Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các chính sách, pháp luật liên quan đến lao động, việc làm

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM Nguyễn Văn Lâm phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/10, tại TPHCM, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động (trong đó có an toàn, vệ sinh lao động), bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, nội dung sửa đổi bổ sung hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt về an toàn, vệ sinh lao động và lĩnh vực bảo hiểm xã hội để đảm bảo phù hợp và nâng cao hiệu quả thi hành Luật. Sửa đổi, bổ sung một số điều để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật phù hợp với Bộ luật hình sự năm 2015, pháp luật về phí, lệ phí; sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt trong lĩnh vực lao động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đảm bảo, phù hợp với thực tiễn và tính khả thi trên thực tế…

Việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định lần này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2020, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các tỉnh, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội trên toàn quốc, nhất là các đơn vị doanh nghiệp thường xuyên né tránh, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn.

Theo ông Trần Hảo Trí, Phó trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM, dự thảo Nghị định lần này bỏ hình thức đình chỉ hoạt động khi doanh nghiệp vi phạm, sẽ góp phần hạn chế những thiệt hại cho doanh nghiệp, đời sống người lao động và an ninh trật tự tại địa phương. Việc bổ sung thêm hình thức xử phạt đối với đơn vị doanh nghiệp không công khai việc sử dụng lao động, không báo cáo tình hình thay đổi về lao động, sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm rõ hơn về tình hình lao động cùng các hoạt động tuyển dụng, quản lý lao động tại doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho rằng, cần đưa ra những biện pháp xử lý đủ mạnh đối với đơn vị doanh nghiệp vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe, nhắc nhở việc tuân thủ pháp luật. Có thể nâng mức xử phạt tối đa theo khung pháp Luật đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm và ngược lại, nếu hành vi vi phạm của đơn vị doanh nghiệp nhỏ hay ở khung phạt thấp thì chỉ nên nhắc nhở, nâng cao ý thức doanh nghiệp.

Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp TPHCM chấp hành tốt các yêu cầu trên và chăm lo tốt hơn cho người lao động. Các doanh nghiệp cũng đồng tình xử nặng những trường hợp cố tình vi phạm, nhưng cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp cách làm đúng để các chính sách, pháp luật của nhà nước được thực hiện hiệu quả trong doanh nghiệp…

Trần Hoàng


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo