Lấy trẻ tự kỷ và phụ huynh làm trung tâm
Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn hệ thần kinh gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ. Bệnh tự kỷ thường được biểu hiện với những khiếm khuyết về tương tác xã hội, người bệnh thường gặp khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và các hành vi, sở thích, hoạt động của người bị tự kỷ thường mang tính hạn hẹp hoặc lặp đi lặp lại.
Theo số liệu từ khoa Phục hồi chức năng trực thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ tự kỷ ngày một tăng cao và con số này vẫn không ngừng tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên việc nhận biết triệu chứng bệnh ở trẻ để chăm sóc và điều trị bệnh tự kỷ vẫn chưa được quan tâm nhiều, dẫn đến việc thu hẹp khả năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ trong tương lai.
Trẻ tự kỷ được chăm sóc, điều trị tại Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Sau rất nhiều những trăn trở và quyết tâm của đội ngũ y - bác sĩ, từ tháng 1/2018, Đơn vị Âm ngữ trị liệu, Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã áp dụng phương pháp sử dụng âm ngữ trị liệu trực tiếp giải quyết chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng.
Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên, người điều phối chính cho chương trình, đồng thời tham gia công tác giảng dạy nhiều học phần quan trọng trong chương trình, cho biết, công trình can thiệp cho trẻ tự kỷ phối hợp đa chuyên ngành y tế - âm ngữ trị liệu - tâm lý - giáo dục đặc biệt - giáo dục tiểu học - phụ huynh tại Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch bao gồm mô hình can thiệp sớm dưới 5 tuổi, giáo dục tiền học đường từ 5 đến 8 tuổi, huấn luyện kỹ năng tự phục vụ và song song với mô hình can thiệp là đưa trẻ hoà nhập cộng đồng tuỳ vào tình trạng và khả năng của từng trẻ. Phương châm thực hiện là lấy trẻ và phụ huynh làm trung tâm trong suốt thời gian can thiệp.
Quy trình can thiệp và hỗ trợ trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng gồm nhiều giai đoạn thực hiện. Đầu tiên trẻ được phát hiện các dấu hiệu sớm trẻ tự kỷ về hoạt động – chơi đùa và giao tiếp. Giai đoạn thứ hai là đưa trẻ vào gia đoạn tầm soát, tìm kiếm các dấu hiệu báo động trẻ tự kỷ. Giai đoạn thứ ba là nhóm chẩn đoán làm việc. Giai đoạn thứ tư là lượng giá chức năng bởi nhóm chuyên viên tâm lý, âm ngữ trị liệu, giáo dục đặc biệt, và cả giáo dục tiểu học. Giai đoạn thứ năm là cả nhóm lên kế hoạch can thiệp và hỗ trợ. Giai đoạn thứ sáu là trực tiếp can thiệp trên trẻ và huấn luyện phụ huynh. Trong công trình này đặc biệt khuyến khích phụ huynh tham gia vào sáu giai đoạn, mục đích để nhóm đa chuyên ngành cùng nhau huấn luyện cho phụ huynh trở thành “người thầy” của trẻ.
“Trong quá trình xây dựng kế hoạch can thiệp và hỗ trợ trẻ cũng như huấn luyện phụ huynh chúng tôi thiết kế và tạo ra những công cụ can thiệp hỗ trợ trực quan cho trẻ tại trung tâm can thiệp và tại nhà. Chúng tôi vừa can thiệp và đưa trẻ tham gia học hoà nhập song song. Hiện tại chúng tôi đang can thiệp, hỗ trợ và theo dõi trên 250 trẻ tự kỷ từ 18 tháng tuổi đến 10 tuổi. Có 75 trẻ đã và đang hoà nhập ở môi trường mầm non và tiểu học bình thường tiếp tục được sự hỗ trợ của nhóm chuyên môn, phụ huynh và thầy cô trong môi trường hoà nhập” - Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên cho biết.
Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hiện đang can thiệp, hỗ trợ và theo dõi trên 250 trẻ tự kỷ từ 18 tháng tuổi đến 10 tuổi Là người trực tiếp tham gia công tác quản lý đào tạo, giám sát lâm sang, can thiệp cá nhân và nhóm trẻ, chị Cao Phương Anh, Trưởng đơn vị Âm ngữ trị liệu, chia sẻ ngoài những kết quả đạt được, nhóm cũng gặp nhiều khó khăn cũng như những áp lực trong quá trình can thiệp và hỗ trợ trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng.
“Áp lực lớn nhất là từ phía phụ huynh khi họ luôn mong muốn con mình làm sao để có thể được điều trị nhanh nhất, hoà nhập cộng đồng sớm nhất có thể. Nhưng để làm được điều đó thì điều quan trọng nhất là chính phụ huynh phải đồng hành, hiểu rõ nhất tình trạng của con, những khó khăn của con để hỗ trợ, giúp đỡ con mình” - chị Cao Phương Anh chia sẻ.
Chính từ thực tiễn thực hiện trong thời gian qua, Đơn vị Âm ngữ trị liệu, Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mong muốn chính phụ huynh là người phát hiện sớm, chấp nhận các khó khăn của trẻ hiện tại, đưa trẻ đến các cơ sở có chuyên môn để tầm soát, chẩn đoán và can thiệp phối hợp. Đồng thời phụ huynh nên theo dõi, can thiệp và hỗ trợ cho trẻ tại nhà và trong môi trường tự nhiên như chơi, ăn uống, ngủ, học và vệ sinh cá nhân theo sự dẫn dắt trực tiếp của các nhà chuyên môn đang làm việc trực tiếp với trẻ. Đồng thời phụ huynh nên cho trẻ vừa can thiệp với nhóm đa chuyên ngành (như tâm lý, giáo dục đặc biệt, âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu,..) vừa can thiệp tại nhà (sau khi phụ huynh được huấn luyện, cung cấp công cụ can thiệp và hỗ trợ trực quan cho trẻ).
Còn rất nhiều việc phải làm phía trước
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng,Trưởng phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết với mô hình vừa giảng dạy vừa trị liệu, trong thời gian tới Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tiếp tục hoàn thiện công trình bằng cách phát triển nhân lực, tự học hỏi và cập nhật kiến thức chuyên môn cho từng vị trí khi tham gia sàng lọc – chẩn đoán – lượng giá chức năng – lập kế hoạch can thiệp – thực hiện can thiệp trực tiếp và huấn luyện phụ huynh. Duy trì việc lấy trẻ và phụ huynh làm trung tâm khi can thiệp cho trẻ. Hỗ trợ, chia sẻ kiến thức công cụ trực quan cho giáo viên hoà nhập tại trường mầm non, tiểu học ở môi trường bình thường. Tiếp tục mở các lớp đào tạo nhà chuyên môn can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ và các lớp dành cho phụ huynh có con tự kỷ. Nhân rộng mô hình đến nhiều tỉnh thành trong nước có nhu cầu.
“Công trình đưa trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng” Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được vinh danh là thành tựu y khoa Việt Nam “Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao quy trình chuyên môn, điều kiện kỹ thuật cho các cơ sở ở các tỉnh, thành, ở quy mô toàn quốc với mục đích là làm sao đảm bảo nhu cầu cho trẻ tự kỷ được chăm sóc, điều trị, trong tình hình thực tế số lượng trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng ở nước ta” - PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp cho biết.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo chuyên gia về âm ngữ trị liệu, PGS.TS.BS. Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, nhà trường sẽ tiếp tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo lĩnh vực âm ngữ trị liệu, đào tạo nhà chuyên môn can thiệp trẻ tự kỷ và đào tạo phụ huynh làm việc với trẻ tự kỷ, hỗ trợ trẻ tự kỹ sớm hòa nhập cộng đồng. Khi trẻ được tham gia điều trị trong điều kiện chuyên môn, bài bản thì khả năng phục hồi, hòa nhập cộng đồng sẽ nhanh hơn, tốt hơn. Nhà trường cũng sẽ nghiên cứu đảm bảo tính pháp lý, đảm bảo chương trình hiện đại nhằm thực hiện những khóa học giá trị, có chương trình tiên tiến, đào tạo chuyên gia về âm ngữ trị liệu phù hợp với sự phát triển của ngành y thế giới, đồng thời triển khai ra các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Theo PGS.TS.BS - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Dung (người đầu tiên đưa âm ngữ trị liệu về Việt Nam, cũng là người đầu tiên đưa ra ý tưởng sử dụng âm ngữ trị liệu trực tiếp giải quyết chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng), việc phát triển âm ngữ trị liệu đã và đang đi đúng hướng, khi lĩnh vực này không chỉ giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng mà trong tương lai có thể áp dụng trong điều trị liên ngành, áp dụng trong điều trị các loại bệnh khác. Đơn cử như giúp người bị đột quy trong việc giúp phục hồi giọng nói, phục hồi hoạt động sinh hoạt bình thường hàng ngày...