Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 7/9, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm ra xét xử sơ thẩm đối với 29 bị cáo trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày. Phiên tòa do Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội ngồi ghế chủ tọa.

Trong số 29 bị cáo đưa ra xét xử sơ thẩm, có 25 bị cáo bị cáo buộc về hành vi “Giết người” và 4 bị cáo bị cáo buộc hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Tại phiên tòa, công tác an ninh được Công an TP Hà Nội triển khai nghiêm ngặt thành nhiều lớp. Lúc 8 giờ 45, phiên tòa chính thức bắt đầu với phần công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Chủ tọa Trương Việt Toàn sau đó yêu cầu lực lượng an ninh mở khóa tay cho các bị cáo.

Sau 15 phút, chủ tọa bắt đầu tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo. Người đầu tiên bước lên bục khai báo, bị cáo Lê Đình Công (con ông Lê Đình Kình). Tiếp sau là bị cáo Bùi Viết Hiểu, bị cáo này khai từng là cán bộ xã nghỉ hưu năm 1993. Các bị cáo còn lại đều khai rõ ràng thông tin nhân thân và quá trình phạm tội, quá trình bị bắt hoặc ra đầu thú… Điểm chung của các bị cáo trong vụ án này đều có trình độ văn hóa thấp.

Tại phiên sơ thẩm sáng nay đều có sự tham gia của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, gồm đại diện các gia đình bị hại, đại diện UBND xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức.

Trong phần thủ tục, đại diện một số luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo nêu lên một số kiến nghị và đề nghị HĐXX xem xét cho ý kiến, như triệu tập thêm một số cá nhân liên quan như ông Nguyễn Đức Chung (thời điểm xảy ra vụ án là Chủ tịch UBND TP Hà Nội), vợ ông Lê Đình Kình và đại diện Công an TP Hà Nội.

Một số luật sư cũng đề nghị nếu chưa đủ các thành phần như kiến nghị có thể hoãn phiên tòa. Trong khi đó, chủ tọa Trương Việt Toàn cho rằng, những kiến nghị của các luật sư (triệu tập ông Nguyễn Đức Chung)…, xét thấy những người này không liên quan trực tiếp tới vụ án, nên HĐXX không triệu tập. Sau ít phút hội ý, HĐXX thông báo với yêu cầu triệu tập đại diện Công an TP Hà Nội. Đối với việc triệu tập vợ ông Lê Đình Kình và những người liên quan, HĐXX xét thấy, trong quá trình thẩm vấn nếu cần thiết sẽ cho triệu tập sau…

Kết thúc phần thủ tục, ngay sau đó, luật sư đề nghị được tiếp xúc với các bị cáo tại phiên tòa, việc này, HĐXX cho rằng, là không cần thiết bởi đây là phiên tòa. Phiên tòa chuyển sang phần thẩm vấn. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội công bố bản cáo trạng truy tố 29 bị cáo.

Cáo trạng vụ án cho thấy, theo Quyết định số 5383 của UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng, toàn bộ đất Sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, lập các sơ đồ quản lý sân bay với 16 mốc giới, đã giao cho Quân chủng Phòng không-Không quân thuộc Bộ Quốc phòng, diện tích hơn 236ha tại xã Mỹ Lương, xã Trần Phú, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức là hơn 64ha (trong đó có hơn 47ha do HTX Đồng Tâm quản lý).

Khoảng 6 giờ 30 sáng, xe dẫn giải 29 bị cáo tới tòa Khoảng 6 giờ 30 sáng, xe dẫn giải 29 bị cáo tới tòa

Từ năm 2013, một số đối tượng trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã thành lập “Tổ Đồng thuận” do Lê Đình Kình (sinh năm 1936 trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm), Lê Đình Công (sinh năm 1964), Bùi Viết Hiểu (sinh năm 1943) cầm đầu. Do có ý định chiếm đoạt đất quốc phòng, các đối tượng này thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện phức tạp về công tác quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm.

Đầu năm 2020, khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, Lê Đình Kình đã cùng với các đối tượng khác góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo… nhằm tấn công lực lượng chức năng. Rạng sáng ngày 9/1/2020, khi lực lượng công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà Kình khoảng 50m) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch, các đối tượng đã đánh kẻng báo động và dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an, khiến cho 3 cán bộ, chiến sĩ công an là Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân bị rơi xuống hố ở gần nhà Lê Đình Kình tử vong do ngạt khí và bị thiêu cháy.

Trước khi đưa 29 bị cáo ra xét xử, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội (PC03) đã phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được để tổ chức phân loại 25 người bị truy tố về hành vi “Giết người” thành 3 nhóm đối tượng: Nhóm chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội; Nhóm tích cực và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội; Nhóm giúp sức.

Như Quỳnh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo