Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Văn học nghệ thuật TPHCM

Đội ngũ sáng tác dồi dào và luôn được trẻ hóa

Vở cải lương Trung thần (kịch bản - đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt) được Hội Sân khấu TPHCM đề xuất xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần II

(Thanhuytphcm.vn) - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần II (2012 – 2017) sẽ được công bố vào cuối tháng 4/2019. Giải thưởng chuyên ngành văn học nghệ thuật (VHNT) này do UBND TPHCM tổ chức được xem là thước đo đánh giá thành quả sáng tạo mà người làm nghệ thuật tại TP phấn đấu đạt được.

Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, thành viên Hội đồng chung khảo, đã chia sẻ với Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM về những nét nổi bật của Giải thưởng lần này.

* Phóng viên: Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm dù chỉ ở lần thứ hai trao giải nhưng thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới văn nghệ sĩ và công chúng yêu mến VHNT TP. Xin đồng chí cho biết sơ nét về công tác tổ chức giải?

- Nhà thơ Lê Tú Lệ: Trước hết, cần nói lại cho rõ, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM đã được Thành ủy - UBND TPHCM chủ trương từ năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 20 năm thống nhất đất nước (1975 – 1995) và Giải thưởng lúc đó được tổ chức 2 năm một lần. Đến năm 2004, TP chủ trương chuyển thành Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm, đồng thời giao về cho các Hội chuyên ngành tổ chức giải thưởng thường niên riêng của Hội (bắt đầu trao giải từ năm 2005). Từ đây, giải thưởng của các Hội hàng năm đã động viên, kích thích được sức sáng tác của các hội viên, cũng như tập trung được những tác phẩm nổi trội tạo nguồn phong phú cho Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm giúp nâng cao chất lượng, uy tín Giải thưởng. Tuy mới là kỳ trao giải lần thứ hai nhưng đây rõ ràng là giải thưởng chuyên ngành có bề dày truyền thống từ lâu của TP.

Tập sách “Ở R - Chuyện kể sau 50 năm” của cố nhà văn Lê Văn Thảo được Hội Nhà văn TPHCM đề xuất xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần II Tập sách “Ở R - Chuyện kể sau 50 năm” của cố nhà văn Lê Văn Thảo được Hội Nhà văn TPHCM đề xuất xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần II

Giải thưởng nhằm tôn vinh những tác giả - tác phẩm VHNT xuất sắc nhất của TP trong khoảng thời gian 5 năm sáng tác; động viên nhân dân TP trong các hoạt động lao động sáng tạo để phát triển TP, cũng là động viên văn nghệ sĩ có nhiều sáng tác mới chất lượng đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của người dân TP; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, thẩm mỹ nghệ thuật cho thế hệ trẻ.

Về Giải thưởng 5 năm lần II (2012 – 2017), mỗi Hội chuyên ngành đã thành lập Hội đồng sơ khảo xét thẩm định và đề xuất các tác phẩm xuất sắc nhất của mỗi Hội để xét giải. Hội đồng chung khảo cấp TP do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TPHCM làm Chủ tịch, cùng tham dự Hội đồng có các văn nghệ sĩ đầu ngành, uy tín ở các lĩnh vực VHNT và đại diện lãnh đạo một số sở ngành TP, tiếp tục xét các tác phẩm và đề xuất UBND TP trao giải. Kỳ này, Hội đồng chung khảo đã nhận được gần 100 tác phẩm đề xuất từ 9 Hội chuyên ngành.

* Sau lần đầu trao giải vào năm 2013 vinh danh những tác phẩm rất xuất sắc như: vở cải lương Chiếc áo thiên nga (tác giả: Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) nhạc kịch Người giữ cồn (âm nhạc: Ca Lê Thuần, kịch bản: NSND Vũ Việt Cường), tiểu thuyết Mùa hè giá buốt (tác giả Văn Lê), ca khúc Tổ quốc gọi tên mình (tác giả Đinh Trung Cẩn phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai)…, mọi người rất kỳ vọng Giải thưởng tiếp tục khẳng định những bước tiến của VHNT TPHCM. Đồng chí có thể chia sẻ ấn tượng của mình về lần xét Giải thưởng 5 năm lần này?

- Với tôi, Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần II có nhiều nét mới. Thứ nhất, loại hình lý luận - phê bình VHNT, không có ở lần trao giải trước, đã được đưa vào. Đây là khâu rất quan trọng của hoạt động VHNT, vừa góp phần định hướng phát triển cho các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT vừa góp phần xây dựng công chúng và định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Trong tình hình hoạt động lý luận - phê bình VHNT có nhiều biểu hiện yếu kém kéo dài, tác động xấu đến sự phát triển VHNT, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã có những chỉ đạo rất thiết thực về việc phục hồi, nâng cao hiệu quả công tác lý luận - phê bình. Tôi cho rằng đây là nét mới và thành công của Giải thưởng khi kịp thời quan tâm đến loại hình rất quan trọng này.

Sân khấu Kịch Hồng Vân là đơn vị xã hội hóa tham gia xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần II với vở kịch đề tài chiến tranh - cách mạng Châu về hợp phố Sân khấu Kịch Hồng Vân là đơn vị xã hội hóa tham gia xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần II với vở kịch đề tài chiến tranh - cách mạng Châu về hợp phố

Thứ hai, ở một số loại hình nghệ thuật biểu diễn, các đơn vị tư nhân hoạt động theo phương thức xã hội hóa gửi tác phẩm dự thi khá nhiều và đạt giải cao. Điển hình như lĩnh vực sân khấu có Kịch IDECAF, Kịch Hồng Vân; bên điện ảnh có Phương Nam Film, Saiga Film, Công ty BHD, Công ty VAA... và ngay cả phim tài liệu đề tài chính trị cũng là từ Công ty TNHH Lộc Thành; thể loại múa cũng có sự tham gia của các vũ đoàn xã hội hóa mà trước đây không có. Rõ ràng, đây là nét độc đáo phản ánh đúng đời sống VHNT của TPHCM khi nhiều năm qua “bộ mặt” của VHNT TP chính là từ hoạt động của các đơn vị xã hội hóa.

Một thành công nữa là bên cạnh những tác giả có bề dày sáng tác, có nhiều uy tín và kinh nghiệm, đã xuất hiện nhiều tác giả còn khá trẻ nhưng đã thể hiện được bản lĩnh, có những sáng tác đã đi vào lòng người, được công chúng biết đến nhiều, như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, nhạc sĩ Hoài An, họa sĩ Nguyễn Trọng Hoàn… Điều đó chứng tỏ môi trường năng động của TP, luôn có những lớp sóng sau ùa lên nhưng không phải đè lên lớp trước mà cùng nhau cộng lực làm nên sức sống đặc biệt cho VHNT TP. Chỉ có luôn luôn trẻ hóa, luôn luôn đổi mới thì VHNT TP mới có thể tiếp tục phát triển.

* Vấn đề tuyên truyền, quảng bá hậu các giải thưởng ở nước ta vẫn là hạn chế chung. Ban Tổ chức Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần II đã chuẩn bị như thế nào để các tác phẩm đoạt giải thực sự lan tỏa?

- Ý thức được vấn đề này, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM đã chuẩn bị kế hoạch quảng bá các tác phẩm đạt Giải thưởng từ sớm. Theo đó, sẽ thực hiện xuất bản 10 đầu sách với 12.000 bản giới thiệu các tác phẩm đạt giải ở các lĩnh vực: mỹ thuật (tranh, điêu khắc, thư pháp), nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học (văn, thơ, lý luận - phê bình). Cùng với đó, liên kết với các Hội chuyên ngành, các đơn vị nghệ thuật liên quan tổ chức triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh và kiến trúc (bằng hình ảnh), công diễn rộng rãi những tác phẩm sân khấu (cải lương, kịch nói, hát bội) và múa, tổ chức chiếu phim đạt giải phục vụ công chúng. Đặc biệt là tổ chức đưa các tác phẩm này đến với khán giả ngoại thành, vùng nông thôn của TP. Đài Truyền hình TPHCM cũng giới thiệu trên sóng các phim tài liệu chất lượng, phối hợp thực hiện các chương trình tuyên truyền các ca khúc đoạt giải. Ngoài ra, kênh quảng bá từ các cơ quan báo chí, truyền thông cũng được đẩy mạnh để các tác phẩm chất lượng cao của Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm (cả lần I và lần II) thực sự đến được với đông đảo công chúng TP.

* Cám ơn những chia sẻ của đồng chí!

Ngọc Tuyết (thực hiện)
 Từ khóa
Lê Tú Lệ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo