Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

TPHCM: Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục

Học sinh một trường THCS tại TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục (PCGD), tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn là một trong những nội dung trọng tâm của TPHCM nhằm nâng cao trình độ dân trí, duy trì kết quả PCGD các cấp học, bậc học nhiều năm qua. Tính đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 10 (tháng 12/2011), TPHCM đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

“Bài toán” tăng dân số cơ học

Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT Quận Tân Bình, hiện nay khó khăn nhất trong công tác PCGD là vấn đề dân nhập cư tăng cao. Trong năm học 2017-2018, dân nhập cư trong toàn quận tăng đột biến với hơn 1.000 học sinh so với điều tra ban đầu khi làm công tác dự báo tuyển sinh. Để tăng tỷ lệ phổ cập, quận tiếp tục mời gọi những người chưa biết chữ vào học.

Trong khi đó, PCGD trên địa bàn Quận 2 gặp khó do công tác giải tỏa, tái định cư. Theo ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng Phòng GD-ĐT, Quận 2 có 11 phường, đã giải tỏa trắng 3 phường…nên công tác thống kê gặp khó khăn vì người dân không ổn định. Bên cạnh đó, số lượng học sinh ở hai khối lớp đầu cấp tăng khá cao, riêng lớp 1 tăng hơn 600 em so với năm học trước.

Trưởng Phòng GD-ĐT Quận 12 Khưu Mạnh Hùng thì cho biết: “Năm nay Quận 12 tăng đến 8.400 học sinh từ bậc mầm non đến THCS, cho nên không chỉ khó khăn trong công tác phổ cập mà tỷ lệ học 2 buổi/ngày của quận cũng bị kéo giảm: bậc tiểu học chỉ có 19% học sinh học 2 buổi/ngày (năm ngoái là 24%); bậc THCS cũng chỉ được 20%”.

Tương tự, theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT Bình Tân, cái khó của quận hiện nay là số dân quá lớn, với hơn 720.000 dân nên công tác phổ cập phải được cập nhật thường xuyên, liên tục. Bên cạnh thách thức của “bài toán” tăng dân số cơ học thì còn có tình trạng nhiều người dân ở các tỉnh chủ yếu lên TP chỉ để làm ăn sinh sống, hầu như không lo đến việc học do đó quận cố gắng tổ chức các lớp phổ cập ban đêm ở các trường, nhưng số này ra lớp chưa như mong muốn.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Theo các quận huyện, mỗi nơi có những đặc thù khác nhau nên việc triển khai công tác PCGD tùy điều kiện thực tế mà thực hiện các hình thức học tập phù hợp, nhằm duy trì kết quả phổ cập cũng như xóa mù chữ.

Ông Ngô Xuân Đông, Trưởng Phòng GD-ĐT Quận 7 chia sẻ: “Để thực hiện hiệu quả công tác phổ cập phải vận dụng nhiều giải pháp, phối hợp với chính quyền địa phương, và các trường học trên địa bàn. Chẳng hạn, khi có nguy cơ học sinh bỏ học, các trường báo với địa phương để vận động các em ra lớp. Đối với những học sinh nơi khác đến sẽ được xem lại trình độ văn hóa để vận động ra học các lớp phổ cập ở trung tâm giáo dục thường xuyên; những người mù chữ, hoặc trình độ văn hóa lớp 2, 3, 4, 5, thì sẽ dạy ở các trung tâm học tập cộng đồng… Nhờ vậy, trong những năm qua, Quận 7 luôn nâng cao được tỷ lệ phổ cập các cấp; tỷ lệ người biết chữ từ 15-35 tuổi đạt 100%; người biết chữ từ 15-60 tuổi có trên 127.000 người, đạt 99,6%.

Cũng theo các quận, huyện, công tác PCGD luôn được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, kinh phí đầu tư đảm bảo tốt. Như công tác PCGD trên địa bàn Quận Tân Bình có nhiều thuận lợi nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Vì thế, PCGD quận Tân Bình đạt mức 3, mức độ cao nhất ở cả ba bậc mầm non, tiểu học và THCS.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Phòng GD-ĐT Quận 5 phấn khởi cho hay: Công tác xóa mù chữ - PCGD tại Quận 5 tiếp tục giữ vững. Năm 2017, Quận 5 phấn đấu huy động 175 đối tượng xóa mù chữ mức 2 (độ tuổi 15-60 tuổi) tham gia học tập tiếp tục sau khi biết chữ. Quận cũng tiếp tục tạo điều kiện để trẻ lang thang, cơ nhỡ có thể đến học các lớp phổ cập, điều chỉnh thời khóa biểu phù hợp trình độ học sinh và điều kiện đơn vị.

Đề xuất chế độ đãi ngộ

Bên cạnh những kết quả đạt được , ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT Quận Bình Tân cũng rất tâm tư khi kinh phí để thực hiện công tác PCGD là có, nhưng giáo viên được hưởng thù lao thấp. Cụ thể, chi giáo viên dạy phổ cập bậc tiểu học là 30.000 đồng/buổi, THCS 50.000 đồng/buổi. Chế độ này đã duy trì mười mấy năm, đến nay không còn phù hợp. Năm trước, Sở GD-ĐT có công văn nâng mức thù lao nhưng chưa có quy định cụ thể nên… tiền thì có mà không chi được cho giáo viên. Ngoài ra, theo quy định, chưa có chức danh giáo viên chuyên trách phổ cập trong vị trí việc làm tại cơ sở giáo dục, vì thế tuyển vị trí này rất khó. Chính sách đãi ngộ chưa phù hợp nên chưa thu hút giáo viên.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, trước mắt, đến cuối năm 2017, phấn đấu 100% quận, huyện có đủ cơ sở vật chất, trường lớp đáp ứng yêu cầu PCGD - xóa mù chữ theo xu hướng nâng dần tỷ lệ để đạt mức 300 phòng học/10.000 học sinh mà Đảng bộ TP đã đề ra đến cuối năm 2020. Hiện nay, người làm công tác PCGD - xóa mù chữ hầu hết là kiêm nhiệm, lớn tuổi, áp lực cao. Bên cạnh đó, do chưa có các quy định về nhân sự, chế độ chính sách nên chuyên trách phổ cập thường xuyên biến động. Vì thế, Sở GD-ĐT TP đang xây dựng đề án trình UBND TP giải pháp nâng cao chất lượng PCGD, trong đó có đề xuất chế độ thù lao cho đội ngũ giáo viên, cán bộ phổ cập các phường, xã.

Anh Huy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo