Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xứng danh bộ đội thông tin anh hùng

Đại tá Lê Minh Số ( mặc quân phục, đứng hàng đầu) đạt giải Nhất cuộc thi viết “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” do Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1 tổ chức năm 2017

(Thanhuytphcm.vn) - Được quân đội rèn luyện, đào tạo và trưởng thành trong chiến đấu, Đại tá Lê Minh Số, cựu chiến binh phường Cầu Kho, Quận 1, TPHCM không ngừng phát huy truyền thống bộ đội thông tin anh hùng, dù tuổi cao vẫn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xây dựng địa phương.

Những tháng năm nơi chiến trường ác liệt

74 tuổi đời, 54 tuổi Đảng, đại tá Lê Minh Số, nguyên Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn Thông tin 596 anh hùng, Binh chủng Thông tin liên lạc vẫn nhớ rất rõ về những năm tháng anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một phần ký ức đó được ông ghi lại trong bài viết tham gia cuộc thi “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” đã được Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1 trao giải Nhất năm 2017.

Bài viết gây nhiều cảm xúc qua những lời văn giàu hình ảnh, đầy ấn tượng của cựu chiến binh Lê Minh Số kể về những kỷ niệm sâu sắc trên đất bạn Lào. Năm 1971, cùng đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm đường dây thông tin liên lạc cho chỉ huy trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, bom địch, pháo địch dội suốt ngày đêm, anh bộ đội Lê Minh Số bị thương, ngất đi vì mất nhiều máu, nhưng đã may mắn được nhân dân Lào tận tình cứu chữa như người thân. Và nhiều kỷ niệm trên dãy Trường Sơn bao la, hùng vĩ, cùng bộ đội Pathet Lào khắc phục gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ; những lần bộ đội Việt Nam cùng người dân Lào rải dây và bảo vệ đường dây thông tin nơi rừng sâu, vách đá. Nhớ cái khắc nghiệt vùng đất Nam Lào, mùa khô thiếu nước, rừng cây lá rụng trơ trụi, mùa mưa thì muỗi và vắt rừng nhiều vô kể, nhưng người dân Lào vẫn luôn sẵn sàng che chở, giúp đỡ; không những thế, bộ đội Việt Nam và nhân dân Lào còn tay cầm tay cùng hát múa theo điệu “Lăm vông”, “Lăm Tơi” mừng chiến thắng hay khi đón Tết về…

Như đang sống lại trong thời quân ngũ, cựu chiến binh Lê Minh Số hào hứng kể: “Phát huy truyền thống gia đình cách mạng, tôi xung phong vào quân ngũ khi đang công tác tại Ty Kiến trúc, tỉnh Thanh Hóa năm 1965, ở tuổi 22. Khi vào quân đội, người lính chúng tôi vinh dự lắm, tự hào lắm, hừng hực khí thế xông vào nhiệm vụ. Nhiều anh em trong đơn vị chưa được chiến đấu đã viết đơn tình nguyện ra chiến trường, đóng góp công sức không quản hy sinh, gian khổ, kiên cường, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam.

Trải qua thời chiến tranh, cựu chiến binh Lê Minh Số thấu hiểu những hy sinh, mất mát to lớn về người và của, của dân tộc Việt Nam và nhân dân Lào luôn cùng kề vai, sát cánh chống kẻ thù chung, tô thắm thêm quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào; và ngày nay tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị giữa các quốc gia, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trách nhiệm cao trong công tác

Từ năm 1973, Đại tá Lê Minh Số công tác tại Trường Sĩ quan Chỉ huy - Kỹ thuật thông tin (nay là Trường Đại học Thông tin liên lạc), là giáo viên và trở thành Chủ nhiệm Khoa Nghiệp vụ thông tin. Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông liên tục được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng và nhiều huân, huy chương các loại.

Với kinh nghiệm trong chiến đấu, ông nghiên cứu, chắt lọc nội dung vận dụng vào huấn luyện, đào tạo sĩ quan đáp ứng yêu cầu về nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn kỹ thuật giỏi, tinh thần trách nhiệm cao. Ông đã nghiên cứu và đưa đề tài “Tự động hóa đào tạo báo vụ và công tác thông tin vô tuyến điện” vào đào tạo. Năm 1995, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn Thông tin 596, Binh chủng Thông tin, đã đóng góp nhiều cho việc hoàn thành xây dựng tổng trạm thông tin của đơn vị.

Về hưu năm 2003, vẫn phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Lê Minh Số không ngừng thể hiện sự năng động, nhiệt tình, cống hiến trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, vừa tham gia giảng dạy ở các trường dân sự, vừa tham gia công tác địa phương. Ông cũng là thành viên tích cực vận động và tham gia đóng góp trong nhiều hoạt động từ thiện như: trao tặng 2 căn nhà tình nghĩa tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng; tặng một tấn gạo và nửa tấn muối giúp đồng bào nghèo xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; hàng năm, trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó học giỏi của Trường Việt - Nhật, Trường Cao đẳng nghề TPHCM, Trường Cao đẳng nghề số 8 Bộ Quốc phòng; dịp tết, tặng hàng chục suất quà cho gia đình chính sách khu phố 2, phường 13, Quận 6 và khu phố 2, phường Cầu Kho, Quận 1, TPHCM. Mỗi khi có thiên tai, bão lũ, ông lại vận động bà con khu phố quyên góp hàng hóa gửi đi cứu trợ.

Bí thư Đảng ủy phường Cầu Kho Bùi Văn Thịnh cho biết: “Dù cao tuổi nhưng cựu chiến binh Lê Minh Số luôn tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước của phường và quận. Là thành viên Ban Thanh tra, Tổ dư luận xã hội và Tổ giám sát đầu tư cộng đồng, chú Số kịp thời góp ý và đề xuất các giải pháp cụ thể, thẳng thắn để chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân như: tham gia giám sát đầu tư nâng cấp hẻm, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường... Chú Số là một tấm gương, xứng đáng là điển hình tiên tiến.”.

Hải Yến

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo