Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tận dụng cơ hội trong thách thức của dịch bệnh

Người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại UBND Quận 1. (Ảnh: thanhnien.vn)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Dịch Covid-19 đối với Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là một loại rủi ro nặng nề, là một thách thức thực sự. Dẫu vậy, dịch bệnh đã tạo ra hoặc thúc đẩy hình thành một số cơ hội để từ đó có thể điều chỉnh nhiều hoạt động của đời sống xã hội, kể cả hoạt động của bộ máy chính trị, góp phần khắc phục những hạn chế, trì trệ, thay đổi những thói quen chưa tốt, gợi mở những hành vi và hoạt động mới… Nếu các cá nhân, tổ chức có thể nắm bắt những cơ hội đó một cách hợp lý và điều chỉnh kịp thời thì việc phục hồi các hoạt động sau dịch sẽ nhanh hơn, tạo điều kiện xã hội phát triển tốt hơn.

Thời gian qua, tại TPHCM, một số hoạt động thích ứng với điều kiện của dịch bệnh đã được triển khai thực hiện, có thể xem đó như là sự tận dụng cơ hội trong bối cảnh có nhiều thách thức.

Trong sự liên hệ gần gũi, chặt chẽ với người dân, các tổ dân phố, khu phố, cảnh sát khu vực… đã tích cực thực hiện việc kết nối thông qua một số nền tảng công nghệ, đặc biệt là qua Zalo. Nhờ đó, việc thông tin các chủ trương, chính sách, tuyên truyền các thông báo, cũng như việc nắm bắt phản hồi, ý kiến, nguyện vọng của người dân được thực hiện nhanh hơn, trực tiếp hơn, hiệu quả hơn. Trước đây, nhiều địa phương đã thực hiện việc kết nối này nhưng chưa chặt chẽ và phổ biến; nay trong bối cảnh dịch, các hình thức trao đổi thông tin khác khó thực hiện nên giải pháp ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền và liên lạc đã thực sự được phát huy. Tuy nhiên, cần có những cải tiến nhất định để việc trao đổi thông tin kịp thời và hiệu quả hơn, như thể hiện vai trò quản lý thực sự chủ động của người điều hành nhóm, lập các nhóm có số lượng thành viên vừa phải, đề ra nội quy phù hợp, việc trao đổi thông tin hai chiều thực sự thiết thực, việc giải quyết các đề nghị của người dân phải nhanh chóng và phù hợp…

Trong việc giải quyết các yêu cầu hành chính của người dân, hầu hết các cơ quan đã thực hiện bằng hình thức trực tuyến, giảm tối đa việc giải quyết hồ sơ trực tiếp. Cách thức này không chỉ đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch mà còn góp phần công khai, minh bạch quá trình xử lý, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực, trễ hẹn… Để phát huy hình thức giải quyết các yêu cầu hành chính của người dân, nhất là trong giai đoạn sau dịch sẽ tăng số lượng và phạm vi yêu cầu, các cơ quan cần chú ý cải thiện đường truyền, cải tiến các ứng dụng, bổ sung nhiều tiện ích… sao cho việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ thực sự tiện lợi, nhanh chóng, minh bạch. Song song đó, các cơ quan cần xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý, hoàn trả hồ sơ theo hướng giản tiện mà chặt chẽ, có sự liên thông, đồng bộ giữa các cơ quan với nhau…, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thành phố đã có những kế hoạch cụ thể để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn từ trong dân, nhằm góp phần giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống và kích thích kinh tế phát triển. Muốn vậy, các cơ quan chức năng cấp thành phố cần tham mưu UBND thành phố hoặc đề xuất Chính phủ và các bộ ngành có các quy định phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc huy động các nguồn đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài, đầu tư trong dân… Đó là giản lược một số thủ tục, linh động việc áp dụng quy trình, giảm và giãn thuế, điều chỉnh các chính sách về xuất nhập khẩu, hỗ trợ tín dụng từ các nguồn thuộc nhà nước, hỗ trợ thuế, phí, các loại bảo hiểm… Trong quá trình này, cần có biện pháp giám sát chặt chẽ các khâu, bộ phận còn trì trệ, thiếu tích cực, nhất là xử lý ngay các cán bộ công chức phụ trách chậm trễ, tiêu cực, để tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời góp phần trong sạch bộ máy.

Cục Thuế TPHCM ra mắt ứng dụng giao tiếp với người nộp thuế, ngày 21/9/2021. (Ảnh: HCMTax) Cục Thuế TPHCM ra mắt ứng dụng giao tiếp với người nộp thuế, ngày 21/9/2021. (Ảnh: HCMTax)

Trong việc chăm lo an sinh xã hội, thời gian qua, bằng nhiều nguồn và nhiều cách thức khác nhau, công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn đã được thực hiện quyết liệt, rộng khắp, về cơ bản đã chăm lo cho đông đảo người bị ảnh hưởng bởi dịch. Tuy nhiên, do dịch kéo dài, các hoạt động phục hồi kinh tế diễn ra theo lộ trình nên đời sống người dân chậm được cải thiện; hiện tượng “nghèo hóa” diễn ra đáng lo ngại (các chiều thiếu hụt trong bộ tiêu chí giảm nghèo đa chiều tăng lên); số hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cần hỗ trợ khẩn cấp tăng lên… Do đó, các giải pháp về an sinh xã hội cần được tổ chức và cải tiến theo hướng thiết thực hơn, cụ thể hơn, căn cơ hơn, huy động nhiều nguồn lực hơn… Chẳng hạn, việc hỗ trợ nhu yếu phẩm chỉ nên xem là giải pháp tình thế đối với những trường hợp thực sự khó khăn, về lâu dài vẫn là tạo điều kiện cho người khó khăn có việc làm và thu nhập xứng đáng, ổn định, gắn với các chính sách hỗ trợ khác (như tặng bảo hiểm y tế, tặng học bổng cho con em…).

Ngoài ra, nhiều vấn đề về xây dựng hệ thống y tế cơ sở, nâng cao năng lực phòng chống dịch nói riêng và ứng phó với rủi ro, thảm họa nói chung, bảo đảm an ninh trật tự, cải tiến và đổi mới một số mặt của công tác xây dựng Đảng (tổ chức các loại hình tổ chức đảng dưới cơ sở, công tác tuyên truyền, việc phổ biến văn bản, sinh hoạt chi bộ…), cách thức tổ chức hội họp… cũng cần được quan tâm điều chỉnh. Bởi trước đây, những vấn đề đó về cơ bản vẫn phát huy được kết quả tích cực nhưng trong dịch đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Khi thực hiện trạng thái bình thường mới, những bất cập, hạn chế đó cần được khắc phục để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đồng thời để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Sự đan xen giữa thách thức và cơ hội luôn diễn ra. Trong bối cảnh dịch, khi thách thức càng nhiều thì cơ hội có thể không ít. Do đó, nhìn ở góc độ tích cực và phát triển, đây có thể là dịp để cải tiến, đổi mới một số hoạt động, cách thức…, suy cho cùng nhằm để phục vụ nhân dân tốt hơn!

Trúc Giang

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo