Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Triển lãm “Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm hữu nghị Cộng hòa Pháp – biểu tượng của khát vọng hòa bình”

Khai mạc Triển lãm “Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm hữu nghị Cộng hòa Pháp – biểu tượng của khát vọng hòa bình”.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 18/3, đông đảo học sinh - sinh viên và người yêu thích tìm hiểu lịch sử đã có mặt tại Đường Sách TPHCM xem triển lãm “Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm hữu nghị Cộng hòa Pháp – biểu tượng của khát vọng hòa bình” (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ phối hợp Vụ Thông tin - Văn phòng Quốc hội tổ chức), giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu về chuyến thăm hữu nghị Cộng hòa Pháp – hoạt động ngoại giao đầu tiên của Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 16/4 đến 23/5/1946.

Chia sẻ về triển lãm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, đây là lần đầu tiên những hình ảnh độc đáo về hành trình và hoạt động của phái đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Pháp năm 1946 với rất nhiều cuộc thăm viếng, gặp gỡ các cơ quan, tổ chức xã hội, nhân sĩ trí thức và các tầng lớp nhân dân Pháp cùng kiều bào được giới thiệu đến rộng rãi người dân. Những tư liệu quý giá này sẽ tiếp tục được trưng bày tại hành lang Tòa nhà Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội sắp tới nhằm giới thiệu đến các đại biểu ý nghĩa chuyến đi đặc biệt năm 1946, thời điểm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đứng trước hiểm họa “thù trong, giặc ngoài”, nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình khi thực dân Pháp mưu đồ trở lại xâm lược nước ta. Triển lãm nhân kỷ niệm 73 năm sự kiện cũng như chào mừng phái đoàn Quốc hội Việt Nam khoá XIV do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu sẽ thăm hữu nghị Cộng hoà Pháp trong năm 2019.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam TPHCM, chủ biên bộ sách kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam, sự hiện diện của Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa I tại Paris, theo lời mời của Quốc hội lập hiến Cộng hòa Pháp, nhằm thông báo cho nhân dân thế giới, truớc hết là nhân dân Pháp về một nền cộng hoà mới của một quốc gia thuộc địa đã đứng lên giành độc lập, không thua kém bất cứ nền cộng hoà nào của phương Tây. Qua đó khẳng định quyền độc lập tự chủ, truyền tải thông điệp khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam đến người Pháp và nhân dân tiến bộ thế giới.

Có mặt tại Triển lãm còn có 3 khách mời đặc biệt là hậu nhân của những đại biểu đã tham gia Phái đoàn. Thiếu tướng Phạm Sơn Dương (nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự - Bộ Quốc phòng), con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Trưởng Phái đoàn Quốc hội Việt Nam thăm Cộng hòa Pháp năm 1946, bày tỏ sự xúc động khi lần đầu tiên được xem những hình ảnh của cha trong chuyến đi ý nghĩa này. “Với ba tôi mỗi chuyến đi đều có ý nghĩa riêng, cùng quyết tâm hoàn thành những trọng trách Bác Hồ tin tưởng giao phó. Trong đó, chuyến thăm Pháp năm 1946 của Đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa I là chuyến đi của tình hữu nghị, thể hiện tình cảm cùng nhân dân Pháp, tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội Pháp và nhân dân thế giới, cho thế giới biết đến một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình”, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương chia sẻ. Ông cũng nhớ về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một người ham đọc sách, thích tìm hiểu văn hóa và đã vận dụng khéo léo những kiến thức uyên bác từ các nền văn hóa trong các nhiệm vụ ngoại giao của mình, được bạn bè quốc tế yêu mến, quý trọng.

Đoàn du khách quốc tế bị thu hút bởi triển lãm. Đoàn du khách quốc tế bị thu hút bởi triển lãm.

GS.TS – KTS Trần Thanh Bình (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, thiết kế trường học - Bộ Giáo dục và Đào tạo), con trai đại biểu Trần Ngọc Danh, cũng lần đầu được “gặp” ba nhiều đến vậy. “Ba tôi mất khi tôi còn nằm trong bụng mẹ. Những hiểu biết về ba chỉ qua lời kể của mẹ và các tài liệu sau này. Khác nhiều đại biểu, chuyến đi này của ba tôi kéo dài đến tận năm 1949 khi ông được cử ở lại Pháp làm công tác vận động kiều bào và tranh thủ tình cảm, sự ủng hộ của nhân dân Pháp, nhân dân thế giới. Tôi cho rằng, phương châm và sứ mệnh của đoàn Đại biểu Quốc hội Khoá I – làm sao cho người Pháp, cho nhân dân thế giới hiểu mình – đã được tiếp nối xuyên suốt trong các hoạt động ngoại giao về sau của nước ta”, GS.TS – KTS Trần Thanh Bình bày tỏ.

Ông Hoàng Thủy Lạc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty thiết bị Y tế Việt Nam), con trai đại biểu Hoàng Tích Trý – từng du học và tốt nghiệp bác sĩ tại Pháp, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế (1946 – 1958), cũng chia sẻ niềm xúc động khi đến với triển lãm. Ông cho biết gia đình đã tặng nhiều hình ảnh, hiện vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có những bức thư tay trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và GS.BS Hoàng Tích Trý với mong muốn những hiện vật được lưu giữ lâu hơn, để cho thế hệ trẻ được xem và biết về một phần lịch sử dân tộc. Ông mong muốn Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tiếp tục khai thác tốt nguồn tài liệu lưu trữ để đưa những triển lãm ý nghĩa như thế này đến đông đảo công chúng.

Với Trần Thanh Vẹn, sinh viên năm 2 Khoa quản lý nhà nước - Học viện Cán bộ TPHCM, triển lãm này là cơ hội hiếm có được tiếp xúc với nhiều tư liệu quý lần đầu được công bố, cũng như việc gặp gỡ, lắng nghe những nhân vật có liên quan nói chuyện, chia sẻ thực sự là giờ học bổ ích, giúp người trẻ dễ tiếp thu, có thêm kiến thức và thấu hiểu hơn về những sự kiện tầm vóc, ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử dân tộc.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 24/3/2019.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo