Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Saigon Co.op chan chứa nghĩa đồng bào trong dịch bệnh

Nhân viên Co.opmart Cư Mgar (Đắk Lắk) đóng gói hàng hóa cẩn thận để giao tận nhà cho khách.

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Thời gian qua, khi dịch bệnh căng thẳng thì các cán bộ, nhân viên của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) trở thành những “chiến binh” Saigon Co.op kiên cường, mạnh mẽ; họ đã tạm gác lại những toan lo trong cuộc sống riêng để cùng xông pha vào cuộc chiến chống “giặc Covid-19”. Tất cả cùng nhau viết nên nhiều câu chuyện phòng, chống dịch từ “tuyến đầu lương thực” đầy trách nhiệm.

Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân quan tâm nhiều về tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu hằng ngày. Thấu hiểu được nguyện vọng đó, các điểm bán hàng của Saigon Co.op đã tập trung tất cả nguồn lực nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân, bằng nhiều phương thức bán hàng như trực tiếp, gián tiếp, trực tuyến, mua hộ, mua chung… phù hợp với điều kiện dịch bệnh. Công việc này được thực hiện khá tương đồng ở tất cả các điểm bán hàng thuộc hệ thống trong cả nước.

Niềm vui ở khâu nhận đơn hàng

Nhân viên ngành hàng Hóa mỹ phẩm Co.opmart Bảo Lộc Hà Thị Thùy Dung chia sẻ, công việc thường ngày của mậu dịch viên là tiếp cận, tư vấn trực tiếp với khách để bán được hàng, khi dịch bệnh thì chỉ nhận đặt hàng trực tuyến, nên dù đang làm gì thì mắt cũng không rời màn hình điện thoại để theo dõi các đơn hàng. Đôi lúc đơn hàng bị thiếu một vài món, nhân viên phải liên hệ khách để khéo giải thích và tư vấn để thay thế bằng mặt hàng khác tương tự. Khi gặp khách dễ tính thì chấp nhận ngay, nhưng cũng có người lại tỏ vẻ khó chịu, thậm chí phản ứng gay gắt. “Lúc đầu chúng tôi cảm thấy hơi ngộp khi thường xuyên gặp phải tình huống này, nhưng dần dà, việc xử lý đơn hàng trở nên trơn tru, các bộ phận đã phối hợp ăn ý với nhau hơn và có cùng một điểm chung là ai cũng mong khách được nhận những món hàng mình chọn sớm nhất có thể”, chị Dung tâm sự.

Co.opmart Xa Lộ Hà Nội chia nhỏ khu vực làm việc của khối hành chính để giảm rủi ro lây nhiễm chéo do tiếp xúc gần. Co.opmart Xa Lộ Hà Nội chia nhỏ khu vực làm việc của khối hành chính để giảm rủi ro lây nhiễm chéo do tiếp xúc gần.

Tại các điểm bán hàng của Saigon Co.op, hình ảnh những thùng hàng, xe đẩy, giấy đơn hàng, máy tính, máy in đầy ắp, âm thanh trò chuyện với khách qua điện thoại liên tục, nhân viên đi tới lui hối hả soạn hàng, tiếng gọi nhau í ới để trao đổi công việc…, tất cả đã vẽ nên một bức tranh sống động và nhộn nhịp như những ngày cao điểm Tết. Mỗi khi thực hiện thành công đơn hàng cho khách, mọi người dù có mệt nhưng vẫn không quên động viên nhau bằng tiếng cười và qua ánh mắt thân thiện sau lớp khẩu trang dày.

Tổng đơn hàng phát sinh tại địa chỉ cooponline.vn bình quân là hơn 3.500 đơn/ngày, tại app Saigon Co.op có thêm gần 2.000 đơn hàng, tỷ lệ giao dịch thành công trên 90%, doanh số mang lại từ mô hình kinh doanh trực tuyến bình quân mỗi ngày gần 3 tỷ đồng. Do vậy, cường độ và năng suất làm việc của cán bộ, nhân viên tại các điểm bán hàng của Saigon Co.op trong cao điểm dịch bệnh tăng hơn 200% so với điều kiện bình thường.

Nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả

Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết, các điểm bán hàng luôn thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K; phân lịch làm việc cho phù hợp với các quy định giãn cách xã hội; tăng cường kiểm soát chất lượng, đảm bảo trữ đủ các nguồn hàng thiết yếu; chia nhỏ các kho trung chuyển hàng thực phẩm tươi sống, nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy đường đi của hàng hóa; áp dụng nhiều phương thức bán hàng (Pick & Ship, online, app Saigon Co.op, phối hợp với các kênh đối tác giao hàng công nghệ, mua chung, đi chợ hộ…); điều phối nguồn lực phù hợp để phục vụ tốt nhất khách hàng; đi kèm với những chính sách chăm lo, động viên, khen thưởng người lao động kịp thời, chu đáo...

Hoạt động xịt khử khuẩn định kỳ tại Co.opmart Bảo Lộc. Hoạt động xịt khử khuẩn định kỳ tại Co.opmart Bảo Lộc.

Để bảo đảm an toàn cho khách hàng và nhân viên, các tổ an toàn Covid-19 tại cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát xuyên suốt lưu lượng khách hàng ra vào, theo đúng quy định về giãn cách và báo cáo ngay cho lãnh đạo đơn vị khi phát sinh các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Tại từng bộ phận, phòng, ban, đơn vị trực thuộc trong hệ thống đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh luôn phù hợp với tình hình dịch bệnh. Chẳng hạn, Công đoàn Văn phòng cơ quan Saigon Co.op đã vận động gần 2.000 lượt cán bộ, đảng viên, người lao động tại các đơn vị đến hỗ trợ trực tiếp tại các siêu thị ở khu vực TPHCM và 2 trung tâm phân phối Saigon Co.op tại Bình Dương.

Nhiều siêu thị đã thực hiện chia nhỏ rủi ro bằng cách bố trí ca làm việc của nhân viên chéo nhau; sắp xếp nhân sự nghỉ luân phiên tại nhà; khối văn phòng, khu ăn uống nội bộ cũng được chia nhỏ thành nhiều khu vực, giữa các bàn có vách ngăn; các khu vực đều được sử dụng phương pháp thông khí hỗn hợp, thông thoáng… điển hình ở Co.opmart Xa Lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) và nhân rộng ra các siêu thị khác.

Ban giám đốc một số siêu thị còn thuê nhà trọ gần siêu thị cho nhân viên ở xa nhằm đảm bảo tốt nhất công tác phòng dịch tại địa phương; chủ động làm việc với các cơ quan chức năng để phối hợp tổ chức các kênh giao hàng, kịp thời đưa hàng hóa thiết yếu đến từng gia đình; có nơi còn kiến nghị lực lượng quân đội hỗ trợ dẫn đường cho xe tải vào siêu thị giao hàng; thực hiện chương trình “giải cứu nông sản”; phát động phong trào “đi chợ giúp bà con khu vực phong tỏa” như các Co.opmart ở Đức Phổ, Bến Tre, Bạc Liêu, Tuy Hòa…

Nhiều lãnh đạo siêu thị đã lăn xả cùng nhân viên các bộ phận trong cao điểm dịch, như thường xuyên hỗ trợ quầy dịch vụ nhận đơn hàng qua điện thoại; đọc phát thanh trấn an và khuyến cáo khách hàng áp dụng các quy tắc phòng dịch; giúp nhân viên tươi sống cân hàng; trang bị thêm tủ cấp lạnh tại bàn giao hàng, vừa bảo quản thực phẩm tươi sống đến người mua vừa giảm áp lực cho bộ phận giao hàng…

Vừa qua, tại Chuỗi cửa hàng Co.op Food có sáng kiến tận dụng xe buýt thực hiện giao hàng cho các đầu mối mua chung, giúp cho việc kiểm đếm, phân bổ hàng đến tay người dân được nhanh chóng, chính xác hơn.

Tại quận 7, Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, Co.opXtra Tân Phong, Co.opmart SCA Crescent Mall đã có bước chuẩn bị tốt để Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 địa phương kiểm tra, thẩm định và chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn “Doanh nghiệp Xanh” để vừa phục vụ người dân được tốt hơn, vừa thí điểm cho việc chuyển dần sang trạng thái bình thường mới.

Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Lê Trường Sơn nhận xét: “Thời gian qua, các điểm bán hàng trực thuộc đã có nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh. Trong thời gian tới, đơn vị đang chuẩn bị đón đầu thực hiện phương án khai báo y tế điện tử tại các điểm bán, theo đúng chủ trương của lãnh đạo thành phố”.

Mô hình sử dụng xe buýt để giao các đơn hàng mua chung của hệ thống Co.op Food được người dân đánh giá cao. Mô hình sử dụng xe buýt để giao các đơn hàng mua chung của hệ thống Co.op Food được người dân đánh giá cao.

Không ít những hy sinh

Ở nhiều nơi xảy ra dịch, nhân viên của Saigon Co.op luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với rủi ro. Tại Co.opmart Phan Rí Cửa (Bình Thuận), nhân viên quản lý chất lượng Nguyễn Minh Trọng cho biết, lúc dịch bệnh bùng phát mạnh, anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý và quần áo, để phòng khi đơn vị thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc đi cách ly tập trung. “Khi về nhà, tôi cũng triển khai các biện pháp giãn cách với vợ con. Dù có lúc phải ăn riêng, ngủ riêng, dùng vật dụng riêng, nhưng tôi còn được gặp các con mỗi ngày, tôi thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn bao đồng nghiệp khác”, anh Trọng chia sẻ.

Đối với nhân viên Giám sát kho Co.opmart Bạc Liêu Nguyễn Bích Trâm, dù nhân viên đều được trang bị đồ bảo hộ, khử khuẩn thường xuyên nhưng vẫn có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Chị Trâm tâm sự: “Vì công việc phải tiếp xúc với nhiều tài xế giao hàng đến từ nhiều tỉnh thành khác nên gia đình rất lo lắng, sợ tôi bị nhiễm và còn khuyên tôi nghỉ làm... Nhưng tôi nghĩ mình còn trẻ, có sức khỏe, phải tiếp tục cống hiến cho xã hội, nhất là được phục vụ hàng thiết yếu cho nhu cầu của người dân, tôi thấy rất hãnh diện với bạn bè về công việc này”.

Còn chị Tuyết Nhi, nhân viên Kho thực phẩm tươi sống Saigon Co.op, dù đã bước qua tháng thứ 4 của thai kỳ nhưng vẫn đi làm bình thường từ 16 giờ đến gần 7 giờ hôm sau. Ngày cao điểm, chị vẫn cùng các đồng nghiệp tăng ca, tranh thủ ăn uống nhanh rồi lại tiếp tục công việc. Khi ban điều hành nhắc nhở chị giữ sức khỏe thì chị nói: “Nghỉ sao cho đành khi mọi người đang làm không hết việc, mà hàng thì còn nhiều quá”...

Hay trường hợp đôi vợ chồng trẻ Quỳnh Như và Thanh Hội thực hiện “3 tại chỗ” tại Trung tâm Phân phối miền Tây, đã tổ chức đám hỏi nhưng phải hoãn đám cưới do dịch bệnh. “Tụi em xem đây như là một kỳ nghỉ đáng nhớ của hai vợ chồng trước khi cưới, vì chưa bao giờ hai đứa được bên nhau 24/24 như lúc này, cũng nhờ vậy mà tụi em đỡ nhớ nhà hơn”, anh Thanh Hội hạnh phúc cho biết.

Là thành viên mới của Saigon Co.op, nhân viên quản lý chất lượng Co.opmart Hóc Môn Ngô Thị Thúy Loan xúc động chia sẻ: “Vì dịch bệnh nên mấy tháng liền chưa được về quê thăm nhà, tôi đã bật khóc khi nghe mẹ tôi nói “mẹ nhớ con” qua điện thoại. Còn bà nội tôi bao năm chỉ xài chiếc điện thoại phím cũ, năn nỉ thế nào cũng không chịu đổi, thế mà nay lại chủ động đi mua một chiếc điện thoại có chức năng gọi video để được nhìn thấy mặt tôi”…

Buổi tập thể dục trong khuôn viên khu lưu trú “3 tại chỗ” của Trung tâm Phân phối Saigon Co.op tại Bình Dương. Buổi tập thể dục trong khuôn viên khu lưu trú “3 tại chỗ” của Trung tâm Phân phối Saigon Co.op tại Bình Dương.

Những câu chuyện cảm động về sự xả thân, hy sinh của các nhân viên trong hệ thống Saigon Co.op còn rất nhiều. Tất cả cùng đồng hành, phối hợp với nhau để bảo đảm việc cung cấp nhu yếu phẩm đến với người dân một cách tốt nhất.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 Saigon Co.op đã thành lập Tổ công tác, nhằm hỗ trợ, chăm lo cho người lao động bị nhiễm Covid-19 được kịp thời, hiệu quả hơn. Đã có những “liệt sĩ Saigon Co.op” anh dũng hy sinh hay những người thân của người lao động bị nhiễm chéo từ nguồn F0 của đơn vị, đã vội vã ra đi, để lại những nỗi đau vô cùng tận cho gia đình. Đến nay, tại Saigon Co.op đã ghi nhận gần 1.150 trường hợp F0 phát sinh tại đơn vị; trong đó, 43,7% ca đã phục hồi; có hơn 600 F0 đang điều trị, cách ly tại nhà; hơn 300 F0 có triệu chứng và có 4 ca F0 đã không may...

Thực hiện sứ mệnh cao cả nơi “tuyến đầu lương thực”, những “chiến binh” Saigon Co.op đã làm việc với sự tận tụy và tin tưởng. Chị Ngô Thị Thúy Loan (Co.opmart Hóc Môn) bày tỏ: “Dù Covid-19 chưa qua, đau thương chưa dứt, nhưng mỗi khi mệt mỏi ngồi xuống, tôi ngẫm lại thấy tình người ở khắp mọi nơi trong mái nhà thân yêu Saigon Co.op này, từng gói hàng mang năng lượng yêu thương được giao đi, chắc hẳn, sự ấm êm rồi sẽ đến”.

Lê Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo