Thứ Tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bình Chánh lần IV (10/1986)

Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện Bình Chánh lần thứ IV đã tiến hành từ ngày 3/10/1986 đến ngày 8/10/1986. Hai trăm năm chục đại biểu tham dự Đại hội đã thảo luận bản dự thảo báo cáo chính trị do Ban chấp hành Đảng bộ (khoá III) trình bày về tình hình và nhiệm vụ của Đảng bộ trong 3 năm 1986 – 1988 và đến năm 1990. Đại hội cơ bản nhất trí, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến quan trọng làm nổi bật thành tựu và tồn tại trong các lãnh vực hoạt động của Đảng bộ và khẳng định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp trong nhiệm kỳ tới. Đại hội cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho dự thảo báo cáo chính trị của TW chuẩn bị trình ra Đại hội 6 và dự thảo báo cáo chính trị của Thành uỷ chuẩn bị trình ra Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 4.

I/TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ III (1983 – 1986)

1/ ba năm qua, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong huyện và các ngành, các cấp phấn đấu đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Việc điều chỉnh ruộng đất và đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể đã hoàn thành về cơ bản. Sản xuất nông nghiệp đạt mức sản lượng tương đối khá mặc dù thời tiết không thuận lợi trong nhiều năm liên tiếp. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được duy trì và phát triển về mặt hàng và về tổng giá trị sản lượng.

Về xây dựng cơ bản, bước đầu có chú ý đến việc hình thành một số cơ sở chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng cho nhân dân và xuất khẩu. Ngành lưu thông phân phối có nhiều cố gắng hơn phục vụ cho sản xuất đời sống và góp phần tích luỹ cho ngân sách Huyện. Tài chính, Ngân hàng có tiến bộ hơn trước. Giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tốt về chất lượng dạy và học, về ý thức phục vụ người bệnh. Thể dục thể thao bước đầu có phong trào mang tính quần chúng rộng rãi. Công tác an ninh quốc phòng có nhiều tiến bộ trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, trong việc tuyể quân và xây dựng lực lượng. Công tác xây dựng Đảng và các mặt công tác khác đều đã đóng góp tích cực vào thành tích chung của Huyện mấy năm qua.

2/ Tuy vậy, bên cạnh những cố gắng và thành tích nói trên, Đảng bộ đã vấp phải không ít thiếu sót trong lãnh đạo và chỉ đạo, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết.

Việc điều chỉnh ruộng đất còn chưa xong hẳn, chất lượng các tập đoàn và hợp tác xã nông nghiệp còn rất kém nhất là về mặt quản lý, sản xuất và đời sống của nông dân chưa thật ổn định. Cải tạo công thương nghiệp còn là hình thức quản lý thu mua và quản lý thị trường còn lỏng lẻo; sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp chưa gắn với sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho nông nghiệp và đời sống nhân dân trong Huyện. Phân phối lưu thông còn mang tính chất kinh doanh thu lợi đơn thuần, còn khá phổ biến tình trạng tranh mua tranh bán chạy theo chênh lệch giá. Cơ sở trường lớp, bệnh viện còn rất nghèo nàn. Công tác văn hoá văn nghệ còn phô trương hình thức. Công tác đoàn thể nói chung yếu. Việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội còn nhiều mặt lỏng lẻo. Công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức chưa theo kịp với yêu cầu của tình hình mới.

Tình hình nói trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là sự lãnh đạo cua Ban chấp hành và Ban thường vụ Huyện uỷ thiếu tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc tập trung dân chủ nên chủ trương và hành động ở nhiều trường hợp không cùng hướng cùng chiều, không huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chuyên chính vô sản và của nhân dân lao động vào việc xây dựng Huyện. Tình trạng giảm sút ý chí tiến công Cách mạng, quan liêu xa rời quần chúng cùng với những biểu hiện quay lui trở lại bản chất của người sản xuất nhỏ tự tư, tự lợi vun xén cá nhân, tự do tản mạn của một số đông đảng viên trong Đảng bộ và là giảm lòng tin đối với quần chúng lao động.

II/ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU BA NĂM 1986 – 1988 VÀ ĐẾN NĂM 1990

A – Trong 3 năm 1986 – 1988 và cho đến năm 1990, Đảng bộ tập trung mọi cố gắng lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện bằng được 6 nhiệm vụ sau đây:

- Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là cơ sở chế biến nông sản, trong đó coi nông nghiệp là mặt trận trung tâm hàng đầu, khai thác ngày càng cao tiềm năng đất đai và lao động của Huyện. Tích cực xây dựng với cải tạo, từng bước hình thành cơ cấu nông công nghiệp Huyện.

- Khai thác thế mạnh của Huyện là cửa ngõ phía nam của Thành phố nối liền với đồng bằng Cửu Long, đẩy mạnh các hoạt động lưu thông phân phối, dịch vụ…nhằm tích cực thu hút nông sản nguyên liệu cho việc mở rộng ngành chế biến của Huyện, nông sản xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

- Trên cơ sở sản xuất phát triển và tích cực thu mua nắm đại bộ phận hàng hoá vào tay nhà nước, từng bước thiết lập trật tự phân phối lưu thông góp phần ổ định đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động, từng bước xây dựng nông thôn mới.

- Nâng cao quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động thông qua việc thực hiện nghiêm túc chủ trương chính sách luật pháp nhà nước, các hoạt động của Hội đồng nhân dân và các Đoàn thể quần chúng. Tăng cường việc kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trên mọi lĩnh vực và tăng cường công tác giáo dục pháp luật trong nhân dân.

- Thường xuyên giáo dục và nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. làm tròn nghĩa vụ giao quân góp phần bảo vệ Tổ quốc XHCN, củng cố các lực lượng vũ trang đủ sức bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, hình thành mạng lưới an ninh vững chắc tại địa phương.

- Tăng cường công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, tổ chức và cán bộ đáp ứng đến mức cao nhất nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Huyện trong tình hình mới.

B. MỤC TIÊU CỤ THỂ CHO 3 NĂM 1986- 1989 VÀ ĐẾN NĂM 1990

1/ VỀ SẢN XUẤT VÀ ĐỜI SỐNG:

a/ Sản xuất nông nghiệp: phấn đấu đạt 76.000 tấn lương thực trên cơ sở đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ. Diện tích lúa hè thu đạt 5.500ha. Năng suất bình quân toàn Huyện 3,8 tấn/ha/vụ. Riêng vùng lúa năng suất cao 5 tấn/ha/vụ. Phấn đấu có dự trữ và cung cấp kịp thời vụ phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu và phát động mạnh mẽ phong trào làm phân hữu cơ đảm bảo từ 3 đến 5 tấn/ha cho vùng lúa cao sản.

- Hoàn chỉnh tiểu vùng công nông nghiệp mía đường “Bình Lợi” năm 1988 với diện tích 1.500ha và sản lượng 45.000 đến 50.000 tấn mía cây, 2.000 tấn đường kết tinh với hệ thống chế biến mía đường theo phương hướng khép kín từ trồng trọt đến sản phẩm cuối cùng là đường cát và cồn.

- Hình thành cho được vào năm 1988 vùng chuyên và xen canh đậu phộng và rau xanh ở 4 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng Hoà, Bình Trị Đông với 1.500ha đậu phộng, sản lượng 1.800 T- 2.400T, 1.200ha rau đậu các loại, chú ý xây dựng những cơ sở ép dầu phộng để đến năm 1990 có cơ cấu nông công nghiệp của tiểu vùng này.

- Quy hoạch tiểu vùng cánh Nam thoe cơ cấu nông ngư nghiệp kết hợp nuôi vịt giống và vịt thịt, tôm cá và trồng các loại cây thích hợp. Tiến hành khai thác từng bướcx vững chắc theo phương châm từ qui mô nhỏ đến lớn, từ hình thức thấp đến hình thức cao, kết hợp 3 loại hình kinh tế gia đình, tập thể, và quốc doanh. Từng bước gắn chặt các cơ sở chế biến sẵn có với nuôi trồng.

- Đến năm 1988, tất cả đất đai trên toàn Huyện không còn hoang hoá, kể cả các nông trường của Thành phố và Huyện.

Trồng cây phủ xanh tất cả những diện tích còn bỏ trống quanh nhà, bờ kênh, bờ vùng, dọc theo các đường lộ trong Huyện.

b/ Để tích cực phục vụ thâm canh tăng vụ, thuỷ lợi phải được xem là biện pháp hàng đầu:

- Làm bờ bao ngăn mặn, bờ vùng, thuỷ lợi nội đồng xây dựng các cống đầu mối chủ yếu theo phương châm hoàn chỉnh từng khu vực nhỏ để đến năm 1990 khép kín, trong toàn Huyện, dứt điểm từng công trình, đảm bảo chất lượng công trình. Tập trung làm xong nơi nào đưa đến hiệu quả kinh tế ngay. Trước mắt tập trung hoàn chỉnh bờ bao ngăn mặn cho các xã Tân Nhựt, Tân Tạo, Tân Kiên và các xã cánh Nam phần phía trên lộ 50. Giao các xã tăng cường việc quản lý, bồi đắp sửa chữa các công trình đã làm xong.

- Đẩy mạnh khai thác nước ngầm ở các xã phía Bắc, hoàn thành hệ thống kênh mương ở xã Vinh Lộc để đến năm 1987 sử dụng hết công suất trạm bơm nước tưới cho từ 400 – 500ha đậu phộng và rau xanh trở lên.

- Dành 30%-40% vốn xây dựng cơ bản của Huyện đầu tư cho thuỷ lợi.

c/ Về củng cố tập đoàn và hợp tác xã nông nghiệp:

Phải tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo và huy động mọi ngành mọi giới cố gắng đến mức cao nhất chi viện cho nông dân tập thể để:

- Đến năm 1988 không còn tập đoàn sản xuất yếu kém, mỗi xã có 1 hợp tác xã nông nghiệp khá và toàn Huyện có 2 hợp tác xã mạnh toàn diện. Tập đoàn và hợp tác xã khá phải đạt 3 tiêu chuẩn; năng suất khá hơn trước khi làm ăn cá thể về hiệu quả kinh tế, đóng góp cho nhà nước nhiều hơn trước, đời sống vật chất của xã viên ổn định và khá hơn trước.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có nhiệt tình, biết làm ăn, liêm khiết.

d/ Về chăn nuôi:

- Giữ vững đàn trâu bò cày kéo hiện có, phấn đấu đạt từ 26.000 đến 28.000 con heo (trong đó quốc doanh trực tiếp nuôi hoặc gia công từ 6000 con trở lên). Xây dựng đàn nái quốc doanh 500 con.

- Duy trì đàn vịt giống của Bình Hưng, Đa Phước, tổ chức lại việc ấp vịt con làm cơ sở liên kết kinh tế với các tỉnh thu mua lại vịt thịt chế biến xuất khẩu, phát triển đàn gia cầm.

- Đầu tư cán bộ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đi vào thâm canh khai thác có hiệu quả kinh tế các ao hồ nuôi cá trong toàn huyện. Đặc biệt chú trọng hàng trăm ha ao hồ ở Bình Trị Đông, An Lạc, Bình Hưng Hoà.

đ/ Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

- Phấn đấu tăng bình quân hàng năm từ 10% đến 15% giá trị tổng sản phẩm, chú ý mở rộng việc chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, đảm bảo chất lượng giảm giá thành.

Thu mua 80% hàng hoá khu vực này làm ra.

- Đến năm 1988 phải hoàn thành việc cải tạo và phát triển các cơ sở chế biến mía đường đủ sức đáp ứng cho vùng mía “Bình Lợi”. Huyện phải sản xuất được mỗi năm từ 6-6,5 triệu viên gạch xây và từ 2-3 triệu viên ngói bằng cách xây dựng lò gạch của Huyện với công suất 4 triệu viên/năm, cải tạo và tổ chức lại các cơ sở sẵn có và huyến khích các tập đoàn, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp làm lò gạch thủ công.

- Khai thác và chế biến gỗ, phấn đấu đạt 5.000m3/năm phục vụ cho xây dựng cơ bản của Huyện và cho nhu cầu về nhà ở của dân.

- Xác định nhiệm vụ chính trị, tiến hành cải tạo tổ chức lại sản xuất, cải tiến công tác quản lý theo hướng xoá bỏ bao cấp các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, cá thể và gia đình. Tiếp tục cải tạo công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư doanh hướng vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và nhà nước phải quản lý được sản phẩm.

e/ Về xây dựng cơ bản:

- trong 3 năm 1986 – 1988 xây dựng mới 150 phòng học, sửa chữa 270 phòng học để xoá bỏ 3 ca, mỗi xã có ít nhất 1 nhà trẻ, mỗi ấp có 1 trường mẫu giáo. Cần ưu tiên cho các xã, ấp vùng căn cứ kháng chiến cũ và nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

- Căn bản hoàn thành xây dựng bệnh viện Huyện vào năm 1988. Quá trình xây dựng phải dứt điểm từng khoa, xong khoa nào sớm đưa vào sử dụng khoa đó.

- Năm 1988 hoàn thành về cớ bản nghĩa trang liệt sĩ Huyện.

- Đối với các trụ sở làm việc, sửa chữa là chính, chỉ xây dựng mới nơi nào chưa có và nơi hư nát không sửa chữa được, chú trọng ở xã.

- Cùng với Sở giáo dục xây dựng cho được trường cấp III ở Bà lát cho con em 5 xã trong khu vực bắt đầu học trong niên khoá 1987 – 1988.

- f/ Về Giao thông vận tải và Bưu điện:

- Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng cầu đường liên xã và giao thông nội đồng chú ý chất lượng xây dựng và sửa chữa.

- Phấn đấu đến năm 1988 xây dựng xong cầu kinh C và thay các cầu khỉ bằng cầu bê tông ở các kinh lộ xã Tân nhựt, Bình Lợi và năm 1987 hoàn chỉnh hệ thống điện thoại đến tất cả các xã trong Huyện.

g/ Về ăn, ở, mặc, học tập:

- Cố gắng đạt mức ăn 350kg lương thực/năm/đầu người cho toàn dân trong Huyện. Cố gắng giải quyết cơ bản nhu cầu nước uống và vật liệu xây dựng sửa chữa nhà ở của dân, nhất là các gia đình chính sách và các nhu cầu thiết yếu khác. Phấn đấu đến năm 1990 không cón tình trạng nhà ở rách nát.

Chăm lo giải quyết việc làm chio bộ đội hết hạn trở về, chăm lo đời sống của TNXP Huyện và điều kiện sống của trường giáo dục lao động Gò Xoài.

- Về học tập: xoá bỏ ca 3, tích cực địa phương hoá đội ngũ giáo viên 100% cấp 1, 80% cấp 2 năm 1988. Chú trọng đào tạo giáo viên cấp 3, người tại chỗ để thay thế giáo viên nội thành và chuẩn bị tiếp nhận quản lý các trường PTTH.

Đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá từ Huyện đến cơ sở.

Đối với cán bộ nhân viên mỗi năm phải lên 1 lớp để đến năm 1988 ít nhất phải hết cấp II. Và có 1 số đồng chí cấp 3 cho cán bộ Huyện và chủ chốt của xã. Phổ cập cho được cấp 1 cho thanh thiếu niên trong độ tuổi.

- Năm 1986 hà thành xây dựng trạm y tế Bình Lợi, phòng khám đa khoa cầu Xáng. Phấn đấu đến năm 1988 giảm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên xuống từ 2% - 1,8%.

h/ Về văn hoá, xã hội, thể dục thể thao:

- Tích cực đẩy mạnh mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ dưới nhiều hình thức phong phú, chú trọng các vùng sâu, đưa mức hưởng thụ văn hoá từ 12 đến 15 lần đế năm 1988. Tích cực loại trừ các tàn dư văn hoá cũ: cờ bạc, rượu chè, bói toán ở nông thôn.

- Đẩy mạnh hơn nữa phong trào thể thao hiện nay. Tích cực bồi dưỡng tài năng để có thể tham gia thi đấu giữa các xã trong Huyện với các Huyện và Thành phố.

- Công tác thương binh xã hội cần phải thực hiện một cách chu đáo về các chính sách thương binh, hưu trí, gia đình liệt sĩ như: cấp phát kịp thời tiền trợ cấp lương thực, thực phẩm…, tổ chức chăm sóc sức khoẻ, giúp đỡ trong lúc đau yếu, thường xuyên thăm viếng các ngày lễ tết vv…

Đảng bộ Huyện và cơ sở cần vận động nhân dân và tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Thành phố tham gia chăm sóc đối tượng này. Từ đây đến cuối năm 1988 cố gắng phấn đấu xây dựng đạt kết quả ở mức cao nhất về nhà tình nghĩa và chạy lo thêm vật tư xây dựng như: cây, ngói, gạch…cho gia đình chính sách với giá rẻ, để hỗ trợ phần nào khó khăn về nhà ở.

Tổ chức câu lạc bộ sinh hoạt cho cán bộ hưu trí, các công ty, xí nghiệp đóng góp vào quỹ bảo trợ thương binh liệt sĩ, tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn, ưu tiên về khâu đào tạo con em liệt sĩ.

2/ VỀ PHÂN PHỐI LƯU THÔNG

- Tiếp tục cải tạo XHCN trong thương nghiệp tư nhân theo các nghị quyết của Thành uỷ và chỉ đạo của UBND Thành phố, không ngừng tăng cường lực lượng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Thương nghiệp phải lấy phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân lao động làm nhiệm vụ chủ yếu, chống tranh mua tranh bán chạy theo chênh lệch giá. Doanh số nội thương đạt từ 2,8 – 3 tỉ đồng năm 1988 (tính theo giá 1986) trung bình mỗi năm tăng 20%.

- Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phấn đấu tỉ lệ bán lẻ năm 1988 chiếm 70% trong toàn Huyện.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4 triệu R/USD năm 1986, 6 đến 7 triệu R/USD năm 1988. Nông sản tại chỗ phải chiếm từ 15%- 25% tổng giá trị hàng xuất khẩu. hạn chế nhập các hàng tiêu dùng không cần thiết, tập trung nhập vật tư phục vụ cho sản xuất của Huyện.

- Về tài chánh, thuế, phải nắm chắc thu chi ngân sách hết sức tiết kiệm, phấn đấu cân đối ngân sách Huyện. Tập trung tối đa vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và các cơ sở chế biến nông sản. Phải đảm bảo thu đủ, thu đúng các loại thuế, kiểm tra chặt chẽ và triệt để thu chênh lệch giá. Kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực trong ngành.

- Các đơn vị sản xuất và kinh doanh phải đảm bảo nộp đúng và đủ ngân sách theo thời gian quy định.

- Về ngân hàng, phải dành mọi ưu tiên về vốn, tiền mặt cho sản xuất nông công nghiệp quốc doanh và tập thể. Động viên nhân dân gửi tiền tiết kiệm tham gia tín dụng. Kiên quyết quản lý chặt chẽ tiền mặt theo quy định của nhà nước và xử lý nghiêm minh cán bộ nhân viên trong ngành thoái hoá biến chất.

3/ Về an ninh quốc phòng:

- Phát động quần chúng tham gia phong trào an ninh tổ quốc, xây dựng 80% cơ quan, đơn vị, xóm ấp đạt tiêu chuẩn an toàn.

- Củng cố lực lượng công an có phẩm chất chính trị tốt, có nghiệp vụ giỏi, chống các loại tiêu cực trong lực lượng công an và kiên quyết loại trừ các phần tử thoái hoá ra khỏi ngành.

- Xây dựng vững chắc lực lượng dân quân và nắm chắc quân dự bị, thường xuyên giáo dục chính trị, luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, đủ sức bảo vệ hậu phương, xây dựng từng bước thành pháo đài vững chắc ở Huyện, hoàn thành chỉ tiêu NVQS góp phần bảo vệ tổ quốc.

- Các ngành nội chính phải tăng cường hợp tác chặt chẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp trong quá trình hoạt động.

Quan tâm đầy đủ đến Đội TNXP Huyện về công tác giáo dục tư tưởng chính trị và nghiên cứu sử dụng một cách ổn định hợp lý lựuc lượng này vào việc xây dựng kinh tế xã hội Huyện.

4/ Về xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền và các đoàn thể quần chúng:

a/ Về công tác xây dựng Đảng:

- Tăng cường chất lượng sinh hoạt Đảng, qua đó giáo dục nâng cao ý chí chiến đấu, vai trò tiên phong gương mẫu, ý thức tổ chức kỷ luật của Đảng viên trong việc thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chống hiện tượng tiêu cực như mất cảnh giác cách mạng, tưu tư tự lợi, vun xén cá nhân, tự do tản mạn, quan liêu xa rời quần chúngv.v…

- Đưa công tác kiểm tra vào nền nếp, tăng cường kiểm tra việc chấp hành đường lối chủ trương , chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và luật pháp nhà nước, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi cán bộ Đảng viên sai phạm dù ở cấp nào.

- Nhanh chóng xây dựng quy chế làm việc của cấp uỷ các cấp từ Huyện đến cơ sở, xây dựng quy hoạch cán bộ và tích cực đào tạo bồi dưỡng cán bộ các loại, chú trọng trẻ và nữ cán bộ khoa học kỹ thuật.

- Về phát triển Đảng, cần chú trọng giáo dục lý tưởng thật chín muồi mới kết nạp, chú trong phát triển Đảng viên ở cơ sở sản xuất, lưu thông và ngành giáo dục. Phấn đấu đến năm 1988 kết nạp từ 350 – 400 đảng viên mới trở lên, mỗi đơn vị, quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp doanh và hợp tác xã nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đều có chi bộ hoặc tổ Đảng, không còn đơn vị nào trắng. Các cấp uỷ cần phải coi trọng công tác phát triển Đảng là một yêu cầu lớn trong công tác xây dựng Đảng.

b/ Về công tác chính quyền:

- Kiện toàn bộ máy nhà nước từ Huyện đến xã, đổi mới phong cách làm việc “do dân và vì dân”, thực hiện quản lý kinh tế xã hội bằng pháp luật trước hết từ cơ quan nhà nước. Đạc biệt vai trò của HĐND từ Huyện đến xã phải phát huy chức năng quyền lực được nhân dân giao phó.

- Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động cho tất cả các ngành, các đơn vị, sản xuất kinh doanh, các đơn vị cơ sở đảm bảo thực hiện đúng quy định.

c/ Về công tác quần chúng

- Trong điều kiện Đảng đã nắm chính quyền, bệnh quan liêu xa rời quần chúng dễ này sinh. Vì vậy phải có biện pháp tích cực khắc phục. Cần phân công Đảng viên phụ trách từng nhóm quần chúng, các cấp uỷ viên xã, ấp phải phụ trách từng xóm, từng nhóm nhà, các cấp uỷ viên phải phụ trách xã hoặc liên xã và thường xuyên họp dân, lắng nghe dân góp ý.

- Phải củng cố tích cực hoạt động của các đoàn thể, nhất là về nội dung và phương thức cho phù hợp từng người, từng giai cấp.

+ Đoàn TNCS HCM phả xác định rõ vai trò xung kích, cánh tay đắc lực và hậu bị của Đảng. Đoàn phải có nội dung và phương thức thích hợp với lớp trẻ để tập hợp đông đảo và tổ chức thanh niên thực hiện các công tác Đảng giao cho. Trong 3 năm tới phát triển 6.000 đoàn viên mới và giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú từ 15%-20% tổng số đoàn viên để bồi dưỡng kết nạp Đảng.

+ Hội LHNDTT phải giáo dục giác ngộ rộng rãi nông dân lao động đưa vào hội, gắn chặt hoạt động của Hội với các tập đoàn, HTX nông nghiệp và tổ chức họ tham gia tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Phấn đấu đến năm 1988, số hội viên chiếm 80% tổng số nông dân lao động.

+Hội LHPN phải phát huy vai trò tích cực trong lao động sản xuất, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan. Xây dựng nếp sống mới, thực hiện tốt chính sách hậu phương, vận động sinh đẻ có kế hoạch, vận động phát triển kinh tế gia đình vv…cố gắng đến năm 1988, số hội viên chiếm 80% tổng số nữ.

+ Công đoàn phải động viên cán bộ công nhân viên chức hăng hái thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước, tham gia tích cực quản lý sản xuất. Công đoàn cần xoá các đơn vị trắng trong tiểu thủ công nghiệp và nâng cao chất lượng hoạt động.

+ Mặt trận tổ quốc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, có năng lực hoạt động, tăng cường tổ chức giáo dục các tầng lớp nhân dân, tích cực giúp đỡ đồng bào trong các tôn giáo, người Hoa tạo điều kiện công ăn việc làm và vận động đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN.

+ UBTN nhi đồng phải làm tốt công tác giáo dục thiếu nhi, quan tâm cáccháu thiếu nhi nghèo, thất học, đặc biệt gia đình chính sách, thường xuyên phối hợp với đoàn thanh niên cộng sản tổ chức vui chơi, học hành cho các cháu, chú ý các cháu vùng xa xôi.

Để thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu trên đây, Đảng bộ phải nắm vững cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ chính quyền quản lý, nêu cao ý thức tự lực tự cường. Xác định quan điểm lấy dân làm gốc, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức và cán bộ, phát động phong trào hành động cách mạng sôi nổi mang tích tự giác của quần chúng từ trong các cơ quan đơn vị đế thôn ấp, đi vào sản xuất và phục vụ cho sản xuất, đi vào giải quyếtnhững yêu cầu bức thiết của đời sống nhân dân lao động. Mỗi Đảng viên phải nêu cao vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm, kiên quyết đấu tranh xây dựng Đảng bộ trong sạch và vững mạnh.

Đại hội đại biểu Đảng bộ giao cho Ban chấp hành Đảng bộ bằng mọi biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội đại biểu đề ra.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ

HUYỆN BÌNH CHÁNH LẦN IV

(Tháng 10 năm 1986)

Thông báo