Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sách Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng:

Tài liệu tuyên truyền về bình đẳng giới

Tác giả Isabelle Müller ký tặng độc giả.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 7/3, NXB Trẻ đã tổ chức ra mắt quyển sách Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng của tác giả Isabelle Müller. Nói như Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt thì quyển sách do một người phụ nữ quốc tế viết về mẹ của mình là một người phụ nữ Việt Nam là món quà ý nghĩa nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Một cuộc đời bình thường mà đặc biệt

Điều gì khiến Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng (Loan - Aus dem Leben eines Phönix) – một quyển sách viết về một người phụ nữ Việt Nam bình thường trong muôn triệu người phụ nữ Việt Nam – đã lọt vào “top 5” chung kết giải thưởng văn học Kindle Storyteller 2015 của Đức, là tác phẩm “best-seller” trong các chuyên mục “History of Asia”, “Young Literature and Biographies” trên kênh Amazon Đức?

Đó không đơn giản là sự tò mò của người phương Tây về một “phương Đông huyền bí” mà thực sự Loan – nhân vật chính của quyển sách, mẹ của tác giả Isabelle Müller – thực sự là nhân vật truyền cảm hứng khi một người phụ nữ bình thường đã làm nên những điều phi thường vì khát vọng sống và hạnh phúc.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa – người làm cầu nối đưa Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng về Việt Nam – nhận định giá trị lớn nhất của quyển sách là mang đến một tấm gương phụ nữ nghị lực bền bỉ, không chịu khuất phục hoàn cảnh mà vươn lên. “Hướng đến Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã tổ chức chương trình “Bước qua cánh cửa” để tôn vinh và chia sẻ về những người phụ nữ đã dũng cảm thay đổi số phận của mình. Ở đây, bà Loan đã vượt qua rất nhiều, rất nhiều cánh cửa của những định kiến, của hủ tục, của hạn chế thời đại để được sống cho chính mình”, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ.

Nhà văn Trầm Hương, một tác giả nữ chuyên viết về số phận phụ nữ, cho rằng quyển sách có sức lay động mạnh như viết thay rất nhiều thân phận phụ nữ Việt Nam và là một “tài liệu tuyên truyền bình đẳng giới” hay khi cổ vũ người phụ nữ tự đứng lên mở ra những cánh cửa cho chính mình.

Thật vậy, quyển sách kể về cuộc đời của bà Loan, tên thật là Đậu Thị Cúc, sinh năm 1929 tại một làng quê thuộc Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, bà Cúc chịu nhiều cay đắng do “trọng nam khinh nữ”. Không được cho đi học, bà đã tự tìm cách học đọc và viết cơ bản từ các bạn nam trong làng. Năm 12 tuổi, bà bị ép gả trong một cuộc hôn nhân sắp đặt. Không chấp nhận số mệnh, bà Cúc bỏ trốn, phiêu dạt đến Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng…, trải qua nhiều biến cố (những lần bị lường gạt, suýt bị bán vào nhà thổ, tai nạn hiểm nghèo, loạn lạc chiến tranh…), rồi cuối cùng tìm được cuộc sống yên ấm bên người chồng và 5 đứa con trên đất Pháp.

Ngoài ra, qua cuộc đời bà Loan, người đọc cũng ít nhiều thấy được một giai đoạn lịch sử Việt Nam từ góc độ một người dân thường. Như lời chia sẻ của Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức – nơi tác giả Isabelle Müller đang sinh sống và làm việc – thì câu chuyện về bà Loan mô tả cả một giai đoạn dài lịch sử đất nước sau khi thực dân Pháp thực hiện xong chính sách khai thác thuộc địa. Cuộc đời bà Loan có thể giống như hàng vạn, hàng triệu thân phận người phụ nữ Việt Nam sống dưới cái ách “tam tòng tứ đức” của lễ giáo phong kiến đè nặng hàng ngàn năm và nhất là trong giai đoạn nửa phong kiến nửa thực dân.

Nếu như chị Dậu của Ngô Tất Tố cam phận và chỉ phản ứng khi đã đến bước đường cùng, thì khi còn rất trẻ bà Loan đã phản ứng lại và tìm giải pháp đối đầu với khó khăn, với sự áp đặt thay vì chấp nhận chúng. Vì thế, con đường bà đi cũng “không bình thường” khi trải dài từ Hải Phòng, đến miền núi cao phía Bắc, miền Trung và miền Nam rồi đến tận nước Pháp và thuộc địa xa xôi của Pháp như Algeria (châu Phi)…

Tìm về nguồn cội

Chia sẻ về quyển sách, tác giả Isabelle Müller – một phiên dịch viên, bắt đầu viết sách từ năm 2003 – cho biết đã được nghe mẹ kể chuyện về cuộc đời bà từ năm 6 tuổi và nung nấu ý định một lúc nào đó phải viết về cuộc đời của mẹ. Phải 45 năm sau, Isabelle Müller mới hoàn thành được lời hứa ngày nào. Ngay từ nhỏ đã được nghe mẹ Loan kể về Việt Nam, được nghe nhạc Việt Nam, ăn các món ăn Việt Nam, chỉ là chưa tiếp xúc với người Việt ngoài mẹ nên khi được theo mẹ về Việt Nam tìm lại nguồn cội vào những năm 1990, Isabelle Müller càng cảm nhận rõ ràng hơn dòng máu Việt đang chảy trong người: “Gốc rễ Việt Nam trong tôi cho tôi ý thức rằng mình có một quê hương. Và dù mang vẻ ngoài của một người châu Âu nhưng 99% tâm hồn tôi là tâm hồn Việt Nam”.

Nữ tác giả chia sẻ: “Tôi viết Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng bởi câu chuyện của mẹ tôi, khởi đầu cách đây 88 năm, vẫn còn nóng bỏng tính thời sự và hàm chứa nhiều bài học về cuộc sống. Cuốn sách này cũng có một ý nghĩa tượng trưng. Mẹ tôi xuất thân từ miền Bắc Việt Nam, có tổ tiên thuộc về các sắc tộc ít người. Từ đó, tôi coi việc bảo tồn văn hóa và bản sắc của các dân tộc ít người, góp phần làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam, là nghĩa vụ của mình. Bằng cách viết lại câu chuyện của mẹ và xuất bản cuốn sách tại Việt Nam, tôi đã có thể đưa mẹ mình trở về quê hương, về lại nhà của bà”.

Từ tình cảm đối với quê mẹ, cũng là để hoàn thành tâm nguyện của mẹ muốn tri ân quê hương, giúp cải thiện hoàn cảnh của trẻ em nghèo, đặc biệt trẻ em đồng bào dân tộc ít người, tháng 5/2016, Isabelle Müller thành lập Quỹ Loan (Loan Stiftung) hỗ trợ trẻ em dân tộc ít người ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến nay, Quỹ Loan đã hoàn thành 7 dự án tại những vùng núi nghèo thuộc 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng, bao gồm việc xây trường mẫu giáo, gia cố trường học, trang bị quần áo ấm, dụng cụ học tập, hỗ trợ học bổng cho học sinh có nguy cơ bỏ học…

Hiện tại, Quỹ Loan đang thực hiện 5 dự án tiếp theo ở Hà Giang là: xây trường học, bếp ăn, phòng giáo viên, trang bị thư viện… Năm 2017, Quỹ Loan cũng có kế hoạch hợp tác với Quỹ học bổng Vừ A Dính do nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa làm Chủ tịch để mở rộng hoạt động ra những địa phương khác.

Toàn bộ doanh thu phát hành sách Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng cũng sẽ được góp vào Quỹ Loan tiếp tục các dự án hỗ trợ trẻ em dân tộc ít người có hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam.

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo