Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Báo cáo Kiểm điểm Ban Chấp hành đảng bộ và Ban Thường vụ nhiệm kỳ VII

Đại hội đại biểu Huyện Đảng bộ nhiệm kỳ VII đã bầu ra cấp ủy gồm 31 ủy viên Ban Chấp hành, 8 ủy viên Ban Thường vụ, tới cuối nhiệm kỳ đã luân chuyển và bổ sung còn 26 ủy viên Ban Chấp hành, 8 đồng chí trong Ban Thường vụ.

Thực hiện nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VII, Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện đã báo cáo những kết quả làm được, những việc chưa làm được, có phân tích nguyên nhân của toàn Đảng bộ trong báo cáo chính trị tại đại hội. Trong đại hội đại biểu Huyện Đảng bộ lần VIII này, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ xin báo cáo kiểm điểm đi sâu vào việc lãnh đạo tổ chức điều hành thực hiện nghị quyết của Đại hội, tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp trên; kiểm điểm việc thực hiện qui chế hoạt động và phẩm chất đạo đức của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ.

Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ nhiệm kỳ VII quán triệt sâu sắc tư tưởng trong báo cáo kiểm điểm này là tự chỉnh đốn mình, tự phê bình nghiêm túc theo nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) trước Đại hội đại diện cho toàn đảng bộ. Nhằm tông kết tự phê bình và rút ra kinh nghiệm cho cấp ủy khóa mới, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ xin trình bày kiểm điểm các vấn đề cụ thể sau:

I- KIỂM ĐIỂM VIỆC LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

Trong suốt nhiệm kỳ VII thực hiện vai trò lãnh đạo, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã xây dựng: 11 nghị quyết, 63 kế hoạch, 31 chỉ thị, 24 thông tri, 22 chương trình hành động công tác. Nhìn chung, toàn bộ các nghị quyết, kế hoạch, chương trình... lãnh đạo của Huyện ủy cụ thể hóa được nghị quyết Đại hội VII Huyện Đảng bộ, sát thực tế, phát huy tác dụng, tuy nhiên kết quả, hiệu quả mức độ có khác nhau, cụ thể các vấn đề này như sau:

1- Thực hiện nghị quyết Huyện ủy:

Các văn bản có nội dung đúng phù hợp, tạo chuyển biến tích cực góp phần lãnh đạo hoàn thành các nhiệm vụ như Báo cáo chính trị đã tổng kết đó là: việc triển khai các chương trình trọng điểm về kinh tế xã hội như: chương trình về đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển đô thị mới giai đoạn 1996 - 2000; chương trình về nâng cao dân trí tạo nguồn nhân lực, chương trình về giảm hộ nghèo, nâng cao mức sống, các chỉ thị chỉ đạo kịp thời về khắc phục hậu quả cơn bão số 5, mở cuộc vận động xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, sửa chữa nhà dột nát, chống ngập nước, nhà cho giáo viên, CB.CNV... Thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vụ mùa 1998; các chỉ thị chỉ đạo về giáo dục trước năm học mới, thực hiện nhiệm vụ phổ cập THCS cho học sinh huyện Cần Giờ. Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể cũng có nhiều văn bản lãnh đạo có hiệu quả như: kế hoạch về chỉ đạo phát triển Đảng năm 1997 - 2000, kế hoạch vận động phát triển Đảng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng và 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần cho Huyện Đảng bộ phát triển Đảng vượt chỉ tiêu đại hội VII đề ra; các chỉ thị chấn chỉnh nề nếp sinh hoạt Đảng nâng cao chất lượng sinh hoạt các tổ chức cơ sở, đảng viên sinh hoạt Tổ dân phố - Tổ nhân dân; các kế hoạch hàng năm về phân tích chất lượng đảng viên và cơ sở Đảng được tiến hành nề nếp đều đặn. Đặc biệt trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội: Ban Thường vụ đã quan tâm chỉ đạo, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Huyện như các kế hoạch: lãnh đạo đấu tranh chống tham nhũng trong ngành công an, tổ chức quán triệt tinh thần nghị quyết 8 về an ninh quốc gia; các chỉ thị: tăng cường công tác an ninh cơ sở, các biện pháp phòng cháy chữa cháy, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, về lãnh đạo hàng năm thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự. Thành tích nổi bật trong chỉ đạo của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ nhiệm kỳ VII là cơ bản hoàn thành việc di dân ở xã Tam Thôn Hiệp, từ một địa điểm cách trở, khó khăn, sang một nơi thuận tiện hơn về cơ sở hạ tầng điện, nước, giao thông, y tế, trường học, có triển vọng phát triển đời sống, kinh tế xã hội; chăm lo tốt cho người nghèo: không để xảy ra tình trạng đói trong khi gặp thiên tai, mất mùa liên tiếp, nâng cao thu nhập người giữ rừng; làm chuyển biến tốt công tác giáo dục: hoàn thành phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân phát triển; giữ và phát triển rừngphòng hộ; giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Một số nghị quyết, chương trình đúng, quan trọng, cần thiết nhưng tổ chức thực hiện đạt kết quả còn giới hạn như: chương trình về công nghiệp hóa và từng bước hiện đại hoá một số ngành kinh tế chủ yếu của Huyện tới năm 2000: có nâng được công suất đánh bắt, nhưng nói chung vẫn chưa hiệu quả hoặc chưa làm chuyển biến mạnh mẽ theo yêu cầu của chương trình; nghị quyết của Ban Thường vụ về tăng cường lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa có những kết quả cụ thể; nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện về chăm lo xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Huyện vững mạnh chưa đạt yêu cầu đặt ra; chương trình về khai thác đất hoang bãi bồi mặt nước ven sông ven biển có đạt được một số chuyển biến tốt, song tồn tại vẫn còn nhiều như: không quản lý được diện tích đất hoang, bãi bồi mặt nước ven sông, tình trạng lấn chiếm đất công còn phổ biến, các chính sách chủ trương cấp đất chưa thực hiện tốt. Không tổ chức thực hiện tốt nhiều hạng mục xây dựng cơ bản, không thực hiện tốt chỉ tiêu xây dựng cơ bản hàng năm, ngoài những nguyên nhân khách quan những nguyên nhân chủ quan là do khâu chuẩn bị và xây dựng dự án là quan trọng.

Những thiếu sót tồn tại của nhiệm kỳ VII có nhiều vấn đề mà Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ chưa quan tâm lãnh đạo đúng mức bằng các kế hoạch, chương trình nghị quyết chuyên đề như: trong lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội không kịp thời điều chỉnh quy hoạch chiến lược lâu dài đồng thời chậm triển khai các quy hoạch chi tiết các ngành nghề sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, phát triển rừng, cũng chưa tổ chức, quản lý được việc triển khai theo quy hoạch; chưa có các biện pháp lãnh đạo hiệu quả khắc phục tình trạng hụt hẩng cán bộ nhất là cán bộ 7 xã, cán bộ có chuyên môn; chưa có các biện pháp hiệu quả giải quyết nhanh chóng dứt điểm tình hình khiếu nại, tố cáo ngày càng tăng của nhân dân, các nghị quyết chuyên đề nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước nên còn nhiều tồn tại như: quản lý đất đai yếu kém, nhiều quyết định UBND không có hiệu lực hiệu quả, chưa tập trung lãnh đạo, chấn chỉnh hoạt động xây dựng cơ bản. Còn nhiều vấn đề nhận thức thực tiễn được nhưng chưa đề xuất được chủ trương, giải pháp khắc phục như: trong đấu tranh phòng chống ma túy không cảnh giác chủ động phòng ngừa đấu tranh, khi phát hiện thì số vụ việc đã gia tăng nhiều không lường trước được; huyện Cần Giờ thuộc Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm khoa học kỹ thuật, tiềm lực kinh tế mạnh so sới cả nước nhưng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ chưa đề xuất được nhiều cho thành phố các chính sách để thu hút nguồn vốn, kỹ thuật của thành phố để đầu tư phát triển xứng đáng với khả năng của thành phố. Công tác vận động quần chúng còn nhiều khó khăn, chưa tạo được phong trào quần chúng rõ nét như: việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ rừng còn nhiều vi phạm, tỷ lệ hộ trong diện xóa đói giảm nghèo còn nhiều, còn nhiều hộ ỷ lại nhà nước; không chấp hành tốt việc trả nợ vốn xóa đói giảm nghèo, vốn dự án nhỏ, vốn vay ngân hàng.

Tóm lại, việc lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội VII, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã lãnh đạo tập trung toàn diện tất cả các lĩnh vực chủ yếu, góp phần quan trọng hoàn thành cơ bản nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội VII Huyện Đảng bộ giao phó. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có những vấn đề lãnh đạo chưa phù hợp thực hiện không có hiệu quả cũng rất đáng quan tâm như: vấn đề hiện đại hoá một số ngành kinh tế, chăm lo Đoàn TNCS.HCM, đấu tranh chống tham nhũng, vấn đề hiệu lực quản lý nhà nước, vấn đề tổ chức thực hiện công tác xây dựng cơ bản.

2- Thực hiện nghị quyết cấp trên:

Đến cuối nhiệm kỳ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thực hiện chỉ đạo của cấp trên đã ban hành: 6 chương trình hành động, 33/64 kế hoạch của Huyện ủy là những kế hoạch thực hiện các nghị quyết Trung ương III đến nghị quyết Trung ương 8 của Ban Chấp hành Trung ương và các chỉ thị, quyết định, kế hoạch của Bộ Chính trị.

Các kế hoạch của Huyện ủy đã làm tốt hai vấn đề cơ bản: việc quán triệt tư tưởng tới toàn thể đảng viên thông qua đội ngũ báo cáo viên, các ủy viên Ban Thường vụ thông qua các cuộc hội nghị theo từng khối, từng địa bàn của Huyện và đồng thời có kế hoạch và chương trình cụ thể của Huyện ủy để thực hện nghiêm chỉnh, tuyệt đối trong toàn đảng bộ.

Vấn đề này Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tự đánh giá đã giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật, bảo đảm nguyên tắc cấp dưới chấp hành cấp trên. Các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên đã có tác dụng tích cực làm chuyển biến tình hình, nhiều vấn đề có tác động tích cực như: dân chủ cơ sở, xây dựng chỉnh đốn Đảng, an ninh quốc gia, bảo vệ chính trị nội bộ, phát triển nông nghiệp nông thôn.

II- KIỂM ĐIỂM HOẠT ĐỘNG VÀ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ

Sau nghị quyết đại hội đại biểu Huyện Đảng bộ nhiệm kỳ VII, Huyện ủy đã ra nghị quyết số 02 ngày 27-5-1996: "Về quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện nhiệm kỳ VII". Nghị quyết đã đề cập toàn bộ phương thức hoạt động lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ theo các nguyên tắc quy định của Điều lệ Đảng.

Hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thông qua các kỳ họp và thông qua việc gương mẫu thực hiện của các ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Tới nay Ban Chấp hành đã có 24 phiên họp, trong đó có 3 phiên họp bất thường, 21 phiên họp định kỳ; Ban Thường vụ có 118 cuộc họp định kỳ (tới 30-1-2000), 6 cuộc họp đột xuất; có 37 cuộc họp giữa Thường trực - Thường vụ với các đoàn thể, 14 cuộc giao ban các xã. Ủy viên Ban Thường vụ thay đổi là 3 đồng chí; ủy viên Ban Chấp hành chuyển đi là 7 đồng chí, bổ sung thêm là 2 đồng chí, tới nhiệm kỳ còn 26/31. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ xin báo cáo kiểm điểm hoạt động và phương thức lãnh đạo chủ yếu như sau:

1- Hoạt động:

Ưu điểm: đảm bảo duy trì chế độ họp định kỳ thường xuyên theo quy chế hoạt động và quy định của điều lệ Đảng, có phân công nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cụ thể rõ ràng trong Ban Thường vụ, phân công rõ ràng Thường vụ phụ trách xã có quy chế quy định về Thường vụ phụ trách xã. Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện thông qua các chương trình công tác tháng, quý, năm của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ. Đảm bảo sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo của Huyện ủy thông qua hoạt động giao ban tháng, tuần giữa Thường trực Huyện ủy, Thường trực Ủy ban, Dân vận mặt trận và các hoạt động khối nội chính. Thực hiện sự kiểm tra bằng các kế hoạch kiểm tra chuyên đề hàng năm và kiểm tra thông qua làm việc trực tiếp giữa Thường trực với các ban ngành đoàn thể và nghe báo cáo tại phiên họp định kỳ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.

Hoạt động Ban Chấp hành sau đại hội đã chú ý lãnh đạo theo nhóm chuyên đề và 5 chương trình trọng điểm của nghị quyết đại hội Đảng bộ Huyện. Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ được cung cấp tương đối đầy đủ thông tin từ cấp trên xuống và tình hình của Đảng bộ theo chế độ công văn.

Khuyết, nhược điểm:

Nội dung họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ chưa đảm bảo chế độ quy định cung cấp tài liệu cho các ủy viên trước 2 ngày để có điều kiện nghiên cứu góp ý xây dựng nội dung. Ban Thường vụ một thời gian dài sắp xếp 2 tuần họp 1 lần không đủ thời gian giải quyết các công việc phát sinh, nhiều lúc không đủ thời gian thảo luận kỹ các vấn đề.

Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo Ban Thường vụ lập ra nhiều Ban chỉ đạo không cần thiết, thậm chí làm phát sinh tầng nấc, chậm chạp, không phát huy hết chức năng các Ban Đảng và trách nhiệm cá nhân.

Nhìn chung các ủy viên Ban Thường vụ không đảm bảo chế độ đi cơ sở xã theo qui định 1 tháng ít nhất 3 ngày và chế độ giao ban với xã 3 tháng/lần.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ có ban hành nhiều các chương trình, nghị quyết để lãnh đạo tương đối toàn diện các mặt tuy nhiên việc sơ kết, tổng kết nhằm chấn chỉnh, rút kinh nghiệm cho chỉ đạo còn ít, đặc biệt là 5 chương trình trọng điểm của nghị quyết Huyện Đảng bộ lần VII.

Ban Thường vụ, Ban Chấp hành để suốt cả nhiệm kỳ không bố trí được Trưởng ban Tuyên giáo làm hạn chế ít nhiều khả năng tham mưu và tổ chức thực hiện lãnh vực tư tưởng văn hoá.

Tóm lại: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nhiệm kỳ VII có nhiều cải tiến phương pháp, chế độ làm việc và hoạt động nâng cao hiệu quả lãnh đạo, tuy nhiên cần tăng cường thêm chế độ trách nhiệm, quyền hạn cá nhân trong tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành, cần tăng cường hơn chế độ kiểm tra, đi thực tiễn giải quyết vấn đề tại cơ sở.

2- Kiểm điểm việc thực hiện nguyên tắc cơ bản trong Đảng: "nguyên tắc tập trung dân chủ":

Nhiệm vụ VII, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã đảm bảo giữ vững và duy trì tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể:

Các nghị quyết, các quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đều được bàn bạc thảo luận dân chủ, những vấn đề có ý kiến thảo luận dân chủ, những vấn đề có ý kiến khác nhau đều được dành nhiều thời gian thảo luận kỹ và tiến hành biểu quyết tập thể, các vấn đề quan trọng thì được biểu quyết bằng phiếu kín.

Những vấn đề quan trọng như công tác cán bộ, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ đã có những quyết định của Ban Thường vụ cụ thể hoá, thể chế hoá nguyên tắc tập trung dân chủ bằng các quyết định phân cấp cán bộ, quyết định về quy trình bổ nhiệm miễn nhiệm luân chuyển cán bộ, các quyết định quan trọng này đã góp phần đảm bảo hiệu lực và hiệu quả cho các quyết định về nhân sự trong suốt nhiệm kỳ.

Tuy nhiên việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ cho tới nay Ban Chấp hành, Ban Thường vụ với thẩm quyền của mình cần phải ban hành thêm các quyết định cụ thể hơn nữa giữa chế độ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới nhằm phân biệt rõ ràng hậu quả của tập thể hay cá nhân không chấp hành, chấp hành không nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước.

3- Kiểm điểm về chế độ phê bình, tự phê bình và xây dựng mối đoàn kết nội bộ:

Nghị quyết về quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ đã có quy định về chế độ phê bình và tự phê bình của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ của mỗi cá nhân theo chế độ định kỳ hoặc đột xuất. Trong nhiệm kỳ qua tập thể Ban Thường vụ đã kiểm điểm trong đợt phê bình và tự phê bình theo tinh thần nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), các cá nhân Ban Thường vụ, Ban Chấp hành cũng kiểm điểm định kỳ hàng năm tại chi bộ cơ sở và kiểm điểm trước Ban Thường vụ theo kế hoạch thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Căn cứ nghị quyết về quy chế hoạt động Ban Chấp hành nhiệm kỳ VII thì Ban Chấp hành, Ban Thường vụ chưa thực hiện tốt việc kiểm điểm thường xuyên và định kỳ như: mỗi ủy viên Ban Chấp hành phải tự phê bình ở khối hoặc trước Ban Chấp hành; mỗi ủy viên Ban Thường vụ phải tự phê bình trước Ban Chấp hành giữa nhiệm kỳ. Chưa tổ chức tốt việc đánh giá cán bộ hàng năm làm cơ sở cho việc nhận xét bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ đối với cán bộ chủ chốt nói chung và các ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành.

Về việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong Ban Chấp hành và Ban Thường vụ: tập thể Ban Chấp hành tập trung là Ban Thường vụ đã xây dựng tốt mối đoàn kết nội bộ, biểu hiện ở chỗ mặc dù trong thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các nghị quyết quan trọng đã được biểu quyết thì các ủy viên Ban Chấp hành thống nhất nói và làm theo nghị quyết, đoàn kết trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ vừa là kết quả vừa là nguyên nhân để Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tạo ra sức mạnh góp phần cùng toàn Đảng bộ thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Huyện Đảng bộ nhiệm kỳ VII. Ban Chấp hành đã quy định rõ mối quan hệ lãnh đạo giữa Đảng với chính quyền và các đoàn thể trong nghị quyết về quy chế làm việc Ban Chấp hành nhờ vậy kết hợp tốt việc đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nhưng không làm thay hoặc lấn sân chức năng của nhà nước và đoàn thể.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cũng chưa kịp thời, cương quyết chỉ đạo uốn nắn một số yếu kém, thiếu sót hoặc thiếu tập trung giải quyết một số vấn đề khó khăn quan trọng như: việc tổ chức thực hiện của nhà nước trên lĩnh vực quản lý xây dựng cơ bản, triển khai chương trình khai thác đất hoang bãi bồi, giải quyết khiếu tố khiếu nại của nhân dân còn nhiều vụ việc kéo dài, vấn đề các loại nợ tồn đọng trong dân như vốn tín dụng, vốn xóa đói giảm nghèo, dự án nhỏ, đầu tư đánh bắt xa bờ. Đối với mặt trận đoàn thể nói chung, đặc biệt đối với Đoàn TNCS.HCM, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành chưa lãnh đạo được các tổ chức Đảng cơ sở, các chi, đảng bộ xã, đoàn thể cấp Huyện chăm lo tổ chức, nhân sự mặt trận và đoàn thể tại cơ sở; Mặt khác, đoàn thể nhất là Đoàn TNCS.HCM cũng chưa chủ động kiến nghị đề xuất cụ thể những chủ trương, biện pháp để Huyện ủy, Ủy ban chăm lo, giúp đỡ cho các đoàn thể.

III- KIỂM ĐIỂM VỀ PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC BAN CHẤPHÀNH VÀ BAN THƯỜNG VỤ

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã coi trọng việc giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, giản dị, không có biểu hiện đặc quyền, đặc lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu vén trục lợi cá nhân; thường xuyên quan tâm tới lợi ích của cán bộ, đảng viên và nhân dân; giáo dục gia đình chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước.

Tuy nhiên cũng có một số ít đồng chí vi phạm khuyết điểm ở mức độ khiển trách.

Thông báo