Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Thiết kế hàng rào kỹ thuật hợp lý để doanh nghiệp không thiệt thòi

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 1/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP và Hội Nhà báo TP phối hợp Bộ Công thương tổ chức tọa đàm “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và vai trò của truyền thông”. Đến dự có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức; Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh.

Các doanh nghiệp thay đổi tư duy tiếp cận thị trường

Tại tọa đàm, thông tin về Hiệp định EVFTA, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công thương Lương Hoàng Thái cho biết, Hiệp định EVFTA đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU; trong Hiệp định cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên; củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững; đồng thời có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết…

Quang cảnh buổi tọa đàm Quang cảnh buổi tọa đàm

“Để đi đến ký kết, Việt Nam đã xử lý những vấn đề EU quan tâm như: lao động – công đoàn; kiểm dịch động, thực vật; chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo (IUU). Quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là thể hiện sự sẵn sàng ký kết, thực thi Hiệp định EVFTA” - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái cho hay.

Chia sẻ về cơ hội, thách thức sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Tạ Hoàng Linh cho rằng: Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với quy mô nhập khẩu năm 2019 khoảng 2.197 tỷ USD, trong khi đó thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực này còn khiêm tốn; chỉ chiếm khoảng 2% với hơn 42% kim ngạch xuất khẩu sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Tạ Hoàng Linh, Hiệp định EVFTA chuẩn bị đi vào thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường có nhiều biến động khó lường được kỳ vọng sẽ mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường đầy tiềm năng với gần 500 triệu dân và GDP 18.000 tỷ USD. “Việc chủ động tiếp cận, nắm vững về thị trường cũng như sẵn sàng đối mặt với những thách thức sẽ giúp các doanh nghiệp đón đầu thời cơ, tận dụng tối đa các lợi ích từ Hiệp định thương mại này mang lại.”- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Tạ Hoàng Linh khẳng định và cho rằng: Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động theo dõi sát sao các biến động và nắm bắt thông tin Hiệp định, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản trong trung hạn và dài hạn để đảm bảo năng lực sản xuất, nhanh chóng khôi phục xuất khẩu ngay khi dịch bệnh thuyên giảm và kinh tế dần phục hồi. Đồng thời, tăng cường tiếp cận, khai thác các thị trường nhỏ nhưng có tốc độ tăng trưởng cao và được coi là ít ảnh hưởng bệnh dịch hơn như một số nước Đông Âu…

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cùng các đại biểu tham quan mô hình hoạt động của Trung tâm Báo chí TPHCM Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cùng các đại biểu tham quan mô hình hoạt động của Trung tâm Báo chí TPHCM

“Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay vì đòi hỏi từ phía cơ quan hoạch định chính sách tập trung gỡ bỏ các rào cản, cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế như đúng tinh thần thông điệp nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, sẵn sàng tỏa sáng.” - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Tạ Hoàng Linh chia sẻ.

Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện một cách tốt nhất

Về vai trò của cơ quan truyền thông, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng cho rằng: Trên thực tế, quá trình đàm phán và thông qua EVFTA đã được các cơ quan báo chí theo sát và thông tin khá cụ thể, đầy đủ. Tuy nhiên, Bộ Công thương và các cơ quan báo chí cần hợp tác, gắn kết hơn nữa để thông tin đến cộng đồng, nhất là doanh nghiệp một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc thực thi EVFTA nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ về cơ hội do Hiệp định mang lại có tính dài hạn, nhằm chuẩn bị từng bước để tham gia Hiệp định.

Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng phát biểu tại tọa đàm Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng phát biểu tại tọa đàm

“Hiệp định mở ra nhưng có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có nắm bắt được thời cơ và đáp ứng được yêu cầu của thị trường này hay không?. Ở đó có vai trò rất quan trọng của truyền thông. Nếu chúng ta truyền thông không đủ, không đúng hay tạo ra lạc quan thái quá là không được. Mà tạo ra sự bi quan quá là thị trường khó, không làm được thì cũng không được.”- Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng nhấn mạnh.

Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân cho rằng, ngành công thương cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc tích cực cải cách thể chế, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đặc biệt sau Covid-19 thì càng cần hơn các chính sách tháo gỡ này. Bên cạnh đó, cần thiết kế hàng rào kỹ thuật hợp lý để doanh nghiệp không thiệt thòi; tăng cường phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp. “Đây không chỉ là vai trò của ngành công thương mà của các ngành, trong đó ngành truyền thông là rất quan trọng.”- Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân nhấn mạnh.

Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân phát biểu tại buổi tọa đàm Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân phát biểu tại buổi tọa đàm

Đại diện một số cơ quan báo chí cũng cho biết: thông tin từ báo chí về Hiệp định rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt được, từ đó chưa có sự chuẩn bị để tham gia. Một trong những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định là quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, khả năng làm thương hiệu chưa cao. Nhiều ý kiến yêu cầu Bộ Công thương cần hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị kỹ khi bước ra thị trường Châu Âu, thị trường thế giới.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: EVFTA đã được Việt Nam và Liên minh châu Âu ký kết và hoàn tất các thủ tục, dự kiến có hiệu lực từ 1/8/2020. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Toạ đàm là cơ hội để Bộ Công thương chia sẻ mang tính chủ động với các cơ quan báo chí những nội dung, nền tảng quan trọng liên quan đến chiến lược hội nhập, khung hội nhập quan trọng của Việt Nam. “Bộ Công thương mong muốn được chia sẻ trên tinh thần cởi mở, tương tác hai chiều để cùng chung suy nghĩ, chung hướng nhằm chia sẻ những nhận thức tốt nhất, toàn diện nhất cho xã hội, doanh nghiệp, người dân hiểu đầy đủ các cơ hội, thách thức, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp mà chúng ta cùng kỳ vọng. Làm sao để quá trình thực thi Hiệp định mang tính chủ động, tích cực thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, vai trò của truyền thông không chỉ ở phổ biến về EVFTA mà còn phản ánh thực tiễn thực thi Hiệp định để các cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện một cách tốt nhất, phản biện các chính sách có liên quan một cách hiệu quả.

EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch hai chiều tăng hơn 13,7 lần từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU 5 tháng đầu năm 2020 đạt 13,29 tỷ USD, giảm 9,58% so với cùng kỳ năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm: điện thoại (giảm 22,8% - 3,4 tỷ USD); máy tính (giảm 0,77% - 1,75 tỷ USD); giày dép (giảm 11,06% - 1,5 tỷ USD); dệt may (giảm 16,9% - 1,03 tỷ USD); thủy sản (giảm 18,45% - 316,7 triệu USD); phương tiện vận tải phụ tùng (giảm 17,8% - 286,6 triệu USD). Tuy nhiên một số mặt hàng nông sản lại có tăng trưởng: cà phê (tăng 6,25% - 546 triệu USD); hạt điều (tăng 10,7% - 275,6 triệu USD). Các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sang EU, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nửa đầu 2020 có thể giảm 8%-10%.

Long Hồ - Hương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo