Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thể chế hóa chi tiết các điều kiện đầu tư, kinh doanh chăn nuôi

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Tại phiên họp sáng 13/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Chăn nuôi. Theo đó, dự thảo Luật gồm 8 chương, 65 điều, bao quát tương đối toàn diện hoạt động chăn nuôi từ khâu quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đến quản lý cơ sở chăn nuôi, bảo vệ môi trường chăn nuôi, quản lý chăn nuôi động vật bán hoang dã, động vật cảnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một điểm mới cơ bản trong dự thảo Luật là đã thể chế hoá chi tiết các yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi để đảm bảo có thể quản lý trên 4 lĩnh vực: quản lý đăng ký chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng giống vật nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi; giám sát đảm bảo về môi trường; thực hiện an toàn sinh học và phát triển theo quy hoạch.

“Các điều kiện này tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng giống vật nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi; xây dựng, phát triển có quy hoạch, có kiểm soát và phát triển bền vững ngành chăn nuôi”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, liên quan đến quản lý thức ăn chăn nuôi, Chương III của dự thảo đã quy định nguyên tắc quản lý sử dụng kháng sinh; ghi nhãn thức ăn chăn nuôi; quảng cáo thức ăn chăn nuôi; quyền, nghĩa vụ của cơ sở sản xuất, mua bán, xuất, nhập khẩu, sử dụng thức ăn chăn nuôi và quyền, nghĩa vụ của tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất khẩu, nhập khẩu…

Về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với việc cần có quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi trong luật này, song đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định về kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu trong dự thảo Luật, tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi. Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh sửa quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi; rà soát, chỉnh sửa quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng thức ăn chăn nuôi cho rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn.

Về việc quản lý kháng sinh, hóa chất trong thức ăn chăn nuôi - mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, vì có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo quy định về quản lý kháng sinh, hóa chất trong thức ăn chăn nuôi theo hướng quản lý ngưỡng tồn dư trong thức ăn chăn nuôi thay vì quản lý bằng danh mục chất cấm, chất được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi để phù hợp với pháp luật về thú y.

Liệt kê nhiều điều, khoản đặt ra các điều kiện mới, thủ tục mới trong đầu tư, kinh doanh tại dự thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thẳng thắn góp ý: “Muốn quy định thêm điều kiện thì Chính phủ phải trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư, mà luật này thì cũng mới được sửa. Đặt ra quá nhiều điều kiện có thể thuận lợi cho quản lý, nhưng hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp”.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì dự thảo luật cần quy định rõ hơn về giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu và giống vật nuôi lai tạp để giữ gìn nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống của đất nước, vừa tiếp cận được nguồn gen giống của nước ngoài để chủ động nguồn giống vật nuôi cho chăn nuôi. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định về quy chế pháp lý của từng vật nuôi, đặc biệt đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn và chỉ rõ ngoài 3 danh mục này, những giống vật nuôi không nằm trong danh mục thì có được tự do sản xuất kinh doanh hay không.

Giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 230.000 tỷ đồng

Ngành chăn nuôi nước ta thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc, sản lượng chăn nuôi đã tăng gấp 2 lần trong giai đoạn từ 2005 đến hết năm 2017. Năm 2017, giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 230.000 tỷ đồng; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm trên 30% và chiếm trên 5% trong tổng GDP của cả nước. Sản lượng thịt hơi đạt trên 5,1 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm trên 10 tỷ quả, sản lượng sữa bò đạt trên 880 triệu lít. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nước ta nói chung còn nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ cao (60%-70%).

(Theo Báo cáo của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chăn nuôi)

Ngọc Khánh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo