Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tạo sự bứt phá cho TPHCM trong quá trình phát triển

Một khu đô thị tại quận Bình Thạnh, TPHCM (ảnh: Đình Lý)

(Thanhuytphcm.vn) - Một trong những nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X là tập trung thảo luận là kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ  phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2016 – 2018.  Trong 2,5 năm còn lại của nhiệm kỳ (từ nay đến năm 2020), TPHCM cần tập trung vào 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Kinh tế TP tăng trưởng cao và ổn định

Trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2016 - 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ năm 2015 đến nay, kinh tế TP tăng trưởng cao và ổn định. TP duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, năm sau cao hơn năm trước, bình quân 8,2%/năm, đạt kế hoạch đề ra. Năng suất lao động tăng cao, từ mức tăng 5,9% năm 2015 lên 6,9% năm 2017. GRDP bình quân đầu người tăng từ 5.200 USD/người năm 2015 lên 5.945 USD/người năm 2017.

Có thể thấy, những năm qua, phát triển kinh tế TPHCM dựa trên nền tảng dịch vụ và đổi mới sáng tạo, yếu tố vốn có xu hướng giảm dần, thay vào đó là tăng yếu tố khoa học công nghệ và năng suất lao động xã hội. Nội bộ các ngành kinh tế cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường; 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng trưởng cao hơn bình quân; nông nghiệp đô thị phát triển đúng định hướng, tập trung sản xuất và nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, năng lực cạnh tranh của TP được cải thiện rõ rệt, các chính sách khuyến khích phát triển của nhà nước đã phát huy tác dụng. Trong 2 năm 2016 - 2017, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 645.000 tỷ đồng, tăng bình quân 8,4% mỗi năm, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của TP. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư xã hội được huy động; hình thành được Hệ sinh thái khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong giới trẻ và cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp TP tăng nhanh cả về lượng và vốn đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp lớn về tốc độ tăng trưởng, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện hội nhập với kinh tế thế giới.

Cùng với đó, công tác quản lý chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng có chuyển biến tích cực, diện mạo đô thị kiến trúc công trình xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại; các công trình, dự án cấp bách giảm ùn tắc giao thông được triển khai có hiệu quả, các công trình giảm ngập thực hiện đảm bảo tiến độ; việc cung cấp nước sạch cho nhân dân được duy trì.

Tập trung 7 nhiệm vụ, giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ  phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2016 – 2018, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thẳng thắn nhìn nhận, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế tuy có sự chuyển biến tích cực, đúng định hướng, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao, sức cạnh tranh còn hạn chế. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ chưa tương xứng với yêu cầu; việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài chưa rõ nét. Về công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Phát triển kết cấu hạ tầng chưa theo kịp với đà tăng trưởng kinh tế, chưa đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.

Riêng công tác giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường còn nhiều bất cập; tình trạng ùn tắc giao thông chưa có chuyển biến tích cực, công tác chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven và trên kênh rạch triển khai chậm. Mặc dù nước sạch được cung cấp đến 100% hộ dân nhưng tỷ lệ sử dụng chưa cao.

Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại Thoại An, quận Tân Phú, TPHCM. (ảnh: Đình Lý) Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại Thoại An, quận Tân Phú, TPHCM. (ảnh: Đình Lý)

Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học chưa cao, chưa trở thành động lực thật sự để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ, toàn diện, nhiều chủ trương chính sách chưa đi vào thực tiễn cuộc sống, còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ; năng lực một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, văn hóa ứng xử chưa phù hợp, thiếu cầu thị, gây bức xúc cho người dân.

Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đến năm 2020, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM tập trung 7 giải pháp trọng tâm, trong đó triển khai hiệu quả Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội để TPHCM phát triển nhanh, bền vững. Cụ thể là xây dựng nội dung đặt hàng, mời gọi các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực theo các chính sách thu hút mới được HĐND TP thông qua để nghiên cứu, đề xuất cho TP tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách mới, vượt trội hơn quy định pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc thù của một đô thị đặc biệt mà Nghị quyết 54 của Quốc hội đã cho phép để TP có sự bứt phá trong quá trình phát triển; hoàn thành trong quý I năm 2019.

Một trong những giải pháp quan trọng là TP tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. Trọng tâm là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, nâng cao tỷ trọng yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP).

Để được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó là tập trung nghiên cứu triển khai thực hiện Đề án xây dựng TP trở thành TP thông minh, đề án khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.

S.Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo