hành Huyện ủy thống nhất cao, nên một số nhiệm kỳ qua đã chú trọng lãnh đạo để đưa sản xuất nông nghiệp đi lên, mặc dù việc đầu tư cho nông nghiệp so với các ngành khác không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước yêu cầu đổi mới, việc lãnh chỉ đạo của Ban Chấp hành cũng có sự đổi mới tương ứng, năm 1987 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Huyện, Ban Chấp hành chủ trương “Tập trung xóa dần mất cân đối, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với 3 chương trình kinh tế lớn của Trung ương” thì đến năm 1988, Nghị quyết Huyện ủy đã có sự trở bộ “Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hiện 3 chương trình kinh tế của Trung ương, vận dụng một số chính sách để phát huy hiệu quả các thành phần kinh tế...”.
Mặt trận nông nghiệp vốn khó khăn, trì trệ lâu nay, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển không phải là điều dễ dàng trong điều kiện một Huyện nghèo, tiềm năng về nông nghiệp không nhiều so với công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Bằng nhiều cố gắng, Huyện ủy đã tìm một số biện pháp tháo gỡ khó khăn để mở hướng cho nông nghiệp phát triển. Cụ thể, ngoài yêu cầu lãnh đạo đầu tư cho nông nghiệp theo một tỷ lệ như Nghị quyết nhiệm kỳ định hướng, Ban Chấp hành còn chủ trương chỉ đạo điểm 3 mô hình ở 3 HTX nông nghiệp (Xuân Lộc, Tân Hiệp và Tân Xuân), khuyến khích các HTX nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất kinh doanh tổng hợp, đẩy mạnh việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong nông nghiệp v.v... Việc đầu tư cho nông nghiệp biểu hiện khá rõ nét dù có lúc Huyện ủy bị phê là còn “bao cấp” như việc chỉ đạo bơm tưới chống hạn miễn phí, cấp bán vật tư, xăng dầu giá rẻ để giữ năng suất, sản lượng cây trồng. Bằng những cố gắng, Ban Chấp hành đã lãnh đạo giữ được diện tích các cây trồng đạt trên 99%, trong đó mía tăng 10%. Đó là thành quả đạt được trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, lẽ ra không đạt được diện tích này mà còn phải giảm hơn nữa.
Mặt yếu trong lĩnh vực này là nông nghiệp tuy có tập trung lãnh chỉ đạo, nhưng chưa vượt lên vị trí hàng đầu, nông nghiệp chưa phải là mũi nhọn trong nền kinh tế Huyện. Những chỉ tiêu “sống còn” như năng suất, sản lượng lúa, rau, đậu phộng, bò sữa, con heo đều không đạt. Yếu kém này ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, cơ chế chính sách bó buộc, nguyên nhân chủ quan do Ban Thường vụ và Thường trực Ủy ban chưa tập trrung cao tác động tháo gỡ đúng mức. Lẽ ra, từng hồi, từng chập nên chỉ đạo tích cực có hội nghị sơ kết chuyên đề về nông nghiệp để nắm sát tình hình đầu tư và kết hợp chặt với các ngành chức năng Thành phố để giải quyết, mặt trận nông nghiệp có thể sáng hơn.
Trong công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hai năm qua, mức độ lãnh đạo của Ban Chấp hành đối với khu vực này có tập trung. Sự tập trung ấy không chỉ dừng lại ở việc lãnh đạo thực hiện những chỉ tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội mà còn cả những vấn đề Đại hội Huyện lần IV chưa đặt ra. Trong năm 1987, tư tưởng đổi mới của Ban Chấp hành đã bắt kịp với sự chuyển động chung của toàn bộ hoạt động kinh tế – xã hội. Việc giao quyền chủ động cho cơ sở và việc chuyển đổi phương thức “mua nguyên liệu, bán thành phẩm” có được quan tâm hơn dù chưa nhiều – Sang năm 1988, Ban Chấp hành đã mạnh tay hơn, cho phép các cơ sở tự chạy kế hoạch và để cân đối nhu cầu sản xuất, tự tìm thị trường tiêu thụ nếu thương nghiệp XHCN không có nhu cầu thu mua, giảm dần hình thức gia công trong khu vực tiểu thủ công nghiệp. Điểm cần ghi nhận như một bước ngoặt mới là gần cuối nhiệm kỳ, Ban Chấp hành đã bàn thống nhất cho ra đời Chỉ thị 15/HU nhằm tháo gỡ một phần về thuế, phát huy khả năng của các thành phần kinh tế để giải phóng năng lực sản xuất, giải quyết lao động, tăng sản phẩm cho xã hội. Đối với khối xã được xác định là cấp có ngân sách kế hoạch, Huyện ủy cũng đã mạnh dạn cho bung ra sản xuất, thành lập những xí nghiệp với quy mô lớn như ở Đông Hưng Thuận, An Phú Đông, Tân Thới Nhứt v.v... Có thể dẫn chứng một vài số liệu cho thấy sản xuất công nghuiệp – tiểu thủ công nghiệp đã phát triển khá tốt trong hai năm qua, tốc độ phát triển 1987 tăng 2% so 1986, năm 1988 tăng 16,8% so 1987, Công nghiệp quốc doanh năm 1988 với 234% kế hoạch và vượt 200% so chỉ tiêu Đại hội.
Mặt tồn tại ở lĩnh vực này là việc chỉ đạo xây dựng xí nghiệp quốc doanh Dệt của Huyện chưa thực hiện được theo tinh thần Nghị quyết. Xí nghiệp Vật liệu xây dựng tuy có thành lập nhưng hiệu quả hoạt động kém, chưa phát huy bao nhiêu, xí nghiệp Chế biến thức ăn gia súc có làm nhưng công suất còn thấp. Nguyên nhân chính do Huyện tính toán thấy chưa đủ sức đầu tư hoặc không mang lại hiệu quả nên không chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết Đại hội. Mặt khác cũng do Nghị quyết Đại hội mang tính định hướng hai năm trong khi tình hình mới đòi hỏi phải có sự trở bộ phù hợp nên có mặt không triển khai thực hiện được.
Trong công tác cải tạo, Ban Chấp hành có cân nhắc lãnh đạo, không quá đặt nặng phải “hoàn thiện quan hệ sản xuất” trong nông nghiệp như Nghị quyết nhiệm kỳ vạch ra, mà từng bước, đã có những linh hoạt mềm dẻo, vận dụng chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết 10/BCT. Từ đó, biến động ruộng đất tuy có lúc bùng lên (như vào khoảng Quý IV năm 1988) nhưng tình hình không quá nghiêm trọng so các tỉnh Huyện bạn. Việc chỉ đạo điểm các HTX nông nghiệp cũng có quan tâm.
Công tác cải tạo công thương nghiệp được chú ý song song. Đã giải thể toàn bộ các cửa hàng hợp tác kinh doanh, nặng hình thức nhưng không hiệu quả, cho về dạng cá thể, quản bằng chính sách thuế.
Mặt yếu là những tồn đọng trong khâu cải tạo công thương nghiệp từ năm 1978 đến nay chưa giải quyết xong. Trong cải tạo nông nghiệp, vẫn còn hình thức, nhiều HTX nông nghiệp làm ăn không hiệu quả (chỉ có 1/3 đạt khá – trong đó HTX Xuân Lộc là một điển hình làm kinh tế giỏi mạnh nhất, còn lại rất khó khăn. Có HTX nặng kinh doanh, vừa không đầu tư được gì cho sản xuất, vừa phải vướng nợ trên 03 - 40 triệu đồng).
Thiếu sót này – nhất là đối với cải tạo nông nghiệp, một mặt do vướng cơ chế cũ, Huyện ủy có lúng túng trong khâu lãnh đạo, mặt khác, cũng do bộ máy con người cơ quan chức năng cải tạo có thay đổi sau kiện toàn theo quyết định 90/UBNDTP nên sức tham mưu cho Huyện ủy lãnh đạo có bị hạn chế.
Lĩnh vực lưu thông phân phối vẫn là mặt trận nóng bỏng gay gắt nhất nên được Ban Chấp hành quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Trong từng tháng, quý, năm Ban Chấp hành đều vạch ra chủ trương chỉ đạo chung về lĩnh vực này, mặt khác chỉ đạo chuyên đề bằng chương trình hành động như thực hiện Nghị quyết 2/TW về giải quyết những vấn đề cấp bách trong lưu thông phân phối, Nghị quyết 11 Bộ Chính trị về chống lạm phát. Quan tâm tháo gỡ về vốn cho các đơn vị nội ngoại thương để có điều kiện hoạt động tốt, chấn chỉnh các đơn vị kinh doanh không đúng hướng hoặc chạy theo chênh lệch giá, tranh mua, tranh bán làm giá cả biến động. Từ những cố gắng trên, trong hai năm qua các đơn vị thương nghiệp đã đáp ứng khá tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống. Hoạt động ngoại thương đã chú ý chân hàng xuất khẩu tại chỗ thông qua đầu tư sản xuất từ nông nghiệp và công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng khu công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu theo Nghị quyết Đại hội. Một số đơn vị thương nghiệp khác cũng chú trọng đầu tư sản xuất vừa tạo chân hàng tại chỗ, thu hút thêm lao động, gánh một phần trách nhiệm cùng xã hội.
Tuy nhiên, dù có tập trung cao nhưng trong lãnh chỉ đạo của Ban Chấp hành còn lúng túng, không chuyển kịp theo tình hình. Nguyên nhân chính do cơ chế về giá cả, tiền mặt... đều gặp khó khăn gay gắt, ngân sách Huyện không có khả năng cấp vốn, tiền mặt ở Ngân hàng không đủ sức chi thu mua nắm nguồn hàng, từ đó dẫn đến hiệu quả kinh doanh bị hạn chế.
2. Trong chỉ đạo mảng văn hóa xã hội và chăm lo đời sống:
Căn cứ Nghị quyết cả nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Huyện ủy đã chú trọng chỉ đạo chăm lo đời sống cả tinh thần, lẫn vật chất.
Cụ thể hóa chủ trương Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng hai Nghị quyết chuyên đề về Y tế, Giáo dục để lãnh đạo những vấn đề then chốt cho mảng văn xã phát triển đúng trọng tâm. Kết quả vì vậy có những chuyển đổi tốt hơn so nhiệm kỳ trước, trong đó khối văn xã đã đạt một số chỉ tiêu quan trọng do Đại hội IV đề ra như toàn Huyện đã cơ bản giải tỏa được các lớp học ca ba, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi có nhiều tiến bộ. Về chăm lo đời sống vật chất cũng luôn được Ban Chấp hành quan tâm lãnh đạo, chủ trương cho các đơn vị mở rộng sản xuất, giao các ngành chức năng như thương binh - xã hội, các đoàn thể chăm lo diện nghèo neo đơn không để có trường hợp quá xấu vì đời sống xảy ra.
Mặt đáng quan tâm nhất trong lĩnh vực này là hoạt động giáo dục, y tế còn nhiều vấn đề cần tập trung chỉ đạo, trong đó tỷ lệ phát triển dân số còn cao, chưa cân đối với nền sản xuất chưa thật phát triển mạnh mẽ.
Yêu cầu chăm lo đời sống vật chất còn nhiều hạn chế, nhất là đối với nhân dân lao động nghèo và khối hành chính sự nghiệp. Giải quyết lao động có cố gắng nhưng không đạt chỉ tiêu Nghị quyết số lao động không công ăn việc làm trong Huyện còn nhiều. Yếu kém này Ban Chấp hành có thấy, thường bàn luận khá sâu trong một số cuộc họp, nhưng vẫn chưa tìm được lối ra, bởi nền sản xuất chưa lên mạnh, kéo theo đời sống bị ảnh hưởng và tình hình xã hội còn nhiều phức tạp.
3. Về chỉ đạo mảng nội chính:
Huyện ủy luôn quan tâm lãnh đạo mảng nội chính. Thường xuyên củng cố, bổ sung nhân sự các ngành thuộc khối. Năm 1987: Ban Thường vụ Huyện ủy còn tính toán cho thành lập Ban Nội chính Huyện ủy để tăng cường khả năng họat động cho lĩnh vực. Hàng năm, Huyện ủy đều có Nghị quyết chuyên đề chỉ đạo về công tác an ninh quốc phòng, được triển khai đến tận cơ sở để cùng quán triệt thực hiện. Thường trực Huyện ủy, Thường trực Ủy ban có theo dõi hoạt động các ngành Tòa án, Viện Kiểm sát, Tư pháp để có ý kiến khi cần thiết. Lĩnh vực an ninh chính trị do đó không có diễn biến gì phức tạp. Những nhiệm vụ công tác quân sự địa phương có đảm bảo thực hiện khá tốt. Hoạt động các ngành thuộc khối có duy trì.
Tuy nhiên, hạn chế khá lớn là phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc gần đây có giảm. An ninh chính trị giữ vững, nhưng trật tự an toàn xã hội còn nhiều vấn đề quan tâm, trong đó tình trạng trộm cắp vặt còn khá phổ biến, công tác quân sự địa phương còn tập trung chỉ đạo cả về kiện toàn bộ máy lẫn một số yêu cầu họat động, nhất là trong khâu tuyển quân. Những yếu kém này trách nhiệm trước hết do ngành chủ quản, nhưng mặt khác cũng do Thường trực Huyện ủy – Thường trực Ủy ban có lúc chỉ đạo chưa tập trung, còn khoán cho cơ quan chức năng Công an – Huyện Đội.
4. Về chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng:
Song đôi chỉ đạo phát triển kinh tế, công tác xây dựng lực lượng luôn được Huyện ủy xem trọng, bởi đây là yêu cầu cần đạt, cũng là biện pháp để tạo động lực thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị chung.
Trong xây dựng Đảng: Ban Chấp hành chủ trương phấn đấu đạt vững mạnh cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức. Trong quá trình tiến hành, Huyện ủy luôn coi trọng việc tổ chức cho cán bộ Đảng viên quán triệt các Nghị quyết chủ trương trên, nhất là Nghị quyết VI, Nghị quyết 10, Nghị quyết 16/BCT, có tạo được sự nhất trí cao về quan điểm chính trị, quan điểm đổi mới trong toàn Đảng bộ, mặt khác Huyện cũng dành kinh phí thỏa đáng cho công tác bồi dưỡng, cả về chính trị, văn hóa, đào tạo một số lượng cán bộ khá đông có tầm nhìn khoa học hơn theo khuynh hướng đổi mới chung. Công tác tổ chức cán bộ có đi vào chiều sâu, những đơn vị yếu, thiếu đều được củng cố, kiện toàn xong dù có đơn vị phải củng cố hai, ba lần. Những trường hợp thay đổi cán bộ chủ chốt, chỉ có một số ít do xử lý kỷ luật, còn lại là đề bạt nâng lên, hoặc điều chỉnh trẻ hóa, nâng sức chiến đấu cho cơ sở. Chỉ tiêu phát triển Đảng. Đảng viên loại tốt tuy chưa đạt, nhưng chuẩn chất có được đánh giá đúng thực chất, phát triển Đảng có chú trọng địa bàn xung yếu và quan tâm lực lượng Đoàn viên ưu tú. Công tác kiểm tra Đảng luôn được duy trì, những đơn thư khiếu nại, khiếu tố đều cố gắng giải quyết nhanh. Kết quả xây dựng Đảng cả nhiệm kỳ đạt được một số thành quả nhất định, Chi Đảng bộ cơ sở vững mạnh được xét công nhận đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Kỷ cương sinh hoạt Đảng ngày càng chặt chẽ – công tác tự phê – phê tiến hành nghiêm túc, có đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi đợt tiến hành, đã tác động tốt đến phong trào dân chủ hóa, công khai hóa, nâng dần lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân với Đảng.
Tuy nhiên, khuyết điểm lớn là Ban Chấp hành Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy chưa dành thời gian đầu tư bàn sâu về những vấn đề then chốt trong công tác xây dựng Đảng như công tác tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ. Việc đánh giá, bố trí cán bộ, Ban Thường vụ có cân nhắc kỹ từng trường hợp nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Tốc độ phát triển kinh tế chưa “xốc” lên, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do công tác tổ chức bố trí cán bộ theo chưa kịp tình hình chính trị. Có trường hợp Ban Thường vụ quyết định rồi, lại phải bàn quyết định lại. Một vài trường hợp bố trí điều chuyển còn chấp vá, do các năm qua Huyện chưa làm tốt khâu quy hoạch đào tạo đội ngũ kế cận. Một hai trường hợp bố trí rồi, hoạt động chưa hiệu quả, nhưng nể nang, tình cảm, kéo dài không dứt khoát. Công tác tư tưởng có đẩy mạnh nhưng chưa đi vào chiều sâu. Việc quán triệt chủ trương đường lối có nhưng sự chuyển biến thể hiện ở nhiều cán bộ Đảng viên chưa đồng nhất, còn tư tưởng trông chờ, tịnh hoặc tư duy chưa đổi mới kịp so tình hình nên hoạt động còn lúng túng, chưa xốc nổi. Công tác kiểm tra có đổi mới nhưng chưa mạnh, còn bị động trong kiểm tra giải quyết tiêu cực, công tác kiểm tra thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị, kiểm tra Đảng viên chấp hành chưa thành nề nếp trong Đảng bộ.
Trong xây dựng chính quyền: Trong qua bầu cử HĐND hai cấp và tiến hành kiện toàn bộ máy theo Quyết định 90/UBND-TP, Huyện ủy đã chú trọng nhiều đến việc chỉ đạo bố trí nhân sự, con người để nâng dần khả năng quản lý Nhà nước từ Huyện đến cơ sở - nhất là đối với một số ngành chủ yếu. Hoạt động HĐND ở nhiệm kỳ này có những tiến bộ tốt.
Mặt yếu trong xây dựng chính quyền, đã có nêu khá rõ trong báo cáo nhiệm kỳ, trong đó đáng lưu ý là bộ máy Nhà nước từ Huyện đến cơ sở, có lúc, có nơi còn hạn chế, dẫn tới thực hiện chủ trương Nghị quyết Đảng còn chậm và hiệu quả chưa cao. Hạn chế này phần lớn do Ban Thường vụ Huyện ủy chưa có kế hoạch lãnh đạo kiểm tra đôn đốc, chưa chỉ đạo chính quyền thực hiện đúng chức năng để nâng hiệu lực bộ máy chính quyền. Mối quan hệ giữa Đảng - chính quyền – đoàn thể cũng cần phải soát xét lại nghiêm túc, để thực hiện tốt hơn trong giao đoạn tới.
Trong chỉ đạo hoạt động khối vận: Với quan điểm “lấy dân làm gốc” Ban Chấp hành Huyện ủy đã từng bước chỉ đạo nâng lên vai trò các đoàn thể Mặt trận Tổ quốc tạo những điều kiện cần thiết cho đoàn thể đẩy mạnh phong trào quần chúng hành động cách mạng.
Cả nhiệm kỳ, Thường trực Huyện ủy luôn có lịch làm việc định kỳ hàng qúy với từng đoàn thể, tuy có lúc chương trình làm việc này không đều, nhưng bước đầu có giải quyết trực tiếp một số khâu còn vướng để đoàn thể vươn lên, đồng thời Thường trực Huyện ủy cũng đã chủ trì một số hội nghị chuyên đề về công tác vận động quần chúng, chuyên đề Đoàn Thanh niên tham gia xây dựng Đảng, để có chỉ đạo đúng hướng. Nhìn chung, bộ máy đoàn thể cấp Huyện đã được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, kiện toàn bổ sung kịp thời, trong đó đã nhanh chóng củng cố bộ máy Công đoàn Huyện đi vào hoạt động để không gián đoạn sau xử lý kỷ luật một số đồng chí trong Ban Thường trực Công đoàn nhiệm kỳ cũ. Tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, công tác vận động quần chúng sinh hoạt đoàn thể cũng bị ảnh hưởng lớn như khối vận có những cố gắng duy trì phong trào, trong đó Đoàn Thanh niên, Công đoàn Huyện đã ký kết các hội nghị liên tịch, tổ chức một số loại hình văn hóa văn nghệ lành mạnh thu hút thanh thiếu niên và nhân dân.
Tuy các đoàn thể Mặt trận Tổ quốc có nhiều cố gắng, nhưng dạng sinh hoạt đoàn thể ở cơ sở còn rập khuôn, xơ cứng theo phương hướng cũ, số lượng Hội viên đông, nhưng thực chất còn dưới dạng “úp bộ” có nơi không sinh hoạt. Đội ngũ cán bộ đoàn thể ở cơ sở, vừa yếu, vừa thiếu không có chính sách đãi ngộ tương ứng, không đủ trình độ lý giải những hiện tượng trái quy luật trong xã hội, ngán ngại công tác đoàn thể. Phong trào quần chúng gần đây giảm rõ. Trong sinh hoạt xã hội, ít khi quần chúng nhắc đến Đảng – nếu có nhắc cũng thường là than phiền – chủ trương chính sách của Đảng, Nghị quyết Huyện ủy, cũng chưa được triển khai xuống tận quần chúng nhân dân, thậm chí ngay cả trong cán bộ Đảng viên cũng không quán triệt. Vì vậy “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vẫn còn mang tính chất hô khẩu hiện suông. Yếu kém này trách nhiệm thuộc về Ban Thường vụ Huyện ủy, đã không tập trung lãnh đạo đúng mức, chưa làm cho toàn Đảng bộ chăm sóc các tổ chức đoàn thể, từng Đảng viên hiểu và làm công tác vận động quần chúng.
II. VỀ PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC VÀ PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO
1. Về phẩm chất năng lực: Nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành chủ trương không thực hiện một chế độ gì dành riêng cho Ban Chấp hành có tính chất đặc quyền, đặc lợi. Đa số cán bộ Đảng viên trong Đảng bộ có đứng vững trên vị trí công tác của mình, giữ được phẩm chất và đạo đức cách mạng. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo quản lý có trách nhiệm, dám nghĩ,dám làm, dám chịu trách nhiệm, có lối sống lành mạnh, trong sạch, gương mẫu.
Tuy nhiên, bên cạnh cũng còn một bộ phận cán bộ Đảng viên CNV do thiếu tu dưỡng rèn luyện đã bị các tiêu cực xã hội tác động, làm giảm sút ý chí chiến đấu, thoái hóa trong cuộc sống. Đáng tiếc là vừa qua, trong những vụ xử lý tiêu cực, có hai trường hợp Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy bị sai phạm, trong đó có một đồng chí quá nghiêm trọng phải khai trừ khỏi Đảng (Phó Giám đốc Ngân hàng Huyện) cũng như nhiệm kỳ trước đã khai trừ Đảng một Ủy viên Ban Chấp hành, gây dư luận không tốt, làm ảnh hưởng uy tín chung cả Ban Chấp hành. Điểm lại nội dung các vụ sai phạm xử lý kỷ luật khai trừ hoặc cách chức hai năm qua, hầu hết rơi vào dạng liên quan kinh tế, tham ô, móc ngoặc, thu vén cá nhân. Đây là những sự kiện đáng lo, biểu hiện sự đấu tranh quyết liệt giằng co giữa hai quan điểm sống mà nếu Ban Chấp hành buông lơi lãnh đạo thì chắc chắn tiêu cực sẽ có cơ hội phát triển, lấn áp dần tích cực, làm rối ren thêm xã hội, giảm lòng tin giữa quần chúng nhân dân với Đảng. Đây cũng là trách nhiệm thuộc Ban Chấp hành Huyện ủy đã lãnh đạo không sâu, chưa đẩy mạnh công tác giáo dục chung trong toàn Đảng bộ.
Về năng lực hoạt động: Soát xét lại, Ban Chấp hành có 49 đồng chí, nhưng thật sự hoạt động có chất lượng và năng nỗ chỉ đạt khoảng ¾, ¼ còn lại hoạt động không rõ chức năng, thậm chí thể hiện chưa rõ vai trò của một Huyện ủy viên trong hoạt động chung của Ban Chấp hành và chưa phát huy vị trí Huyện ủy viên nơi mình công tác.
2. Về phong cách lãnh đạo:
Xuyên suốt cả nhiệm kỳ, Ban Chấp hành luôn lãnh đạo, làm việc theo quy chế và chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Sự đoàn kết thống nhất trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ luôn được chú ý giữ vững.
Mối quan hệ giữa Ban Thường vụ và Ban Chấp hành, giữa Ban Thường vụ và Thường trực Ủy ban có cố gắng chặt chẽ hơn, tôn trọng nhau hơn. Thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã dành một số cuộc họp bàn sâu một số chuyên đề cần thiết hoặc chỉ đạo đường dài hoặc giải quyết những vấn đề bức bách và giao cho Thường trực Huyện ủy cùng Thường trực Ủy ban cùng chủ trì hội nghị để triển khai hoặc chỉ đạo. Từ đó, công tác lãnh đạo chung có nâng lên, đẩy được một số mặt trọng tâm theo Nghị quyết Ban Chấp hành.
Chế độ hội họp, sinh hoạt định kỳ của Ban Chấp hành Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Ủy ban, hội ý giữa Thường trực Huyện ủy – Thường trực Ủy ban, luôn giữ vững, đã tạo một nề nếp tốt, khoa học hơn trước. Những dự tính trong lịch tuần luôn thực hiện đạt 80%, từ đó giúp Thường trực Huyện ủy – Thường trực Ủy ban tuy nhiều lúc phải sa vào giải quyết sự vụ, nhưng khuynh hướng chung vẫn không buông lơi chỉ đạo những mục tiêu cơ bản.
Điều tâm đắc rút ra trong công tác lãnh đạo của Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ này là đã chủ trương sâu sát cơ sở, từng bước chống bệnh quan liêu. Thông qua việc Ban Chấp hành chủ trương thành lập 7 đoàn cán bộ gọn, nhẹ xuống làm việc từng HTX nông nghiệp, kiểm tra chuyển biến khối xã giữa nhiệm kỳ, tổ chức mạn đàm, đối thoại với Chủ nhiệm HTX nông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, đã giúp Huyện ủy nắm chắc hơn lượng thông tin hai chiều, chỉ đạo tại chỗ giải quyết những vấn đề vướng mắc giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn kịp thời. Đây là điểm cần ghi nhận như một bài học kinh nghiệm cho khóa này, lẫn cả khóa sau.
Tuy nhiên, trong phong cách lãnh đạo củng cố những mặt còn thiếu sót. Thường trực Huyện ủy – Thường trực Ủy ban có đặt yêu cầu đi cơ sở, có tổ chức đoàn cán bộ thâm nhập thực tế nhưng chưa có kế hoạch phân công để từng Ủy viên Ban Chấp hành xuống cơ sở thường xuyên như quy chế làm việc Ban Chấp hành Huyện ủy đã nêu. Ban Thường vụ Huyện ủy có kế hoạch phân công các Huyện ủy viên, hình thành một bộ khung lãnh đạo khối xã, giao quyền như một phân ban riêng, nhưng còn lúng túng trong hoạt động, chưa thật phát huy vai trò đúng mức. Trách nhiệm này, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy chịu một phần vì đã thiếu kiểm tra, chỉ đạo đến nơi, đến chốn.
Tình trạng hội họp chung chưa nghiêm. Nhiều cuộc họp khai mạc bê trễ vì chưa có người dự đủ. Dự sáng, vắng chiều và không đúng thành phần mời. Điều cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm là kể cả họp Ban Chấp hành lẫn họp Ban Thường vụ Huyện ủy có lúc dự không đủ, dự không đúng giờ nên chưa làm gương chung cho toàn Đảng bộ. Có đồng chí Ban Chấp hành Huyện ủy vắng liên tục hai, ba kỳ họp nên không nắm được Ban Chấp hành đã quyết định vấn đề chỉ đạo gì để cùng tập trung thực hiện. Họp Ban Thường vụ Huyện ủy thường vắng một vài đồng chí nên có cuộc họp không dám quyết đoán mạnh một số vấn đề. Sức hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ vì vậy có lúc chưa phát huy cao.
Huyện ủy - Ủy ban cũng còn hội họp quá nhiều. Cần phải tính toán chỉ đạo khoa học hơn để giành thời gian xuống cơ sở và cho cơ sở có thời gian tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
TÓM LẠI, Hai năm qua, Ban Chấp hành Huyện ủy đã luôn cố gắng lãnh đạo thực hiện Nghị quyết cả nhiệm kỳ. Mức độ hoạt động chung của Ban Chấp hành tuy có nâng lên so nhiệm kỳ trước, song vẫn còn những yếu kém, thiếu sót cần rút kinh nghiệm.
Việc tổng hợp, thể hiện trên văn bản chắc chắn chưa đầy đủ, xin Đại hội đóng góp bổ sung nhiều ý kiến quý báu để Ban Chấp hành Huyện ủy nhiệm kỳ này thêm tâm đắc, tự soi rọi lại mình và để Ban Chấp hành Huyện ủy khóa tới có cơ sổ lãnh đạo tốt hơn.