Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam:

Tạo điều kiện cho mạng xã hội nước ngoài phát triển nhưng phải bảo đảm an ninh, trật tự xã hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi chất vấn.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 17/11, trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam được mời để phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề.

Về quản lý báo chí và mạng xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, quan điểm của Đảng, Nhà nước là tạo điều kiện cho phát triển nhưng cái gì hay thì phát huy, cái gì xấu phải hạn chế, phải quản lý thật tốt, với thái độ kiên quyết hơn. Phó Thủ tướng cho rằng, mạng xã hội là xu thế tất yếu toàn cầu. 67% người dân Việt Nam sử dụng Internet, 60% số đó dùng mạng xã hội. Nhưng ở Việt Nam 95% mạng xã hội là của công ty nước ngoài. 98% công cụ tìm kiếm, thư điện tử cũng của nước ngoài với Yahoo và Gmail. 80% thương mại điện tử của nước ngoài…

“Cái mà chúng ta còn giữ được là trò chơi điện tử với thị phần là 60%. Quảng cáo của Facebook và Youtube là 60%. Riêng tiền quảng cáo năm vừa qua của họ là 350 triệu USD.  Do đó, chúng ta cần có thái độ kiên quyết hơn. Chúng ta cần có thái độ quyết liệt hơn với các nhà cung cấp nước ngoài, các nước khác họ đều làm cả” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một số nước quản lý tốt như Nga thì mạng xã hội facebook chỉ đứng thứ 5, tại Nhật Bản thì facebook đứng thứ 6 và tại Hàn Quốc là thứ 7. Các quốc gia này cố tạo ra các nhà cung cấp khác, tránh độc quyền, dùng các biện phám kỹ thuật chặn, lọc khi cần thiết. Một mặt người ta dùng pháp luật khi các công ty nước ngoài hay lấy thông tin cá nhân từng người dân, gây phân biệt đối xử, gây thù địch. Liên minh Châu Âu cũng đã bắt tất cả các công ty cam kết không vi phạm những điều đó. Tại nước Đức, chỉ 30% người dân đức dùng mạng xã hội họ ý thức được việc dùng mạng xã hội có thể mất thông tin cá nhân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT-TT và các Bộ ngành cần có biện pháp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển xã hội, phát triển văn hóa, không xuyên tạc, không nói xấu và không đi ngược lại truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, ngay giờ giải lao sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có trao đổi và yêu cầu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ TT-TT và các bộ ngành để có thái độ rõ ràng hơn với các mạng xã hội nước ngoài, tạo điều kiện cho họ phát triển nhưng phải bảo đảm an ninh trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Về vấn đề an toàn an ninh thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không thể không ứng dụng CNTT nhưng nếu không đảm bảo an toàn thông tin thì nguy hại vô cùng. Việt Nam đứng vị trí trên 100 trên thế giới về an toàn thông tin, ý thức của người dân trong an toàn thông tin thuộc lại yếu nhất thế giới. Trên thế giới hiện cứ 1 giây có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, 4 mã độc được phát tán ra, Việt Nam đứng trên 100 nhưng có một vài chỉ số đứng cuối cùng của thế giới, đó là chỉ số phát tán thư rác, cứ 1 giờ có 2 trăm tỷ thư trên thế giới được phát đi, 53% là thư rác, cứ 100 thư rác trên thế giới thì Việt Nam có 11,7%, đứng số 1 thế giới.

“Ngày xưa khi nói về an toàn an ninh thông tin thì chỉ nói đến máy tính và người làm CNTT, nhưng bây giờ là thời đại vạn vật kết nối, nhiều thiết bị có thể lây nhiễm, trong khi chỉ có 11% người dân Việt Nam nhận ra nguy cơ bị lây nhiễm. Theo kết quả điều tra của nước ngoài, 61% máy tính của người dân Việt Nam bị nhiễm mã độc, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 11%”, Phó Thủ tướng cho hay.

Giải thích lý do tại sao an toàn – an ninh thông tin ở Việt Nam thấp như vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, là vì chúng ta chưa nhận thức rõ nguy cơ mất an toàn – an ninh thông tin. Ở tất cả các nước, Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân, cứ đầu tư 100 đồng cho CNTT thì có 15-21 đồng cho an toàn – an ninh thông tin, còn ở Việt Nam chỉ có 5%. Lực lượng được đào tạo chuyên biệt thì rất ít, chỉ có 500 cán bộ chuyên trách chính thức về an toàn – an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước, trong khi ở Trung Quốc là 40.000 người.

“Các chuyên gia quốc tế đánh giá người dùng mạng Việt Nam dễ dãi. Bất cứ một tin nhắn nào đó chúng ta đều bấm vào OK ngay. Khi đó chúng ta không biết là tất cả các thông tin cá nhân đều đã được các công ty thu thập về phục vụ mục đích kinh doanh, và sau này có thể là lừa đảo, tống tiền có hại cho bản thân mình. Chúng ta cứ thấy thư điện tử có chữ “khuyến mại” là bấm vào, có cái USB là cắm luôn vào máy tính, cứ như vậy là lây nhiễm, đây là vấn đề báo động nhất về an toàn – an ninh thông tin”, Phó Thủ tướng cảnh báo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chúng ta phải có chủ quyền quốc gia về an toàn - an ninh thông tin, quan điểm của Chính phủ là có chủ quyền không gian mạng. Theo Phó Thủ tướng, một khi các thiết bị bị nhiễm độc, các tổ chức tội phạm có thể điều hành nhà máy điện, nước, thậm chí cả nhà máy điện nguyên tử, chúng có thể biến người dân thành đồng phạm mà người dân không hề hay biết. “Họ đang ém quân chờ thời trong máy tính của chúng ta. Đến một thời điểm nhất định họ có thể tập hợp đội quân ấy và thực hiện hành vi xấu. Nếu không ý thức ngay từ bây giờ sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta phải xây dựng hệ thống luật, khi có sự cố xảy ra phải có khả năng ứng phó, khôi phục trạng thái ban đầu. Nhận thức là quan trọng, quan trọng nữa là năng lực ứng phó. Khi có chuyện xảy ra thì không thể họp ban chỉ đạo, thậm chí gọi điện xin ý kiến cũng không kịp. Nếu mất an toàn an ninh, điều đầu tiên người dân mất là mất tiền, chưa nói cái mất to lớn hơn là chính trị”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo