Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tích cực đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử

Tiến sĩ Đinh Minh Hiệp, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 26/4, huyện Củ Chi tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển mỗi xã, một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn 2022 - 2025”.

Đến dự và chủ trì hội thảo có Tiến sĩ Đinh Minh Hiệp, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP; đồng chí Lê Đình Đức, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi.

Huyện Củ Chi hiện có 20 xã và 1 thị trấn; diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất so với các quận, huyện khác của thành phố, với 31.292 ha và cũng là huyện có số hộ sản xuất nông nghiệp lớn nhất với 11.774 hộ (tương ứng với 24.680 lao động sản xuất nông nghiệp). Trong tổng số hộ sản xuất nông nghiệp, ước tính có khoảng 45% là hộ trồng trọt (rau an toàn, hoa kiểng, cây ăn trái…), 42% hộ chăn nuôi, 8% hộ nuôi trồng thủy sản và 5% hộ sản xuất nông nghiệp tổng hợp.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Củ Chi, đến nay huyện Củ Chi có 8/10 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp thành phố đánh giá  từ 4 đến 5 sao gồm bơ đậu phộng mịn, bơ đậu phộng hạt, bột rau má không đường, bột rau má có đường, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen, bột chùm ngây.

Tại hội thảo, Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố hướng dẫn quy trình, thủ tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt chia sẻ kinh nghiệm làm hồ sơ công nhận OCOP cho các sản phẩm bột rau sấy lạnh Quảng Thanh: bột rau má, bột diếp cá, bột chùm ngây, bột lá sen, bột tía tô. Hợp tác xã Thủy sản Tương lai Cần Giờ chia sẻ kinh nghiệm về quy trình đạt chứng nhận OCOP đối với sản phẩm xoài cát, khô cá dứa một nắng, tôm sú một nắng, tôm thẻ một nắng, tôm khô, tôm sú thiên nhiên, tôm thẻ tươi đông lạnh). Hợp tác xã Thuận Yến – Cần Giờ trình bày kinh nghiệm về quy trình đạt chứng nhận OCOP đối với sản phẩm Tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Bưu điện Củ Chi cũng thông tin kết quả công tác phối hợp với Hội Nông dân huyện trong việc đưa sản phẩm nông nghiệp của hội viên, nông dân lên sàn thương mại điện tử.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Đình Đức cho rằng trong thời gian tới, huyện cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Hiện tại, huyện đã có 14 xã, thị trấn đăng ký 1 sản phẩm OCOP, nên trong thời gian tới 7 xã còn lại đăng ký sản phẩm OCOP.

Cũng tại hội thảo, đồng chí Đinh Minh Hiệp mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đăng ký và phát triển sản phẩm OCOP. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nên đầu tư vào những sản phẩm chế biến; bao bì, nhãn mác sản phẩm; tích cực đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố sẽ hỗ trợ tập huấn, xây dựng thương hiệu và phối hợp Sở Du lịch Thành phố giới thiệu những sản phẩm OCOP cho khách du lịch trong thời gian tới.

Ngọc Thủy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo