Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Văn nghệ sĩ TPHCM và những cơ duyên được gặp Bác Hồ

Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với các nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Nam bộ năm 1968. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quý trọng và gần gũi giới văn nghệ sĩ - được Người xem là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Ngược lại, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ vẫn xem Bác là tấm gương, là niềm cảm hứng lớn cho mình. Hơn 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng hình ảnh của Người vẫn hiện diện và đồng hành cùng sự phát triển đi lên của đất nước. Và nhiều văn nghệ sĩ TPHCM vẫn cất giữ những kỷ niệm về những cơ duyên thần kỳ được gặp Bác ở một góc trang trọng nhất trái tim mình.

Được ở gần Bác đến thế!

Xúc động đến… ngơ ngẩn, không nói nên lời gần như là tâm trạng chung của những ai may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời và dù qua bao năm tháng vẫn vẹn nguyên cảm xúc mỗi khi hồi tưởng lại.

Tập kết ra Bắc ở tuổi 15, cô nghệ sĩ nhí Ca Lê Hồng không ngờ ở cái tuổi đầu đời non nớt chập chững bước vào nghề lại vinh dự được gặp Bác Hồ. “Được gặp Bác luôn là nguyện vọng tha thiết của những người con của miền Nam đi trước về sau. Theo đội múa trong đoàn phục vụ Bác và các đồng chí lãnh đạo tại Phủ Chủ tịch nhân Đại hội Văn công toàn quốc, chúng tôi, đứa nào cũng sửng sốt, xúc động đến múa không đều luôn vì Bác ở gần quá!” - đó cũng là ấn tượng đầu tiên đối với nghề, giúp Ca Lê Hồng ý thức rõ ràng hơn mình đã là nghệ sĩ. Sau đó, Ca Lê Hồng - nay đã ở tuổi ngoài 70, là một đạo diễn, nhà sư phạm uy tín, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” - còn gặp Bác 3 lần nữa, lần nào cũng ngập tràn cảm xúc bởi sự gần gũi, ấm áp và trân trọng của một vị Chủ tịch nước đối với người nghệ sĩ. “Có một lần Bác vào thăm khu văn công mà không hề báo trước, Người đi từ sau bếp lên khiến ai cũng bất ngờ. Bác là như vậy, rất quan tâm đến học sinh miền Nam chúng tôi, tìm hiểu kỹ đời sống, hỏi han chỗ ăn, chỗ ở rất thân tình…” - NSƯT Ca Lê Hồng mãi không thể quên sự chu đáo của Người và tâm niệm phải luôn nỗ lực, cố gắng xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Bác.

NSƯT Ca Lê Hồng với các học trò. (Ảnh: Thanh Hiệp) NSƯT Ca Lê Hồng với các học trò. (Ảnh: Thanh Hiệp)

Đạo diễn Thanh Hạp cũng đặt chân đến đất Bắc ở tuổi thiếu niên mà lý do chịu đi tập kết chỉ vì nghe nói: “muốn gặp Bác Hồ thì phải đi tập kết”. Lúc đầu, chỉ thấy Bác từ xa trong các dịp Quốc khánh, rồi những lần vỡ òa cảm xúc khi Bác bất ngờ ghé thăm các khu văn công, nơi tập luyện, học tập. “Có một kỷ niệm tuyệt vời là tôi được tham gia buổi diễn của Đoàn Cải lương Nam bộ phục vụ buổi tiếp Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (1897 - 1986, là một trong 10 Nguyên soái của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) của Bác tại Phủ Chủ tịch. Lúc đó, tôi chỉ là hậu đài thôi nhưng vui lắm. Đoàn diễn lớp “Lôi đình tụng” kinh điển của vở cải lương Khuất Nguyên được Bác và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh khen ngợi rất nhiều. Sau đó, Bác gặp các nghệ sĩ, phát chuối, xôi, gà cho mọi người và nhẹ nhàng nói: “Các cháu diễn tốt và cháu diễn vai Khuất Nguyên rất tốt. Nhưng cách cháu diễn là của sân khấu lớn. Ở đây, Bác và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh ngồi gần lắm!”. Bác chỉ nói vậy nhưng mọi người đều à lên bất ngờ vì không ngờ bác tinh tế đến vậy. Đây là bài học mà sau này khi học đạo diễn tôi càng thấm thía và càng cảm phục Bác - khi biểu diễn phải tính toán chu toàn, phù hợp từ đối tượng khán giả đến cả điểm diễn”, đạo diễn Thanh Hạp chia sẻ.

Thành danh từ Đoàn Cải lương Nam bộ, NSND Thanh Vy từng biểu diễn cho Bác xem. Bà nhớ mãi lần biểu diễn phục vụ Bác và một đoàn khách quốc tế ở khán phòng nhỏ, người diễn và người xem rất gần. Đến một cảnh hào hùng về sự hy sinh của người chiến sĩ cách mạng, đang đứng trên sân khấu, NSND Thanh Vy chợt thấy Bác từ từ cúi xuống, chậm nước mắt, thế là không hiểu sao bà bị thoát vai, nước mắt cứ tuôn chảy thay vì phải đứng như một pho tượng không được chớp mắt. Khi dứt lớp diễn, Bác vẫy cô nghệ sĩ trẻ lại và hôn lên trán, rồi cho cái kẹo. Kỷ niệm tuyệt đẹp đó luôn được NSND Thanh Vy mang theo trên chặng đường làm nghệ thuật của mình và là nguồn động viên người nghệ sĩ trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất đều có thể vượt…

NSND Thanh Vy tham gia vở kịch lịch sử Vua thánh triều Lê trên Sân khấu IDECAF. (Ảnh: NLĐO) NSND Thanh Vy tham gia vở kịch lịch sử Vua thánh triều Lê trên Sân khấu IDECAF. (Ảnh: NLĐO)

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn!

Lời thơ của nhà thơ Tố Hữu cũng là tiếng lòng của bao người khi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng toàn vẹn mà mỗi người không ngừng nhắc nhở mình phải học tập để có thể thực hiện Di chúc của Người: xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!

Với đạo diễn Thanh Hạp, học Bác không chỉ ở đức tính “cần”, “kiệm” trong cuộc sống mà còn ở sự tinh tế trong mọi việc. Ông kể: “Có lần, các nghệ sĩ ở Khu văn công Cầu Giấy học chính trị thì bất ngờ Bác đến. Bác hỏi: Các cháu học chính trị có thích không? Chúng tôi bảo thích, Bác cười: “Bác không tin đâu!” rồi quay sang nói với người giảng bài rằng giảng chính trị cho văn công - nghệ sĩ nghe thì nó phải khác chứ. Tôi nhớ mãi và cũng tập cho mình cách ứng xử, làm việc phù hợp hoàn cảnh, phù hợp từng đối tượng tiếp xúc”.

Bài học lớn nhất của Bác đối với NSƯT Ca Lê Hồng là không ngừng học tập, nói và làm từ những điều nhỏ nhất và luôn cố gắng giữ cho mình sự thanh xuân. Ở Bác, NSƯT Ca Lê Hồng luôn nhìn thấy “sự thanh xuân” trong suy nghĩ lẫn hành động. Với người làm nghệ thuật sự thanh xuân chính là việc không bao giờ lặp lại chính mình, phải luôn tìm thấy cảm hứng mới mẻ trong vai diễn, trong công việc. Người nghệ sĩ dù diễn hàng trăm lần thì vẫn phải giữ được sự hồn nhiên của cảm xúc. Người đạo diễn càng phải luôn học hỏi và tự đổi mới. Nghệ thuật đòi hỏi sự hồn nhiên và thanh xuân. Sự lặp lại, nhàm chán hay “bê nguyên xi” là giết chết nghệ thuật.

NSND Thanh Vy đón nhận danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” năm 2019. (Ảnh: Thanh Hiệp) NSND Thanh Vy đón nhận danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” năm 2019. (Ảnh: Thanh Hiệp)

NSND Thanh Vy vẫn nhớ lời dặn dò của Bác với anh em trong đoàn văn công, đặc biệt là người quản lý, phải quan tâm chăm lo đến sức khỏe, đời sống của tập thể. Và mỗi văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, đem tài hoa của mình phục vụ cho dân, cho nước. Ở Bác là một trái tim nhân ái rộng mở, cũng là một tâm hồn rung cảm nghệ thuật tinh tế, vì thế Bác rất trân trọng, yêu quý người nghệ sĩ, luôn đánh giá rất cao vai trò của văn hóa văn nghệ trong sự nghiệp cách mạng. Nhớ lời Bác, bao năm qua, NSND Thanh Vy tự nhủ phải luôn học thêm để giỏi nghề và khám phá thêm nhiều điều mới mẻ để từ sân khấu cải lương, bà gặt hái thêm thành công ở sàn diễn kịch nói, phim điện ảnh lẫn truyền hình. Và dù có nổi tiếng đến đâu, dù biểu diễn ở bất cứ đâu, nhà hát lớn sang trọng hay đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới hải đảo vẫn luôn giữ tâm thế của người nghệ sĩ phục vụ nhân dân.

Còn có rất nhiều văn nghệ sĩ chưa có duyên gặp Bác hay sinh sau đẻ muộn không còn cơ hội trực tiếp biểu diễn cho Người xem nhưng vẫn luôn dành tình cảm tôn kính Bác, xem Người là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận, vẫn hàng ngày nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh để nối bước xứng đáng các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ đã đồng hành cùng bước tiến của cả dân tộc.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo