Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tìm hiểu về công tác quản trị các dịch vụ văn hóa

Bìa sách “Quản trị dịch vụ văn hóa”.

(Thanhuytphcm.vn) - “Quản trị dịch vụ văn hóa” là công trình sách được nhóm tác giả Bùi Hoài Sơn - Nguyễn Hồ Phong (Đại học Văn hóa TPHCM) thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực vừa mới vừa quen này.

Dịch vụ văn hóa, hay nói đầy đủ hơn là các dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa là vấn đề không còn mới mẻ ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển như: Mỹ, các quốc gia Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia, Nga…), Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Ở Việt Nam, từ sau năm 1986, sự thay đổi từ mô hình kinh tế bao cấp, sang kinh tế nhiều thành phần đã tạo điều kiện để ngành kinh tế dịch vụ phát triển. Trong đó, có dịch vụ văn hóa đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” càng tạo điều kiện cho các dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa tăng trưởng mạnh, dần phát triển sâu rộng, đóng góp ngày càng nhiều vào nền kinh tế.

Từ đó, các cơ sở đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu đã xây dựng và tổ chức đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan trực tiếp, gián tiếp đến dịch vụ văn hóa. Tuy nhiên, nguồn tài liệu mang tính chất tổng quát, kết nối giữa vấn đề quản trị - pháp lý và thực tiễn kinh doanh dịch vụ văn hóa có giá trị tham khảo cho công tác giảng dạy, nghiên cứu ở Việt Nam không nhiều. Cuốn sách “Quản trị dịch vụ văn hóa” của nhóm tác giả Bùi Hoài Sơn - Nguyễn Hồ Phong ra đời trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, góp phần lấp vào lỗ hổng trên, cũng như tiếp tục gợi mở các công trình nghiên cứu cùng lĩnh vực.

Sách gồm 3 chương, dày 355 trang (được in trên chất liệu giấy, mực thân thiện với môi trường) cung cấp cho đọc giả cái nhìn tổng quan về quản trị dịch vụ văn hóa ở Việt Nam (chương 1), quản trị hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa ở Việt Nam (chương 2) và thực tiễn hoạt động kinh doanh một số dịch vụ văn hóa ở Việt Nam (chương 3) được phân tích rõ ràng với đầy đủ giá trị khoa học và thực tiễn hứa hẹn là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho người hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ văn hóa.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo