Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn cho chế biến nông sản

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 21/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện cho các bộ ngành, địa phương, viện, trường, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ những hạn chế, yếu kém của lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp đã được chỉ ra và thấy rõ một vấn đề: chính sách có nhiều rồi nhưng chưa tập trung. Do đó, Chính phủ tổ chức hội nghị lần này nhằm mục tiêu phải chỉ ra được những chính sách tập trung, những chính sách mang tính chất là “quả đấm thép” của Nhà nước để làm thật tốt lĩnh vực này.

“Chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp phát triển rất tốt công nghệ chế biến nông sản, định hướng thị trường rõ ràng, vì thế phát triển thành công, tại sao các doanh nghiệp khác vẫn lúng túng?. Do đó, chính sách nào để tháo gỡ khó khăn sau hội nghị này phải chỉ ra thật rõ để hành động, không để tình trạng như hiện nay” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và yêu cầu phải thảo luận đến nơi đến chốn những vấn đề then chốt nhất, từ đó tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn cho chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu, cho cơ khí hóa khi mà hiện nay, số lao động nông nghiệp còn đông, chủ yếu làm thủ công, mức độ cơ giới hóa còn thấp nên năng suất thấp.

Nhắc đến việc Nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường 20.000 tỷ USD có yêu cầu cao, Thủ tướng cho rằng cần thảo luận kỹ vấn đề thị trường đối với nông sản. “Xuất khẩu nông sản rất quan trọng, nhưng thị trường trong nước gần 100 triệu dân càng quan trọng mà nếu ta không quan tâm, không lo thị trường trong nước thì sẽ có lỗi với dân, đừng để khi có tình hình phức tạp là thị trường trong nước lại “nháo nhào” - Thủ tướng nói rõ.

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường trình bày cho hay, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong những năm qua; tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD; năm 2019 xuất khẩu nông sản đạt gần 41,3 tỷ USD. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm; đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình khá của thế giới.

Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều khó khăn: phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng. Liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ của các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ (ngoại trừ một số ngành hàng đã tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu như mía đường, cá tra, tôm). Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15-30%. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản...

Tại hội nghị, đại diện nhiều tập đoàn, công ty, địa phương cũng cho rằng nếu công nghệ chế biến, bảo quản tốt sẽ nâng cao giá trị nông sản. Ví dụ xe chở dưa hấu, thanh long hiện chỉ bảo quản được khoảng 10 ngày, nhưng nếu có xe lạnh có thể từ 20-25 ngày. Hoặc chuối có thể được 40 ngày. Tương tự là vấn đề cơ giới hóa, tích tục đất đai... phải làm tốt thì mới thực hiện được sản xuất lớn. Các ý kiến cũng nhấn mạnh, để làm nông nghiệp, phải bảo đảm vùng nguyên liệu, tích tụ ruộng đất. Ngân hàng cần sẵn sàng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, khách hàng nhiều. Quan trọng vẫn là có vùng nguyên liệu để sản xuất. Cùng với đó, tập trung cơ chế chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp rất có nhu cầu mua máy móc thiết bị ngay trong nước, không phải mua ở nước ngoài…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo