Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

91,55% đại biểu tán thành thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 15/11, với 91,55% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Luật quy định cụ thể về phạm vi bí mật nhà nước và người lập danh mục bí mật nhà nước.

Theo đó, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong 15 lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Lĩnh vực đầu tiên là thông tin về chính trị, gồm: chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chiến lược, đề án về dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thông tin có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội.

Thứ hai là thông tin về quốc phòng, an ninh, cơ yếu, gồm: chiến lược, kế hoạch, phương án, hoạt động bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chương trình, dự án, đề án đặc biệt quan trọng; tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng cơ yếu; công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, khí tài, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; sản phẩm mật mã của cơ yếu.

Thứ ba là thông tin về lập hiến, lập pháp, tư pháp, gồm: hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; thông tin về khởi tố; công tác điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án hình sự.

Thứ tư là thông tin về đối ngoại, gồm: chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển quan hệ với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế; tình hình, phương án, kế hoạch, hoạt động đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước; thông tin, thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa Việt Nam với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế; thông tin bí mật do nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế chuyển giao theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Một số thông tin về giáo dục và đào tạo (đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia; thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong và ngoài nước); về y tế, dân số (thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước…); về kinh tế; văn hóa, thể thao; tài nguyên và môi trường; tổ chức, cán bộ; lao động, xã hội; kiểm toán nhà nước; thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Luật quy định Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật nhà nước của Đảng. Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của tổ chức chính trị - xã hội. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lập danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.

Người lập danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định trừ Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng hai Bộ này trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 Chương, 28 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Các quy định của Luật này liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Luật cũng quy định một số điều khoản chuyển tiếp.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo