Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tăng cường sự đồng thuận xã hội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/7, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2020. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương cùng 1.524 đại biểu đến từ các điểm cầu trên cả nước.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, đất nước bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm phòng, chống với đại dịch và đã chống dịch Covid-19 thành công. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 1,81%. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ 6 tháng đầu năm là tập trung triển khai hiệu quả phòng chống dịch Covid-19. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”. Cuộc vận động đã được các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân tích cực ủng hộ. Đến nay đã nhận được trên 2.000 tỷ đồng ủng hộ bằng tiền và hiện vật.

Trình bày báo cáo kết quả giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, mặt trận các tỉnh, thành đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 tại cơ sở.

Theo báo cáo của MTTQ Việt Nam 63 tỉnh thành phố, đến thời điểm hiện tại các địa phương cơ bản đã hỗ trợ cho 8.445.390 người thuộc các nhóm đối tượng: người có công và gia đình chính sách; hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tổng số tiền hỗ trợ là trên 7.066 tỷ đồng.

Hiện tại, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đang tiếp tục giám sát các cơ quan chức năng nhà nước, các doanh nghiệp triển khai rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, đảm bảo không trùng lặp cũng như xác định cụ thể thời điểm được nhận hỗ trợ, đặc biệt là đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Thời gian tới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các bộ ngành có liên quan xem xét bổ sung cơ chế hoặc có hướng dẫn về hỗ trợ một số đối tượng người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.  Tiếp tục phối hợp triển khai công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19. Đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hội nghị ngày 8/7 Hội nghị ngày 8/7

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết, thời gian qua, MTTQ TPHCM đã triển khai cuộc vận động phòng chống dịch Covid-19  rất hiệu quả. Các tôn giáo trên địa bàn TPHCM có nhiều nghi lễ đông người nhưng nghe theo vận động của mặt trận, chính quyền, các tôn giáo đều đã dừng hoạt động để phòng chống dịch. Cạnh đó, Mặt trận TPHCM đã huy động người dân, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị ủng hộ chống Covid-19 được 187 tỷ đồng; ủng hộ phòng chống thiên tai; an sinh xã hội trên địa bàn.

Ủy ban MTTQ TPHCM đã thành lập 18 đoàn giám sát và 425 đoàn giám sát ở cấp huyện để đảm bảo việc triển khai gói 62.000 tỷ đến đúng đối tượng và không xảy ra sai sót. Từ thực tế giám sát cho thấy, việc triển khai hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hiện chưa rõ ràng, thủ tục hành chính còn rườm rà, chính bởi vậy cần phải gỡ khó và có cơ chế mở cứu doanh nghiệp, không để hiện tượng “doanh nghiệp phá sản xong mới hỗ trợ”. Bên cạnh đó, quy định hỗ trợ đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ có doanh thu dưới 100 triệu/năm không phù hợp với TPHCM bởi thực tế doanh thu của các hộ kinh doanh lớn hơn con số này.

Triển khai của mặt trận vận động Nhân dân tham gia phục hồi kinh tế sau dịch, đồng chí Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị Mặt trận kiến nghị Chính phủ sửa ngay Nghị định 64 của Chính phủ về tiếp nhận các khoản ủng hộ. Hiện theo quy định là đơn vị tiếp nhận phải mở tài khoản tại kho bạc, nhưng khi người dân ủng hộ bằng ngoại tệ, hoặc ủng hộ qua ngân hàng thì không được tạo điều kiện thuận lợi. Nếu không sửa thì sẽ hạn chế ủng hộ trong khi việc ủng hộ rất cần kịp thời, lan tỏa. Vấn đề nữa là kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị nhưng không được hỗ trợ thuế, vẫn phải đóng thuế nhập khẩu. Ví dụ, vừa qua qua doanh nghiệp ủng hộ xe cấp cứu 5 tỷ đồng cho Bệnh viện 175 nhưng phải đóng thuế nhập khẩu 600 triệu đồng, như vậy là không khuyến khích doanh nghiệp tài trợ. Bên cạnh đó, Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về việc phân bổ quỹ hỗ trợ, để địa phương chủ động hỗ trợ các địa chỉ đã rõ ràng. Song song đó, cần xem xét để hỗ trợ lãi suất vay cho nông dân vay quỹ hỗ trợ nông dân nhằm chuyển đổi công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước luôn có vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam, qua đó tăng cường sự đồng thuận xã hội, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng mong muốn MTTQ Việt Nam cần tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thành thể chế. Sự đóng góp, phản biện của MTTQ Việt Nam đã trở thành quy trình để ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần đưa tiếng nói, vai trò nhân dân vào xây dựng chính sách pháp luật. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Trung ương và các tổ chức thành viên, tổ chức cho nhân dân đóng góp ý kiến cho các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Trong bối cảnh hiện nay, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, MTTQ Việt Nam cần đẩy mạnh tăng cường sự đồng thuận xã hội, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên canh đó, quan tâm để vấn đề động viên Nhân dân đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, phát huy bản sắc con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Song song đó, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận của mô hình tự quản, thúc đẩy dân chủ trực tiếp, đóng góp to lớn cho cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo