Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết Quý Mão 2023

Mặt hàng thịt heo được bán giá bình ổn tại siêu thị

(Thanhuytphcm.vn) - Sở Công thương TPHCM vừa có báo cáo thông tin về tình hình chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cân đối cung cầu Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn.

Đảm bảo lượng hàng dự trữ, cung ứng thị trường Tết

Theo đó, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của hơn 12 triệu dân trên địa bàn TP dịp Tết Nguyên đán, TP đã chỉ đạo với các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.

Trong đó, DN Bình ổn thị trường TP chiếm 25% - 43% nhu cầu thị trường (tăng 10% so với tháng thường), DN sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57% - 75% nhu cầu thị trường. Nguồn vốn DN bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết là 20.000 tỷ đồng; trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch), DN bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.200 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Với lượng hàng, nguồn vốn như trên, DN đảm bảo lượng hàng dự trữ, cung ứng thị trường Tết đáp ứng kế hoạch TP giao; nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22% - 54,5% nhu cầu như: thịt gia cầm (chiếm 54,3%), trứng gia cầm (46,7%), thực phẩm chế biến (22,1%), thịt gia súc (20,2%), dầu ăn (21,4%)...

Hiện trên địa bàn TP có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, 3.012 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP sẵn sàng phương án tăng công suất, kéo dài thời gian hoạt động những ngày cận Tết, chuẩn bị và đẩy mạnh cung ứng tăng từ 2 - 3 lần so với ngày thường.

Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết, Sở Công thương vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể, từ ngày 20 - 27/12 tháng Chạp âm lịch: mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ; từ ngày 28 – 29/12 tháng Chạp âm lịch: mở cửa từ 6 giờ đến 24 giờ. Ngày 30 tháng chạp âm lịch: mở cửa từ 6 giờ đến 12 giờ; Khai trương năm mới: mở cửa 8 giờ mồng 2 Tết Nguyên đán. Từ mùng 2 - mùng 5 Tết Nguyên đán: mở cửa từ 8 giờ đến 12 giờ. Mùng 6 Tết Nguyên đán: hoạt động kinh doanh bình thường.

Các DN tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Đồng thời, DN bình ổn thị trường cùng các DN cung ứng phối hợp các hệ thống phân phối triển khai nhiều Chương trình khuyến mại, giảm giá, tập trung các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...

Nhằm chủ động, kịp thời cung ứng bổ sung, không để xảy ra khan hàng, sốt giá cục bộ các nhóm hàng bình ổn thị trường trên địa bàn TP, các DN cũng đẩy mạnh phân phối hàng bình ổn thị trường đến tận tay người lao động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, xí nghiệp, khu lưu trú đông công nhân...

Hàng hóa đầy đủ, dồi dào để người dân mua sắm Tết Hàng hóa đầy đủ, dồi dào để người dân mua sắm Tết

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây tăng giá đột biến

Sở Công thương TP cũng cho hay, giải pháp trọng tâm từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc để xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đồng thời, Sở cũng phối hợp Sở Công thương các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết…, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt gia súc và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường.

Ngoài ra, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phi khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng; đặc biệt đẩy mạnh đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.

Cũng theo báo cáo, Sở Công thương đã và đang phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TPHCM, nắm bắt khó khăn từng trường hợp cụ thể của DN, xử lý triệt để, đảm bảo nguồn vốn, hạn mức tín dụng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ DN yên tâm sản xuất tạo nguồn hàng bình ổn thị trường; trên cơ sở đó, giữ ổn định chi phí sản xuất, từ đó ổn định giá thành sản phẩm, thực hiện hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường và đảm bảo nguồn hàng Tết Nguyên đán tới đây.

Cục Quản lý Thị trường tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên thị trường. Sở Thông tin - Truyền thông thực hiện cung cấp thông tin về chủ trương chính sách của Nhà nước, tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, kế hoạch cung ứng hàng Tết, địa chỉ điểm bán bình ổn thị trường... tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân cùng chính quyền TP, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo