Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thách thức trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam

PGS.TS. Trần Hoàng Hải phát biểu tại Hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 5/11, Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế “Thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam: Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ”. Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của đông đảo chuyên gia, cơ quan quan lý nhà nước, công ty luật, doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên và những người quan tâm.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng nhà trường, nhận định trong vài thập kỷ trở lại đây, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được coi là một trào lưu phát triển mạnh, với các vấn đề phi thương mại đặt ra cơ hội cũng như những thách thức to lớn trong việc xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam. Hội thảo năm nay là lần thứ 2 được tổ chức, nhằm tập trung phân tích sâu hơn về việc thực thi các quy định cụ thể về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ theo quy định của các FTA chiến lược của Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng sẽ phân tích thêm UKVNFTA và EAEU - VN FTA (liên minh Á - Âu do Nga lãnh đạo) chứ không chỉ gói gọn trong EVFTA và CPTPP.

Ông Philip Degenhardt, Tổng Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung Khu vực Đông Nam Á, đề cao sự hợp tác giữa Rosa-Luxemburg-Stiftung và Trường ĐH Luật TPHCM, đặc biệt là sự hợp tác tổ chức hội thảo để phân tích về các hiệp định thương mại trong hai năm qua. Theo ông, ba khía cạnh lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ là mối quan tâm của Quỹ cũng như là các lĩnh vực quan trọng để Việt Nam hội nhập trong tương lai.

Thời gian qua, Nhà nước đã và đang tích cực đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và coi đó là nền tảng cho chiến lược phát triển quan trọng trong giai đoạn tới để biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất, thương mại quốc tế và một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã ký 16 FTA, trong đó có những đối tác quan trọng như Anh, Canada, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Úc; đang tiếp tục đàm phán 2 FTA với Israel và khối EFTA. Đặc biệt Việt Nam đã hoàn tất một số hiệp định thế hệ mới mang tính chiến lược như EVFTA, CT-TPP, EAEU - VN FTA. Các FTA sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển thị trường cho Việt Nam, giúp định hướng hoạt động thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác. Nhưng ở một khía cạnh khác, FTA thế hệ mới cũng đặt ra những quy định và tiêu chuẩn gắt gao đối các bên tham gia nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như các giá trị cốt lõi của sự phát triển bền vững. Thực thi đầy đủ các quy định này sẽ giúp nền kinh tế của Việt Nam vận hành hiệu quả và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các quy định của các FTA cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức mới cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt như lao động, bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ.

Hội thảo tập trung phân tích sâu hơn về việc thực thi các quy định cụ thể về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ Hội thảo tập trung phân tích sâu hơn về việc thực thi các quy định cụ thể về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ

Theo nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật quốc tế, Trường ĐH Luật TPHCM và các cộng sự, nhìn chung, với những cam kết về bảo vệ môi trường, khi thực thi EVFTA và CPTPP, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ điều kiện nội tại của quốc gia và cả về mặt đối ngoại. Có thể nhìn nhận một số thách thức mang tính vĩ mô như: Đối với lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, Việt Nam hiện vẫn chưa có khung pháp lý đầy đủ để thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. “Thực ra, đây là một vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam, cho dù pháp luật môi trường Việt cũng đã có những sự công nhận nhất định về vấn đề này. Cụ thể, Chính phủ đã có chỉ thị thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và cũng đã gia tăng cam kết về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu theo Thỏa ước Paris. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại Chương VII và Chương XI vẫn chỉ mới dừng lại ở việc hình thành nên các quy định mang tính nguyên tắc chung cho việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozon hay xây dựng thị trường carbon trong nước. Hầu hết các văn bản của chính phủ chỉ mang tính định hướng hoạch định chính sách, chưa thật sự cụ thể để triển khai áp dụng trên thực tế các quy định đối với vấn đề biến đổi khí hậu”, PGS.TS. Trần Việt Dũng cho biết.

Các chuyên gia cũng nhận định, trong lĩnh vực lao động, Việc Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc thực bốn tiêu chuẩn lao động quốc tế. Thứ nhất, thách thức về tái cơ cấu hệ thống công đoàn lao động. Thứ hai, thách thức trong quan hệ lao động cũng là một vấn đề trong thực thi EVFTA, CPTPP và UKVFTA. Thứ ba, thách thức trong bảo đảm một thị trường lao động công bằng giữa các giới, giữa các lứa tuổi lao động trong bối cảnh hiện nay là không nhỏ. Từ góc độ pháp luật, hành vi quấy rối tình dục là hiển nhiên bị lên án. Tuy nhiên, thách thức trong việc bảo đảm thực thi các quy định liên quan là không đơn giản xuất phát từ nhiều yếu tố văn hóa - xã hội khác nhau. Thứ tư, việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cũng đặt ra thách thức mới, không chỉ đối với quản lý nhà nước mà còn có thể ảnh hưởng đến ổn định chính trị - xã hội. Do đó, các quy định về lao động trong các hiệp định thương mại tự do chiến lược của Việt Nam hứa hẹn sẽ củng cố quyền lợi của người lao động tại Việt Nam, nhưng cũng là thách thức trong thực tiễn đối với Việt Nam.

Có thể thấy, các FTA thế hệ mới chiến lược mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam định hướng hoạt động thương mại và đầu tư với các đối tác thương mại nước ngoài, nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều khó khăn mới cho Việt Nam trong việc xây dựng chính sách pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là lao động, bảo vệ môi trường, và sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, việc phát triển sự hiểu biết và kiến thức cơ bản về các khái niệm và quy định điều chỉnh các FTA thế hệ mới trong các lĩnh vực liên quan là rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và các công ty Việt Nam cũng như giúp tăng khả năng tiếp cận với hệ thống thương mại toàn cầu.

Anh Huy – Kiều My


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo