Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024

Thực hiện công tác chuyển đổi số với nhiều giải pháp, lộ trình cụ thể

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, sáng 10/12, HĐND TPHCM tổ chức thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 và các vấn đề trọng tâm.

Nhiều chỉ tiêu, mục tiêu vượt yêu cầu đề ra

Báo cáo kết quả thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội TP năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 và các nội dung UBND TP trình tại kỳ họp, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM Đỗ Thị Minh Quân cho biết, các đại biểu cơ bản thống nhất và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, TPHCM với nhiều chỉ tiêu, mục tiêu vượt yêu cầu đề ra.

Về tình kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ năm 2025 của TP, đồng chí Đỗ Thị Minh Quân cho biết, các đại biểu cho rằng, cần chú ý phát triển dịch vụ Logistics, hạ tầng giao thông, đầu tư có vốn nước ngoài (FDI), tăng cường công nghiệp chế biến, chế tạo, cải cách hành chính, đô thị hóa và xây dựng hạ tầng hiện đại, chú trọng phát triển bền vững... Đồng thời, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình đường giao thông, đường Vành đai 3 nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản.

Bên cạnh đó, minh bạch hoá thị trường tài chính, tín dụng; tăng cường quản lý thị trường tài chính, tín dụng, tránh đầu cơ, lừa đảo, tín dụng đen; cần xây dựng hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng số và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc số hóa dữ liệu…

Về phát triển du lịch, đồng chí Đỗ Thị Minh Quân cho biết, nhiều ý kiến cho rằng TP rất có tiềm năng phát triển du lịch đường thủy tuy nhiên hiện nay hiệu quả khai thác chưa cao, cần sớm có đầu tư hạ tầng, dịch vụ bổ trợ, kết nối để phát triển và khai thác nhiều sản phẩm du lịch đường thủy, đưa du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của TP. Cạnh đó, TP nên có nhiều chương trình kích cầu du lịch, giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới tạo nguồn thu cho TP.

Mạnh dạn trong phân cấp, phân quyền

Về các dự án đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Đỗ Thị Minh Quân cho biết, các đại biểu cho rằng, TP cần mạnh dạn hơn trong phân cấp, phân quyền cho quận, huyện các dự án không quá trọng điểm và chỉ trên một địa bàn quận, huyện để tập trung nguồn lực thực hiện.

Về nhận định các hạn chế về công tác giải ngân thời gian qua chưa được tập trung xử lý do việc di dời hạ tầng kỹ thuật rất chậm, cần có chỉ đạo sát sao cho chủ đầu tư phối hợp ngay từ đầu tránh ảnh hưởng tiến độ của dự án; cần tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của các dự án cụ thể chậm triển khai, chậm tiến độ nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân, lãng phí nguồn lực đầu tư như: xây mới cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân; nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức; nút giao thông Mỹ Thủy, TP Thủ Đức; nâng cấp đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp; xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, Quận 1; đầu tư 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức; dự án thành phần 1 thuộc dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn TPHCM; dự án thành phần 2 - bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM; Hầm chui nút giao Trạm 2 xa lộ Hà Nội ở cửa ngõ phía Đông TPHCM; nâng cấp đường Lương Định Của, đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức; công trình chống ngập nhằm kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu; dự án Sing – Việt, Khu E huyện Bình Chánh; Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng; Trung tâm triển lãm TP; 12.500 căn hộ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm…

Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý; nghiên cứu rút ngắn quy trình phê duyệt dự án; phân cấp, phân quyền mạnh hơn; thúc đẩy doanh nghiệp số hóa dữ liệu; quan tâm đầu tư sửa chữa, cải tạo các chợ truyền thống hiện xuống cấp trên địa bàn TP.

Chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý nhà nước

Về công tác giáo dục và đào tạo, lao động, nghề nghiệp, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường giáo dục hướng nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nghề; cần phối hợp 3 nhà: nhà trường, nhà doanh nghiệp, nhà nước trong đào tạo nghề đảm bảo hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn TP; tăng cường công tác quản lý nhà nước về pháp luật lao động, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vấn đề về pháp luật lao động nhất là tình trạng chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội; quan tâm công tác tư vấn, quản lý lao động tại địa phương, quan tâm an sinh xã hội đối với người lao động thất nghiệp, tăng cường công tác quản lý lao động trong khu vực phi chính thức. Công tác giải quyết việc làm cho người lao động qua sàn lao động việc làm chưa hiệu quả, thực tế còn nhiều người dân bị lừa đảo.

Theo các đại biểu, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp còn nhiều, đặc biệt khai chưa đúng mức lương của người lao động; bảo hiểm tự nguyện còn thấp mặc dù lao động tự do của TP rất lớn. Do đó, đề nghị rà soát lại công tác quản lý nhà nước về vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Bên cạnh đó, cần kiên trì xây dựng và hoàn thành Đề án đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 của TPHCM theo lộ trình từng năm cụ thể. Có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho TP được tự chủ theo thực tế của TP; đề xuất cho học sinh nghỉ Tết dài ngày hơn và có thể giảm thời gian nghỉ hè.

Về biên chế, bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, các đại biểu cho rằng, hiện nay, khối lượng công việc hành chính phục vụ nhân dân, doanh nghiệp theo nhu cầu ngày càng nhiều, trong khi TP phải thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế theo quy định. Do đó, TP cần có giải pháp để đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều ý kiến mong muốn TP sẽ có chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt các cơ quan hành chính nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ; cần có chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý nhà nước…

Về tổ chức bộ máy, cần quan tâm đến quy trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan sau sắp xếp đáp ứng yêu cầu thực tiễn chứ không chỉ là sắp xếp đầu mối thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ sở để chủ động thực hiện các nhiệm vụ; tăng cường việc xử lý giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính sau sắp xếp các đơn vị hành chính.

Có chính sách, cơ chế hỗ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Về thực hiện chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”, đồng chí Đỗ Thị Minh Quân cho rằng, trong năm 2025 cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số với nhiều giải pháp, lộ trình cụ thể; có chính sách, cơ chế hỗ doanh nghiệp vừa và nhỏ về vốn, về chuyển đổi số tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển ổn định.

Về việc triển khai các dự án PPP (hợp tác công tư) trong lĩnh vực y tế - văn hóa - thể thao - giáo dục theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, các đại biểu cho rằng, TP cần quan tâm đẩy mạnh các giải pháp để thực hiện 41 dự án PPP lĩnh vực y tế - văn hoá, thể thao, giáo dục - đào tạo và 5 dự án BOT giao thông của ngõ TP. Nhiều ý kiến cho rằng từ khi HĐND TP có Nghị quyết số 181/NQ-HĐND về kêu gọi đầu tư đối tác công tư (PPP) đến nay, một số dự án còn chậm như là dự án PPP tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Do đó, cần đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện để làm chủ đầu tư, kịp thời giải ngân để thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ.

Long Hồ - Nguyễn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo