Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM:

Thí sinh hào hứng với đề thi môn ngữ văn

Các thí sinh hào hứng sau khi hoàn thành bài thi tại điểm thi Trường THCS Dương Bá Trạc (Quận 8)

(Thanhuytpchm.vn) - Trưa 2/6, các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM đã kết thúc môn thi đầu tiên, môn ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút. Sau giờ thi, nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá đề không quá khó và có tính giáo dục cao, đưa ra các vấn đề gần gũi với học sinh.

Thí sinh thích thú với câu hỏi nghị luận xã hội

Tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp), nhiều thí sinh tỏ ra khá hào hứng với đề thi môn ngữ văn, nhất là câu về nghị luận xã hội (câu số 2). Thí sinh Nguyễn Thương Hoài, Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ kể: “Trong đề thi môn ngữ văn, em thích nhất câu 2 vì nội dung gần với đời sống thực tế các bạn trẻ hiện nay. Từ hình những cái cây nói về thực trạng hiện nay là người này hơn người kia một tí bị ghen ghét. Khi làm bài em lấy từ những cảm nhận, suy nghĩ thực tế để làm. Em thấy đề thi môn ngữ văn năm nay dễ hơn so với đề thi môn ngữ văn năm trước. Em nghĩ bài thi này được khoảng 6 - 7 điểm”.

Cũng tại điểm thi này, thí sinh Nhật Huy, Trường THCS Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) cho rằng: “Đề thi môn ngữ văn cũng không quá khó nhưng hơi dài, em làm hết thời gian mới xong. Các câu hỏi em cũng đã được ôn tập hết và làm được khoảng 7 điểm. Riêng câu 2 là câu nghị luận xã hội có tính giáo dục cao. Em chọn nội dung viết về lối sống đố kỵ của một số bạn trẻ hiện nay để từ đó phê phán cách sống này, giúp cho mình có lối ứng xử cao đẹp hơn”. 

Cũng về câu hỏi này, thí sinh Ngọc Hân, Trường THCS Tân Sơn cho biết, em rất thích câu 2 vì nói về thực trạng giới trẻ. Mỗi người có cách ứng xử khác nhau trước thành công của người khác, có người ghen tỵ, có người lại cố gắng để thành công giống như người đó. Nội dung câu hỏi này cũng nhắc nhở thế hệ trẻ phải không ngừng cố gắng để đạt được thành công trong tương lai”.

Cùng với câu hỏi số 2, một số thí sinh cũng tỏ ra thích thú với câu hỏi số 3. Thí sinh Ngọc Diệp, Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết: “Trong đề thi ngữ văn năm nay em thích nhất Đề 1, câu 3. Câu này hay và gợi nhiều suy nghĩ thông qua tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Câu hỏi này nói về tình cha con rất mãnh liệt thời chiến tranh. Em nghĩ tình cha con cần thiết trong đời sống”.

Tại điểm thi Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình), nhiều thí sinh cũng cho rằng đề thi dài nhưng không khó, đủ thời gian làm bài và nằm trong nội dung ôn thi. Thí sinh Hồng Anh, Trường THCS Âu Lạc vui vẻ cho biết: “Đề thi khá dễ nên em làm bài tốt. Trong đề thi có một câu hỏi hình liên quan đến việc ứng xử của một số bạn trẻ đối với một ai đó nổi bật hơn mình khiến em và các bạn thích thú, ấn tượng”.

Cũng tại điểm thi này, chia sẻ cảm xúc sau khi thi, thí sinh Kiều Diễm, Trường THCS Quang Trung cho biết: “Em cảm thấy nhẹ nhõm sau khi thi xong môn Ngữ văn vì đây là môn em lo lắng nhất nhưng cũng đã hoàn thành rất tốt bài thi”.

Khơi gợi cảm hứng làm bài của học sinh

Đánh giá về đề thi môn ngữ văn, giáo viên Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên Tân Bình cho biết, đề thi sáng nay có sự phân hóa trình độ thí sinh nhưng vẫn đảm bảo ở mức cơ bản. Đề đã thể hiện sự gần gũi hơn với cuộc sống, khơi gợi cảm hứng làm bài của học sinh. Các thí sinh ôn tập kĩ càng và có kiến thức chắc chắn sẽ có thể đạt điểm 6-7 điểm với đề thi này. Học sinh nào đạt được 8 điểm trở lên phải là những người không chỉ nắm chắc các kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải biết vận dụng kiến thức vào đời sống xã hội, tích hợp nhiều vấn đề, vận dụng các kỹ năng làm bài một cách linh hoạt, có tư duy tốt, biết đào sâu vấn đề... Đề thi năm nay vừa sức, không đột biến nhưng có ý nghĩa.

Riêng câu 2 (nghị luận xã hội) đặt vấn đề “bàn về cách ứng xử của một số bạn trẻ đối với một ai đó nổi bật hơn mình”, thí sinh có quyền lựa chọn một trong ba cách ứng xử được nêu trong văn bản. Đây là vấn đề nghị luận vừa gần gũi, vừa thực tế với giới trẻ, đồng thời cũng là vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa trong việc định hình suy nghĩ, lối sống của các bạn trẻ hiện nay. Nhiều học sinh sẽ rất tâm đắc với vấn đề này. Cách nêu vấn đề dưới dạng câu hỏi tạo độ mở, cho phép thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm cá nhân, nên các em sẽ dễ viết. Bên cạnh đó, đề thi còn có thêm hình minh hoạ để khơi gợi những suy nghĩ, những hướng triển khai bài làm cho học sinh.

Thí sinh trao đổi với người thân về đề thi môn ngữ văn sau giờ thi tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp) Thí sinh trao đổi với người thân về đề thi môn ngữ văn sau giờ thi tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp)

Ở câu 3 (nghị luận văn học), năm nay cho phép thí sinh chọn một trong hai đề. Đề 1 là dạng đề quen thuộc, đề tài về gia đình gần gũi giúp học sinh dễ có được những suy nghĩ, cảm nhận sâu sắc, dễ liên hệ với thực tế của bản thân. Đây cũng là lựa chọn dành cho những thí sinh muốn chọn “giải pháp an toàn”. Đề 2 mang tính tư duy, suy luận và năng khiếu thơ ca, lí luận. Muốn làm tốt đề này, thí sinh phải có kiến thức rộng, nắm chắc về hình thức nghệ thuật, kỹ năng cấu tứ để viết một bài thơ hoặc đoạn thơ, đồng thời cũng phải nêu được những rung cảm sâu sắc trong quá trình tiếp nhận, khám phá vẻ đẹp, ý nghĩa, nội dung của đoạn thơ nêu trong đề bài.

Cô giáo Đoàn Thị Như Ngọc, Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ cho rằng, đề thi năm nay nhìn chung không khó, có sức học trung bình cũng có thể đạt được 5-6 điểm. Các câu hỏi khá gần gũi với học sinh. Đặc biệt, câu hỏi về nghị luận xã hội, nếu như đề thi năm ngoái được đánh giá là khó và lạ thì năm nay đã gần gũi hơn, đề cập đến vấn đề có tính liên hệ thực tế cao nên không đánh đố học sinh. Đề ra dưới hình thức lựa chọn hình vẽ đã xuất hiện trong kỳ thi các năm trước nên học sinh không bị bỡ ngỡ. Đề thi năm nay có tính xã hội cao, gồm cả hai nội dung giáo dục gia đình và giáo dục bản thân cách sống không đố kỵ tài năng với người khác giỏi hơn mình.

Theo cô giáo Lê Thị Thanh Huyền, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, (quận Tân Bình), đề thi năm nay có phần đọc hiểu (câu 1), cấu trúc đề gần với dạng câu hỏi 2 năm vừa qua, chủ yếu là kiến thức cơ bản. Với câu 2 về luận xã hội cách ra đề tương tự của năm trước. Từ những hình ảnh đưa ra thông điệp, cách sống, cách ứng xử hiện nay và yêu cầu thí sinh chọn cách ứng xử để thực hiện bài nghị luận xã hội. Đây là câu hỏi hay, mang tính tích cực, giúp học sinh có những lựa chọn khác nhau theo quan điểm cá nhân. Đây cũng là câu hỏi mở tạo sự thông thoáng trong suy nghĩ, nhận định đánh giá về cuộc sống con người. Yếu tố mở trong đề thi văn như vậy rất đáng hoan nghênh. Khi làm bài các em thực hành tốt các kỹ năng thì sẽ có được một bài nghị luận sáng nghĩa, đầy đủ ý.

H.Thảo - S.Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo