Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tinh giản nội dung dạy học của tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 12

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp chống dịch Covid-19 tại Bộ GD-ĐT.

(Thanhuytphcm.vn) - Để rút ngắn chương trình học kỳ 2 do học sinh nghỉ dịch Covid-19 dài ngày, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã quyết định thành lập các tiểu ban rà soát, tinh giản nội dung dạy học của tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 12.

Bộ GD-ĐT cho hay việc tinh giản nội dung sẽ không thực hiện cơ học, mà trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Trong thời gian sớm nhất, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản, đảm bảo thống nhất chung trong cả nước để hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình áp dụng cho học kỳ 2 năm 2020. Đề minh họa và đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia cũng sẽ xây dựng dựa trên nội dung chương trình đã tinh giản nhằm tạo thuận lợi cho học sinh lớp 12 trong quá trình học tập, ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 11/8/2020. Căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học 2019-2020.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ rà soát để tinh giản nội dung môn học; khẩn trương xây dựng và công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 phù hợp việc tinh giản nội dung, làm cơ sở cho thầy trò yên tâm, ôn luyện. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chuyên môn cần tập trung rà soát, điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; lựa chọn các chủ đề có thể tích hợp của từng môn học hoặc liên môn.

Bên cạnh đó, về dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình, Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành quy định về dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình của bậc phổ thông, làm cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả theo chương trình giáo dục đã được tinh giản. Bộ đồng thời chỉ đạo xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử từ nội dung chương trình cốt lõi đã tinh giản để phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trên toàn quốc. Điều này tạo điều kiện để các địa phương tổ chức cho học sinh học qua truyền hình, từ đó rút ngắn được thời gian hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học đã điều chỉnh. Việc xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử từ các nội dung chương trình sau khi đã tinh giản sẽ được Bộ GD-ĐT chỉ đạo sát sao để không “buông lỏng” chất lượng.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp hỗ trợ miễn phí nền tảng công nghệ cho phương thức dạy học online, dạy học qua truyền hình cho các địa phương, các nhà trường. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức họp trực tuyến với 63 sở GD-ĐT để thống nhất triển khai thực hiện tinh giản nội dung dạy học, triển khai dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo, trong thời gian cho học sinh nghỉ học, các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên với học sinh, để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Bộ khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tạo thuận lợi cho các nhà trường, học sinh, giáo viên có đủ quỹ thời gian cần thiết để dạy học, ôn tập, đảm bảo chất lượng chương trình, tránh căng thẳng vì học bù dồn ép.

Đến nay, trên toàn quốc có 29/63 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh THPT đi học và thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trong quá trình học tập tại trường. Toàn bộ học sinh từ mầm non đến THCS cả nước nghỉ học từ đầu tháng 2.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo