Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tăng cường kiểm định và công khai chất lượng đào tạo

Các đại biểu tham gia hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 21/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê chủ trì hội thảo.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được điều chỉnh một số nội dung quan trọng như: trình độ, hình thức đào tạo của giáo dục đại học; cơ sở giáo dục đại học; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục đại học; những quy định về Hội đồng trường đại học công lập; Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; liên kết đào tạo với nước ngoài…

Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể việc xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển, tương thích với điều kiện nguồn lực và tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; bổ sung yêu cầu về kiến thức khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong chương trình đào tạo; cần quy định cụ thể thời gian đào tạo, văn bằng đối với các ngành nghề chuyên sâu đặc thù; chính sách đãi ngộ cho người học, người dạy ở các ngành chuyên sâu đặc thù.

Về giảng viên, đại diện Hội Luật gia TPHCM - đại biểu Đặng Văn Bình cho rằng, nhà nước cần có chính sách kích cầu, tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất, tinh thần để phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ, có học hàm cao ngày càng nhiều.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM – đại biểu Trần Hữu Nghĩa cho rằng, việc thành lập Hội đồng trường là cần thiết, tuy nhiên cần quy định cụ thể hơn nữa như việc bồi dưỡng, tập huấn các chức danh trong Hội đồng trường hằng năm; không cần cơ cấu hiệu trưởng là thành viên Hội đồng trường, có như vậy Hội đồng trường mới hoạt động độc lập, qua đó mới phát huy được nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình là đại diện cho quyền sở hữu nhà nước và các bên có lợi ích liên quan.

Về quản lý tài sản của cơ sở giáo dục đại học, đại diện trường đại học Kinh tế Luật – đại biểu Đoàn Thị Phương Diệp cho rằng, tại Điều 67, quy định tài sản của các trường đại học ngoài công lập từ nguồn không phải nhà nước đầu tư thuộc sở hữu cộng đồng, bao gồm người học là không phù hợp và khó thực hiện. Vì thừa nhận tài sản thuộc sở hữu cộng đồng và thừa nhận người học là thành viên cộng đồng chủ sở hữu sẽ làm nảy sinh nhiều rắc rối.

Về tự chủ đại học, các đại biểu đề nghị quy định rõ nội dung, mức độ, lộ trình, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ trên tất cả các mặt về tài chính, tổ chức và nhân sự gắn với trách nhiệm và đổi mới quản trị đại học phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cơ sở giáo dục đại học; tăng cường kiểm định và công khai chất lượng đào tạo… Bên cạnh đó, một số đại biểu lưu ý cần quy định cơ cấu tổ chức, mô hình quản trị của cơ sở giáo dục đại học phù hợp với loại hình, chức năng, quy mô, sứ mệnh; không phân biệt về cơ cấu tổ chức của trường công lập và trường tư thục; cần bổ sung, cập nhật, đa dạng hóa các hình thức đào tạo; xây dựng cơ chế chuyển đổi linh hoạt giữa các phương thức đào tạo, bảo đảm tính mở, liên thông trong đào tạo đại học…

Thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Phan Nguyễn Như Khuê ghi nhận, đánh giá cao tinh thần nghiên cứu nghiêm túc và các ý kiến đóng góp tích cực. Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ và lựa chọn nội dung để tham gia phát biểu trong các buổi làm việc của Quốc hội về những nội dung liên quan đến Luật này tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo