- Căn cứ vào Điều lệ Đảng do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII thông qua và hướng dẫn của Trung ương.
Rút kinh nghiệm qua thực tiễn hoạt động của BCH Đảng bộ nhiệm kỳ VI. Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện Bình Chánh nhiệm kỳ VII qui định những việc làm của BCH Đảng bộ Huyện.
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Huyện ngày 3 tháng 5 năm 1996 đã nhất trí thông qua qui chế làm việc như sau:
PHẦN THỨ NHẤT
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA TẬP THỂ CÁ NHÂN
A/ TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA TẬP THỂ:
I. Trách nhiệm, quyền hạn của tập thể Ban Chấp hành:
1. Lãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác vận động quần chúng và công tác xây dựng Đảng.
2. Quán triệt và có chủ trương, biện pháp, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc và sáng tạo nghị quyết, các chỉ thị của Trung ương và Thành ủy, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện. Thảo luận, quyết định chương trình công tác quý, 6 tháng, năm. Thảo luận và quyết định những đề án, từng chuyên đề quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, công tác quần chúng.
3. Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách hàng năm do UBND Huyện trình bày.
4. Quyết định các vấn đề về chủ trương, chính sách trong công tác tổ chức cán bộ theo quy định của Điều lệ Đảng, quyết định một số nhân sự ứng cử các chức danh chủ tịch HĐND và UBND Huyện.
5. Nghe và cho ý kiến về tình hình hoạt động của Ban Thường vụ và các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể trong Huyện mà Ban Chấp hành thấy cần.
6. Chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Huyện và hội nghị đại biểu Đảng bộ Huyện giữa nhiệm kỳ.
7. Đề xuất với thành ủy các chủ trương, chính sách cần thiết thuộc thẩm quyền của Thành ủy.
II. Trách nhiệm và quyền hạn của Ban Thường vụ Huyện ủy:
Ban Thường vụ thay mặt BCH Đảng bộ lãnh đạo hoạt động của Đảng bộ giữa hai kỳ họp BCH trên cơ sở các NQ của Đại hội đại biểu, hội nghị đại biểu, hội nghị BCH và các nghị quyết, chủ trương của cấp trên, nhiệm vụ cụ thể:
1. Tổ chức thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Thành ủy và các nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ. Quyết định một số chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm thực hiện các nghị quyết, chỉ thị nói trên khi không thể triệu tập Ban Chấp hành và báo cáo lại hội nghị Ban Chấp hành phiên gần nhất.
2. Triệu tập hội nghị thường kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ, báo cáo tình hình các mặt và tình hình xử lý giải quyết các công việc với Ban Chấp hành Đảng bộ.
3. Tổ chức chỉ đạo sự phối hợp giữa các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể về các mặt công tác trên địa bàn. Chỉ đạo kiểm tra việc thi hành Nghị quyết của Trung ương, của Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ. Tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện những công tác quan trọng.
4. Quyết định việc bố trí, đề bạt, xử lý kỷ luật Đảng viên, giải quyết nghỉ hưu... theo đúng qui chế quản lý cán bộ và báo cáo lại Ban chấp hành Đảng bộ.
5. Báo cáo tình hình các mặt của Đảng bộ lên Thành ủy.
B/ TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CÁ NHÂN:
I. Các Huyện ủy viên:
1. Tích cực tham gia việc lãnh đạo chung của BCH, tham dự đầy đủ những phiên họp BCH, đóng góp xây dựng các NQ và Quyết định những công việc quan trọng của BCH.
2. Quán triệt, chấp hành và vận dụng một cách sáng tạo các Nghị quyết, chỉ thị cấp trên, NQ đại hội đại biểu, NQ, chỉ thị của BCH, BTV Huyện ủy vào công việc của mình phụ trách. Có trách nhiệm đề xuất chủ trương, chính sách cụ thể trong lĩnh vực được phân công.
3. Tham gia các khối của Huyện ủy và các tổ chức lập ra trong từng thời kỳ theo Quyết định của Ban Thường vụ và BCH. Khi có yêu cầu đột xuất, BTV phân công thay mặt BCH theo dõi chỉ đạo trực tiếp một hoặc một số công tác trong một thời gian.
4. Các Huyện ủy viên công tác trong các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm lãnh đạo cơ quan cụ thể hoá và thể chế hóa NQ của Huyện ủy, chủ trương, chính sách của Đảng và tổ chức thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và NQ của Huyện ủy.
5. Gương mẫu chấp hành NQ của Đảng, pháp luật nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ của công dân, của Đảng viên, của người cán bộ trong cơ quan.
6. Có trách nhiệm xây dựng chi bộ, Đảng bộ trong khối, ngành hoặc địa phương được phân công phụ trách. Báo cáo và đề xuất những vấn đề mình quan tâm với Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Huyện ủy.
7. Được thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình chung của Đảng bộ (kể cả tình hình cán bộ) và những vấn đề cần thiết, có quyền chất vấn hoạt động của Ban Thường vụ và cá nhân của ủy viên BCH khác và phải được trả lời. Thảo luận và biểu quyết các vấn đề trong hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ.
III. Đồng chí Bí thư Huyện ủy:
1. Là trung tâm đoàn kết trong toàn Đảng bộ, trong BCH, chủ trì công việc BCH, BTV Huyện ủy. Đề xuất những vấn đề lớn để Huyện ủy, BTV bàn và quyết định, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra những vấn đề.
2. Chịu trách nhiệm chung về quá trình lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đảng bộ, chịu trách nhiệm chủ yếu về công tác an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, công tác quần chúng và xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của Huyện trước BCH, BTV và cấp trên.
3. Phụ trách công tác nội chính.
III. Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Huyện:
1. Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ về công tác chính quyền, Quán triệt các Nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cụ thể hoá và thể chế hoá thành kế hoạch, đề án tổ chức triển khai thực hiện phát huy hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.
2. Cùng với các ủy viên BCH chăm lo kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp trong Huyện. Xem xét, đề xuất với Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành quyết định việc bố trí cán bộ chủ chốt, thuộc phạm vi quản lý của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
3. Thường xuyên tham gia hội ý Thường trực Huyện ủy để giải quyết công việc chung và đề xuất những công việc chính quyền xét thấy cần thiết.
IV. Ủy viên thường vụ - thường trực:
1. Điều hành công việc hàng ngày theo quyết định của ban Thường vụ và thường xuyên báo cáo tình hình giải quyết công việc với đồng chí Bí thư.
2. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các NQ của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, phát hiện và đề xuất với Bí thư, Ban Thường vụ những vấn đề cần uốn nắn hoặc phát huy.
3. Chỉ đạo sự phối hợp công tác giữa các Ban của Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng.
4. Trực tiếp chỉ đạo công tác văn phòng cấp ủy, hoạt động kinh tế và xây dựng ngân sách Đảng.
5. Chuẩn bị các cuộc hội nghị Ban Thường vụ, BCH và theo dõi kiểm tra việc thực hiện qui chế làm việc của BCH.
6. Chỉ đạo thông tin kịp thời về chủ trương cụ thể của Ban Thường vụ Huyện ủy cho các đồng chí Huyện ủy viên và các cấp ủy trực thuộc.
7. Được thay mặt đồng chí Bí thư khi đồng chí Bí thư đi vắng (được BTV thống nhất).
V. Ủy viên thường vụ Huyện ủy:
1. Tham gia đầy đủ các kỳ họp và biểu quyết các công việc thuộc phạm vi của Ban Thường vụ.
2. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công việc thuộc phạm vi mình phụ trách, đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo chuẩn bị các đề án và đề xuất ý kiến thuộc về chủ trương, biện pháp trên lĩnh vực được phân công để đưa ra hội nghị Ban Thường vụ, BCH xem xét quyết định.
3. Các ủy viên Thường vụ là Trưởng Ban Đảng được thay mặt Ban Thường vụ Huyện ủy giải quyết công việc hàng ngày về lĩnh vực được phân công trên cơ sở đã có chủ trương của Ban Thường vụ, BCH. Những vấn đề ngoài thẩm quyền giải quyết phải trao đổi với Thường trực hoặc xin ý kiến Ban Thường vụ.
4. Theo nhiệm vụ được phân công, từng đồng chí có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác của mình từ Huyện đến cơ sở theo hệ thống dọc, báo cáo kết quả từng quá trình thực hiện. Đồng thời được phân công phụ trách xã hoặc cụm xã về công tác xây dựng Đảng và củng cố toàn diện theo từng thời gian.
PHẦN THỨ HAI
SỰ LÃNH ĐẠO CỦA HUYỆN ỦY ĐỐI VỚI HĐND, UBND, MTTQ VÀ CÁC ĐOÀN THỂ
Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện sự lãnh đạo đối với HĐND, UBND Huyện và các đoàn thể nhân dân bằng: Chủ trương Nghị quyết chính sách và các biện pháp lớn; bố trí đội ngũ cán bộ Đảng và làm tốt công tác kiểm tra.
1. Đối với HĐND và UBND Huyện:
a. Kinh tế - xã hội:
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (hàng năm - 5 năm) quy hoạch tổng thể, công trình xây dựng cơ bản lớn có tính chất quan trọng, số vấn đề khác có yêu cầu cần thiết... UBND có trách nhiệm trình bày với Ban chấp hành để thảo luận Quyết định những nhiệm vụ mục tiêu cơ bản, những chỉ tiêu lớn, những mặt cân đối, những giải pháp, biện pháp lớn.
- Những chủ trương kinh tế - xã hội cụ thể về ngân sách hàng năm và những vấn đề quan trọng khác, Thường trực UBND Huyện báo cáo để BCH, Ban Thường vụ Huyện ủy có ý kiến chỉ đạo về chủ trương.
- Căn cứ vào định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đã thông qua Ban chấp hành, Ban Thường vụ và được xác định thì HĐND và UBND thể chế hoá bằng NQ, các văn bản về mặt Nhà nước để tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ chức năng của mình.
- Định kỳ 6 tháng, hàng năm, Ban chấp hành, Ban Thường vụ nghe UBND báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và những kiến nghị để Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến chỉ đạo.
b. An ninh - Quốc phòng:
- Ban chấp hành, ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo trực tiếp các vấn đề trọng yếu, cơ mật, công tác cán bộ, công tác tư tưởng, lãnh đạo cơ quan và lực lượng vũ trang phải luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
- Đối với tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng, thực hiện NVQS, chỉ đạo phòng thủ, chính sách hậu phương quân đội. Ban thường vụ Huyện ủy cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, sau đó UBND Huyện trình HĐND xem xét và quyết định.
2. Đối với ngành kiểm sát và Tòa án nhân dân Huyện:
- Ban chấp hành, Ban Thường vụ lãnh đạo trực tiếp các vấn đề quan trọng bảo đảm đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; kiểm tra việc chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ pháp luật cũng như trong việc truy tố xét xử.
- Ban Thường vụ - thông qua Ban cán sự Đảng và Đảng viên phụ trách - cho ý kiến.
- Về xét xử các vụ án mà tội phạm là cán bộ thuộc Thành ủy quản lý, là nhân sĩ, trí thức mà vai trò của họ có ảnh hưởng lớn đến quần chúng, những người có chức vụ trong tôn giáo, những vụ án chính trị, hình sự đặc biệt, những vụ án mà các ngành trong khối nội chính còn khác nhau về quan điểm xét xử. Những vụ án mà mức án không thuộc quyền của Huyện thì phải đưa về trên xét xử.
- Đối với các vụ án mà tội phạm thuộc diện cấp trên quản lý hoặc vụ án mà trên giao về cho Huyện tổ chức xét xử thì Viện Kiểm sát nhân dân Huyện cần báo cáo và xin ý kiến Ban thường vụ về đường lối xét xử.
- Đối với các vụ án khác, việc truy tố xét xử do Viện Kiểm sát nhân dân và tòa án Huyện xử lý theo chức năng, quyền hạn do luật định và chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và ngành cấp trên.
3. Lãnh đạo xây dựng bộ máy nhà nước và bố trí cán bộ nhà nước:
- Trong việc xây dựng bộ máy và bố trí cán bộ nhà nước phải thống nhất quan điểm, phải đảm bảo nguyên tắc "Đảng thống nhất lãnh đạo cán bộ trong bộ máy Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và các đoàn thể nhân dân". Tăng cường trách nhiệm của nhà nước và đoàn thể về quản lý công việc và có trách nhiệm trước cấp ủy về quản lý cán bộ.
- Ban Chấp hành Đảng bộ quyết định nhân sự: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, TT HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Huyện và giới thiệu để Đảng Đoàn và các Đảng viên là đại biểu HĐND có trách nhiệm lãnh đạo HĐND bầu cử đạt yêu cầu chỉ đạo của Huyện.
- Đối với các cán bộ chủ chốt: Trưởng, Phó (bố trí đề bạt, nâng lương, kỷ luật...) do BCH và BTV quyết định. Trước khi BCH hoặc BTV quyết định Ban tổ chức, ủy ban kiểm tra, UBND Huyện cần chuẩn bị đề xuất ý kiến.
- Đối với diện cán bộ khác, Ban thường vụ Huyện ủy trực tiếp quản lý đối với các đồng chí có mức lương tương đương chuyên viên trở lên.
4. Đối với các đoàn thể:
Về nguyên tắc Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo các đoàn thể, các tổ chức xã hội khác thông qua Đảng Đoàn của các tổ chức này và BTV Huyện Đoàn TNCSHCM. Ban thường vụ Huyện ủy còn lãnh đạo và chỉ đạo bằng phương pháp trực tiếp làm việc với các Huyện ủy viên và các Đảng viên hoạt động trong các đoàn thể và các tổ chức đó.
Đảng Đoàn, BTV của các đoàn thể có trách nhiệm cụ thể hoá các NQ của Đảng thành chủ trương, biện pháp phù hợp để tổ chức thực hiện có kết quả theo chức năng và phương thức hoạt động của đoàn thể mình. Thường xuyên báo cáo và xin ý kiến kịp thời hoặc đề xuất những vấn đề cần thiết với Huyện ủy.
- Đồng chí UVTV - Trưởng ban dân vận chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ Huyện ủy về hiệu quả hoạt động các đoàn thể.
Ban thường vụ Huyện ủy có trách nhiệm thông qua nội dung, nhân sự của các đoàn thể, quyết định nhân sự chủ chốt: Bí thư, Thủ trưởng, Đảng Đoàn và các đoàn thể.
PHẦN THỨ BA
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC
I. Trong Huyện ủy và Ban thường vụ Huyện ủy:
1. Thường trực Huyện ủy gồm Bí thư, Phó Bí thư, UVTV - Thường trực, có trách nhiệm căn cứ vào NQ BCH, BTV và các NQ, chủ trương của cấp trên để chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện giải quyết các công việc hàng ngày của Đảng bộ. Chuẩn bị các vấn đề đưa ra Ban Thường vụ thảo luận và quyết định cụ thể:
Chỉ đạo Văn phòng Huyện ủy, các Ban Đảng của Huyện ủy làm tham mưu tổng hợp tình hình đề xuất ý kiến. Chuẩn bị các đề án, dự thảo, NQ để đưa ra Ban thường vụ, BCH thảo luận, quyết định. Xây dựng chương trình làm việc hàng tháng, quí, năm và toàn khóa của BCH để BTV và BCH thông qua.
Tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các NQ, chỉ thị của Đảng cấp trên, của BCH, BTV Huyện ủy.
Chỉ đạo phối hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Phân công để giải quyết hàng ngày và ký các văn bản, chỉ thị, NQ của BTV và BCH.
Hàng tuần thường trực Huyện ủy trao đổi hội ý công tác với các Ban Đảng và Văn phòng Huyện ủy một buổi (sáng thứ hai).
Sinh hoạt thường trực Huyện ủy hàng tuần 1 lần (chiều thứ hai).
2. Ban Chấp hành 3 tháng họp một lần, khi cần thiết có thể họp bất thường.
3. BTV mỗi tuần họp một lần (vào ngày thứ năm) khi cần có thể họp bất thường.
4. Nội dung trình ra hội nghị BCH, BTV Huyện ủy phải được chuẩn bị đầy đủ và gởi trước hội nghị 3 ngày. (Hội nghị không đọc lại).
5. Lãnh đạo hội nghị BCH Đảng bộ là tập thể BTV Huyện ủy do Bí thư, Phó Bí thư, UVTV - thường trực phân công điều hành trực tiếp, chương trình làm việc phải được hội nghị Huyện ủy thông qua.
- Các cuộc họp BTV Huyện ủy do đồng chí Bí thư chủ trì, khi Bí thư vắng thì đồng chí UVTV - thường trực Huyện ủy, chủ trì. Quyết định của hội nghị Huyện ủy, BTV Huyện ủy chỉ có giá trị khi số lượng ủy viên tham dự và biểu quyết đạt theo điều lệ qui định.
6. Thường trực Huyện ủy một tháng làm việc với khối Xã một lần và làm việc với Ban Dân vận, khối kinh tế, văn hoá - xã hội một quí một lần để nghe phản ảnh tình hình và chỉ đạo các công việc theo NQ Huyện ủy, Ban thường vụ Huyện ủy.
7. BTV Huyện ủy mỗi năm một lần kiểm điểm trước BCH Đảng bộ Huyện về hoạt động, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các NQ của Huyện ủy, BTV Huyện ủy... (có sự hướng dẫn của Thành ủy).
Ủy viên BCH, Ủy viên Thường vụ mỗi năm một lần kiểm điểm trước cán bộ chủ chốt trong khối, trước chi bộ, cơ quan mình phụ trách. (có sự hướng dẫn của Thành ủy).
II. Đối với cấp ủy cơ sở:
1. Tiến hành thực hiện chế độ giao ban 3 tháng một lần giữa TTHU, Trưởng các Ban Đảng với các Bí thư Chi Đảng bộ cơ sở để nghe tình hình triển khai thực hiện NQ của Huyện ủy ở từng cơ sở. Khi cần thiết Huyện ủy có thể làm việc trực tiếp với cấp ủy cơ sở.
2. Phân công các đồng chí UVTV phụ trách các Đảng bộ xã, thị trấn (phân công nhóm phụ trách có sự hỗ trợ của các đồng chí UV. BCH).
3. Hàng tháng Chi, Đảng bộ cơ sở báo cáo tình hình công tác của đơn vị mình về TTHU (qua VPHU).
III. Đối với khối nội chính:
15 ngày TTHU giao ban khối Nội chính 1 lần - Hàng quí có báo cáo sơ kết.
IV. Với MTTQ và các đoàn thể:
TTHU, UBND và Trưởng Ban Dân vận làm việc định kỳ 3 tháng một lần với Đảng Đoàn các đoàn thể, MTTQ Huyện (riêng Huyện Đoàn: TTHU và Trưởng Ban Dân vận làm việc một tháng 1 lần với BTV Huyện Đoàn).
V. Với các Ban Đảng:
1. Các Ban của Huyện ủy có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, làm tham mưu, đề xuất kiểm tra và làm tổng kết. Các Ban có trách nhiệm và tham gia ngay từ đầu việc chuẩn bị các đề án cụ thể, phát biểu đề xuất ý kiến trước khi Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thảo luận quyết định.
2. Ngoài chức năng tham mưu, kiểm tra, Ban tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Kiểm tra còn có chức năng hướng dẫn triển khai thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban thường vụ. Riêng Ban Tổ chức còn có chức năng quản lý một số cán bộ do Huyện ủy quản lý.
3. Ban Thường vụ Huyện ủy 3 tháng 1 lần nghe báo cáo tình hình hoạt động của các Ban Đảng để có sự chỉ đạo cần thiết.
Các ủy viên Ban Chấp hành phải gương mẫu, thực hiện quy chế này. Các ban Đảng có trách nhiệm giúp cho Ban Thường vụ Huyện ủy kiểm tra thực hiện quy chế và sơ kết rút kinh nghiệm hằng năm. Quá trình thực hiện sẽ bổ sung, hoàn thiện để việc thực hiện quy chế ngày càng có hiệu quả hơn, tạo sự chuyển biến trong phương pháp lãnh đạo, trong phong cách làm việc phù hợp với tình hình mới, góp phần tích cực vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện.
TM. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN ỦY
BÍ THƯ
ĐÃ KÝ: TRƯƠNG VŨ BẢO