Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, buôn lậu khẩu trang qua Campuchia

Quang cảnh hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - “Liên quan đến đấu tranh, chống buôn lậu các thiết bị y tế, khẩu trang để phòng ngừa dịch COVID-19, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các lực lượng địa phương trên tinh thần kiên quyết phát hiện tới đâu, xử lý nghiêm tới đó; quyết ngăn chặn các hành vi đầu cơ, nâng giá, đưa các khẩu trang trái pháp luật vào Việt Nam cũng như xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết 8 tháng thực hiện kế hoạch tăng cường phối hợp công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các tỉnh trọng điểm biên giới Việt Nam – Campuchia diễn ra tại TPHCM ngày 5/3.

Tại hội nghị, đại diện các Cục QLTT An Giang, Kiên Giang cũng cho biết từ khi bùng phát dịch COVID-19, mặt hàng khẩu trang khan hiếm, do bên Campuchia thu mua khẩu trang với giá cao, có loại lên tới 23 USD/hộp nên nhiều đối tượng gom khẩu trang, tuồn lậu qua Campuchia kiếm lời. Các đơn vị đã phát hiện nhiều vụ việc xuất lậu khẩu trang sang Campuchia.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các đối tượng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động; sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động.

Ông Đàm Thanh Thế cho biết Văn phòng thường trực đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức, xây dựng kế hoạch 27/KH-VPTT ngày 14/6/2019 với mục tiêu tập trung các lực lượng Trung ương, địa phương thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình; tập trung ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại 6 tỉnh biên giới Tây Nam và các địa bàn trọng điểm TPHCM.

Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia tại các địa bàn trọng điểm có nhiều đường mòn, lối mở, đường ngang, ngõ ngách, kênh rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Các mặt hàng trọng điểm chủ yếu là thiết bị y tế, khẩu trang, đường cát Thái Lan, thuốc lá điếu, rượu ngoại, hàng điện tử điện lạnh cũ, xăng dầu, thực phẩm chức năng, ma túy…

Đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thực vận chuyển như vác bộ, chở bằng xe gắn máy hoặc suồng máy công suất lớn, cơ động, chạy với tốc độ cao nên việc bố trí bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa nhập lậu thường được vận chuyển vào các giờ cao điểm như chập tối, nửa đêm, gần sáng bằng nhiều thủ đoạn như chia nhỏ, xé lẻ, thuê người canh dò đường, theo dõi di chuyển của lực lượng chức năng 24/24 giờ. Đáng lo là các đối tượng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động; sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động.

Kết quả kiểm tra đã phát hiện 3.654 vụ vi phạm với 1.180 đối tượng; xử lý hình sự 87 vụ và 3 đối tượng; xử lý hành chính 2.640 vụ và 1.081 đối tượng; thu nộp ngân sách 81 tỷ đồng. Số hàng hóa bị thu giữ gồm hơn 412.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu; 576 kg pháo nổ; 64 kg ma túy tổng hợp các loại và hàng trăm sản phẩm điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng như cục nóng, cục lạnh điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, máy lọc không khí…

Ông Đàm Thanh Thế đánh giá, sau 8 tháng tổ chức thực hiện kế hoạch trên, các lực lượng trung ương, địa phương đã triển khai hết sức nghiêm túc, đạt hiệu quả tương đối cao; phát hiện nhiều vụ việc hơn. Đặc biệt, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vi phạm hành chính, hình sự cao hơn so với năm 2018. Đây là kết quả bước đầu, thời gian tới các lực lượng sẽ tập trung, phát huy vụ việc, khắc phục những tồn tại trong phối hợp lực lượng với nhau để đấu tranh, ngăn chặn, chống buôn lậu qua biên giới đạt hiệu quả cao hơn nữa.

“Các lực lượng đã phát hiện nhiều loại hàng, phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng, điển hình như khu vực miền Trung, TPHCM và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Tây Ninh, các lực lượng phát hiện tiềm ẩn nhiều vụ việc buôn lậu ma túy. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ tiến tới rà soát tổng thể các địa bàn khác như: Long An, Kiên Giang, Đổng Tháp, Bình Phước để có biện pháp ngăn chặn kịp thời những đối  tượng buôn lậu những mặt hàng mới với thủ đoạn mới qua các tỉnh biên giới Tây Nam”, ông Thế nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp là đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân khu vực biên giới ổn định cuộc sống, không tham gia buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Sơn Nam

 Từ khóa
Covid 19

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo