Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sớm hoàn thiện sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh để trình Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 5, sáng 23/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự; cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về bổ sung 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện dự án luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất quan trọng và cấp bách, do đó cần sớm hoàn thiện để trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm xây dựng luật là lấy người bệnh là trung tâm trong cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và yêu cầu luật phải thể chế hóa vấn đề này. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, để huy động sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; đảm bảo công bằng ở các cơ sở dịch vụ công và tư; đẩy nhanh thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế...

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, sửa đổi luật cần rõ ranh giới y tế dự phòng và khám, chữa bệnh theo bảo hiểm, đây là vấn đề còn chưa rõ trong quản lý, điều hành thời gian qua; làm rõ một số khái niệm, quy định về bác sĩ gia đình,...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5 năm 2022).

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần làm rõ hơn báo cáo đánh giá tác động khi sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện, trong đó đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các thủ tục hành chính phát sinh mới, làm rõ hơn tính tương thích với các luật khác như: Quy hoạch, Đầu tư, Viễn thông,...; khẳng định thêm tính cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung về Luật Tần số vô tuyến điện. Sửa đổi luật phải đảm bảo các điều ước, cam kết quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại thế hệ mới. Các quy định phải cân đối giữa tác động tích cực và tiêu cực nên phải lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tần số vô tuyến điện tài sản quốc gia quan trọng, ngày càng có giá trị, nhất là trong bối cảnh kinh tế số, xã hội số; do đó cần quy định theo hướng đảm bảo quản lý sử dụng chặt chẽ, khai thác hiệu quả, lành mạnh. Trong sửa đổi luật, cần đánh giá thực tiễn về trần hạn mức tần số mỗi doanh nghiệp được nắm giữ tối đa và giải pháp để ngăn ngừa những vấn đề không lành mạnh trong tích tụ tài nguyên tần số.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015

Báo cáo đánh giá tác động của dự án luật cũng phải đánh giá được việc quản lý, khai thác hiện nay; thực trạng việc thu phí, lệ phí; dự báo các nguồn thu, mức thu, phương thức thu sau khi sửa luật, nhất là những băng tần có giá trị thương mại cao. Đồng thời, luật phải có các quy định để nâng cao trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình sử dụng tần số, đảm bảo an toàn, hiệu quả, không thất thoát, lãng phí.

Tại phiên họp, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015, để thống nhất việc vận dụng các quy định của Bộ luật Hình sự trong xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh, thực hiện cam kết tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo Nghị quyết này, hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật Hình sự được hiểu bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh.

Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022 và được áp dụng cùng với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo