Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tính toán cân đối nguồn lực cho những công trình giao thông mang tính cấp bách

Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn diễn ra trên một số tuyến đường của TPHCM (Trong ảnh: Ùn tắc giao thông trên đường Phạm Văn Đồng)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 17/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp nghe báo cáo sơ kết 2,5 năm thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông (UTGT), giảm tai nạn giao thông (TNGT) giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Trần Quang Lâm cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2018, việc triển khai thực hiện Chương trình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và đồng bộ trong công tác phối hợp giữa các ban ngành, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Cụ thể, tính đến tháng 4/2018, TP đã làm mới và đưa vào sử dụng 97,6km/272km đường bộ (đạt 35,88%), xây dựng mới 32/76 cây cầu (đạt 42,1%); tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,85/12,2% (đạt 72,5%); mật độ đường giao thông đạt 2,03/2,2 km/km2 (đạt 92,3%); khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đạt 9,5/15% nhu cầu đi lại (đạt 63,33%); đã kìm hãm và giảm dần số vụ UTGT; tuy nhiên TNGT (số vụ, số người chết và số người bị thương) hàng năm chưa kéo giảm được 5% so với năm liền kề.

Theo ông Trần Quang Lâm, trong quá trình triển khai Chương trình còn một số giải pháp chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời nên hiệu quả đem lại chưa cao, đặc biệt là chưa xây dựng được cơ chế đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như cơ chế huy động nguồn lực, chưa phát huy hết vai trò của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP để huy động tối đa nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Chương trình giảm UTGT và giảm TNGT là một trong 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X. Mục tiêu chương trình là nhằm phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông của TP, kể cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không; ưu tiên phát triển các đường vành đai, đường xuyên tâm, các tuyến đường sắt đô thị; phát triển hệ thống giao thông công cộng; hoàn thành công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè; giải quyết cơ bản tình trạng UTGT và giảm TNGT; nâng cao ý thức người chấp hành giao thông.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, dự báo từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng dân số cơ học của TP sẽ tiếp tục tăng, trong khi đó tốc độ làm mới những con đường, đất dành cho giao thông là hết sức hạn chế, chậm, không đồng bộ sẽ tạo áp lực về giao thông. Vì vậy, phải có giải pháp hết sức quyết liệt trong thời gian tới. Để thực hiện các yêu cầu trong mục tiêu đề ra của chương trình thì nguồn lực đầu tư không hề nhỏ, với tổng số vốn cần đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2020 là 284.210 tỷ đồng. Cho nên, phải tính toán cân đối nguồn lực, xác định danh mục và nguồn vốn đầu tư cho những công trình cấp bách phải triển khai thực hiện; cũng như tính toán các phương thức huy động vốn, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành để cùng chia sẻ, huy động nguồn lực thực hiện các công trình giao thông.

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo