Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Vừa phòng thủ chống dịch Covid-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 2/7, phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ tiếp tục theo dõi đề phòng nguy cơ dịch bệnh; đồng thời nắm bắt cơ hội để đưa ra đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần “Vừa phòng thủ chống dịch Covid-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế” nhằm thực hiện mục tiêu kép đã đề ra.

Không chùn bước, không bàn lùi

Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng quý 3 và 4, với mục tiêu tăng trưởng phấn đấu cao nhất trong khoảng 3% đến 4%. Các Bộ, ngành, tỉnh, TP với tinh thần “Khó khăn gấp đôi, ta phải phấn đấu gấp 3, không chùn bước, không bàn lùi để phát triển đất nước, phát triển địa phương mình”. Theo đó, cả nước chung sức đồng lòng để xây dựng đất nước. Các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, hoạt động hiệu quả và có biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn. Từng bộ, địa phương thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác để thường xuyên rà soát, tháo gỡ, đôn đốc, nhất là tháo gỡ về đầu tư công và một số vướng mắc về thể chế, chính sách hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo kiên quyết không để dịch bệnh Covid-19 quay lại. Đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, ưu tiên giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập, đảm bảo đời sống người dân. Cùng với đó, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt hơn, hiệu quả hơn, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Hỗ trợ hiệu quả các loại hình doanh nghiệp, loại hình kinh tế; có cơ chế phù hợp, giải pháp phù hợp kích thích mạnh mẽ thị trường, các mô hình kinh doanh mới, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các trung tâm du lịch, tổ chức kinh tế ban đêm, tiếp tục kích cầu du lịch nội địa, các ngành, các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Mặt khác, phát huy sức bật của sự năng động, sức sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, làng nghề. Các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn phải là đầu tàu, nhất là TPHCM phải có những quyết sạch mạnh mẽ, tháo gỡ mạnh mẽ cho sản xuất kinh doanh để đóng góp vào sự tăng trưởng của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý chú trọng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, trong đó chú ý hỗ trợ việc làm, thu nhập cho người lao động ổn định. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững quốc phòng an ninh, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội.

Tháo gỡ những vướng mắc, phức tạp

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai ngay các Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn liên quan đến thuế, phí, lệ phí, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào, giảm 50% lệ phí trước bạ đăng ký ô tô, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hộ kinh doanh cá thể.

Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Công nghệ cao Sài Gòn Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Công nghệ cao Sài Gòn

Đồng thời, các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động xây dựng phương án bảo đảm cân đối nguồn lực để triển khai các gói hỗ trợ. Chính phủ đồng ý cho Bộ Tài chính đàm phán tiếp nhận các khoản hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới vào tài khoản ngân sách để lấy tiền kích hoạt kinh tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu báo cáo cấp thẩm quyền để tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua việc tạm dừng và miễn đóng bảo hiểm xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các Bộ, ngành chú ý thị trường Liên minh Châu Âu để tận dụng thời cơ của Hiệp định EVFTA mang lại. Theo đó, phải tháo gỡ những vướng mắc, phức tạp, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh, không để quy trình thủ tục hành chính gây khó dễ xuất nhập khẩu.

Đề cập về việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hiện nay, khối lượng tiền rất lớn gần 30 tỷ USD, trong đó 60% nằm ở địa phương. Riêng vốn ODA chiếm 60.000 tỷ đồng thì TPHCM chiếm 15.000 tỷ đồng của cả nước. Do đó, phải kịp thời giải quyết vướng mắc, nhất là vướng mắc mặt bằng. Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị xem xét tiến độ trên tinh thần đó kiên quyết điều chỉnh vốn.

Về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị rà lại Nghị quyết 02 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường đầu tư. Theo đó, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần thực hiện đúng chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; thực hiện đúng các quy định về thanh tra, kiểm tra, không để hoạt động thanh tra, kiểm tra làm cản trở, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo