Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thận trọng trong việc bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Quang cảnh phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Theo chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 37, chiều 9/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Trình bày báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có 8 nhóm vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, liên quan đến nội dung: chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; mô hình của Sở giao dịch chứng khoán; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; tổ chức hoạt động và đăng ký giao dịch bảo đảm của Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, Ủy ban Kinh tế đề nghị luật hóa quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP vào Luật Doanh nghiệp, bảo đảm tính thống nhất và phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của 2 Luật đối với 2 loại hình là công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng. Như vậy, Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán (trong đó có trái phiếu riêng lẻ) của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, dự thảo Luật được tiếp thu theo hướng vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giữ như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và giữ mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện hành. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quy định. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thêm thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định cần thận trọng trong việc bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tránh làm rối thêm tình hình, làm mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Nêu quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đây cũng là vấn đề được đặt ra theo kết luận tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng việc đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam vượt qua quy định hiện hành, do đó cần cân nhắc không nên đặt ra.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, quan điểm của Chính phủ là không bổ sung quy định này. Nếu quy định chức năng đại diện quyền sở hữu vốn Nhà nước tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cho Ủy ban Chứng khoán sẽ mâu thuẫn với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vào doanh nghiệp.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo