Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV khai mạc Phiên họp thứ 15

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 15.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp sẽ hoàn tất những công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV và xem xét một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho ý kiến về những báo cáo quan trọng sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư sắp tới.

Đó là các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả; cho ý kiến về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định và nhiều nội dung quan trọng khác.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ tư của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ ba của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.

Trình bày Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, để chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 2396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.  Cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; hoạt động giám sát của Quốc hội; đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá, kiểm soát lạm phát đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút khách quốc tế, đầu tư nước ngoài.

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 2.868 kiến nghị cử tri. Sau khi tổng hợp, phân loại, 2.458 kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 2.284 kiến nghị của cử tri (đạt 100%). Trong đó, có 1.695 kiến nghị (74,2%) đã được trả lời giải trình, cung cấp thông tin với cử tri; 282 kiến nghị (12,4%) đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết xong; 307 kiến nghị (13,4%) đang nghiên cứu đã có văn bản trả lời cử tri sẽ giải quyết trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng các báo cáo đã thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi đến Quốc hội. Các cơ quan đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, song vẫn còn tình trạng chuyển đi, chuyển lại cho cơ quan có thẩm quyền hoặc chưa giải quyết đầy đủ nên cử tri, nhân dân còn chưa hài lòng. Công tác giải quyết kiến nghị của cử tri tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn 570 kiến nghị chưa được giải quyết triệt để. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan khi tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri cần sớm nghiên cứu xử lý và nên có lộ trình giải quyết cụ thể để hạn chế tồn đọng. Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, phân công giải quyết kiến nghị, trả lời cử tri và nhân dân, tăng cường công tác giám sát của Quốc hội; đề cao vai trò thông tin tuyên truyền của các cơ quan báo chí.

Cũng trong chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10 và bế mạc vào 25/11, thời gian tiến hành kỳ họp là 25,5 ngày làm việc.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo